Đại thi hào Nguyễn Du với vùng văn hóa Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh - vùng quê nghèo lam lũ từng được coi là “phiên trấn”, “phên dậu” trong một thời kỳ dài của lịch sử đất nước đến giữa thế kỷ XVIII như bỗng bừng sáng lên bởi sự xuất hiện của nhiều làng quê, dòng họ và nho sỹ làm rạng danh quê hương, đất nước. Trong số đó, có làng Tiên Điền (huyện Nghi Xuân) với dòng họ Nguyễn của Đại thi hào Nguyễn Du và làng Trường Lưu (huyện Can Lộc) với dòng họ Nguyễn Huy.

Hai dòng họ, hai làng quê ở hai phía Đông - Tây của núi Hồng Lĩnh này đã góp phần làm nên một thời kỳ “vàng son” nhất của văn học Việt Nam, và như nhiều học giả nhận định là đã xuất hiện hẳn một văn phái với tên gọi: Hồng Sơn Văn phái (1).

Thật ngẫu nhiên là hai vùng đất ở hai huyện cùng chung nhau hai mái núi Hồng này lại có những điểm tương đồng và quan hệ với nhau mật thiết đến kỳ lạ trong cùng một thời kỳ lịch sử nhiều biến động nhất của đất nước. Làng nào cũng nghèo nhưng hiếu học; làng nào cũng ngoài nghề làm ruộng còn phải tìm kiếm, du nhập thêm nhiều nghề thủ công; cả hai làng đều nổi tiếng với các sinh hoạt văn hóa dân gian và đặc biệt ở mỗi làng lại có một dòng họ “cha truyền con nối” thay nhau đỗ đạt, làm quan và để lại những tác phẩm văn học bất hủ cho dân tộc. Hai dòng họ tiêu biểu này cũng từ lâu đã gắn với tên gọi của hai làng: họ Nguyễn Tiên Điền và họ Nguyễn Huy Trường Lưu.

Đại thi hào Nguyễn Du với vùng văn hóa Trường Lưu ảnh 1

CLB Dân ca ví, giặm Trường Lưu thực hành diễn xướng. Ảnh tư liệu

Nguyễn Du có lẽ cũng được thừa hưởng mối quan hệ mật thiết với họ Nguyễn Huy và làng Trường Lưu ngay trong chính dòng họ và làng quê của mình. Bố của ông (Nguyễn Nghiễm) là thầy dạy của Nguyễn Huy Quýnh; Nguyễn Huy Tự - tác giả của Truyện Hoa Tiên lại là con rể của Nguyễn Khản (anh trai Nguyễn Du)... Ngoài việc Nguyễn Thiện (chú ruột Nguyễn Du) nhuận sắc Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, hai dòng họ này còn có nhiều mối quan hệ về văn hoá với nhau. Sách Nguyễn Thị gia tàng (2) do Nguyễn Huy Vinh (1770 - 1819) biên soạn đã cung cấp nhiều tư liệu về mối quan hệ thú vị này. Đó là bức trướng của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm mừng thọ mẹ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh; bài thơ của Nguyễn Khản họa thơ Nguyễn Huy Oánh - đọc xuôi là Hán, đọc ngược là Nôm; rồi việc Nguyễn Khản nhuận chính bức trướng của Nguyễn Huy Quýnh mừng thọ Nguyễn Huy Oánh; thơ của Nguyễn Huy Vinh gửi Nguyễn Hành, Nguyễn Du; bài thơ của bà Nguyễn Thị Đài (con của Nguyễn Khản, là vợ thứ của Nguyễn Huy Tự, mẹ của Nguyễn Huy Hổ - tác giả của Mai đình mộng ký) mừng thọ mẹ chồng.

Thời ở Thăng Long, tư dinh của Nguyễn Khản với Nguyễn Huy Oánh gần nhau, việc Nguyễn Du qua chơi bên nhà thông gia là chuyện thường tình. Và có lẽ cũng với mối quan hệ này, nên chắc chắn trong những lần về quê xứ Nghệ, Nguyễn Du đã từng đến chơi ở Trường Lưu, nhưng không nhiều và chắc cũng chưa kịp quen biết gì. Có lẽ, thời gian Nguyễn Du từ quê vợ Thái Bình về ở hẳn quê nhà Tiên Điền (1796 - 1802) trong tâm trạng lẩn trốn, lánh nạn, nghèo khó (bị quân Tây Sơn bắt giam 3 tháng) và tự “phong” mình là “Hồng Sơn liệp hộ”, “Nam Hải điếu đồ” là thời kỳ Nguyễn thực sự gắn bó với quê hương và thường xuyên vượt núi Hồng (qua Cổng Khánh) đi đò Cài sang Trường Lưu thăm gia đình thông gia và tham gia các sinh hoạt văn hóa ở vùng này...

Trong bối cảnh loạn lạc đó, so với vùng Tiên Điền thì Trường Lưu ít bị ảnh hưởng hơn vì xa các trục đường chính, quan chức trong họ Nguyễn Huy cũng ít “dính” vào các biến cố chính trị lớn... Vì vậy, cơ ngơi của dòng họ này cũng như “Trường Lưu bát cảnh” (8 tám cảnh đẹp của Trường Lưu) (3) hầu như vẫn còn nguyên vẹn; Phúc Giang thư viện, Trường Lưu học hiệu, xưởng in khắc ván vẫn hoạt động tấp nập; các sinh hoạt văn hóa, nhất là văn hóa dân gian vẫn sôi động, cuốn hút các danh sỹ từ khắp mọi vùng.

Trường Lưu vẫn đang là tâm điểm văn hóa của cả xứ Nghệ lúc đó. “Danh sỹ trong vùng và các nơi khác đến Trường Lưu không chỉ để trao đổi thơ văn bác học mà còn để tắm gội vào dòng sông mát mẻ của văn hóa dân gian”(4). Trường Lưu có phường chèo (do thám hoa Nguyễn Huy Oánh lập ra) thường trình diễn vào dịp đầu xuân hoặc các lễ hội, nhất là lễ hội ngày 12/6 âm lịch khi rước các thần từ đền Cả, đền Rú, đền Phúc Giang, đền Bà chúa Mẫu về nhà thờ Đức Mẫu, nhà thánh và nhà thờ họ Nguyễn Huy (3 tòa đình này đều nằm trên một khu đất, kiến trúc theo hình chữ Vương). Đặc biệt nhất, Trường Lưu là nơi có tục hát phường vải nổi tiếng như ở Nam Đàn (Nghệ An). Hát phường vải là thể loại hát ví của phường quay xa dệt vải, chính xác hơn là hát ví của phường kéo sợi. Công việc của phường vải gồm từ việc cung cán bông, xe con cúi, kéo sợi, đạp vải, dệt vải..., nhưng chỉ có công đoạn quay xa kéo sợi mới hát được:

Dừng xa khoan kéo ơ phường

Hình như có khách viễn phương tới nhà...

Hát phường vải ban đầu mang tính tự sự bên chiếc xa kéo sợi (hát cho mình, cho phường nghe), về sau, có người nơi khác đến chơi (thường là bạn trai) đứng ngoài ngõ hát, rồi lần lần mới được vào sân, vào nhà. Ban đầu là mối quan hệ hô ứng, rồi sau mới đối đáp đố hỏi, trả lời, bắt bẻ và dần hình thành thủ tục, lề lối, từng chặng, từng bước rõ ràng (thông thường có 3 chặng: hát dạo, hát chào; hát đố, hát đối; hát xe kết, hát mừng, hát tiễn). Không thể tính chính xác là chàng trai quý tộc đang buổi “thất cơ lỡ vận” của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã bao nhiêu lần đến và ở lại Trường Lưu, nhưng chắc chắn là đã có mặt rất nhiều trong các đêm hát phường vải:

Sóng to, thuyền nhỏ khó sang

Thiếp nguyền thiên địa giúp chàng một phen...

Tương truyền, đó là câu hát ví của cô lái đò trên bến sông Cài trong một đêm mưa gió khi Nguyễn Du phải đứng chờ đò sang làng phường vải... Chuyện cũng kể rằng, vì say hát ví nên chàng trai Tiên Điền có mối tình quyến luyến với gái Trường Lưu, thân nhau đến mức trai làng phát ghen đến gây sự, nổ pháo lói để phá đám. Vốn là người nhút nhát, tự trọng, Nguyễn Du trở về và từ ấy không sang Trường Lưu nữa. Đó là tương truyền, nhưng có một sự thật còn lại cho đến ngày nay là bài thơ Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu và Thác lời trai phường nón - hai bài thơ như ghi lại dấu ấn sâu đậm nhất trong quan hệ của Nguyễn Du với vùng văn hóa Trường Lưu...

Đã có khá nhiều bài viết đề cập đến hai tác phẩm này như vấn đề tác giả, thời điểm sáng tác, hình thức nghệ thuật... Qua nghiên cứu tư liệu và khảo sát thêm các nguồn thông tin truyền khẩu ở địa phương, chúng tôi xin đưa ra một vài kiến giải ban đầu, mong được các học giả góp ý thêm:

1. Về tác giả: Đến nay, hầu như mọi người đều khẳng định Nguyễn Du là tác giả của 2 tác phẩm này. Vấn đề còn tranh luận là tác giả bài thơ“Thác lời gái phường vải” - bài thơ gửi cho cho chàng trai phường nón Tiên Điền và sau đó Nguyễn Du đã đáp lại. Nhiều người cho rằng, bài thơ này là của Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), em của thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Cũng có ý kiến cho rằng, bài thơ này là của Nguyễn Huy Phó (1765-1838), người sinh cùng thời với Nguyễn Du và cũng nổi tiếng văn hay, chữ tốt.

Theo chúng tôi, nếu lấy chữ hầu trong câu thơ “Tảng mai hầu trở ra về...” (5) để lý giải thứ bậc quan hệ của người “thác lời gái phường vải” phải ngang hàng với người “thác lời trai phường nón” và khẳng định tác giả của nó phải là Nguyễn Huy Quýnh (đồng bậc với Nguyễn Du trong quan hệ thông gia của 2 dòng họ Nguyễn) là chưa thỏa đáng. Thứ nhất là về văn bản học, chưa hẳn chữ hầu (để chỉ Nguyễn Du, lúc nhỏ tập tước của cha là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, thường gọi Du Đức Hầu) đã là chữ chính xác trong nguyên bản. Có thể đó là chữ khác (như chữ khách chẳng hạn) nhưng sau này vì gán cho tác giả là Nguyễn Huy Quýnh nên bẻ thành chữ hầu. Cũng có thể đó chính là chữ hầu nhưng vì đây là “thác lời” - thay lời thường xưng hô, đối đáp với Nguyễn Du của các cô gái phường vải Trường Lưu, không liên quan gì đến tôn ti, trật tự trong quan hệ thông gia của hai họ Nguyễn.

Đại thi hào Nguyễn Du với vùng văn hóa Trường Lưu ảnh 2

Sinh hoạt dân ca ví, giặm tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Ảnh tư liệu

Căn cứ vào phong cách, ngôn ngữ và lý giải về thời điểm ra đời của hai bài thơ này, chúng tôi nghiêng về ý kiến tác giả không phải là Nguyễn Huy Quýnh mà có thể là Nguyễn Huy Phó (?) hoặc nhiều khả năng hơn là Nguyễn Huy Hổ (tác giả của Mai đình mộng ký).

2. Về thời điểm sáng tác: Qua xem xét, đối chiếu kỹ các tư liệu viết về cuộc đời Nguyễn Du, chúng tôi thấy rằng, ý kiến của nhà nghiên cứu Trương Chính (Hương hoa đất nước - NXB Văn học, 1979, tr.204) cho rằng, 2 tác phẩm này được sáng tác trong thời gian Nguyễn Du ở quê nhà (1796-1802) là có lý hơn cả. Đây là thời kỳ Nguyễn buồn chán, thất vọng nhất: Bách ky đãn đắc chung triêu túy/ Thế sự phù vân chân khả ai (Cuộc đời trăm năm chỉ mong được say suốt ngày/ Thế sự như mây nổi thật đáng buồn - Đối tửu) hoặc: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên (Tráng sĩ đầu bạc bùi ngùi ngẩng nhìn trời/ Hùng tâm sinh kế mờ mịt cả hai - Tạp thi) và đây cũng là thời gian ông thường xuyên vượt Ngàn Hống qua đò Cài sang Trường Lưu hát ví giải sầu. Phải ở lâu và thật sự gắn bó với đời sống thôn dã, hòa nhập vào các sinh hoạt văn hóa dân gian thì mới có thể sáng tác được những bài đầy chất văn hóa địa phương như vậy. Và cũng phải ở trong tâm trạng “trước là quý tộc, nay đã thành hàn nho” thì mới có thể sinh hoạt suồng sã, đàn đúm vô tư như vậy với các cô quay xa kéo sợi đất người:

Chạ kiếp mình đã ra kiếp lăng nhăng;

Thiệt lòng ta cũng ra lòng suồng sã...

(Văn tế sống...)

Càng trông càng chẳng thấy ra

Cơi trầu quệt đã vài và lần ôi...

(Thác lời trai...)

Điều đặc biệt là nếu như trong Thác lời gái phường vải dùng rất nhiều ngôn ngữ của nghề dệt vải để gián tiếp thể hiện tình cảm:

Chẽ chuyền giằng lại tháo ra

Gần nhau cách quạng, vành xa mấy hồi

Liều bằng khổ một go đôi

Liều như bông đã bắn rồi bòng bong.

thì Nguyễn Du cũng dùng lời của trai nghề nón đáp lại:

Quê nhà nắng sớm mưa mai

Đã buồn giở tới lịp tơi càng buồn.

Thờ ơ bó vọt, đống sườn

Đã nhàm bẹ móc, lại hờn nắm dang...

Để hiểu và đưa được những từ chỉ nghề nghiệp vào thơ một cách nhuần nhuyễn đến như vậy chắc chắn phải là người thực sự của làng nghề. Trong câu thơ trên, tâm trạng tương tư, buồn vô bờ bến ấy (Đã buồn giở tới lịp tơi càng buồn) phải là nỗi buồn của những người đã trải đời, không thể là nỗi buồn tương tư thuần túy của các chàng trai mới lớn.

Vô tình trăng cũng như người

Một ta ta lại ngẫm cười chuyện ta.

Câu kết của Thác lời trai phường nón càng minh chứng thêm cho tuổi tác, sự từng trải, sự “tự trào” của tác giả. Còn sự “tự trào” trong bài “Văn tế sống...” thì lại càng rõ ràng hơn, tác giả phải là một “tay chơi” có hạng, am hiểu về quan hệ trai gái, vợ chồng, “trên cơ” đám trai làng hay phá bĩnh...

Từ sự xác định về thời điểm sáng tác của Nguyễn Du, ta thấy tác giả của Thác lời gái phường vải càng không thể là Nguyễn Huy Quýnh. Theo chúng tôi, giả thiết tác giả là Nguyễn Huy Hổ có tính thuyết phục hơn vì mấy lý do sau: Thời gian này, Nguyễn Huy Hổ còn trẻ (khoảng từ 15-20 tuổi), đang học tại quê nhà Trường Lưu dưới sự chăm sóc, dạy bảo của mẹ là bà Nguyễn Thị Đài (cháu của Nguyễn Du); phong cách thơ lục bát của bài này cũng khá giống với phong cách trong Mai đình mộng ký; tâm trạng, tình cảm thể hiện trong bài thơ trẻ trung hơn rất nhiều so với suy tư trong bài thơ đáp lại; về nghệ thuật của hai bài thơ thì như cố nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét: “Bài của Nguyễn Du sắc sảo, mặn mà hơn bài của Nguyễn Huy Quýnh(?). Nếu như nó được viết ra trước Truyện Kiều thì nó mang mầm mống văn Kiều”(Các nhà thơ cổ điển Việt Nam - NXB Văn học 1998, tr.232).

Hơn 2 thế kỷ đã trôi qua, Tiên Điền và Trường Lưu đã “vật đổi sao dời”. Hai dòng họ Nguyễn ở hai mái núi Hồng cũng thăng trầm cùng lịch sử. Nhưng những bước chân của chàng trai phường nón tìm đến những đêm hát ví phường vải thì như vẫn còn hiển hiện đâu đó trong đời sống văn hóa, trong lòng người xứ Nghệ nói riêng và đất Việt nói chung...

________

(1) Hoàng Xuân Hãn: Nguồn gốc Truyện Kiều - Tạp chí Thanh Nghị, số Xuân, tháng 2/1943.

(2) Nguyễn thị gia tàng - Dòng họ Nguyễn Huy tàng bản.

(3) Trường Lưu bát cảnh: Ráng sớm chợ Quan; Hoàng hôn núi Phượng; Chuông sáng chùa Hân; Mõ chiều kho Nghĩa; Bóng che cổ miếu; Trăng dưới hồ sen; Hương thơm giếng Thạc; Hoa đẹp trong trang viên họ Nguyễn.

(4) Ninh Viết Giao: Văn hóa làng Trường Lưu - Tạp chí Văn học, số 4 - 1994.

(5) Nguyễn Thạch Giang - Nguyễn Huy Mỹ: Một số ý kiến về hai bài “Văn tế sống...”, “Thác lời trai...” của Nguyễn Du... Tạp chí Hán Nôm, 2/1990.

TS. Võ Hồng Hải

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast