Gia tài văn học của Nguyễn Du - kho báu của nước nhà

(Baohatinh.vn) - Nói đến cụ Nguyễn, người ta thường nghĩ ngay tới Truyện Kiều, và vì Truyện Kiều là kiệt tác, hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu, người ta dễ quên đi sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ của cụ. Bởi vậy, bài viết này nhằm đánh giá một cách tổng lược các trước tác của cụ, từ đó, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn đầy đủ về Nguyễn Du – một Nguyễn Du thống nhất trong đa dạng, với cốt lõi là nỗi đau đời, tài văn chương và tầm tư tưởng.

Gia tài văn học của Nguyễn Du - kho báu của nước nhà ảnh 1
Truyện Kiều là kiệt tác của Nguyễn Du. Ảnh minh họa từ internet

Theo những tài liệu để lại, Nguyễn Du sử dụng chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác thơ văn. Vì vậy, tác phẩm của ông cũng gồm 2 mảng chữ viết ấy. Dưới nền Hán học được tiếp thu qua nhiều ngả, trong đó có truyền thống gia đình, Nguyễn Du đã sáng tác nên các tập thơ: Thanh Hiên tiền hậu tập (cũng gọi là Thanh Hiên thi tập), Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục và một số câu đối bằng chữ Hán. Theo hai nhà nghiên cứu Lê Thước và Trương Chính thì cụ Nguyễn sáng tác thơ chữ Hán liên tục từ năm 21 tuổi đến những năm nhà thơ 49 tuổi (1814).

Thanh Hiên tiền hậu tập là tập thơ Nguyễn Du viết khi ở Thái Bình, Hà Tĩnh và làm quan ở Bắc Hà trong giai đoạn 1786-1804. Tập thơ gồm 78 bài chứa đựng những tâm sự đau buồn của Nguyễn Du – một phần tử quý tộc thất thế. Nỗi đau trong tập thơ là nỗi đau vì mình, cho mình, nhiều hơn là nỗi đau nhân tình thế thái. Nhiều bài thơ như Dạ hành, Lam giang… Nguyễn Du đã thể hiện phẩm chất trong sạch và nêu bật ý thức giữ gìn phẩm hạnh. Nói một cách khách quan thì Nguyễn Du trong tập thơ này bộc lộ nhiều tư tưởng bi quan, yếm thế. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực trong tư tưởng đã giữ cho ông đứng vững trước cuộc đời và từ đó có các tác phẩm tiêu biểu hơn.

Nam trung tạp ngâm có 40 bài, được sáng tác trong giai đoạn 1805 – 1812, tức là khi Nguyễn Du được phong hàm Đông các điện học sĩ, vào làm quan trong Kinh. Ở tập thơ này, Nguyễn Du đã chú ý nhiều hơn đến khách thể. Đó là những người lao động nghèo khổ thể hiện trong các bài thơ: Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành (Sáng sớm trên đường qua núi Phượng Hoàng), Đại tác cửu thú tư quy (Làm thay người đi thú lâu năm mong về), Pháo đài... Tư tưởng nổi bật của tập thơ là mối quan tâm của tác giả đến người dân nghèo khổ là nạn nhân của thiên tai, chiến tranh phong kiến phi nghĩa, đồng thời bộc lộ tâm sự u buồn trong những trạng thái nhất định.

Gia tài văn học của Nguyễn Du - kho báu của nước nhà ảnh 2
GS. Kawaguchi Kenichi (ĐH Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản) phân tích văn bản đối chiếu trong tham luận “Truyện Kiều từ góc độ văn học so sánh Đông Á và phân tích Kim Vân Kiều Truyện”.

Bắc hành tạp lục gồm 131 bài, được sáng tác trong giai đoạn 1813- 1814 (cũng có giả thuyết cho rằng, nhiều bài thơ ông sáng tác trong thời gian 10 năm gió bụi). Tập thơ này, Nguyễn Du không dừng lại ở việc soi ngắm cái tôi của mình mà đã quan tâm nhiều đến xung quanh. Nhiều hình tượng mới đã xuất hiện như trung thần nghĩa sĩ, thi sĩ, danh nhân lỗi lạc, những người vì nước, những hôn quân bạo chúa, những gian thần trong lịch sử Trung Hoa. Đặc biệt, Nguyễn Du quan tâm nhiều tới những con người tài sắc, bất hạnh trong: Long thành cầm giả ca, Sở kiến hành, Dương Phi cố lý, Kỳ Lân mộ…

Qua phần điểm lược, điều dễ nhận thấy là, ấn tượng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du chính là nỗi buồn sâu đậm. Ông từng gọi mình có bệnh đa sầu, đa cảm. Ông thanh minh với bạn thân về nỗi buồn sầu rằng, thiên hạ ai là người không ở trong mộng (bài thơ Ngẫu đề), thậm chí, ông còn cảm thấy mình cô độc, không có ai tri âm, tri kỷ. Về mặt lí lẽ mà nói, buồn là trạng thái nhân sinh, giống như hỉ, nộ. Song, ở vào thời cuộc nhiễu nhương, cái buồn của Nguyễn Du rõ ràng không thể tách khỏi những ưu tư về thời thế. Bởi vậy, bên cạnh nỗi xót xa tự thân, cái buồn của ông còn hướng đến tình người nói chung, là sự tương liên đối với người khác. Điều đó được thể hiện rõ nét trong tập thơ Bắc hành tạp lục với những cái nhìn về người nông dân Trung Quốc gặp thiên tai, đói kém. Chưa dừng lại ở đó, nỗi buồn của cụ Nguyễn còn chất chứa trong lòng, thành niềm tâm sự riêng (Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ/ Hồng sơn sơn hạ Quế giang thâm - Ta có một chút tâm sự không biết tỏ cùng ai/ Dưới chân núi Hồng, sông Quế sâu thẳm).

Gia tài văn học của Nguyễn Du - kho báu của nước nhà ảnh 3

TS. Charles Benoit (Hoa Kỳ) sang Việt Nam từ năm 1967 với vai trò là công chức làm việc cho chính phủ Mỹ, chứ không phải là người cầm súng. Ông tìm đến Truyện Kiều và dành nhiều thời gian trong quá trình công tác để nghiên cứu kiệt tác này

Tâm sự buồn này lý giải tại sao khi đọc thơ chữ Hán của cụ Nguyễn, ta cảm giác có gì đó tức tối, ấm ức. Dầu ông không thể nói ra nhưng nguyên nhân của nỗi niềm này, bạn đọc cũng có thể phần nào phán đoán được, bởi lẽ Gia phả và Liệt truyện đều chép Nguyễn Du chạy theo Lê Chiêu Thống; Nguyễn Du về Thái Bình âm mưu chống Tây Sơn; Nguyễn Du định vào Gia Định theo Nguyễn Ánh… Sử liệu cũng nhiều chỗ chép, khi ra cộng tác với nhà Nguyễn, ông luôn muốn về Hồng Lĩnh chứ không muốn làm quan.

19 năm dưới thời nhà Nguyễn, dù hanh thông trên quan lộ, song ông vẫn muốn rút lui, thậm chí có lúc muốn đi tu. Những sáng tác của ông thời kỳ làm quan có nhiều tác phẩm bày tỏ sự chán ghét đối với bọn quan lại và tỏ thái độ không muốn làm quan vì mất tự do. Ông viết trong bài Tân thu ngẫu hứng (dịch nghĩa): Thân này đã là vật trong lòng cũi; Còn tìm đâu được cuộc đời phóng khoáng tự do nữa. Như vậy, cái buồn của Nguyễn Du ở đây một mặt có liên quan đến biến cải của triều chính, đến tư tưởng cá nhân, một mặt có giá trị xã hội, bởi, như đã nói, nỗi buồn là trạng thái nhân sinh, khao khát tự do là hành trình muôn thuở. Đấy chính là nỗi buồn cuộc đời, là trung tâm trong suy nghĩ của cụ Nguyễn và là cơ sở để lí giải nỗi thương người, căm ghét các thế lực bạo tàn, thổ lộ nỗi thương thân, than thân của cụ.

Ở thể loại viết bằng chữ Nôm, bên cạnh Truyện Kiều, cụ Nguyễn còn sáng tác Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn), Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu, Sinh tế Trường Lưu nhị nữ (Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu)… Văn chiêu hồn là bài văn tế viết theo yêu cầu của một vị sư để đọc vào dịp rằm tháng bảy âm lịch, nhằm cúng tế các vong hồn. Bài văn tế là bức tranh tổng kết về những nỗi đau khổ, bất hạnh của con người trong xã hội phong kiến suy tàn. Tác phẩm không viết bằng thể phú, cũng không viết theo thể tài của Lê Thánh Tông (nhà vua viết bài Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, cũng là văn tế, nhưng chủ yếu là khuyên răn) mà viết bằng thể song thất lục bát, chứng tỏ nhà thơ chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tác phẩm trữ tình ngâm khúc tiêu biểu của thời đại như: Chinh phụ ngâm, Cung oán âm khúc, Ai tư vãn. Nổi bật ở Văn chiêu hồn là tấm lòng thương yêu con người có tính chất phi giai cấp. Dầu hạn chế về thế giới quan đó là tác giả kêu gọi phép phật thần thông cứu nhân độ thế, song toát lên trên tất thảy vẫn là ngòi bút hiện thực chứa đựng tấm lòng nhân đạo sâu sắc.

Đối với kiệt tác Truyện Kiều, giới học giả đã tốn nhiều giấy bút. Vì thế, những lời sau chỉ là cung cấp một cái nhìn khái lược. Là kiệt tác văn học, Truyện Kiều đã thu hút nhiều cây bút, đến mức, hầu như không thể thống kê đầy đủ những nghiên cứu về nó, trong khi vẫn tiếp tục phát triển trong tương lai. Nổi bật trong Truyện Kiều đó chính là vấn đề quyền sống, là tinh thần đấu tranh bảo vệ con người, đề cao con người, chống lại mọi bất công, tha hóa. Cùng với giá trị đó, Truyện Kiều đã lấp lánh những tư tưởng của Nguyễn Du với nhãn quan tam giáo (Nho, Phật, Đạo). Bên cạnh giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, Truyện Kiều là sự hội tụ của nghệ thuật vô song, kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa, văn học dân gian và văn chương bác học phương Đông cổ điển…

Có thể thấy, Nguyễn Du là thiên tài văn học. Đóng góp của ông không chỉ có Truyện Kiều, đặt nền móng quan trọng cho giao lưu văn học Việt Nam và các nước bên ngoài, nhất là phương Tây, mà còn có các tác phẩm thơ bằng chữ Hán. Các tác phẩm của Nguyễn Du dầu sử dụng các cách thức, bút pháp, ngôn ngữ khác nhau, song vẫn đi đến một thống nhất quan trọng đó là nỗi buồn nhân thế, tình thương người, nỗi trăn trở về nhân sinh của tác giả và khả năng tổ chức ngôn ngữ một cách điêu luyện. Đấy chính là cái tâm và tầm của cụ Nguyễn và là cơ sở để chúng ta khẳng định: gia tài văn học của Nguyễn Du là kho báu của văn học nước nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast