Điều bí mật

(Baohatinh.vn) - Nghé con đứng xơ xẩn một mình bên cống nước nông giang dùng dằng không dám bước qua. Cống cao quá, mà phía dưới nước dềnh dàng chảy. Từng con sóng li ti nối đuôi nhau chảy vào phía rãnh nhỏ dẫn nước vào ruộng.

Đám lục bình đang nhẩn nhơ bị đẩy túm tụm lại một góc lấp lánh nước. Thế là lại thêm một buổi chiều nữa trôi qua. Chiều nào Nghé Con cũng ra đứng đấy, hai tai rung lên, mấy sợi lông lưa thưa vàng trên bộ áo quần màu nâu đất. Rét quá, sao mùa đông dài thế không biết! Nghé Con co người lại nhảy phóc lên một mô đất cao đứng ngó nghiêng như chờ đợi điều gì. Hai cánh mũi ươn ướt hếch hếch lên suy nghĩ tính xem đã bao nhiêu ngày trôi qua, nhưng càng đếm, thời gian càng chậm chạp trêu ngươi cậu. Đứng chán, Nghé Con húc mõm vào đống đất ướt cho đỡ chán. Bất ngờ cậu trông thấy một bông hoa nhỏ xíu đang thiêm thiếp ngủ. Ngạc nhiên quá, Nghé Con băn khoăn, sao chiều rồi mà bông hoa lạ kia vẫn đang ngủ thế nhỉ? Nhìn chán, cậu ghé sát mũi lại ngửi. Bông hoa tỉnh giấc.

- Cậu là ai thế? - Nghé Con băn khoăn hỏi.

- Tớ là Bồ Công Anh! - bông hoa trả lời.

- Sao cậu lại ở đây?

- Tớ theo gió đi chơi, mệt quá, nằm xuống đây ngủ quên mất.

- Thế bao giờ cậu trở về nhà? - Nghé Con lại hỏi.

- Mùa xuân! Thế cậu biết mùa xuân ở đâu không?

Nghé Con không trả lời, lắc đầu nhìn Bồ Công Anh. Bông hoa cũng thế, băn khoăn hiện dần lên khuôn mặt. Được một lúc, chị Gió lại khe khẽ thổi, Bồ Công Anh thiếp đi bên dải đất âm ẩm. Nghé Con lại tiếp tục chờ đợi.

dieu bi mat

Minh họa của Huy Tùng

Thật ra, Nghé Con đang chờ đợi điều gì?

Chị Nắng cũng lắc đầu không hiểu, rồi đổ mình dài trên những luống cày thẳng tắp và bắt đầu lan dần trên những ngọn rạ còn sót lại loe hoe trên cánh đồng Bầu. Trời rộng mênh mang. Hình như chưa bao giờ Nghé Con thấy đất trời về chiều phiêu diêu như thế. Phía bên trên đồi Lốc Cốc, cỏ non xanh rì kéo dài một vệt từ cánh đồng Bầu lên gần đến đỉnh, dựng đứng như một bức tranh màu nước mới vẽ. Nghé Con chộn rộn bước đi, chiếc thừng dùng dằng căng ra từ gốc cau già trước ngõ níu chân lại. Lòng chợt mang mang buồn. Nhớ mẹ quá, trời đã chiều rồi, nắng chênh chếch chiếu đỏ cả buồng cau chín rộ vàng ruồm ruộm. Nghé trông mẹ về biết mấy, để có thể hỏi mẹ rằng, bao giờ mùa xuân mới về đây?

Thực ra Nghé Con đã hỏi mẹ không biết bao nhiêu là lần. Có lần Nghé hỏi:

- Thế bao giờ con được đi học hả mẹ?

- Đến mùa xuân con ạ.

- Thế mùa xuân ở đâu hả mẹ? - Nghé Con lại hỏi mẹ.

- Mùa xuân ở quanh mình đấy thôi.

Nhưng đó là một câu trả lời không thỏa đáng một tí nào cả. Nó không gợi cho Nghé Con một câu trả lời nào. Nghé Con loanh quanh tìm kiếm. Quái lại, mùa xuân trốn ở đâu mất rồi. Nghé Con nhìn lên ngọn tre cao, cây tre cười rào rào:

- Chờ nhé, sắp đến rồi Nghé Con ạ.

Bóng nắng đã nhạt vàng phía đồi Lốc Cốc. Chân trời vừa ráng đỏ như một rừng cam chín rộ phút chốc đổi màu giống một chiếc áo chàm nhà ai đánh rơi, rồi mờ hẳn. Nghé Con nhìn theo cánh Chuồn Chuồn vừa mới liệng qua, bay đến chỗ cây gạo già. Từ trên cây gạo có thể bao quát được hết toàn bộ vùng trường mà Nghé Con sẽ được đi học vào mùa xuân tới.

Suốt cả đêm hôm đó, Nghé Con trằn trọc không ngủ, nghe ngoài sân lắc rắc mưa rơi. Hạt mưa đêm nay nghe là lạ, có mùi thơm thơm của nhựa cây ai vừa mới cắt. Lòng Nghé Con nghĩ hoài đến một phép lạ. Giá mình có đôi cánh, mình sẽ bay đi tìm mùa xuân, sẽ hỏi mùa xuân những điều mình băn khoăn nhất, rồi mình sẽ bay đến ngôi trường mà không phải bước qua dòng nông giang dềnh dàng nước.

Nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi thiếp đi lúc nào không rõ, đến khi Nghé Con thức dậy thấy trời đã sáng từ lâu lắm rồi. Ngoài trời mưa bụi rây rây rắc bột, cả cành Xoan Đâu ngoài kia tắm một màu bụi trắng. Nghé Con nhấc khẽ chân ra ngoài bậc cửa, chớp chớp mắt nhìn ngạc nhiên. Lạ sao, trên thân cây Xoan Đâu khẳng khiu buồn hồi qua, giờ nhu nhú những hạt mầm xanh ti tí thế nhỉ. Lại nhìn hàng tre, cây tre cao vút cong mình xuống thấp, nhỏ những hạt nước nhay nháy xuống vai Nghé Con nhồn nhột:

- Chào Nghé Con, mùa xuân đã về rồi đấy!

- Đâu? đâu? - Nghé Con ngơ ngác người nhìn quanh.

- Đâu, đâu? Mùa xuân ơi, thế bao giờ tớ được đi học?

- Tớ đây này - từ trong kẽ lá, một nụ hoa vừa mới hé cười cười. Rồi khắp nơi trong khu vườn, từ Hồng Bì, Giâm Bụt và cả Móng Rồng nữa, khắp nơi rộn ràng tiếng gọi - tớ đây... tớ đây!

- Tớ đây này!

Nghé Con nghe tiếng gọi quen quen thốt ra từ một cây xanh xinh xinh. Những chiếc lá vẫy vẫy. Tò mò quá, ai vậy nhỉ? - Nghé Con băn khoăn lắm. Cái cây cười cười:

- Tớ là Bồ Công Anh đây, nhớ không?

- À, Nghé Con vỗ trán một lúc rồi nhảy cẫng lên:

- Bông hoa!

- Ừ, đúng tớ đấy! Đất ở đó ấm quá, tớ ngủ quên mất!

- Vui quá!

Nghé Con chạy xoay tròn khắp một lượt nhìn tất cả các bạn mùa xuân. Ai cũng có quần áo mới để mặc, Bồ Công Anh trắng tinh, hoa Xoan tím ngát, Dâm Bụt đỏ rực và nhất là chị hoa Đào, kiêu hãnh lắm, phô ra những nụ hoa hồng hồng làm sáng cả một góc vườn. Chuyện, chị ngẩng cao đầu cười, ai cũng công nhận rằng, chị là chúa tể mùa xuân mà lị.

Bây giờ, Nghé Con mới vỡ lẽ, mùa xuân dẫu trốn lâu thế cũng đã kịp trở về khi ban mai vừa đến. Mẹ đã đứng từ sau lưng lúc nào khe khẽ hát. Hình như mẹ đang vui. Hình như mùa xuân cũng đang về trong mắt mẹ thì phải. Nghé Con chần chừ định hỏi mẹ xem bao giờ mình sẽ được đi học, thì mẹ đã nhẹ nhàng đeo chiếc cặp xinh xắn lên người Nghé, nghĩa là sáng nay, Nghé Con đã được đi học rồi.

Nghé Con líu ríu theo chân mẹ, đột nhiên thấy nao nao trong người. Mới đây thôi, Nghé Con còn nóng ruột muốn đến trường nhưng giờ thấy trường rồi lại dùng dằng, nửa muốn đến thật nhanh, nửa chần chừ níu sau lưng mẹ.

- Bây giờ mình đến trường hả mẹ? Nghé Con chạy lên trước mặt mẹ hỏi.

- Đúng rồi con ạ! - Mẹ đoán được băn khoăn của Nghé Con, biết cậu đang bồn chồn:- Đừng lo lắng quá, đến trường con sẽ gặp rất nhiều bạn, vui lắm!

- Thế mẹ đến trường cùng con không? - ý cậu muốn hỏi mẹ có đi học không.

- Không con ạ - mẹ cười - mẹ còn phải đi làm. Con có nhìn thấy cánh đồng dưới kia không?

Nghé Con nhìn xuống cánh đồng vừa mới gặt còn trơ gốc rạ lổn nhổn. Ở đó, các bác nông dân đã ra đồng làm việc từ lúc nào. Xa xa, các bà, các cô đang cấy lúa. Lúa chạy thành hàng giống như những dòng chữ màu xanh ai vừa mới viết, nét mực tươi mới bừng lên trong nắng sớm. Cậu còn thấy cả bố nữa, bố đang kéo cày, từng vồng đất bị lật ngược, chạy xoắn lên đuổi theo chân bố. Cậu không trả lời mẹ, nhưng cậu chợt hiểu ra rằng, mẹ không thể đến trường được, mẹ cũng phải đi làm.

Hai mẹ con thủng thẳng bước đi, vừa đi vừa nói chuyện. Chẳng mấy chốc, qua dãy ruộng bên trái là đến trường. Trường nằm thoai thoải trên đồi Cỏ Non rộng lớn. Đó là cái sân vận động của xã. Mùa lạnh, ít có hoạt động, mặt sân lún phún cỏ lên xanh. Hai đầu sân, chỗ cọc gôn, lũ trẻ con đốt rạ ngồi sưởi. Khói lên mịt mù màu tàn thuốc.

Mờ mờ sáng, sân trường phủ đầy một lớp sương trắng, trông xa như người đang đắp một chiếc chăn mỏng. Gần đến nơi, cái chăn đó dần cao lên rồi tan nhanh trong nắng sớm.

Mẹ kiên nhẫn đứng ở ngoài cổng trường chờ Nghé Con đi vào giữa sân trường rộng đầy nắng, thỉnh thoảng lại vẫy tay khích lệ Nghé Con bước tiếp. Chần chừ bước đi, trong lòng hồi hộp không biết đi học sẽ như thế nào, trống ngực Nghé Con đập thình thịch. Sợ quá, Nghé Con đứng giữa lớp nhắm tịt mắt, tai vểnh lên khi nghe xung quanh các bạn đang lào xào bàn tán về mình.

Nghé Con cứ nhắm mắt mãi chờ đợi tràng cười rộ lên của các bạn. Không, tuyệt nhiên không, không thấy ai nói gì cả. Chỉ nghe thấy tiếng chị Gió hát vi vút bên tai rộn ràng. Lạ nhỉ, Nghé Con từ từ mở mắt. Phải đến một lúc mắt mới hết nhòe đi, Nghé nhìn thấy các bạn đứng xung quanh đang tò mò nhìn:

- Cậu bị đau mắt hả? - Nghé Mơ ôn tồn hỏi.

- Ừ! - Nghé Con ngượng ngùng không dám nói thật là mình sợ hãi, lúng búng mãi mới trả lời được.

- Tiếc quá, tiếc quá! - Các bạn nhao nhao nói với nhau - Thế là cậu ấy chưa thấy mùa xuân rồi, mùa xuân đẹp quá. Mùa xuân vừa mới về sáng nay đấy!

Nghé Con mỉm cười ngượng ngùng. Chắc chắn cậu ấy không thể nói với các bạn rằng, mình đã thấy mùa xuân xinh đẹp đã về trong khu vườn nhà mình từ rất sớm. Đó là bí mật. Nghé Con chỉ kịp nghĩ vậy rồi ùa ra sân chơi cùng các bạn. Mặt sân lấp lánh nắng vàng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast