Dòng địa chỉ không bao giờ tìm thấy

Chiếc xe ca cuối cùng trong ngày rời khỏi bến và ghé vào một ki ốt ngoại ô thị xã đổ dầu. Bất chợt một thằng bé gầy nhanh nhách lầm lũi bước tới. Anh lơ thấy đứa bé luẩn quẩn bên xe liền lên tiếng. “Mày đi nơi khác kiếm ăn. Xe tao còn đói lắm”. ..

Truyện ngắn

Thằng bé nấn ná lại gần nài nỉ “Cho cháu đi xe với”. Người chủ xe thấy vậy lên tiếng: “Mày về đâu, có tiền thì đi. Tao cảnh giác nhất vẫn là những đứa lóc nhóc như mày, mồn leo lẻo, nhưng thấy ai sơ hở là bớp chạy mất tiêu”. Thằng bé ôm chặt cây đàn ghi ta và cái túi nhàu nát ngước mắt van nài: Cháu về Huế, xe đông khách cháu đứng cũng chẳng sao”.

Chàng lơ cầm đếm tập tiền rúm ró của nó rồi nói: “Còn thiếu năm ngàn. Thôi cho mày đi kẻo lè rè điếc cái lỗ tai.

Chiếc xe nạp đủ nhiên liệu thả một hồi còi rồi chuyển bánh. Thằng bé hớn hở bước lên. Mọi người nhìn nó. Nó tiếp tục đi thẳng xuống dãy ghế sau cùng. Nó vừa đặt hành lý xuống định ngã lưng thì bị lơ xe đuổi như đuổi tà: “Nhóc con. Giường của mày đó hả? Những ghế kia chúng ta để giành bắt khách dọc đường đấy. Tướng mạo mày lăn lộn nhiều mà sao ngu ngơ thế”. Thằng bé giật mình, lỉnh kỉnh vác cây đàn và gói hành lý bước lên đầu xe. Nó ngó nhìn chốc lát rồi ngồi vào cái ghế bỏ thừa sát cạnh một phụ nữ to béo. Người phụ nữ lườm lườm nhìn thằng bé và nhăn nhó: “Mày gắng tìm chỗ khác cho tao nhờ. Đói kiệt xác, bẩn như hủi còn đàn với hát".

Nghe vậy, một ông già đeo kính cận ở ghế sau đưa tay ngoắt: “Cháu ơi! xuống đây ngồi với ông cho vui. Đời sống được bao mà sỉ vả nhau cho khổ”. Thằng bé hớn hở đi xuống. Mụ đàn bà nhanh chóng choạc cái chân ra như sợ ai đó chiếm mất cái chỗ ngồi bên cạnh. Miệng mụ càm ràm câu gì đó nghe không rõ.

Thấy thằng bé bước tới, ông già thu mình dành ra một khoảng trống cho nó bước vào.

Người đàn bà nhoài ra phía sau, nhìn ông già, thả giọng re ré: "Tôi không phải con dâu ông đâu. Ông đừng cậy già mà dạy bảo". Dứt lời mụ thả một nụ cười đàng điệu. Cái cổ thấp cũn cởn của mụ lại rung lên những ụ thịt dày và một dây chuyền vàng như đoạn dây thừng viền bên cổ cũng rung lên theo nhịp điệu ấy.

Một trung niên nước da đồng điếu ngồi ở ghế giữa thấy bực tức người đàn bà này liền lên tiếng. “Bà muốn rộng rãi thì về nhà mà ngồi. Chứ cậy giàu có với ai ở đây”. Mụ đàn bà liếc cặp mắt sắc lẹm nhìn người trung niên rồi mới chịu ngồi im.

Trời thoắt đổ hoàng hôn, gió gai gai lạnh. Mấy hành khách tựa vào nhau ngủ gật, chỉ có ông già và đứa trẻ râm ri chuyện gì không ai rõ. Chẳng mấy chốc xe lên tới đỉnh đèo thì bị bục lốp. Chủ xe và mấy chàng lơ lo lắng hì hục. Hành khách ủ rủ trông chờ. Thằng bé dắt tay ông già ra khỏi xe. Hai ông cháu ngồi xuống vệ cỏ ven đường. Sương rơi và gió se lạnh. Thằng bé thản nhiên vào một gam đàn rồi hát: “Ta như người tứ cố vô thân. Ta cứ mặc gió sương phàng phủ. Nón đội đầu là sương là gió. Dưới đất mềm cỏ cũng nuôi ta…”. Bài hát như vẻ lên nỗi bất hạnh của những người không nơi nương tựa vốn đã buồn giờ càng thêm não ruột. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, chiếc xe sửa chữa xong, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ông già đợi cho mọi người bước lên hết mới dìu thằng bé bước lên. Chiếc xe chưa kịp nổ máy thì có hai kẻ đàn ông lạ lẫm bứu thành xe chui vào. Nom chúng hung dữ như những tay cao bồi trong phim chưởng Hồng Kông. Một tên khua đèn pin sáng loáng. Còn tên kia tay chống nạnh, cúc áo cởi toang để lộ bộ ngực đầy lông lá cùng những đường chạm trỗ ly kỳ. Chúng chưa nói gì, nhưng mọi người đều xép nép run sợ như ngồi trong hang cọp. Không khí trong xe bỗng lạnh toát khi thấy tên chống nạnh rút dao găm sáng loáng ra, còn tên kia bước tới bên tài xế, nó ra lệnh giọng gằn gặt: “Chú tài, hãy cho xe chạy bình thường, nếu tỏ thái độ gì là cả xe cùng toi mạng đấy”. Tên kia liếc mắt sắc lạnh nhìn vào mặt mọi người nói: Ai đâu ngồi đó, có vàng bạc thì hãy tự giác đưa ra… Bây giờ chúng nó đã lộ nguyên hình là những tên cướp cạn. Khoang xe bỗng biến thành một gầm trời cách biệt với thế giới bên ngoài mà mọi người đang phải đối diện với một hiểm hoạ. Sau khi lục soát túi áo của mọi hành khách, chúng bước tới chỗ thằng bé và ông già. Thằng bé đang bối rối thì ông già rút một tờ năm chục ngàn đưa cho chúng. Một tên cầm đồng tiền rồi cười hô hố: “Già rồi, tha cho, chứ còn khoẻ mạnh là lột tất”. Dứt lời chúng bước lên chỗ người đàn bà vừa đuổi thằng bé: “Bà chị thân mến ơi, sợi dây chuyền ở cổ, giấu đâu rồi. Muốn bình an vô sự để về với chồng con thì đưa nhanh. Bọn này đã trông thấy kho báu lủng lẳng ở cổ chị từ khi chưa bước lên xe cơ. Bà chị nên hiểu đó là mục tiêu săn đuổi của tụi này”. Người đàn bà run lên như cầy sấy, rút ra năm mươi ngàn cố van nài và khiếu nại: “Mong các đại ca tha cho, cầm tạm năm mươi ngàn là được rồi. Hai ông cháu ở ghế trên cũng nộp năm mươi ngàn chứ có hơn tôi đâu”. Tên cướp đút năm mươi ngàn vào túi rồi dằn giọng: “Có đưa không thì nói một câu, đừng để tụi này mất thì giờ”. Nói rồi cả hai cùng chúi đầu áp sát mặt vào bộ ngực đồ sộ của người đàn bà. Người đàn bà biết, sự van nài lúc này là vô nghĩa đối với những trái tim cộc cằn, liền vén nạp quần rút sợi dây chuyền đưa cho chúng. Một tên cười sằng sặc và cầm lấy đưa vào hai hàm răng cắn thử như một con chó đói cắn đốt xương nơi lều chợ. Đoạn thả giọng đắc ý: “Vàng xịn đấy, bà chị cho tụi em xin”.

Mọi hành khách ngồi im thin thít. Ông già thấy thế lên tiếng: “Các cậu, tuổi mới bằng con trai út tôi, sự đời chưa trải nghiệm làm như vậy về sau trả giá đấy”. Tên cướp nhét sợi dây chuyền vào túi. Trước khi bước xuống nó gầm lên: “Này ông kia, ông cậy già mà lên mặt dạy đời đó hả”. Giữa lúc chúng nó đang xem thường mọi người thì đứa bé lần về phía sau lưng, quật ngang cây đàn vào gáy. Một tiếng “rụp” khô gọn. Những mảnh gỗ mỏng bị vỡ toang. Tên cướp rú lên một tiếng và ngất xỉu, còn tên kia đạp cửa bay ra khỏi xe. Mọi hành khách bừng tỉnh trước việc làm dũng cảm của đứa bé, họ đều bật dậy. Hiểm hoạ vẫn chưa qua khi tên cướp hồi tỉnh nó lồm cồm bò dậy, nhưng chưa kịp hành động thì bị đoàn người trong xe đánh tới tấp. Bất lực hắn quỳ lạy, xin hoàn trả món tiền và sợi dây vàng. Ông già nói: "Thôi! Gông cổ nó lại nộp đồn Công an là xong".

Chiếc xe lại lao đi trên con đường bằng phẳng. Mọi người thở phào nhẹ nhõm sau một phen hú vía. Họ vui mừng cầm lại số tiền bị mất.

Người đàn bà ấy bước đến bên đứa bé giọng xuýt xoa. “Ôi! Cô cảm ơn cháu nhiều, nếu không có cháu thì cô đi toi sợi dây bốn chỉ. Thôi! cô biếu cháu năm mươi ngàn gọi là nhân nghĩa ở đời". Thằng bé nhìn người đàn bà rồi trả lời: “Bà cầm lấy, ở đời không có thứ nhân nghĩa ấy”.

Từ lúc nào, ánh bình minh đằng đông đang thức dậy. Chiếc xe bình thản đưa mọi hành khách vào bến. Mọi người chia tay nhau. Trước cổng bến xe Thành phố vẫn còn lại ông già và đứa bé đang ôm chặt lấy nhau. Ông già nói: “Ông vẫn còn tiền, cháu cầm tạm lấy ngần này, thêm vào mua cây đàn mới”. Thằng bé lắc đầu từ chối: “Ông già rồi, cháu cầm tiền của ông sao đành”. Thấy không yên lòng, ông già nói thêm: “Cháu còn bé chưa trải nghiệm hết những trái khoáy của cuộc đời. Việc làm của cháu đã làm thức tỉnh bao trái tim cộc cằn của người lớn. Cháu đã đưa đến cho mọi người sự bình yên không những trên chuyến xe này mà còn ở những chuyến xe sau". Nói xong ông già rút vội hai tờ năm mươi ngàn nhét vào túi áo thằng bé. Thấy thằng bé một mực từ chối, ông tiếp tục rút cây bút trong túi ra và cùng một mẫu giấy trắng ghi dòng địa chỉ nhà riêng đưa cho nó. Ông nói: “Lúc nào làm được tiền cháu trả lại cho ông theo dòng địa chỉ này”. Thằng bé cầm tiền từ tay ông già, nhưng thằng bé đâu hiểu rằng đây là dòng địa chỉ không bao giờ tìm thấy . /.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast