Đợt sóng tìm tôi những cảm xúc dạt dào

(Baohatinh.vn) - Tôi và nhà thơ Phan Quốc Bình quen biết nhau đã hơn ba thập kỷ, càng gần anh càng hiểu thêm cuộc đời, cá tính và thơ anh. Với cuộc sống, anh là con người “hiền như đất, thật như đếm”, nhưng với thơ, nhiều người lại cho là khá “gồ ghề, bí hiểm”. Đây cũng là lẽ thường tình, bởi một nhẽ, biển thơ mênh mông và dòng chảy cảm xúc của tâm hồn chẳng ai giống ai. Nhưng hạnh phúc nhất của thi sĩ là đưa tới cho bạn đọc một vẻ đẹp của cảm xúc, một phát hiện mới mẻ trong cuộc sống.

Đọc tập thơ Đợt sóng tìm tôi của Phan Quốc Bình, do Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành, tôi trân trọng một tác phẩm nhìn bề ngoài dung dị như con người anh nhưng trang nào, bài nào cũng đưa tới cho người đọc tình cảm chân thành và sâu lắng. Đợt sóng tìm tôi có mùi hương hoa chanh, hoa bưởi nơi miền quê Hương Sơn của anh, có con sóng vỗ chiều hôm sông Ngàn Phố mà kỷ niệm tuổi thơ theo mãi suốt cuộc đời, có màu hoa xoan tím biếc tiếng chim chào mào.

Điều dễ nhận ra trong Đợt sóng tìm tôi là không thấy nhịp sống hối hả của cuộc sống đương đại mà nghiêng về quá khứ và hoài niệm. Anh là người tôn trọng quá khứ, tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó không bằng các ngôn từ triết lý mà bằng những cảm xúc từ cuộc sống, bằng hình ảnh thân thương từ những người, những nơi sinh ra mình.

Với thế mạnh là một họa sĩ nên khi diễn đạt hình tượng thơ trên trang giấy, anh đã gây ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc bằng những gam màu rất riêng của mình, cái gam màu của hội họa trong thơ ca. Tôi đã đọc nhiều bài thơ của các nhà thơ nói về tượng, thế nhưng, khi đọc bài thơ “Tượng” của Phan Quốc Bình vẫn thấy hay bởi những phát hiện khá tinh tế của anh:

Tạc tượng. Ảnh: internet
Tạc tượng. Ảnh: internet

“Đã hình dung ra pho tượng ấy

Nằm im trong thớ gỗ

Sáng mai này tôi dựng lên

Tạc vào lặng câm

Một cái đầu hiện ra

Một cái tai hiện ra

Rồi hai mắt mở

Và nhảy khỏi bốn bề vây hãm

Tôi ngạc nhiên

Nhìn

Lòng yêu kính đã thành tự giác

Có ngờ đâu trong đời

Pho tượng ấy đã cho tôi cuộc sống

Và gây ra lắm chặng đau lòng...

Trong nhà

Pho tượng ngồi trên cao chiếm lĩnh”

Bài thơ ngỡ như khúc khuỷu về vần điệu nhưng mỗi dòng thơ đều thể hiện trách nhiệm của tác giả với cuộc đời. Dùng pho tượng để nói về người, về đời. Cuộc đời con người lắm gian truân và bức tượng là hiện thân của con người. “Pho tượng ngồi trên cao chiếm lĩnh” - đó là sự thành kính và khao khát vươn tới của tác giả, sự tôn thờ vĩnh cửu này qua dâu bể của cuộc đời được hiện lên từ vẻ đẹp của bức tượng.

Những đau đáu, suy tư trong thơ anh là một sợi dây tình cảm xâu chuỗi suốt 36 bài trong tập thơ Đợt sóng tìm tôi. Kỷ niệm về một người cha đã khuất, anh viết mà không cầm nổi nước mắt:

“Giờ không thấy cha đâu lúc hoàng hôn

Giờ không thấy cha đâu buổi sáng lưng cơm nguội”

Người cha của anh đã hóa thân vào đất đai xứ sở và đó cũng là hình tượng cha của bao người. Một người cha nông dân nghèo khổ, lam lũ mà đáng yêu. Một lưng cơm nguội thôi, nhưng là nỗi thương nhớ day dứt mà cho đến bạc đầu cũng khiến nhà thơ không trả hết công cha, nghĩa mẹ. Cũng có lúc quá hồn nhiên, vô tư với mình, sự chậm trễ khi không đánh vật được với dòng chảy thời gian trong cuộc đời với bao nhiêu ghềnh thác:

“Mải miết chạy về phía chân trời

Tôi quên tuổi trẻ

Mải miết đuổi theo ảo ảnh màu hồng

Đói khổ tôi quên

Và quá say bơi vào biển rộng

Tình yêu rơi mất bao giờ ?...”.

Thơ của Phan Quốc Bình không chú trong về nhạc điệu mà bộc lộ cảm xúc của mình nhiều khi như nói, nhưng lại là lối nói rất riêng của anh. Lối nói ngắn, câu chữ dung dị mà không vụng về và đặc biệt bài thơ nào cũng có tứ.

Đợt sóng tìm tôi là một tập thơ cẩn thận trong tuyển chọn của tác giả và nhà xuất bản. Thơ là một sự lao động nghệ thuật đặc biệt vất vả, cuộc đời của Phan Quốc Bình đã dành trọn cho thơ sự lao động đặc biệt này. Đợt sóng tìm tôi sẽ không tìm đến tác giả nữa, mà tìm người đọc. Tìm ở sự chân thành cảm xúc và tinh tế của thơ anh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast