Đào phai trước ngõ

Trời đã cuối ngày, lất phất mưa bay. Chị tôi vẫn mải miết đi như không thấy rét. Tôi biết, chị tôi đang nhớ tới ngày xưa, nhớ đến cây đào phai trước ngõ trong cái lạnh của mùa xuân rất đỗi xa rồi…

Vậy là một năm mới nữa lại về. Rất dễ nhận ra trong không khí giao mùa đã vương vấn hơi xuân bảng lảng. Trời vẫn còn ủ rét, những đợt lạnh cuối năm vẫn còn hiện hữu trên những cây bàng ven đường trơ trụi lá. Thế nhưng xuân đã về. Trên khắp mọi nẻo đường, những cây hoa cảnh đã được lái buôn mang về tấp nập. Từ mai vàng miền Nam, đến hoa đào Nhật Tân đất Bắc và xa hơn nữa, những loài hoa từ nước ngoài cũng đã rộn ràng khoe sắc. Người ta dễ dàng chọn lựa, dễ dàng mua những thứ hoa mà mình yêu thích theo từng khu vực riêng.

Lâu lắm rồi chị tôi mới về quê ăn tết. Tôi chở chị rẽ vào chợ hoa đào họp ở ngay lề đường, chị tôi định bụng sẽ tìm một cành đào ưng ý về chưng trong dịp tết. Đủ loại hoa đào đang khoe sắc. Tôi lạc giữa rừng hoa đào hết ngắm nghía, bình phẩm về dáng, thế. Hết khen cành nọ đến cành kia như một tay chơi hoa đào sành sõi. Chị tôi, trông chị như một kẻ vô tâm lâu ngày mong mỏi tìm cho được người bạn cũ. Tôi chạnh lòng. Cảm giác nhớ nhung cứ thế ùa về, tự nhiên, không tô vẽ.

Tôi nhớ hồi còn bé, nhà còn nghèo, cứ mỗi độ tết đến xuân về lại được may quần áo mới. Ông tôi hồi đó đã về hưu, thường nhận đồ may gia công cho các cửa hiệu, nhưng tết đến vẫn dành thời gian để may cho mỗi đứa cháu một bộ đồ. Chúng tôi háo hức lắm, thi thoảng cứ xoắn xuýt bên ông đòi ướm thử. Ông tôi ngồi may bên cửa sổ có thả những dây vạn niên thanh trong cái bình thuỷ nuôi cá lia thia chăm chút từng đường may. Chốc chốc ông lại ngước nhìn lên chúng tôi qua đôi kính trễ xuống tận cánh mũi gật đầu.

Năm nào cũng thế, khi ông bắt đầu với việc may quần áo là chị em tôi lại bắt đầu với công việc đến hẹn lại lên của mình. Đầu tiên bằng việc nhờ ông tìm cho được một cành cây khô khẳng khiu ngoài hàng rào ưng ý nhất. Suốt những ngày nghỉ trước tết, chị tôi cẩn thận lôi trong đống đồ thủ công ra chọn những tấm giấy màu hồng hì hụi cắt hoa giấy để tôi đem gián vào cành cây khô đó. Chẳng mấy hôm là xong, màu hoa na ná như hoa đào mọc lên chi chít. “ Cành đào” đó được ông tôi trang trọng đặt ở góc tủ chè nơi phòng khách trong một chiếc bình cũ đổ đầy cát. Ngôi nhà nhờ nó như có không khí tết hẳn lên.

Qua bao mùa tết làm hoa đào giấy, cho đến một ngày, bên bờ ao vườn nhà, cây đào ông trồng đã cho hoa. Đó là loại đào phai, ông chiết cành từ nhà của một người bạn chiến đấu cũ. Loài hoa có năm cánh hồng hồng như lụa mỏng, dễ rụng khi có một đợt gió mạnh thổi đến, hương thơm thoảng nhẹ mơ hồ, nhiều lúc phải thật tinh ý mới ngửi thấy. Đối với chị em tôi, đó là loài hoa đặc biệt nhất - loài hoa mà những năm trước đây, mỗi khi cầm cây kéo trên tay khéo léo cắt những ô vuông giấy, chị tôi thường ước ao rằng: giá có thật nhiều tiền, mình sẽ mua một cành đào thật để cắm trong những ngày tết đến.

Sáng ba mươi tết đáng nhớ năm đó, chị em tôi theo ông ra vườn cắt cành đào. Ông tôi cầm con dao trong tay đi vòng quanh, không biết cắt cành nào cho đỡ tiếc. Cành nào cũng phô những nụ hoa hồng hồng chúm chím còn dè dặt chưa chịu nở. Chị em tôi hồi hộp chờ sự quyết định của ông nhưng dường như chính ông tôi cũng không thể nào quyết định nổi.

Kết quả là tết năm ấy, trên bộ bàn ghế salon cũ chỉ có một bình hoa hồng và thược dược cắt từ vườn nhà. Còn ngoài vườn, ngay bờ ao, sáng mồng một tết, rực rỡ hoa đào nở bừng trong trong bảng lảng hơi sương và mùi trầm hương phảng phất. Cây đào đó, hoa nở dùng dằng mãi cho đến tận rằm tháng giêng mà chị em tôi vẫn chưa hết vui mừng, khi trông thấy he hé những trái đào non đầu tiên xanh xanh như hạt đỗ…

Đó là năm chúng tôi ăn trái đào bói đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Dư vị trái đào đó đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi. Cây đào chặt đi. Khu vườn cũng thu hẹp lại dần. Ông bà cắt đất chia cho con cháu làm nhà ở. Chị và ông buồn ngơ ngẩn đến cả tháng. Lúc đó, tôi không hiểu, chỉ thấy văng vắng một điều gì không rõ.

Chúng tôi lớn lên. Kinh tế gia đình cũng khá dần. Ông tôi cũng đã già không may máy nữa. Bố tôi dẹp chiếc máy khâu cũ kĩ lên gác xép cho đỡ chật. Đường mở. Nhà lên phố. Ngày tết bây giờ về đến tận ngõ, ngập tràn sắc hoa muôn màu muôn vẻ.

Chợ hoa ngày tết. Ảnh: Internet

Chợ hoa ngày tết. Ảnh: Internet

Tôi gọi taxi chở ông đi hết một vòng thành phố để ông xem thành phố đổi thay thế nào. Chị tôi bây giờ không còn phải ước ao có thật nhiều tiền để mua hoa đào về cắm. Thế nhưng chị vẫn thoáng bần thần khi lạc vào một chợ hoa đào khoe sắc. Tôi chỉ hết cành này cành kia chị vẫn lắc đầu: hoa đào Nhật Tân nhiều, màu bích đào rực rỡ, chị lại nói không thích cành lá bị trói buộc, gò bó của giống cây được chăm bẵm tỉa tót. Tôi lại chỉ cành đào đá, hoa nở hồng hồng giống đào phai, những nụ hoa mập mạp nổi bật giữa cành to, đen sẫm mộc mạc khoẻ khoắn chị cũng lắc đầu.

Đi gần đến cuối chợ, chị thẫn thờ nhìn quanh rồi bất chợt dừng lại ở một người đàn ông mặc áo mưa bên đường. Trên tay anh ta cầm một cành đào phai phơn phớt nụ hồng. Có những cánh hoa đang rơi mỗi khi có một cơn gió thổi đến lạnh buốt. Chị tôi không mặc cả, đón lấy cành đào từ tay anh ta vui mừng. Người đàn ông cũng vui mừng không kém cùng chị tôi bó lại những cành đào loà xoà cho đỡ vướng. Vừa làm, người đàn ông vừa nói huyên thuyên với chị tôi: “Đào nhà đấy cô ạ, chặt nó bán tôi cũng tiếc lắm. Nhưng ngặt nỗi túng quá, đành phải vậy. Năm sau, nếu khá hơn một tí, tôi sẽ để thế chưng cho có không khí tết và cho lũ trẻ con ra năm hái quả”…

Tôi lặng im. Chị tôi lắc đầu gạt tay người đàn ông đang xoè thối lại tiền thừa. Tôi đọc được trong mắt chị cả một nỗi nhớ nhung từ những ngày thơ bé.

Trời đã cuối ngày rồi, lất phất mưa bay. Tôi kéo chiếc mũ lông đội kín đầu. Chị tôi vẫn mải miết đi như không thấy rét. Ngắm cành đào sum suê, rườm rà và đơn điệu không kiểu dáng trên vai tôi, chị bảo: cành đào này không để trong nhà, phải để ngay trước sân cho nó ngậm sương đêm mà nở hồng bừng sắc. Tôi biết, chị tôi đang nhớ tới ngày xưa, nhớ tới vết chai trên tay khi nắn nót cắt bông hoa đào giấy, nhớ đến cây đào phai trước ngõ và dáng hình ông tôi chần chừ đứng quanh không biết chọn cành hoa nào để cắt trong cái lạnh của mùa xuân rất đỗi xa rồi…

Tản văn của Trần Quỳnh Nga

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast