Điếu văn

Trời đã bắt đầu ngả sang chiều nhưng ánh nắng vẫn rót xuống bỏng rát, nắng xuyên qua giàn nho rơi xuống như những trận mưa vàng.

Hạ vào nhà cất balô rồi khom mình qua những chùm nho lúc lỉu đến ngồi bên mẹ ở góc sân.

Tiếng kèn trống bên nhà lão Tân lại vọng sang thê thiết. Mẹ Hạ bảo: Chắc lại có người mới đến viếng nên đội kèn thổi lại chứ nắng như rang thế này...

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Hạ thẽ thọt: Thế chiều nay con có phải sang bên ấy không mẹ?

Mẹ Hạ đứng dậy ném cái hốt rác vào góc sân rồi quay sang bảo:

- Không sang để bố mày về mắng cho rát mặt à?

Rồi mẹ Hạ nhìn sang bên hàng xóm, giọng nhỏ lại vừa nói vừa giậm chân:

- Bố mày đúng là cái lão hâm, nó ăn cắp ba ba nhà mình, lộn cổ xuống ao chết, thế mà ở bên ấy từ đêm hôm qua, chẳng ngủ nghê gì. Đúng là vác tù và hàng tổng. Người thì có khỏe đâu cơ chứ!

Hạ tròn mắt nhìn mẹ, mẹ Hạ quay lại:

- Đã thế lại còn một hai bắt tao điện thoại gọi mày về ngay để viết cho lão Tân cái điếu văn cho tử tế. Tao nhịn đói nhịn khát nuôi mày bằng ngần này, có chữ có nghĩa trong đầu mà ấm vào thân chứ để cho mày lặn lội từ thành phố về viết điếu văn cho lão ấy chắc.

Hạ hiểu ra cớ sự, cô khẽ thở dài:

- Thôi mẹ ạ! Âu cũng là cái số, bác Tân mất thì mất rồi. Mẹ đừng nói vậy phải tội mà bố nghe được lại mắng cho.

Mẹ Hạ nguây nguây đi vào vườn. Thực ra mẹ Hạ cũng chẳng phải hẹp hòi gì, bà đã lam lũ cả đời mất con gà con còn đi tìm đỏ mắt nữa là ba ba. Mà cái lão Tân cũng tệ chẳng để cho chòm xóm ngơi mắt ngơi tai. Lão chẳng nghèo khó gì vậy mà cứ sểnh ra là y như rằng của nhà người ta lại biến thành của lão. Còn thì cứ dăm hôm ba ngày lão lại lôi vợ con ra đánh chửi, xóm giềng can ngăn mãi cũng chán nên đành mặc kệ.

Ao ba ba nhà Hạ xây kiên cố, mấy năm nay ba ba được giá, bố mẹ Hạ xây thêm một ao sát bên vườn nhà lão Tân, đã xây tường cao, rào cả lưới B40 xung quanh nhưng hôm trước trời mưa lớn, ba ba bơi lên đậu trên hàng gạch xây xoay chiều thò ra so với bề mặt tường, lão Tân nổi máu tham ra bắt trộm bỏ sang ao nhà lão. Không biết hí húi kiểu gì mà rơi xuống chết trong ao nhà Hạ. Lúc gọi điện cho Hạ mẹ Hạ bảo:

- Cái ao mới đào chắc phải lấp thôi con ạ.

Thấy Hạ hỏi lại ngạc nhiên mẹ Hạ bảo:

- Rồi lão ám vong ở đấy cũng chẳng còn con nào mà nuôi đâu. Không lấp đi có ngày sạt nghiệp. May là có ông Quang đứng trên sân thượng nhìn thấy chứ không nhà mình mang tiếng cũng nên. Bố mày lại còn sang dặn ông Quang không được nói hở chuyện này cho ai biết kẻo phải tội... Thế cơ chứ!

Hạ nhìn về phía ao khẽ nén một tiếng thở dài. Hôm đào ao, Hạ cũng xin cơ quan nghỉ phép hai ngày về hì hụi xăn quần tới tận đầu gối lội xuống chuyển đất lên, toàn đất thịt - nặng mím môi. Mới nuôi được có hai lứa, thế mà...

- Còn ngồi đấy hả con? Về rồi sao không thay đồ rồi sang giúp bác ấy một tay một chân?

Hạ giật mình quay ra thấy bố Hạ đã đi vào sân, ống quần bên cao bên thấp, mắt trũng sâu có lẽ vì đêm qua mất ngủ.

- Khổ! Nhà bên ấy lũ trẻ cứ lóng nga lóng ngóng, chẳng biết nước nôi gì cả.

Bố Hạ chép miệng rồi đi ra bể, múc nước mưa tạt lên mặt sẵn tiện ngửa cổ tu ừng ực.

Hạ bưng ly nước từ nhà ra đã thấy bố đặt cái gầu nước xuống, lấy tay áo quệt ngang cằm rồi quay sang con gái cười xòa:

- Cho mát con ạ. À! Mà việc bố dặn mày đã nghĩ được gì chưa? Anh chị bên ấy ít chữ nghĩa cứ nài nỉ bố nhờ mày viết cho cái điếu văn để ông trưởng tộc đọc.

Hạ nhìn bố thành thật:

- Nhưng con có biết viết thế nào đâu bố?

Bố Hạ xua tay vừa nói vừa khom người qua giàn nho bước vào cửa:

- Không lo, bố đi đám nhiều rồi, bố sẽ đọc nội dung cho con viết. Con cứ uốn làm sao cho nó xuôi xuôi dễ đọc là được...

Lúc viết đến đoạn: “Ông Tân mất đi là nỗi mất mát lớn không gì có thể bù đắp được cho bà con dòng tộc. Xóm làng từ nay mất đi một người hàng xóm tốt bụng thật thà, cháu con mất đi một người chú người cha mẫu mực...”, thấy Hạ bỗng khựng lại, bố Hạ nổi cáu:

- Chắc mẹ mày lại bép xép gì rồi phải không? Đã dặn là...

Hạ vội thanh minh:

- Không ạ! Lâu rồi con không viết tay, toàn đánh máy nên hơi mỏi bố ạ.

Hôm sau, lúc mọi người ngồi đông đủ trong sân, đội khiêng quan tài đã đứng ngấp nghé sẵn ở bậc cửa, ông trưởng tộc nhà lão Tân cất giọng trầm khàn đọc điếu văn, Hạ thấy mọi người ai cũng sụt sùi, trong số đó không ít người lúc mất của này cái nọ đã từng bấm bụng rủa thầm kẻ đang nằm đặt tay lên bụng trong kia. Lúc đưa quan tài ra cửa ai cũng cố níu lại, khóc nấc lên thảm thiết. Hạ cũng rơm rớm nước mắt khóc theo, nhưng lúc trên đường đưa lão ra gò thì Hạ cứ suy nghĩ mãi: không biết người ta khóc vì thương lão đoản mệnh hay khóc vì bài điếu văn bố đọc cho Hạ viết? Mà tại sao bố Hạ lại dùng nhiều lời lẽ đáng được nâng niu như thế cho lão? Bố Hạ tha thứ cho lão, thương lão hay là đọc ra theo thói quen mà ông vẫn nghe được ở những đám tang? Ý nghĩ ấy cứ quấn lấy Hạ không lúc nào thôi. Lúc hạ huyệt, bà con chòm xóm ai cũng cố bước đến gần khóc vài tiếng, thả vào huyệt lão vài đồng bạc lẻ gọi là tiền qua cửa...

Ai cũng nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận hay là khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết được phân định rõ ràng, người ta mới sẵn sàng tha thứ cho nhau?

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast