Duy Thảo: "Tôi đã khóc khi trời quê chiến thắng"

Duy Thảo sinh năm Mậu Dần 1938. Những người biết chút ít về Tử vi cho rằng tuổi này người thuận tay trái thường ngang tàng và có thiên hướng nghệ thuật.

Mà cũng thật lạ. Ngông ngạo một chút trong đời thực nhưng văn chương ông lại đẹp một cách đa cảm. Chí ít là trong cảm nhận của tôi. Sống với ông không ít, quen với ông cũng đã khá lâu nhưng tôi thấy mình chưa hiểu gì về ông trong cái giây phút ông âu yếm đút mồi cho con chim nhỏ rồi lòng khòng dẫn tôi lên cái phòng viết bé tin hin nhưng đầy những sách báo của ông. Mắt ông ánh lên thật lạ khi đọc và kể cho tôi nghe về "Mừng chiến thắng trời quê" - bài thơ một thuở và muôn thuở ấy. Cũng phải nhắc lại rằng, cùng với "Sao chiến thắng" của Chế Lan Viên, "Đường cày" của Nguyễn Mỹ, "Thanh Hóa quê ta" của Xuân Sách, "Quảng Bình chiến thắng của Xuân Hoàng, Mười hai cô gái Truông Bồn" của Quang Huy...Mừng chiến thắng trời quê - qua làn sóng điện của Đài TNVN - đã đi vào lòng của nhiều thế hệ chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là quân dân Hà Tĩnh. Mỗi lần hát lên khúc Mừng chiến thắng trời quê là mỗi lần niềm tự hào trỗi dậy khiến người ta dễ rơi nước mắt...

Ông nhớ lại: Đó là những ngày rực lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đơn vị pháo cao xạ của ông chốt tại đồi Xuân Mai để phục máy bay tầm thấp của địch lẻn vào đánh Hà Nội. Chiều 26-3-1965, từ chiếc đài ORIONTON của người đại đội trưởng vang lên bản tin về chiến thắng của quân dân Hà Tĩnh bắn rụng 12 máy bay Mỹ. Niềm vui và niềm tự hào như bóp nghẹt trái tim giàu xúc động của người lính cao xạ. Anh muốn bay ngay về để chia sẻ niềm vui chiến thắng với quê hương. Trái tim thúc giục anh phải làm một điều gì đó. Tối hôm ấy, bên ngọn đèn dầu ngụy trang, ngay trên mâm pháo, anh viết hối hả bài thơ ''Mừng chiến thắng trời quê" trong niềm xúc động cứ dào lên mãnh liệt:

Quê hương ơi chiều nay nghe náo nức

Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng

Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ

Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng...

Viết xong, ông chép làm 2 bản, một gửi cho Báo Hà tĩnh và một gửi cho ông Vũ Hoàng (Thái Kim Đỉnh)- Ty Văn hóa Hà Tĩnh. Báo Hà Tĩnh đã trang trọng in bài thơ của ông và tác giả nhận được ngay báo biếu và nhuận bút là 6 con tem thư. Nhuận bút ít ỏi nhưng niềm hạnh phúc dành cho ông thật lớn lao. Bài thơ

được hàng vạn người chuyền tay nhau đọc và học thuộc, được ngâm cho các chiến sĩ và nhân dân nghe và có sức cổ vũ lớn lao cho niềm tin và khát vọng chiến thắng của quân dân Hà Tĩnh nói riêng. Tại hội diễn Văn nghệ chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc ở Hà Nội, bài thơ được khán giả nhiệt tình cổ vũ, đề nghị ngâm lại lần thứ hai. Nữ diễn viên Xuân Năm (nay là nghệ sĩ Ưu tú) đã ngâm bài thơ này ở Phủ Chủ tịch cho Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí BCT nghe và được Bác Hồ khen. Những năm 1967 - 1968, từ chiến trường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề nghị Đài TNVN phát lại bài thơ để góp phần động viên tinh thần bộ đội. Ông Hà Tình trong ghi chép "Chúng tôi vào tuyến lửa" in trên Tuần báo Văn nghệ năm 1968 đã kể: "Trước khi Đoàn Văn công Nhân dân TW vào Hà Tĩnh, một nghệ sỹ trong đoàn đã tìm đọc rồi tranh thủ học thuộc bài thơ và đã ngâm ở dưới chân núi Nài - nơi diễn ra trận đánh quyết liệt và trận thắng giòn giã của quân dân Hà Tĩnh. Khi bài thơ được ngâm lên, chúng tôi cảm thấy đất dưới chân mình cũng run lên, xúc động"...

Có người cho rằng bài thơ "Mừng chiến thắng trời quê" mặc dù nặng tính tân văn nhưng vì viết vào lúc đó và ở không khí đó nên nó xúc động. Ơ hay, xúc động chẳng phải là cái đích vươn tới của thơ ca và thơ xúc động chẳng phải là thơ hay đó sao?

Riêng tôi, tôi nhớ mãi lời bộc bach, không, tâm tình của nhà thơ: Tôi đã khóc khi trời quê chiến thắng. Vâng, khi người nghệ sỹ viết theo sự thúc giục của trái tim thì tác phẩm sẽ sống mãi trong tâm khảm bạn đọc.

Giữa một vài cái gọi là cách tân nhặng xị và tinh tướng để đến nỗi "ngôn ngữ khác lấn dần vào sân thơ" (chữ dùng của nhà thơ Xuân Hoài) của một vài cây viết thì "Mừng chiến thắng trời quê" với một cách viết cũ, cấu tứ cũ nhưng luôn luôn mới vì sự xúc động chân thành của trái tim người viết. . Đó là bài học cho những người cẩm bút. Chí ít là những người cầm bút hậu sinh như tôi, kiểu tôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast