Chuyện của mẹ

Tôi nhớ ngày anh nhất cưới vợ. Đám cưới không đưa dâu từ nhà gái sang nhà trai mà đưa từ cơ quan chị Tú sang nhà tôi ở làng vùng chiêm trũng.

Lẵng nhẵng ô tô chở khách đi gần một tiếng đồng hồ từ cơ quan chị Tú đến nhà trai. Thường ở quê, người làng lấy nhau đơn giản như không. Còn đám cưới của anh Nhất - chị Tú quả là nhiêu khê. Chị Tú quê ở xa, do manh mối thế nào yêu anh Nhất, hồi đó là công nhân xí nghiệp gỗ, rồi cưới nhau. Họ được cơ quan giúp đỡ, biến luôn cơ quan chị Tú thành gia đình nhà gái. Bố chị, mấy người nhà lên dự cưới, ăn ở mấy hôm trong cơ quan rồi hòa nhập luôn vào đó. Đám nhà gái và người cơ quan lẫn lội với đám nông dân quần gụ, áo cánh, khăn mỏ quạ bên nhà trai thành một tổ hợp đông đúc, nêm chật khó xử.

Tại hôn lễ, bố tôi đứng ra điều binh khiển tướng chào hỏi đáp lễ rất đàng hoàng, tử tế. Tôi hài lòng vì bố không làm bẽ mặt nhà trai. Tôi ngầm so sánh anh Nhất với chị Tú. Anh Nhất gầy đen, cao lêu đêu, lặng lẽ như một người câm, anh ăn nói lúc nào, hoa hoét đến đâu mà “cưa” được chị Tú tóc dài, da trắng, khuôn trăng trái xoan và nói cười tươi thế? Mẹ chỉ thích anh trai cả lấy một cô nhà quê xóm dưới làng trên thôi. Dù khác thôn, khác xã thì đi lại, ăn nói cũng dễ, bỗ bã thế nào cũng xong, lại còn có chuyện để mà đưa đẩy, để mà sai bảo. Đằng này, anh Nhất phá cả tập tục, chuốc lấy một cô ăn trắng mặc trơn, ngồi bàn giấy, lại xa lắc xa lơ tận quê nào.

Là con trai cả, anh Nhất cũng đã sắp sẵn ý tưởng lâu dài là sẽ sống với bố mẹ tôi, sau này bố mẹ già, vợ chồng anh sẽ đảm đương gánh vác trách nhiệm lớn nhất. Nhưng, kết cục là vậy? Con dâu mẹ đã chính thức nhập tịch tại gia. Từ lòng bà mẹ nhà quê đã lại trỗi lên một niềm thương khi có chị Tú về. “Dâu là con”, mình cũng có tuổi trẻ làm dâu ngày xưa, từng chịu nỗi cực, nỗi khổ của cảnh làm dâu. Mẹ nhìn chị Tú bằng đôi mắt thông cảm.

Ngoài việc lo cơm nước cho cả nhà, mẹ còn lo cho cả vợ chồng anh Nhất. Khi hai vợ chồng đèo nhau bằng xe máy đi làm từ cơ quan trên thị xã về, trút bỏ quần áo ngoài ra, là chị Tú xuống bếp giúp mẹ ngay. Chị cũng oằn lưng gánh nước, rửa rau, rửa bát. Tay chị thoăn thoắt xoay chiếc xơ mướp rửa từ trong ra ngoài bát trắng sạch như mới. Nhưng, có lần chọn bát từ chạn ra, chị bỗng quay sang mẹ: “Mẹ có rửa, lần sau đừng để vết nhọ nồi dính vào bát như hôm qua nhé!”. Nói xong, chị lau tay lên nhà ngay. Tôi thấy mặt mẹ bỗng xịu lại. “Dâu là con, nhưng con dạy mẹ...”, một luồng nộ khí xông lên mặt bà. Nhà toàn đàn ông, chỉ có mẹ và chị Tú là có thể hòa chung giọng điệu chuyện trò. Nhưng đêm về, tôi thấy chị đọc sách nhiều hơn. Những phút mẹ và chị ngồi trò chuyện không lâu. Chuyện quê chị, mẹ không hiểu. Chuyện trong làng, chị không tường lắm, nghe lọt tai này sang tai kia. Có lúc trán mẹ cau lại, muốn buông thõng với chị một câu gì kẻ cả, sai bảo, nhưng thấy chị tóc tai chải gọn, bỏ tài liệu vào túi định đi, mẹ lại lúng túng.

Lần ấy, chị đánh vỡ hai chiếc bát. Mặt sậm lại, mẹ buông một câu: “Con làm ăn thế, không xót của hả Tú?”. “Con xin lỗi, con sẽ mua bù vào đấy”, chị dâu tôi phân bua. Sau đấy, mấy lần dọn cơm ra thấy thiêu thiếu, mẹ lại đưa mắt ngóng ngóng như hỏi “bát mới mua đâu?” nhưng chị Tú không để ý. Chị tranh thủ mời cả nhà xơi cơm để “chiều nay, con còn tranh thủ lên cơ quan đi họp đúng giờ”. Lần khác, chị đánh vỡ chiếc phích. Lần này, mẹ không nói gì. Mấy ngày liền, tôi biết mẹ rất buồn, bỗng dưng nhịn cả ăn trầu sáng không buồn đi mua nữa. Trong thái độ nhẫn nhục im lặng của mẹ, tôi biết mẹ muốn nhắc con dâu mua chiếc phích mới về. Mẹ không thốt ra ý nghĩ đó với ai. Chỉ có tôi hiểu, bèn nhắc nhở anh Nhất. Chị Tú mới “à, con quên khuấy đi mất”, đi mua vôi chiếc phích mang về. Hồi bao cấp xưa, chiếc phích trong nhà là một tài sản lớn. Mẹ cả nghĩ, nhà nghèo, càng có thời gian rỗi chọ mẹ vân vi về những điều đó. Chị Tú thì vô tư quá, lại chật thời gian.

Thời gian của chị là để chăm chú vào mấy quyển sổ làm đêm, học thêm. Mẹ nói với tôi: “Cái Cần con bà Lang siêng năng hơn, ăn nói không điệu đà như cái Tú”, nói thế bởi nhiều buổi tối, mẹ đã lần sang bà Lang ngồi tỉ tê thâu đêm mới về. Có hôm đi làm về, chị Tú quên tạt qua chợ mua thức ăn, đưa tiền cho mẹ bảo “mẹ mua hộ con”. Cầm tiền mà cảm giác mình như trẻ con được sai bảo, nhưng mẹ vẫn đi. Trong dáng đi uể oải đó, tôi biết mẹ đang hờn dỗi. Có những hôm, chị đứng trước gương ngắm nghía mãi đằng trước đằng sau. Chị xoay người nhìn mãi xem cách ăn mặc như thế đã được chưa? Chị đi rồi, mẹ còn nhìn theo bĩu môi, lắc đầu quầy quậy.
Dịp Tết nọ, mẹ bảo với bố:
- Ra giêng, bảo thằng Nhất xin nhà tập thể cơ quan rồi vợ chồng nó dọn lên thị xã mà ở riêng ra đi thôi. Tôi nhức đầu lắm!
- Nó là con trưởng, để nó đi đâu? - Bố hỏi lại.
- Chả phải trưởng với thứ gì. Còn ba thằng lộc ngộc kia, ở với đứa nào chẳng được.
Chị Tú đi, mẹ lại thiếu vắng. Trước mắt, chồng và ba bằng con là đích để mẹ hầu hạ suốt ngày từ quét dọn, đi chợ, con lợn, con gà... “trăm thứ bà rằn” đổ lên đầu mẹ. Mệt tưởng đứt hơi, nhưng tối về, rảnh một chút mẹ lại sang nhà bà Lang. Sang nhiều, bà Lang đâm ra cũng tiếc cả miếng trầu, nói mát: “Chị mang tiền sang góp mua trầu cau, chị em mình cùng nhai nhé!”. Mẹ ngượng cười, hôm sau chuyển cáu bẳn sang anh Nhị:
- Mày cưới nhanh lên. Nhưng là con dâu làng đấy nhé. Không cần đẹp.
Anh Nhị nhăn nhó:
- Tiền đâu? Bà có tiền cưới vợ cho con không?
- Tao vay, tao lo. Mày cứ mang nó về trình diện đi.
- Chưa công ăn việc làm vợ con gì?

Anh nói như đùa mà là nghiêm chỉnh. Ba mươi tuổi đầu mà như đứa trẻ lên mười. Không làm nghề gì, nên không tiền. Muốn hút điếu thuốc, phải ngửa tay xin. Không xin được, sang nhà hàng xóm kéo thuốc lào. Không thích làm ruộng, chỉ xí xớn thích làm công nhân. Học xong trung cấp cơ khí, ra trường chạy tốc lên không xin được việc quay ra chửi hỗn bố mẹ “đồ nông dân cú đỉn”. Anh Thạo, cán bộ văn hóa ủy ban xã tham mưu “muốn xin việc hả, chồng tiền ra đây, anh lo hộ”. “Anh cứ đùa thằng em”. “Tao lại thèm đùa với mày?”, anh trợn mắt lên. Túng quá, anh Nhị tót một chuyến lên tận Sơn La cho thỏa chí tang bồng, ngửa cái bằng trung cấp xin được một chân ở Công ty thủy nông trên đó, rồi cưới luôn chị Vừ - giáo viên cấp một người dân tộc, an tâm “an cư lạc nghiệp” ở vùng cao. “Xa một chút nhưng xuôi rồi, đạt nguyện vọng”, anh bảo thế. Mẹ tôi không thấy mặt con dâu, buông tiếng thở dài tiếc rẻ nhưng rồi lại bảo tôi: “Cũng được. Anh mày đã yên bề gia thất, mừng cho nó”... Nhưng, yên bề đâu? Là thợ cơ khí, để máy bị “lột biên”, anh vừa phải bồi thường vừa chịu kỷ luật chuyển sang gác cổng. Chị Vừ thật thà, lại đang kỳ sinh nở, giận toáng lên. Chị không cho chồng một xu tiền bồi thường. Chị lại thấy chồng không còn danh giá gì nữa bèn tuyên bố ly hôn, chị một mình nuôi con. Cả anh cả ả không chịu nhường nhau. Thanh toán chế độ “một cục”, trả nợ xong, anh Nhị tôi phải nghỉ luôn. Thế là mấy năm sinh sống tại Sơn La, bây giờ anh lại tay trắng về quê, tuyên bố “không thèm vợ con gì nữa”.

Đến lượt tôi, mẹ bảo: “Thằng Tam không phải mò mẫm tìm hiểu. Tao đã nhắm cho mày lấy cái Hiền con bà Đa người xóm Ngoài. Bà ấy là bạn thân với tao, tình nghĩa từ bé. Cái Hiền hơi đen một chút nhưng mà ngoan, con nghe mẹ...”. Tôi “ớ” người. Bà Đa thì đã hẳn. Một lát trầu, một quả cau cũng chia đôi với mẹ. Đi họp đội sản xuất, đi lễ cũng gọi chờ nhau. Nhưng, cô Hiền? “Nhất dáng, nhì da, thứ ba đường nét”, trong ba thứ ấy, cô được thứ gì? Nhưng mẹ bảo: “Nó khỏe, ngoan”. Bấy giờ tôi mới để ý. Ờ, phải. Với người già, Hiền hầu như một điều “vâng”, hai điều “dạ”. Với đám con trai, bạn gái nhích hơn một tí, Hiền lúc nào cũng tỏ ra mình chỉ đáng đàn em. Tính khiêm nhường đó tôi thấy cũng được. Vả lại, tôi cũng chỉ là anh “chân cứng đá mềm” nơi đồng đất. Tôi không lý thuyết như anh Nhị, hết phổ thông là ở nhà làm ruộng.

Chú Tứ sau khi giải ngũ ở biên giới trở về bị một vết sẹo ở má, lệch cả mặt. Chú bảo với tôi, giọng khinh bạc: “Em không lấy vợ. Con gái là cái cóc khô gì?”, miệng nói, mặt soi vào gương. Mẹ lo và thương nhất chú ấy. Mẹ la lên: “Đui què mẻ sứt gì cũng được, mày lấy đi cho tao nhờ. Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn con à”. Anh em tôi cũng hùa vào mai mối, khuyên giục. Nhưng, trêu với cô nào, chú ấy cũng cười khinh bạc. Trêu cô Đa với chú ấy, cô đỏ mặt lắc đầu ù té chạy. Trêu với cô Nhạn, cô ấy còn chửi trả tức tối. Những cô quê một cục ấy, không hiểu vênh váo nỗi gì? Tứ nhà tôi bỉ trai, da hơi sạm, nhưng bù lại là hiền lành tốt nết và có sức khỏe. Đàn bà không hiểu sức vóc ấy là trụ cột gia đình sao? Tứ tuyên ngôn rõ rành trước những lời khuyên: “Vợ con không lo. Lấy lúc nào nên lúc ấy. Không vợ cũng chẳng chết ai!”.

*
* *

Hai thằng con râu dài bằng bố nhưng vẫn chưa tách hộ. Một thằng vợ bỏ. Một thằng chưa vợ. Máu thích thoát ly đến già vẫn chưa nguôi ngoai, nên giờ đây, tuy nhận mấy sào ruộng khoán của hợp tác xã, nhưng anh Nhị chỉ làm chiếu lệ. Anh làm cửu vạn để lấy tiền thuê thợ cấy, thợ làm cỏ... đến mùa nộp thóc thuế cho hợp tác xã. Anh bảo: “Làm cửu vạn nhếch nhác một chút nhưng vui. Xong chuyến, ngồi hút điếu thuốc lào, làm chén rượu, tán gẫu còn hơn lội bì bõm dưới ruộng”. Chú Tứ khi thì làm thuê thịt chó cho ông Mai chủ quán “cầy tơ các món”, khi thì phụ vữa cho anh cai thầu xây nhà, khi nữa chở cá thuê cho thằng Tự buôn cá trên chợ. Tiền công trả thế nào cũng xong. Nhiều lúc thằng thuê cười cợt chiêu đãi một bữa rượu nhạt, chú ấy cũng gật. Lo ngày hai bữa cơm, hết phận sự. Ngày nào cũng ra khỏi nhà, lúc nào cũng thấy có việc, nhưng trong túi chỉ những đồng bạc lẻ. Bố tôi yếu, nên việc đồng áng chất lên vai mẹ. Hầu như ngày nào bà cũng ở ngoài ruộng. Mãn ngày, bà xuất hiện ở đầu ngõ với quần xắn cao, vai vác cuốc, tay ôm bó rau muống, rau dền, bó dọc mùng, mệt mỏi đến không buồn chào nói, lặng lẽ chui vào bếp. Anh Nhị, chú Tứ không mấy khi đưa tiền chợ cho bà, hoặc hôm trước đưa, hôm sau ngửa tay xin lại. Những lúc đó, mẹ tôi véo vào má họ, rít lên: “Rõ, đồ trẻ ranh...”
Ông bà cho vợ chồng tôi làm cái nhà ngang chung sân để ông bà, con cháu sớm tối có nhau. Vợ tôi hiền như tên thị, nhưng hà tiện đến giật giải. Chả là đã thành quen, thỉnh thoảng mẹ lại cầm bát sang nhà tôi than thở:

- Cho tao xin ít dưa. Không muốn muối nữa. Vừa muối một vại cà, một vại dưa chưa kịp chín tới là thằng Nhị, thằng Tứ dẫn bạn đến nhắm rượu hết veo.

Vợ tôi cười như mếu, cầm cái bát đi lấy cho bà bát dưa õng nước. Khi bà vừa quay đi, Hiền đã chuyển nguýt sang, cứ như tôi là thủ phạm. Tôi đứng giữa ngã ba đường thương mẹ thương vợ. Nghe vợ tôi “vâng dạ” ngọt xớt, ai mà chẳng quý, nhưng những lúc đụng vào của nó một cọng dưa, một quả cà, nó sa sầm mặt lại, liệu ai còn thương? Cơm gạo, rau dưa thị kiếm ngoài đồng. Cả miếng thịt, miếng cá, thị cũng nuôi bắt được. Nhưng tiền điện, tiền nước, tiền học hành, quần áo của thằng Hải, cái Hà, các khoản đóng góp khác tất tần tật trông vào hạt thóc. Vừa mua được cái quạt điện, thị đã nghĩ đến cái tivi màu. Thị nói là thương tôi, nhưng “kịch” lắm cũng chỉ cho chồng hút thuốc Du lịch, nhắm rượu với đậu phụ. Tôi thử lòng thị, bèn hỏi:

- Mình thương anh, không thương bố mẹ à?
- Anh hỏi gì mà buồn cười. Không thương? Không thương mà lại cho? Nhưng xin nhiều quá, ngày nào cũng cầm bát sang, đâm ra thành tật. Xin dưa cà, xin nước mắm, xin than củi, xin diêm, xin quả cà chua, xin thìa mỡ, xin bánh xà phòng... sốt cả ruột. Đấy, nói chưa roá mồm, bà lại sang kia kìa.

Mẹ lại chìa cái bát to tổ bố ra khiến ruột tôi cũng thắt lại:
- Phải có tí nữa cho xong bữa cơm. Hôm qua mưa, mẹ không hái được rau ngoài đồng.
- Thế chiều nay nhà cháu ăn gì? - Thằng Hải đang học bài sớm biết tiếc của, hét lên rất hỗn.
- Rồi lúc khác bà đền - Mẹ cười đấu dịu - Tiên sư cả “lò” nhà mày ky.
- Mẹ nói thế nghe có được không chứ? - Hiền lại trút giận sang chồng - Rõ là “chó cắn áo rách”. Sao không hé mồm ra mà xin nhà anh chị Nhất?
- Cô bảo ai chó? Cô dám chửi mẹ tôi đấy à?

Một câu nói hỗn ở một người hiền càng nâng giá, tôi tức khí tát thị một cái nẩy đom đóm mắt. Thị ôm mặt khóc hu hu.
Nghe tiếng, anh Nhị nói vóng sang:
- Chúng mày tập võ đấy à?...
- Đánh cho chừa cái thói hỗn láo đi! - Tôi thanh minh.
Mấy ngày sau, mẹ đã sang làm lành với Hiền:
- Bà sang đền cho các cháu đây. Rồi tao nói cho cái Hiền nghe. Sáng nay, tao ngồi ôtô lên thị thăm vợ chồng thằng Nhất. Tao hái đưa cho hai thằng con nó bốn quả hồng xiêm, nhưng tao tính là phải lấy lại bằng được nhà nó gói kẹo, gói bánh về làm quà cho hai đứa con nhà mày. Nhà nó bánh trái không thiếu. Tao không có tiền, đành “của người phúc ta” vậy thôi. Bánh kẹo bà đền cho thằng Hải, cái Hà đây.
- Thế mẹ đã đủ tiền sắm chiếc áo đi lễ chưa? - Hiền lại toe toét - Sao cứ định mãi thế?
- Không mua được cho mẹ thì ngậm miệng đi, lại còn khơi mào... - Tôi trừng mắt.
- Thì anh mua cho mẹ đi - Thị lườm sang - Nếu không, có giỏi lên nhà anh chị Nhất hỏi hộ mẹ. Em cược đấy.
Đúng. Tôi phải lên thị xã thăm anh chị Nhất một chuyến.

Căn nhà bốn tầng của anh chị có bấm chuông mới đẩy được cửa. Qua cửa vào nhà là phải dè chừng nhân viên bảo vệ là con chó to xích ở cửa. Phải tháo giầy dép và chọn lấy đôi dép đi trong nhà để chực ở bậu. Phản xạ tự nhiên đối với khách là phải phủi sạch quần áo, sửa lại cổ áo cho nghiêm chỉnh rồi mới bước tới ghế đệm. Êm đít, dễ chịu ở làn da khiến khách phải nghĩ xem cách ăn nói thế nào cho lịch sự hợp với khung cảnh. Nếu có cử chỉ không đẹp, gương tủ sẽ cho khách nhìn thấy mình xấu. Uống bia hay Côca côla, hút thuốc Vina hay 555 khiến khách phải có ý tôn trọng chủ... Tuy nhiên, là người nhà, anh chị Nhất không đặt ra lệ gì. Tôi đưa nguyện vọng của mẹ. Tiếng nói của tôi tự tiếng kẻng tan lớp, như hồi chuông đồng hồ báo thức khiến chị Tú “òa” ra, ngơi hết công việc, xăng xái đi tìm chìa khóa mở tủ. Ngồi bàn nước đưa mắt nhìn sang, tôi thấy cơ man vải vóc, áo quần treo trong tủ như ở những hiệu may quần áo.

Chị lục một lúc và đưa ra một mảnh lụa màu mỡ gà:
- Mảnh này may áo cho mẹ có tuyệt không chú? - Chị hỏi, rồi cười hồn nhiên.
Mân mê hồi lâu mảnh lụa màu mỡ gà, tôi thấy tay mẹ run run. Bàn tay sần sùi cóc cáy bỗng dưng sáng lên nhờ mặt lụa. Mảnh lụa ấy may thành áo, mặc vào sẽ mát hẳn lên, sẽ phủ óng mượt vòm ngực khô gầy, làn lưng cong, cánh tay xương xẩu trên người mẹ. Ra chỗ hội lễ, những nét nâu sồng, bùn đất ở bờ chuôm, ao ngòi sẽ được phủ kín, may ra chỉ còn khuôn mặt mẹ khô gầy. Quả nhiên, mặc áo vào đi lễ, ai cũng khen. Mẹ lặng lẽ thưởng thức niềm vui.

Sau lần tôi lên truyền thông điệp, thì sau đó thường mỗi tháng, vợ chồng anh chị đều đặn cử người về quê thăm nhà một lần. Có lần cả nhà cùng picníc về. Họ về là căn nhà bố mẹ tôi vui như hội. Vui bởi đông tiếng nói cười, màu quần áo, tiếng xe cộ, mà còn vui vì anh mang về khá nhiều quà. Ngoài quà chính thức biếu bố mẹ, còn có quà phụ là những chai rượu uống dở, bao thuốc lá mở nắp, gói cà phê vơi nửa, những bộ quần áo người lớn, trẻ con còn tốt nhưng đã lạc mốt... Anh Nhị, chú Tứ cười vui:

- Người nhà không có gì câu nệ, bao nhiêu cũng dùng tốt. Bọn em xài cho.

Có cà phê uống, có Vinataba vắt vẻo trên môi thả khói vòng tròn ngồi trong đám chắn cạ, thực bõ cho những ngày rít thuốc lào rát cả họng phả khói ra mù nhà. Đám trẻ nhà tôi bộc lộ niềm vui không giấu diếm. Chúng nhẩy cẫng lên khi được vận những bộ quần áo cũ còn mới của anh Thắng, anh Toàn con bác thải ra. Mặc dù dịp Tết nào, tôi cũng sắm cho chúng áo trắng, quần xanh sĩ lâm, mỗi đứa đủ hai bộ thay nhau, nhưng hầu như “hàng tài trợ” về là chúng liền “có mới nới cũ”. Hai đứa mặc vào, đứng làm dáng soi gương như người lớn. Mặc mấy ngày liền, mẹ chúng bảo giặt chiếc quần bò ấy đi, nhưng thằng Hải cũng không chịu. Đi học về, chúng mừng rỡ khoe là được bạn bè trầm trồ khen về bộ cũ mới... Anh Nhất ngày xưa cao gầy lêu đêu tựa con cá mắm, nhưng từ khi được vợ xin cho chuyển sang làm nghề lái xe cho thủ trưởng, người đã đẫy lên trông thấy, cả dáng vóc cũng bệ vệ hẳn. Anh bảo lái xe con bây giờ bận rộn bằng mấy ngày xưa. Lúc nào cũng túc trực 24/24 giờ bên máy điện thoại cầm tay để nghe lệnh thủ trưởng. Đi ngày thường, chủ nhật cũng đi, đi qua đêm cũng không còn chuyện lạ. Lúc đi họp, ngồi ngoài xe chờ hàng buổi, lúc đi chơi chờ thâu đêm, nhưng bù lại có thu. Anh nói “tỷ lệ phong bì của anh so với “sếp” cũng gần như 1:1”. Cho nên về một phương diện nào đó “tao cũng ngang sếp”. “Bọn nhân viên chỗ tao không ăn thua, cày nát óc nhưng thu không bằng tao. Anh mày không đơn giản đâu các chú em ạ”. Anh cười tít mắt, hồn nhiên và tự hào, lây tự hào sang cả nhà, đặc biệt là chú Tứ chạy khắp quanh nhà hoan hô, vỗ tay đồm độp.

Lần bố tôi ốm vừa ngồi dậy được, anh chị Nhất về, mang về bao nhiêu đường sữa, mấy chai rượu bổ.
- Sao bảo con đi công tác tận đâu? - Mẹ hỏi chị Tú.
- Con mới về.
- Vợ chồng cho bố mẹ quà thì tao xin. Mua làm gì nhiều cho tốn kém?
- Cơ sở họ biếu đấy mà - Chị Tú hồn nhiên.
- Của biếu à? - Mẹ lắc đầu - Nhưng... uống thuốc không mất tiền có khỏi bệnh không hở ông? - Mẹ quay sang bố.
- Mẹ mê tín thế? - Chị Tú cười.
Cảnh tượng ấy lọt vào mắt Hiền. Mặt thị sậm lại. Lạ thế. Không cho mẹ được gì, nhưng chị dâu cho, em dâu lại hờn tỵ? Hiểu tính thị, tối đó, mẹ lại đã mang sang nhà tôi cân đường:
- Bố mày dặn san bớt cho mẹ con nhà mày một ít, hoa thơm cùng ngửi. Bồi dưỡng cho thằng Hải, cái Hà học thêm.
- Mẹ có lấy dưa không? Con vừa muối hôm kia, ăn được rồi - Thị lại đon đả.

*
* *

Vết sẹo ở mặt không làm gì nổi khi mà Tứ và bạn gái của chú ấy đã quyết lấy nhau và đã ra ở riêng, thì đến lượt bố tôi mất. Căn nhà của bố mẹ, vợ chồng tôi lâu nay vắng khách bỗng chốc trở thành nơi tụ họp của tình nghĩa xóm giềng. Căn buồng rỗng chiếm một phần ba diện tích là dành cho bàn thờ vái cái quan tài. Khách đến chia buồn ngồi hai ba dãy ghế ngoài sân, một số đứng, số còn lại ngồi bên nhà tôi.

Không phải bây giờ mới có nghị quyết cưới tang theo nếp sống văn hóa, mà làng tôi từ lâu đã có lệ: bất cứ một đám hiếu nào, tất cả bà con họ hàng anh em nội ngoại của gia chủ - từ đứa trẻ con mới biết ăn đến các cụ còn sống, đều kéo đến đánh chén một bữa không phải tiền phúng gì. Bà con trong xóm ngoài làng chỉ đến uống nước ăn trầu. Luân phiên như thế giữa dòng họ này, gia tộc kia, nên khi có đám, không ai cho ai, nhưng cũng không ai chịu thiệt. Bây giờ đến lượt nhà tôi. Mẹ khóc cạn cả nước mắt, đôi mắt mẹ trở nên đờ đẫn và lo lắng, mặt hốc hác. Mẹ chạy ra chạy vào nhận những lời chia buồn, đáo qua chỗ đám làm cỗ. Trong dáng điệu im lặng nhẫn nhục, tôi biết mẹ đang cầu trời khấn phật mong cho mọi sự qua đi một cách êm thấm không để lại điều tiếng gì. Anh em tôi gom góp được ít tiền làm tang cho bố cũng mong sao cho trọn nghĩa.

Bỗng, một chiếc Toyota màu trắng của ai bất ngờ đỗ xịch trước cổng nhà tôi? Chúng tôi giật nẩy lên ngạc nhiên và lo ngại. Bà con đang ngồi uống nước ăn trầu im bặt lại, ngơ ngác nhìn ra. Mặt mẹ tôi bỗng chốc tái đi. Tôi nghĩ cả đời nhà tôi sẽ không có bóng chiếc ô tô nào đi qua ngõ cả. Tỏa ra từ chiếc ôtô trắng ấy là rất đông những người nam có, nữ có, diện áo trắng sơ vin đang bước vào sân. Sau đó một lúc, lại nghe tiếng xe máy. Rồi lần lượt rất đông những chiếc xe máy chở hai người một đỗ xịch trước ngõ. Tưởng có cuộc tập kích nào, nhưng kìa, chị Tú đã xuất hiện - như người tiền trạm, đi kèm một người đàn ông đứng tuổi, đeo kính, tóc chải mượt đang đi vào. Anh Nhất chưa nói gì về chuyện chị Tú về muộn, bây giờ lặng lẽ ra đón. Tôi đã yên dạ. Chị Tú đi lên trước, bước tới nói nhỏ vào tai mẹ. Mặt mẹ lại tái nhợt. Có phải mẹ đã vỡ ra điều gì và đang cuống lên không hiểu tiếp đón và cho đoàn người này ăn uống gì cho xứng?

Mẹ chạy xuống bếp nói bâng quơ “làm sao bây giờ?”. Nhưng, người đàn ông đứng tuổi đeo kính, sau khi nhoẻn một nụ cười thoáng chốc, bỗng đã từ tốn:
- Thưa mẹ, chúng con là đồng nghiệp bên cơ quan anh chị Tú. Nghe tin bố chồng chị mất, cơ quan tổ chức cho anh chị em đến thăm viếng cụ, gửi lời chia buồn cùng gia đình.
- Thế ạ. Cám ơn các bác quá!... Xin mời... các bác uống nước xơi trầu...

Đám bên cơ quan, người gật đầu, kẻ không nói gì. Tất cả đều đứng vì họ ngại ngồi trên những chiếc ghế bụi bẩn, sẽ lem áo quần. Người đàn ông đứng tuổi phẩy khẽ tay, tất cả họ nghiêm cẩn xếp thành hàng sau ông dâng hương hoa, thắp nhang vái lạy vong linh người đã khuất. Vái lạy xong, mỗi người đều rút từ trong túi áo ra những chiếc phong bì xếp thành chồng đặt lên bàn thờ thành một tập cao dần, cao dần lên cho đến khi hết lượt tất cả. Đám nông quê có mặt đều mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên, tim cứ nhảy lên thon thót. Anh Nhị, chú Tứ bây giờ mới chứng tỏ khả năng, tỏ ra biến báo và cẩn thận, bất chấp nghi lễ, họ lẳng lặng cầm cho với bớt chồng phong bì cất đi.

Khuôn mặt căng ra, mẹ nói trong gấp gáp:
- Cám ơn các bác. Cám ơn cơ quan. Mời các bác cơ quan ở lại uống chén rượu nhạt với gia đình chúng tôi ạ...
- Cám ơn mẹ - Người đàn ông đứng tuổi đeo kính - Anh chị em trong cơ quan mỗi người một việc, tranh thủ về để còn đi chỉ đạo cơ sở ạ. Thay mặt cơ quan, chúng con xin phép ra về.
Tiếng ôtô xe máy nhất loạt nổ, rồi phút chốc cả khoảng sáng khoảng ồn đó biến mất, để lại màu xám cố hữu của đám hiếu. Thanh la, não bạt trở lại vai trò làm chủ...

Sau đám tang, mẹ tôi như vừa trúng xổ số. Mẹ rỉ tai vợ tôi: “Được ngót mươi triệu mày ạ”. Mắt Hiền lóe lên như có ngọn đèn trong mắt. Sau phút thảng thốt, mẹ ngồi lặng như pho tượng, mắt trân trân nhìn vào khoảng không. Mẹ rỉ tai con dâu “Có tiền thật, nhưng tao thấy thế nào ấy. Chỉ biết thế thôi nhé!”. Mấy hôm sau, tôi thấy mẹ cứ suốt ngày ra vào không yên, nghỉ mất mấy ngày làm đồng. Mấy ngày tiếp, mẹ bỗng gọi tôi lại:
- Hôm qua tao gặp ông Cư, an ninh xã. Hôm nay, tao lại gặp chị Kết, kế toán hợp tác xã. Họ nhìn mình như thế nào ấy, làm tao hoảng quá? Cứ như mình ăn cắp cái gì của ai không bằng. Cả đời, chưa được cầm số tiền lớn thế này bao giờ. Cất trong buồng tao thấy không an toàn. Con cất hộ mẹ cái, rồi ta tính sau.
- Con cũng sợ, nhỡ...
- Mày là đàn ông trai trẻ. Ai có hỏi thì bảo tiền dành dụm mấy lứa lợn, còn dễ nói hơn tao.
Món tiền của mẹ cất chưa ấm chỗ, anh Nhị đã cảnh cáo:
- Thằng Tam, mày định “trấn” của mẹ đấy hả? Có “nôn” ngay ra trả mẹ không?
- Em cất hộ... - Tôi đáp khẽ.
- Không được. “Nôn” ra. Đây là lộc của bố, mẹ hưởng.
Mẹ bèn nhắn anh Nhất về phân xử:
- Rõ mấy thằng em nhà quê. Chuyện vặt. Mấy triệu “bọ” mà cứ sồn sồn ầm ĩ lên như chó cắn nhau vậy - Anh quay sang mẹ - Không sao cả. Không ai lục vấn mẹ mấy đồng “bọ” chính đáng ấy đâu. Vợ chồng con bảo kê cho.
Bấy giờ mẹ mới yên tâm.
Hiền nhà tôi tuy gật với mẹ nhưng hôm sau đã bô bô kể. Lập tức, xóm dưới, làng trên đã loan đồn lọt vào tai tôi:
- Đám tang bố chồng cái Hiền té ra là lãi nhất làng ta.
- Nhà ấy thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Sao mà may thế? Chả bù cho đám nhà tôi tháng trước, lo xong cho cụ thâm mất mấy triệu.
Có anh nói sang mặt tôi:
- Ông Nhất thế mà ăn nên làm ra, còn cậu... vứt... vứt...
Nghe thế, mắt Hiền đã sưng lên. Hiền xô vào lòng tôi khóc dấm dứt. Tôi xoa đầu thị. Nghe tôi kể, mẹ gắt: “Tao không bao giờ so kè giữa cái Hiền với cái Tú nhé!”. Tối đó, mẹ sang nhà tôi đưa cho Hiền một triệu đồng, ngậm ngùi nói:
- Thương lắm! Mẹ chia hết cho các con. Không cho thằng Nhất. Cho thằng Nhị, thằng Tứ mỗi đứa một triệu. Thằng Nhị thêm tiền mở cái quán dịch vụ phân bón, thằng Tứ mua cái xe cải tiến mà đi chở lúa thuê - Rồi quay sang Hiền - Dơ lắm con ạ! Chốc khóc, chốc cười. Đây không phải tiền của mẹ. Tao không có tiền. Tao không thương người bằng tiền. Các con đừng có hiểu sai cho mẹ...

Tôi lặng đi nhìn mẹ. Mẹ đã già quá rồi. Rồi đến lúc sẽ theo bố thôi. Tôi mông lung nghĩ...

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast