Đỉnh khói

“Má… Má có đi không?” Lúc Cu Đen vừa thở muốn hụt hơi vừa ào ra chỗ đám cỏ lởm vàng lởm xanh bên hông nhà thì Năm Thúy đang ngồi đốt lá. Đồi im gió. Khói là những sợi mảnh dẻ thẳng vệt lên trời. Tưởng má không nghe rõ, thằng nhỏ chạy ngay lại trước mặt Năm Thúy, sà xuống, bóng lồng cả vào những sợi khói.

“Má! Má có nghe con nói không? Má đi không?”

Năm Thúy ngước lên nhìn con. Màu da đen nhẻm làm chết luôn cái tên cu Đen tới chừng này vẫn chưa rửa bớt trên da. Lùa bò, chặt bắp mướn cho cái trại hợp tác rộng thênh bên xóm núi, sáng trưa gì cũng đầu trần, mình trần trùi trụi. Đến thân hình đang tuổi ăn tuổi lớn mà còn cọc còi như cái cây thiếu nước thì nói gì tới đầu tóc quăn queo vàng cháy, lúc nào cũng bền bệt vì mồ hôi. Gạt lia lịa những giọt mồ hôi chảy ròng ròng từ cái đầu tóc rối nùi đó xuống mặt, xuống cổ, Đen vẫn không quên thắc thỏm lom lom ngó má.

Nó đang chờ đợi. Philip chắc là vẫn còn ở trên trại bên xóm núi. Anh ta cũng đang chờ đợi.

Đi hay không?

Năm Thúy hỏi những sợi khói giờ đã dày lên thành những đụn màu đùng đục. Những đụn màu tự nhiên lại kéo đám kí ức lều bều rã nát từ đâu vun lại, tuôn ầng ậc cùng những luồng khói không thẳng lên trời mà xộc ngay vào chỗ người ngồi khơi khói. Năm Thúy thấy từng mảng, từng mảng kí ức rớt ngay bên cạnh mình rải đầy cùng khói trên mặt cỏ xanh vàng.

Những mảng kí ức cũng mang toàn mùi khói.

*

* *

Toàn khói là khói. Khói bốc lên cao, cao như những cây cột chống khổng lồ nối giữa đất và trời. Những cây cột không dựng thẳng, lúc uốn éo, lúc đâm xiên, lúc nhảy tưng lên theo từng cú xóc của xe lam. Năm Thúy (mà lúc đó vẫn chưa là Diễm Thúy hay Alice) nhoài người hẳn ra khỏi băng ghế đang ngồi để nhìn những cột khói.

Đỉnh khói ảnh 1

Minh họa: Nguyễn Nghĩa Phương

“Má… Coi chị Bé Năm nè! Té bây giờ.” Em trai ngồi kế bên cạnh càu nhàu. Má không nói gì, chỉ giơ một cánh tay túm áo Bé Năm kéo xuống. Xe giằng giằng chạy qua cái xóm bên đường chắc vừa bị dội bom hay trúng pháo. Những mái lá cong queo bốc khói chạy qua.

Từ cái xóm rẫy bữa nọ cũng bùng bùng phựt lửa, bốc khói lên như thế, cuốc bộ, quá giang xe đò, rồi lại cuốc bộ, tới chừng nhảy chồm chồm cùng chiếc xe lam cọc cạch này trên mặt đường thì má con Bé Năm đã đi qua bao nhiêu đám khói không nhớ nữa. Tưởng như có bàn tay nào đó đánh dấu con đường ba má con đi bằng khói. Mà khói thì thời buổi này chỗ nào lại không giống chỗ nào. Nên sau này, dù cố lục lọi trong trí nhớ cô Diễm Thúy trưởng thành cũng không cách nào đi ngược lại đúng con đường lúc nhỏ để trở về nhà.

Từ cổng số Một của phi trường, cùng lắm cô chỉ có thể ra được tới cái ngã ba bên phải, nơi có ba ngọn tháp Chăm chĩa lên trời cao vút. Ngã ba đứng từ trên đỉnh đồi Đại Tá là có thể thấy ngay ba ngọn tháp màu gạch không dễ gì lẫn giữa màu cây. Ngã ba chỗ má kêu con nhỏ Bé Năm đứng đó, má dắt em trai vô cái chợ chồm hổm bên kia đường mua nước. Mặt trời đứng trên đỉnh tháp, chợ dọn sạch trơn mà Bé Năm vẫn khát cháy cổ bên góc ngã ba ấy. Một mình.

Một bà già vác bao bố lượm rác dẫn Bé Năm đi xuống đi lên hết mấy lượt trong cái chợ dần dần không còn một bóng người. Bé Năm khóc khàn cả tiếng. Bà Ba già không biết làm sao hơn đành để một đứa nhỏ lạ hoắc lạ huơ níu tay mình về cái xóm bên trên chợ. Đó là lần đầu tiên Bé Năm biết đến một nơi có tên gọi phi trường.

Phi trường có hàng rào kẽm gai bao vòng như cái xóm rẫy một bữa bùng bùng bốc cháy của má con Bé Năm. Phi trường có đống rác ngày nào cũng vun cao trên mảnh ruộng khô cháy. Nào đồ hộp còn chưa khui nắp, túi gạo còn lưng lửng, lon bia, ca i-nốc… đôi khi còn trúng mánh được cái đồng hồ, cặp mắt kính còn mới nguyên. Chỉ cần kheo khéo né cái mấu thò ra nhọn hoắt của hàng rào dây thép gai. Thằng Bình nhà theo meo(*) cuối xóm hay vạch dùm Bé Năm mấy cái lỗ dây thép, tay nó có bữa chảy đỏ loẹt thứ thấy đến quen mắt trên đống bông gòn, gạc y tế tanh rình và cả mấy cái xác thỏ bị bắn lòi ruột bốc mùi vẫn nằm lẫn lộn giữa đám rác thức ăn.

Sống bằng bãi rác phi trường, mũi để lọc mùi hơn để thở. Tụi nhỏ trong xóm như thằng Bình, rồi cả Bé Năm xuống tuốt luốt dưới ngã ba còn nghe được đâu là mùi rác mới đổ, đâu là rác để lâu mới chớm ngay mũi đã nhức bưng đầu.

Thính mũi vậy thế mà Bé Năm chưa bao giờ nghe được mùi dẫn đường để trở về nhà. Những lúc thay bà Ba già theo thằng Bình xuống ngã ba bán những đồ lượm được từ bãi rác, Bé Năm hay đứng lại lâu lắc trước cái chợ chồm hổm. Bé Năm đứng đó từ hồi lẻo khẻo tay chân, bụng hóp tới lúc má căng mọng, eo cong thắt, mắt ướt rượt. Từ hồi thằng Bình cứ lần chần chờ Bé Năm trên đầu dốc tới lúc nó bỏ xóm đi đâu mất biệt. Mà vẫn chưa thấy má dẫn đứa em quay lại.

Không tính bên mặt núi, nguyên cái bãi đất rộng rinh này chỉ có ngọn đồi Đại Tá trong phi trường là dòm thấy rõ ràng nơi ba ngả đường chập vào nhau làm thành một góc chữ T, chỗ má kêu Bé Năm đứng chờ.

“Trên trển biết đâu có bữa ngó xuống mình thấy má…” Bé Năm nghĩ vậy lúc đám con gái trong xóm rủ lên đồi Đại Tá. Đứa dọn phòng, đứa rửa chén, đứa bưng ly. Mắt ướt, eo thắt, má căng. Bé Năm vào thẳng bar rượu Ánh Sao đèn lúc nào cũng pha sáng rực cả đỉnh đồi.

Không phải là để được mặc đầm Tây, mang giày cao gót. Không phải là để lả lướt trên sàn gỗ theo từng tiếng nhạc. Cũng không vì cái tên Diễm Thúy kêu rốp rảng được đặt hệt tên một vũ nữ nghe đâu lừng danh ở Sài Gòn hay những đồng xanh đỏ tối nào cũng chui vào đầy trong áo ngực. Chỉ là vì Ánh Sao là nơi duy nhất trên đồi có những ô cửa sổ luôn luôn mở.

Dù tiếng nhạc xập xình lùng bùng đầu óc, dù những mũi giày đinh loạng choạng hơi rượu lâu lâu lại nghiến vào chân đau điếng. Nhưng có hề gì. Khi quay phía nào cũng thấy ba đỉnh tháp đánh dấu chỗ ngã ba cũng quay bên cạnh mình, chấp chới.

Duy nhất một lần cũng qua những ô cửa sổ đó, Diễm Thúy không nhìn thấy ba đỉnh tháp mà chỉ nhìn thấy núi. Lần ấy cũng là lần thiếu tá Thọ ép Diễm Thúy vào vách tường lâu nhất, bàn tay sục sạo luồn từ dưới lên trên rồi từ trên xuống dưới. Những đồng xanh đỏ bung ra khỏi áo ngực, nhèm nhẹp dính cả trên tóc, trên lưng Diễm Thúy lúc bị kéo ngã xuống sàn.

“Bà má nuôi em theo Việt Cộng, tiếp tế đồ cho tụi nó trong núi hoài, đừng tưởng tui không biết. Cần, tui cho tụi quân cảnh đem về bót một ngày là ra hết chớ gì!”

Những cú quặt quẹo, vùng vẫy của Diễm Thúy trên mặt sàn mềm nhũn, xuôi đơ ra vì những thì thào bên tai nóng rực. Những thì thào kèm cả tiếng nghiến răng uy quyền rin rít.

Cắn chặt môi để nuốt một tiếng thét rách toạc đau đớn, qua ô cửa sổ chập chờn trên đầu mình Diễm Thúy đã nhìn thấy núi. Núi không đen thẫm, không là vệt dài mờ chìm trong bóng tối. Núi đang mọc ra cả trăm ngàn con mắt. Mỗi con mắt là một ngọn đèn rọi vào trần truồng sóng soãi của Diễm Thúy trên mặt sàn, rọi vào bất lực run rẩy của Diễm Thúy trên mặt sàn.

“Năm… chờ Bình nhen!” Câu ngập ngừng sau cái nắm tay đột ngột bên hàng dâm bụt bỗng trỗi lên như một tiếng chuông giáng thẳng xuống ong ong, nhói buốt. Đứa con trai của lời nói, đứa từng dỡ giùm con nhỏ Bé Năm những lỗ rào dây thép, đứa có người nói đã gặp cầm AK đi trong núi, sao bỗng dưng cũng như góp một ánh mắt vào nhìn Diễm Thúy qua ô cửa sổ ngợp khói này, phải không?

Thiếu tá Thọ tưởng nhầm những giọt nước tràn trụa trên mặt Diễm Thúy là sợ hãi, đôi ria con kiến nhếch cao trong cái cười phả nặc nồng hơi rượu, thỏa mãn:

“Thôi mà… Anh nói vậy thôi. Cưng cứ chiều anh như vầy là cưng lên làm bà chủ bar này mấy hồi…”

“Bà chủ mấy hồi” của thiếu tá Thọ sáng đó phải bặm môi bặm lưỡi kì muốn lột hết màu sơn trên mặt gỗ sàn mà mỗi lần bước ra nhảy với khách đều thấy lốm đốm dưới chân vệt máu của chính mình. Và Diễm Thúy từ bữa đêm nằm trên sàn gỗ, tháng đôi ba lần được chính thiếu tá Thọ đích thân dẫn lại bàn một ông lớn vai áo đầy bông mai nào đó vừa từ xa ghé tới. Tiếng cười uốn éo phát ra dưới đôi ria quặp xuống:

“Đây! Xin giới thiệu với quý anh bông hoa đẹp nhất phi trường tụi em…”

Lần đầu tiên nghe thấy tiếng cười, Diễm Thúy lạnh toát người dù ánh mắt “quý anh” hói đầu đối diện cứ xộc thẳng vào giữa khe ngực nóng bừng. Những lần sau. Rồi sau nữa… Khi đã quen với tiếng cười, Diễm Thúy không lạnh mà chỉ nhợn. Cảm giác cứ có một cái gì đó nhờn nhợt, tởm lợm ngang cổ họng cần phải khạc ra, phải phun ra dù giữa bàn rượu ồn ào hay trên bất cứ cái giường trải drap phẳng lì nào của Ánh Sao.

Kể từ “quý anh” hói đầu, mỗi khi đổ vật xuống một mặt giường Diễm Thúy đều nhắm mắt. Không phải căn phòng nào ở Ánh Sao cũng đều có cửa sổ. Nhưng lỡ mà những con mắt đèn từ núi có thể xuyên thủng những bức tường…?

Đám con gái cùng lên đồi một lượt thấy Diễm Thúy sáng sáng áo dài, đeo bóp ngồi xe jeep thiếu tá Thọ đi uống cà phê, mắt vẽ lên rõ những thèm thuồng ngưỡng mộ. “Con này số sướng. Tự nhiên nhảy phát một lên bà…”

Nhưng cái số sướng ấy đã chẳng theo Diễm Thúy được bao lâu. Bà thiếu tá từ Sài Gòn bay ra đã táng hẳn một bạt tai chúi nhủi khi Diễm Thúy vừa bước xuống từ trên xe jeep:

“Con đĩ! Ai cho mày lấy xe ổng đi…?”

Vòng trong vòng ngoài đám đông bu lại trước Ánh Sao chắc là tiếc hùi hụi vì bà đã nắm tóc lôi Diễm Thúy vô nhà. Sập cửa.

Sau sự có mặt của bà cộng với những lần đi công tác rất tình cờ của ông thiếu tá, chiếc giường nào Diễm Thúy ngả lưng xuống giờ cũng hoặc là trên gác xép tối hù hoặc là trong hầm rượu. Những người đàn ông cũng chuyển dần từ những bộ quần áo ủi láng ót, thơm nức nước hoa sang những thân người cùi cụi chỉ có mùi mồ hôi hoặc mùi những điếu Bastos quân tiếp vụ hăng hắc theo họ luồn sâu trong vòm miệng.

Lạ là với họ, Diễm Thúy lại ít thấy xuất hiện cảm giác nhờn nhợn, nhộn nhạo trong cổ họng. Chỉ một lần, dưới mái tóc khen khét mùi gì đó rất quen của một chuẩn úy mới ra trường, Diễm Thúy vụt mở choàng mắt. Bật dậy, chụp cái áo vừa tự tay tuột xuống che lên ngực, Diễm Thúy trừng trừng nhìn người khách còn đang ngơ ngác.

“Anh tên gì? Trước có ở xóm rẫy nào không? Có lạc người chị nào ở ngã ba không?”

Liên tiếp những câu hỏi bật ra trên đầu lưỡi Diễm Thúy không dừng được.

Mùi khen khét quen thuộc dậy bên cánh mũi, Diễm Thúy đã rùng mình nhận ra. Nó là mùi khói.

“Đi ra!”

Người khách trẻ chắc lần đầu tìm gái cuống cuồng trước tiếng hét bất ngờ của Diễm Thúy, quần dài quýnh quýu trên tay tuồn ào ra khỏi hầm rượu.

Sụp xuống trên chiếc chiếu còn chưa kịp xộc xệch, Diễm Thúy lẩy bẩy mở chai Johnnie Walker còn chưa khui nắp. Không kịp rót, chỉ kịp cầm nguyên cổ chai dốc ngược. Dòng hăng nồng, chao chát chảy tới đâu mùi khói chảy theo tới đó. Mùi khói từ mái lá buông bốc cháy. Mùi khói từ những xóm nhà xe lam lắc lắc chạy qua. Tóc đứa em trai ngồi càu nhàu bên chị hình như cũng ươm mùi khói…

“Không!”

Diễm Thúy ném chai Johnnie Walker vào chờn vờn khủng khiếp hiện ra sau mùi khói.

Kệ cái liếc muốn róc da của bà thiếu tá như lúc đứng nhìn nửa kệ rượu dưới hầm bị ném bể tan nát, sau lần ấy, Diễm Thúy luôn chặn những người đàn ông bên ngoài cánh cửa. Hít ngửi thật sâu quanh người họ, Diễm Thúy luôn tìm mùi khói. Đôi khi có người còn phải nghe Diễm Thúy hỏi thêm vài ba câu về một gánh bánh căn bên gốc cây gòn.

Gánh bánh căn trước ngôi nhà mái lá đó Diễm Thúy mới nhớ ra đây thôi. Lúc tình cờ về nhà thấy cu Đen ngồi chồm hổm coi bà Ba già cạy một vòng bánh căn quá lửa.

Cặp má phúng phính hồng vì lửa, đôi mắt mở to cả tò mò cả lo lắng đăm đăm vào vòng khuôn đất của con làm lóe lên trước Diễm Thúy một gương mặt trẻ con khác. Gương mặt cũng có cặp má bầu như cu Đen, cũng có cái nhìn lo lắng như cu Đen. Nhưng là nhìn xuống thau bột trắng với hai hàng chân mày nhíu rịt vào nhau. Cáu kỉnh, trách móc.

“Chị Bé Năm toàn phá không hà…”

Giật mình, Diễm Thúy thấy ngay bên góc cửa một con nhỏ đang bị vòng tay đứng phạt. Xung quanh con nhỏ, vòng vèo lơ lửng bay những sợi bông trắng.

Ngồi xuống bên xoong bột của bà Ba già, Diễm Thúy còn nhìn thấy cả những nhúm bông trắng nổi phập phù. Những vòng tròn trắng càng nối nhau xoáy tít trong xoong, nhúm bông con nhỏ bị phạt đứng vòng tay cắc cớ tung vào càng hiện rõ.

“Con nhỏ này! Quậy bột vừa thôi. Chua hết bây giờ!”

Cùng cái đánh chách vào tay của bà Ba, những hình ảnh kí ức vừa nháng lên trước mắt Diễm Thúy tắt phụt.

Cu Đen thấy má không ra ăn bánh, rầu rầu trèo lên giường ngồi sát sạt Diễm Thúy, rờ rờ một bên cánh tay, ngọng nghịu:

“Bà mại (*) Ba đánh má đau hả má?”

Kéo con vào lòng, Diễm Thúy hít thật căng mùi tóc tơ mềm để trôi đi mùi tiếc nuối từ những tia kí ức đã rõ ràng hơn về một ngôi nhà mái lá nhưng cũng chẳng chỉ được đường để trở về.

Những cuối tuần cu Đen lên đồi thăm má, Diễm Thúy hay chỉ cho con chỗ ngã ba đánh dấu bằng ba ngọn tháp.

“Lớn lên con sẽ đi tìm bà mại cho má!”

Nhỏ chút như cục kẹo mà cu Đen đã biết thủ thỉ như thế rồi vòng tay ôm cổ má, ôm luôn ánh nhìn khắc khoải hướng xuống ba cái tháp.

Nhỏ chút như cục kẹo mà cu Đen đã biết ngồi yên cùng mấy hũ kem bên kia đường, chờ má.

Má nhiều khi phải ở lại lâu lắc với những chiếc giường, xong xuôi, chạy xuống thấy xe kem đẩy đi đâu mất, mấy cái hũ bị gió lăn đi lông lốc mà Đen vẫn ngồi yên ngay cái chỗ má dặn, tay chống cằm như một ông già.

Diễm Thúy đến thắt cả ruột khi thấy con lặp lại hình ảnh đợi chờ của mình tại cái góc trước Ánh Sao mỗi dịp cuối tuần. Nhưng biết làm sao hơn khi bà thiếu tá cứ thấy cái dáng đen nhẻm của con ở đâu là lôi lại, săm soi từng nét chân mày, từng cái mụt ruồi.

“Để bà coi coi… Coi mày giống thằng nào. Hay giống ông thiếu tá nhà này!”

Câu ngọt nhạt nếu thấy người mẹ trẻ ngang qua càng đẩy cao, rít rịt như tiếng răng nghiến của bà làm Diễm Thúy cảm giác đỉnh đầu lại nhức bưng lên như hôm bị giật ra từng mảng lớn tóc, còn gò má thì sưng phồng rát buốt.

Đám đàn bà trong bar nhiều người ghiền cái miệng tí xíu mà khôn quá trời khôn của cu Đen, thương cái tướng ngồi thu lu chống cằm chờ má bên kia đường, cuối tuần lại nháy nhỏ nhau thay phiên xuống dẫn thằng nhỏ đi dạo hoặc chơi loanh quanh đâu đó gần Ánh Sao những lúc Diễm Thúy đang kẹt khách.

Một cuối tuần như thế, như thường lệ ra bên hông rạp phim có dán mấy tấm hình to tổ bố để đón con, Diễm Thúy quýnh hết cả lên vì bên cạnh thằng nhỏ không phải bà chị trong bar mà là một thân người cao lêu đêu, tóc vàng chạch trong bộ áo bay đen. Càng quýnh hơn khi cu Đen cứ nhong nhong cưỡi trên vai viên phi công Mĩ lạ hoắc, cười nhe răng sún.

“Cô… là… mẹ Little Angle(*)?”

Đó là câu đầu tiên Diễm Thúy được nghe từ Philip. Câu hỏi ráng lơ lớ được hơn phân nửa bằng tiếng Việt. Nhưng sửng sốt quá, Diễm Thúy lại đờ ra, đầu gật lia lịa như cái máy: Yes… Yes.

Gật lia lịa nhưng Diễm Thúy nào đã hiểu gì đâu. Dù cả tay phi công và cả cu Đen đều thi nhau giải thích. Người xổ ào ào như bắn súng liên thanh bằng tiếng Mĩ. Người làm cả dây cả nhợ những câu kể ngọng líu ngọng lô. Nghe rối như một mớ bòng bong.

Bà Ba già là người gỡ mớ rối. Ngồi quấy ống trầu, làm như sực nhớ ra điều gì đó, bà a lên một tiếng:

“À… Thằng Philip… Bây ở trển tháng rồi mà không nghe rùm beng chuyện gì ha! Tổ cha thằng Mĩ! Bay nhảy kiểu gì để dính treo tong teng ngay hàng ô ma(*) cuối xóm đây nè. Cắt dù rớt xuống thì nó không dám. Không khéo lọt ngay vô bãi mìn tụi nghĩa quân gài, tan xác chớ chơi ha. Ở trên ngọn ô ma, nó cứ vọng xuống kêu Heo(*)… Heo… Tao đã định ở luôn trong nhà, coi như không biết, không nghe gì như mấy ông bà trong xóm rồi. Kệ tụi nó chớ! Mìn tụi nó gài sứt cẳng què giò người xóm mình bao nhiêu rồi. Giờ có nổ chết cha tụi nó, mắc mớ chi mình. Nhưng thằng chó con này nè… (Tới đây thì bà Ba già liếc cho cu Đen một cái, thằng nhỏ lè lưỡi trốn sau lưng mẹ). Nó cứ chạy ra chạy vô kêu rầm lên Thằng Ĩ! Thằng Ĩ! Mại ơi, thằng Ĩ làm con chim heo. Tụi con nít trong xóm cũng theo nó rần rần lên luôn. Cực chẳng đã tao mới chạy qua đập cửa nhà cha ấp trưởng. Thằng Mĩ được gỡ xuống. Tao tưởng ở trển bây cũng hay…”

Cũng một câu chuyện nhưng mỗi người kể lại một khác. Bà Ba già miệng bỏm bẻm kể chuyện cứu người mà cứ như bất đắc dĩ vậy, cu Đen thì diễn tả bằng động tác tức cười, còn Philip, lần nào gặp Diễm Thúy cũng nghe nhắc miết chuyện đã gặp một thiên thần. Thiên thần tóc bum bê tròn ủm, vàng hoe, khét nắng. Thiên thần có đôi mắt trong vắt đáp lại lời kêu cứu khản cả cổ, mệt lử của thân người gần khô queo trên ngọn cây bằng một tràng ríu rít. May mà Philip không biết tràng ríu rít ấy là: Thằng Mĩ làm con chim heo!

Từ khi có Philip cuối tuần cu Đen không cần lên đồi nữa vì ngày nào Diễm Thúy cũng được về nhà. Vài tiếng đồng hồ hay chỉ tạt qua đem cho con ít bánh kẹo, nhưng cu Đen cũng mừng phải biết. Hết chạy lòng vòng bên má lại nắm tay rủ Philip chơi trò rượt bắt quanh chiếc xe jeep. Diễm Thúy nhìn tay Mĩ to dềnh dàng tít mắt tít mũi cười hồn nhiên theo con trai mình bất giác cũng bật cười.

Tay Mĩ đó chưa bao giờ nhìn Diễm Thúy bằng cái nhìn của những người đàn ông tới Ánh Sao, dù vẫn đều đặn nhét vào túi bà thiếu tá khoản tiền mua tự do cho Diễm Thúy vài giờ, và thích gọi Diễm Thúy bằng cái tên Alice, nghe đâu là của một cô người yêu nào đó xa lăng lắc rồi, mãi bên kia đại dương.

Tay Mĩ đó lần đầu tiên đứng trước con đường tắt Diễm Thúy vẫn đi từ phi trường ra xóm đã nhanh nhẹn xắn tay áo, vạch hẳn trên hàng rào dây thép một cái lỗ rõ to. Cánh tay lồm xồm lông lạ hoắc mà làm Diễm Thúy ngơ ngác hết một thoáng vì chợt nhớ về một cánh tay. Cánh tay gầy gò đã từng dỡ dây thép, từng lau nước mắt, từng chịu những vết thép gai đâm ướt nhoẹt máu cho con nhỏ Bé Năm. Người mang cánh tay ấy giờ vẫn còn ở ngọn núi trước mặt kia? Hay đã đi xa lắm rồi cái xóm có đứa con gái quên một cái nắm tay để lên đồi?

Philip không để lại cho Diễm Thúy một cái nắm tay nào. Nhưng bên dãy trực thăng xành xạch cánh giục giã, Diễm Thúy đã đáp lại đôi mắt xanh như ngân ngấn một điều gì muốn nói bằng một cái ôm choàng. Không thấy nét mặt sầm lại của thiếu tá Thọ vừa bước xuống từ chiếc Pickup. Chỉ thấy bàn tay to bản Philip xoa trên mái đầu con trai Diễm Thúy.

“Đừng khóc… Little Angle. Philip sẽ về lại. Philip hứa. Sớm thôi…”

Diễm Thúy gỡ được cu Đen ra, thấy khuôn mặt nó vẫn còn tèm lem nước mắt nước mũi thi nhau chảy. Nó đã ôm cứng chân Philip khóc từ lúc mới lên phi đạo thấy những hàng ba lô, tóc vàng nối đuôi nhau biến mất trong bụng những con chim sắt khổng lồ.

“Philip có về không má? Philip có về nữa không?”

Vẫn còn mếu xệu, nó lắc tay Diễm Thúy khi con chim sắt cuối cùng chậm chạp, mệt mỏi bốc khỏi mặt đất.

Diễm Thúy nhìn theo bóng những con chim đã từng cày nát bầu trời, không biết phải trả lời con thế nào. Trong những xoay vần, những sắp đặt, đến lời hứa bằng cái nắm tay đầu tiên còn quên được. Thì chắc chắn gì đâu lời hứa với một đứa trẻ con.

Thiếu tá Thọ sau bữa thấy Diễm Thúy tiễn Philip một tối lén chui xuống hầm rượu lặp lại lời hứa cũ xì.

“Trước sau gì anh cũng cho em làm bà chủ Ánh Sao!”

Vẫn nằm dưới thân người bụng đã bắt đầu nây nẩy mỡ, Diễm Thúy mở toang mắt.

“Làm cách nào? Ông tính bỏ vợ sao?”

Thân người trên Diễm Thúy lật ịch xuống giường. Không sửng cồ, không quát tháo như thường lệ. Trân mắt lên nóc hầm rượu, thân hình thiếu tá hắt một tiếng thở dài.

Không riêng gì thiếu tá Thọ, những thân hình đàn ông úp lên Diễm Thúy gần đây cứ hay để vuột ra những tiếng thở dài. Có người trong số họ còn bật khóc. Có tiếng khóc lảm nhảm trong hơi rượu gọi tên một người hay một vùng quê nào đó. Có tiếng khóc xen lẫn những ú ớ sợ hãi để nửa đêm vùng dậy là một thân hình ròng ròng mồ hôi, lạnh cóng. Gò ngực đứa gái làng chơi giờ lại là nơi hứng bao tiếng thở dài, bao tiếng khóc của những người đàn ông đã từng là những cánh thiêu thân lao vào một cuộc chiến.

Bà thiếu tá không quan tâm tới cuộc chiến. Bà quan tâm đến bao nhiêu người bước vào Ánh Sao mỗi ngày. Chiến sự căng thẳng, càng nhiều những sắc lính nhàu nhò rục rưỡi đổ về phi trường, đổ lên Ánh Sao bà càng túi bụi mặt mũi với đếm đếm, xếp cất. Những cái thùng sắt được khiêng giấu đầy dưới chân giường. Những thùng sắt đó hôm trái pháo thình lình rơi đùng xuống khoét một cái lỗ to tướng trước cửa Ánh Sao, bà thiếu tá nháo nhào lên trực thăng còn không kịp đem theo một cái. Mấy bà chị trong bar lăn cái thùng còn sót lại xuống thang gác. Nắp sắt mở bung rải khắp Ánh Sao cả một cơn mưa tiền. Thiếu tá Thọ chạy về từ phòng trực chiến, nòng súng giơ lên cũng được đội cho một tờ giấy bạc xanh lè.

Chưa thêm trái pháo nào rớt lên nữa mà cả ngọn đồi náo động như có bão. Xen lẫn tiếng phành phạch, phành phạch của những cánh quạt trực thăng là ầm ầm những tiếng xe jeep, tiếng chân người, tiếng hét gọi ào ào đổ xuống. Trong đêm, nhìn từ trước cửa Ánh Sao, những ánh đèn chen chúc đổ xuống đồi không khác gì một dòng chảy lốm đốm, lập lòe. Dòng lập lòe tràn xuống, tán loạn, rồi đổ đống, dồn cục ở hướng các cổng ra phi trường, trên phi đạo.

Thiếu tá Thọ không biết nghĩ gì phóng xe xuống đồi còn quành lại, lôi phắt Diễm Thúy lên khỏi đám đông nhốn nháo.

“Về dắt thằng nhỏ! Lẹ. Tui để mẹ con em một chỗ trên C119.”

Miệng nói, một tay lái, một tay người đàn ông bên cạnh Diễm Thúy gỡ nhanh những hột nút trên cái áo sĩ quan chật cứng.

Xe lao xuống dốc, cái áo vai có bông mai bạc lấp lánh rớt lại bên đường cùng chiếc bộ đàm vẫn ậm ạch được những âm thanh đứt quãng: “Tinh Long gọi Phượng Hoàng… Cần chi viện. Cần… chi viện…”

Âm thanh không đuổi kịp đà lao của chiếc xe, loáng thoáng chìm trong những loạt tiếng gì đó nghe như là tiếng sấm. Rền rền, lắc lư cả chiếc xe đang lao khỏi ngọn đồi.

Diễm Thúy về nhà trong dư âm những tiếng rền. Quơ quàng mấy bộ quần áo con nít nhét vào giỏ, tốc mùng, kéo tay một gương mặt trẻ con còn ngái ngủ, ngơ ngác ra tới hàng dâm bụt bên cửa ngõ.

“Bây không chờ thằng Bình sao Năm?”

Níu lại bước chân đã nửa trong nửa ngoài khung cửa của Diễm Thúy là tiếng bà Ba già.

Phải. Đã từng có một người con trai đứng trước cánh cửa này. Đã có một người con trai từng nắm tay Diễm Thúy ngay tại chỗ Diễm Thúy định bước ra này. Người đó đã tha thiết mong trong cả ánh mắt rằng Diễm Thúy sẽ chờ.

Diễm Thúy đã đi cả một chặng đường dài, tha thiết lẫn ánh mắt rơi đâu mất, chỉ còn giữ lại một cái nắm tay.

Cái nắm tay giờ chôn xuống đất bàn chân Diễm Thúy định bước tiếp. Cái nắm tay giờ cột cứng ngắc thân người Diễm Thúy bên cửa ngõ, để nhìn những đốm đèn loe lóe vụt bay lên từ phía phi trường.

Phải. Diễm Thúy đã đi một chặng đường dài rồi. Và giờ Diễm Thúy không đi nữa. Diễm Thúy sẽ ở lại đây. Lại làm một kẻ đợi chờ.

*

* *

Người đàn ông trong đợi chờ của Năm Thúy lúc này đang ngồi đó. Trong ngọn khói đốt lá vẫn còn nắm níu, vướng vít. Cu Đen đã biết ý vào trong nhà ngay từ lúc ông đẩy nhẹ cái cổng rào.

- Năm… có đi không?

Nhìn lên đỉnh khói, ông hỏi đúng cái câu Năm Thúy mới nghe từ con trai vài ba phút trước.

Ánh mắt ông vẫn tìm ngọn khói. Ánh mắt chưa một lần nhìn thẳng vào Năm Thúy dù trong ngày trở về trước hàng dâm bụt hay những lần lóc cóc lên để gọi Năm Thúy xuống đồi. Ánh mắt chưa một lần nhìn thẳng nhưng Năm Thúy biết, Năm Thúy cảm nhận được bằng linh cảm đàn bà, ở trên đỉnh khói kia nó vẫn còn day dứt, còn tha thiết lắm.

Đó là lí do Năm Thúy vẫn còn ngồi đây, lần chần giữa màn khói, lần chần cả lúc Philip thình lình xuất hiện trước ngôi nhà dựng tạm trên cái nền đổ nát của Ánh Sao ngày trước.

“Tôi về để đón mẹ con em!”

Ông Mĩ mái tóc vàng ngả màu đã biết nói trọn vẹn một câu tiếng Việt.

Có lời hứa rốt cuộc không phải chỉ là lời hứa. Dù là với một đứa trẻ con.

Philip đã đi rồi về đến mấy lần rồi. Lần nào cũng giục Năm Thúy đi theo. Và trong sốt sắng lần này của ông, Cu Đen nghe chừng cũng muốn đi khỏi ngọn đồi.

Năm Thúy đã thấy được bao nhiêu lời hứa thành sự thực trong cuộc đời mình. Ánh mắt người bên kia màn khói đáng lẽ không cần day dứt. Ở lại của Diễm Thúy ngày ấy chỉ là để hoàn thành một lời hứa, không phải để mong nối lại hai đầu chỉ mong manh, phất phơ trên một miệng hố sâu. Bình cứ là Bình như bao nhiêu năm qua thôi. Đừng mang cảm giác nợ nần gì như thế.

- Năm… có đi… cần kí giấy tờ gì dưới xã, cứ đưa tôi.

Người bên kia màn khói, người có cánh tay từng chịu chi chít những vết gai dây thép đâm cuối cùng rồi cũng đứng dậy. Câu ngập ngừng cuối cùng rồi cũng tuôn ra hết được. Tuôn mà như sặc sụa, nghèn nghẹn trong mùi khói.

Năm Thúy đã định không nhìn theo. Nhưng ánh mắt vơ vẩn ra chỗ ngã ba quen thuộc bỗng dừng lại trên một bóng người lầm lụi, cui cúi đầu đi xuống.

Chiều tàn. Ngọn núi sừng sững phía bên kia đổ cùng bóng nắng lên đôi vai chùng nặng. Dáng người đi mà như gánh trên vai cả bóng chiều, bóng núi.

Còn trước mặt Năm Thúy, những ngọn khói cuối cùng cũng vỡ vụn, tan ra.

Trên đỉnh những ngọn khói ấy, đã có những người đàn ông lần lượt quay về.

Mà má vẫn chưa thấy dẫn đứa em trở lại…

-------

(*) Theo meo: chênh vênh (từ địa phương).

(*) Bà mại: bà ngoại (tiếng ngọng của trẻ nhỏ).

(*) Little Angle: thiên thần nhỏ.

(*) Ô ma: cây lê ki ma (từ địa phương).

(*) Heo: help (cứu).

Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast