Chung một dòng sông

(Baohatinh.vn) - Như là một cây dừa bị trồng ở một nơi khô cạn, nước da ngăm đen và gương mặt rất rạng rỡ, lúc nào cũng cười để lộ hàm răng trắng ngần thật đẹp. Đó là hình ảnh tôi ghi nhớ về Sương, Sương Bến Tre.

Tháng trước, có công chuyện đi Vĩnh Long, khi xe đò đi ngang qua Mỹ Tho – tôi dự định sẽ dừng lại ở đây, qua phà đến Bến Tre thăm Sương, nhưng rồi thôi. Thời gian trôi qua vùn vụt, từ chuyến đi trước khi tôi còn là cô sinh viên trường sư phạm, lạ lẫm bước chân lên chiếc phà đầu tiên, ghé vào vườn dừa nước thăm cô bạn nhỏ đã 20 năm. Trên chuyến xe xuôi về miền Tây hôm đó, tôi cứ dự đoán là Sương không còn ở chốn cũ, vì tôi đã viết cho Sương vài lá thư, nhưng tất cả đều không được hồi âm.

Ảnh Vnmedia

Ảnh Vnmedia

Vậy mà Sương đã ở bên Mỹ. Lá thư của Sương gửi về Việt Nam cho tôi theo địa chỉ cũ. Con đường nhà tôi ở ngày xưa đã đổi tên, ngôi nhà cũng đã bán. Tôi theo Hân mua một căn nhà ở ngoại ô, nghỉ dạy, mở một sạp bánh kẹo nhỏ ở chợ Xóm Mới bán qua ngày. Lá thư đã tới tay tôi như một phép màu.

Thư gửi rơi trúng vào căn nhà của ông Sang - bạn của Hân. Buổi trưa khi ti vi đang phát sóng chương trình “Bảy sắc cầu vồng” thì ông Sang gọi điện tới: “Hân đó hả, có thư ở Mỹ gửi liên lạc đến đây nè!”. Tôi và anh suy đoán về lá thư lạc đó, vì tên con đường nhà ông Sang là tên con đường cũ nhà tôi, số nhà của ông trùng với số nhà cũ của tôi. Tôi pha cho Hân tách cà phê, nói với anh:

- Em đoán lá thư nhỏ Sương. Chỉ có nó mới gửi về địa chỉ cũ. Con đường đổi tên đúng 20 năm rồi mà!

Hân cười không tin:

- Cái đám Việt kiều bỏ nước là quên nguồn cội. Em không thấy cái đám bạn mới về nước thăm mình đó sao? Ai đời mấy năm trở về chê ỏng chê eo, ăn rau phải trụng nước sôi, đi chơi sợ muỗi cắn. Xòe xòe mấy tờ đô la cứ tưởng mình ngon... có đứa nào nhớ đến bạn bè để viết thư thăm hỏi sau vài chục năm bao giờ? Cách nói của Hân làm tôi cũng đâm ra nghi ngờ. Rồi anh dắt xe ra khỏi cửa, chiều nay anh có một cuộc hẹn với khách. Tôi gọi với ra sân:

- Anh nhận được thư, anh cứ gọi điện về nhà cho em biết nghe.

Hân đề cho xe nổ, gài số, nói vọng lại:

- Coi chừng thất vọng đó nghe!

Đúng 14 phút sau, chuông điện thoại reo, bên kia là giọng nói của Hân:

- Cẩm ơi. Anh đọc lá thư cho em nghe, thư của cô Sương đó “Lưu Cẩm ơi, nếu nhận được thư này thì trả lời cho mình theo địa chỉ sau... còn nếu ai được đọc thư này, xin cho tôi hỏi thăm cô Lưu Cẩm, giáo viên dạy văn ngày xưa, nay bán bánh kẹo ở chợ Xóm Mới”.

* *

*

Sương có một mối tình đẹp. Như thế nào là mối tình đẹp thì tôi không thể giải thích được. Nó không biểu hiện như một bông hoa nở bung từng cánh trong buổi chiều sương xuống lạnh. Đó cũng chẳng phải là những cuộc dạo chơi trên những thảm cỏ có lá vàng rơi rụng. Tình yêu là sự hòa trộn, là sẻ chia và có thể là cam chịu.

Tôi và Sương quen nhau trong một buổi giao lưu các nhóm văn thơ giữa Sài Gòn và Bến Tre. Buổi tối hôm đó, bên ngọn lửa bập bùng trong Công viên Tao Đàn, chúng tôi vòng tay thành một vòng tròn mà hát. Rồi khi tôi bất ngờ phát hiện ra cô bạn Bến Tre đang nắm tay mình xoay quanh đống lửa lại có nét mặt giống mình. Đêm hôm đó, tôi và Sương trở thành bạn. Nhưng khi quen Sương, tôi không thể hình dung ra cô bạn của mình lại có một cuộc sống buồn. Gia đình Sương chỉ còn mình Sương, bà nội và đứa em gái nhỏ. Có lẽ vì sống trong căn nhà như thế, nên Sương có nhiều tâm sự và những lá thư Sương gửi cho tôi dường như không bao giờ dưới vài trang. Trong những lá thư đó, Sương thường kể đến tên người con trai mà Sương yêu quý, anh chàng có cái tên gắn liền với miền đất sinh ra Sương - Bến Tre.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa gặp được Bến Tre. Tôi chỉ được “nhìn” thấy anh qua những dòng thư của Sương. Họ có cả một thời thơ ấu bên nhau, cùng học chung với nhau dưới mái trường tiểu học, cùng tắm chung một dòng sông và đôi khi cũng giận hờn vu vơ như bao cô cậu trẻ con khác trên cuộc đời này.

Anh chàng Bến Tre ấy tỏ tình với cô bạn thân thời nhỏ của mình theo kiểu anh đọc được trong một tác phẩm của Nhất Linh. Anh đi hái cả một nón hoa ngọc lan, rải quanh cửa sổ phòng nơi Sương ở. Đêm xuống giữa tĩnh lặng, hương ngọc lan tỏa ra dịu dàng một cách lạ kỳ. Nội chồm dậy hỏi:

- Sương ơi, con ra cổng xem mùi hoa lan ở đâu thế?

Sương bước xuống, rồi bước ra cổng. Trong ánh sáng của trăng non và cả của những con đom đóm nhảy múa, Sương thấy Bến Tre đứng lặng, Sương ngạc nhiên:

- Bến Tre, khuya rồi, anh đến đây làm gì?

Đôi mắt của Bến Tre như đã thu gom hết cả ánh sáng của những vì sao lạc. Đôi mắt nhìn Sương. Rồi anh đã nhào tới, hôn nhẹ lên má Sương, sau đó thì ù chạy. Bóng đêm đã khiến cho Bến Tre bị vấp té xuống ao cá bên cạnh. Đêm hôm đó, họ không thể nào quên.

Sống với những ngày tháng ùa qua, đôi khi tôi không còn kịp ngoảnh lại nhìn ở phía sau lưng mình. Có khi gặp một người quen trên phố, họ gật đầu chào, tôi bỗng tự trách mình không nhớ nổi một cái tên. Nhưng riêng với Sương thì tôi lại nhớ đến lần gặp mặt cuối cùng khi Sương đưa tôi ra bến phà, rời khỏi Bến Tre. Bộ đồ bà ba trong dáng người tí xíu ấy giữ vô vàn con sóng trùng khơi. Sương bắt tôi xách theo một giỏ toàn trái cây, rồi Sương tiếc rẻ:

- Bến Tre đi Cà Mau rồi. Không ta bắt ảnh lấy thuyền đưa mày đi thăm mấy vườn ổi, chôm chôm...

Tôi vẫy tay:

- Tao sẽ trở lại.

Lần trở lại đó không còn nữa. Và giữa lúc tôi không ngờ nhất thì lá thư của Sương gửi từ một chốn nghìn trùng.

* *

*

Sau ngày giải phóng, tôi thành một cô giáo dạy văn, có nghĩa là tôi đã đi trên con đường mình đã chọn. Tôi được phân công đến dạy ở một trường nhỏ, xa lắc ở Ninh Hà - một xã nhỏ thuộc huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nghề dạy học lúc ấy nghèo lắm, những bữa ăn của cô giáo, thầy giáo gần như chỉ có nước mắm chấm rau. Tuy nhiên, tôi có bên cạnh mình những em học trò hiếu học, dễ thương và rất yêu mến cô giáo của mình. Những thứ linh tinh trong túi xách mang theo đến miền quê xa xôi ấy, tôi có giữ lại lá thư cuối cùng và bức ảnh mới nhất của Sương. Trong lá thư ấy, Sương nói là bà nội Sương đã qua đời, còn đứa em gái của Sương đã đi lấy chồng. Rồi Sương cũng như tôi, khăn gói đến một ngôi trường nhỏ nào đó ở miền quê chằng chịt sông nước làm giáo viên.

“Sống một mình buồn lắm Cẩm ơi, may mà còn có học trò”, lời than của Sương đã không được tôi hồi âm và Sương cũng chẳng nhắc đến anh chàng Bến Tre. Tôi thầm hiểu mối tình hoa ngọc lan đó rốt cuộc không có kết quả. Có thể họ đã chia tay, có thể Bến Tre đã có vợ hoặc anh chàng Bến Tre ấy cũng đã vượt biên như bao người vào thời điểm ấy cứ leo lên những con tàu ra ngoài biển cả mà không định được hướng của mình. Tôi có gửi cho Sương một lá thư sau khi nhận được, rồi tuần sau, tôi đã bỏ trường trở về Nha Trang vì cơn sốt rét, dấu vết của những chuyến công tác xã hội để lại.

Nhờ trời, từ ngày nghỉ dạy, tôi dọn một sạp bánh kẹo ở Xóm Mới, bán buôn cũng có khách. Khách mua hàng của tôi lại chính là những cô giáo, bạn bè. Nhìn tôi tất bật buôn bán với gói bánh lớn, gói kẹo nhỏ, có người khuyên: “Sao Cẩm không xin đi dạy lại?”. Tôi cười, mặc dù trong thâm tâm tôi nuối tiếc những tháng ngày đứng trên bục giảng. Gần tết, hàng hóa nhiều, người mua lại đông hơn thường ngày. Tôi tíu tít mọi chuyện, hết ngóng thư của Sương, thư gửi từ mùa đông, bây giờ đã là mùa xuân rồi.

- Ở đây có bán kẹo dừa Bến Tre không cô? Tiếng một người khách hỏi, khi tôi đang ở dưới hầm sạp, xếp lại mớ hàng hóa mới nhận về để lộn xộn.

- Có chị ạ! Kẹo dừa Bến Tre có nhiều loại lắm. Chị thích mua...

Một người đàn bà đứng trước mặt tôi, cười với tôi. Và tôi đã nhận ra Sương, Sương Bến Tre.

Chiều hôm ấy, Hân ra phố mua về một cây mai tám cánh, anh nói đây là loại mai ở Bình Thuận. Tết năm nay, nhà tôi có khách quý.

Trong chuyến về, Sương không một mình. Người đàn ông có nụ cười như con gái bên cạnh Sương là Bến Tre. Sương đã có được người mình yêu dấu, có phải bởi Sương là một người con gái hiền hậu.

Đêm giao thừa, cả nhà tôi cùng Sương và cả anh Bến Tre sẽ lên chùa hái lộc. Tất nhiên, tôi sẽ hỏi han cặn kẽ hơn về hơn hai mươi năm trong cuộc đời. Cả hai đứa con của Sương đang ở lại Mỹ, chưa về chung với ba và mẹ chuyến này.

Sáng 30, khách rất đông, những người buôn bán thường tận dụng thời gian này để kiếm thêm ít tiền. Nhưng sáng 30 năm nay, sạp bánh kẹo của tôi không mở cửa. Tôi còn bận chở Sương đi uống cà phê, chỉ có tôi và Sương.

Hân cười nói với tôi: “Quả là mùa xuân lạ phải không Cẩm?”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast