Gió qua khe hẹp

Hoàng cho xe chạy ra vùng ngoại ô. Đáng lý ra, hết buổi làm, anh phải rẽ trái, đi qua đường Trần Hưng Đạo, đến ngã tư thì rẽ phải vào con hẻm nhỏ để về nhà. Mấy chục năm rồi vẫn thế, đều đặn như quả lắc của chiếc đồng hồ treo ở phòng khách. Nhưng, chiều nay, cái buổi chiều nắng vàng rỡ, xát lên những khuôn mặt đã được che chắn cái nóng như thiêu đốt, các góc tường đều phồng rộp như bánh phồng tôm chiên mỡ, Hoàng thấy bức bối, khó thở.

Hoàng làm việc ngay trung tâm thành phố. Anh phụ trách mảng kỹ thuật ở phòng tư vấn thiết kế, là trưởng nhóm của 7 người, 5 nam, 2 nữ. Mọi người trong nhóm từ trước tới nay đối xử với nhau bình đẳng, qua lại thân thiết như anh em trong nhà. Sếp của Hoàng còn trẻ, xét theo tuổi trong hồ sơ thì kém anh 4 tuổi. Giữa họ, mối quan hệ từ trước đến nay vẫn bình thường. Những vấn đề của cơ quan, Hoàng thường phát biểu thẳng giữa cuộc họp, không e ngại, rụt rè, cũng không cố tình chỉ trích hoặc xé ra cho to chuyện. Sếp cũng giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng, không hấp tấp, vội vã. Đặc biệt, sếp dám nhận sai khi không thể biện hộ nổi. Vì vậy, Hoàng không phải mang những bực bội, ấm ức từ cơ quan về nhà. Mọi chuyện, anh dễ dàng bỏ lại khi cho xe qua phòng trực của bảo vệ cùng với tiếng chào rất từ tốn.

Sáng nay, vừa cho xe vào cổng, bảo vệ gọi với theo Hoàng:

- Anh lên ngay phòng sếp, có việc quan trọng đấy!

Hoàng nghĩ bụng, có lẽ anh được điều động đi công tác. Bởi những lần đi công tác xa, sếp của anh đều cho gọi nhân viên lên để dặn dò.

Gió qua khe hẹp ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Hoàng leo lên tầng 3. Trước cửa phòng sếp, một giàn hoa ty-gôn nở rộ, những cánh hoa nhỏ màu phớt hồng, trông thật đáng yêu. Hoàng đẩy cửa, căn phòng bật điều hòa số nhỏ, sếp của Hoàng đang chơi trò bắn bi trên máy tính. Đôi tay trắng, béo mũm mĩm vẫn tiếp tục di chuột, giọng nói không xúc cảm:

- Anh pha cho tôi ấm nước. Tiện tay, phiền anh rửa hộ bộ ấm chén. Mấy bữa nay, cô văn thư có việc bận, phòng ốc bừa bộn hết chỗ nói…

Hoàng đỏ mặt. Nhưng anh không thể làm gì khác ngoài việc xách đồ ra hành lang để rửa. Hoàng nghe nóng bừng sau gáy. Anh lấm lét nhìn ngó 4 phía, vặn nước ở mức nhỏ nhất… Lấm lét như kẻ trộm...

Hoàng nhấm nhẵng trước hành lang dài hút. Ấm chén anh đã kỳ cọ, tráng hết nước ở xô nhựa đựng sẵn. Đứng mãi ở ngoài không ổn. Những tai thỏ đang vểnh lên để nghe tiếng động từ phòng giám đốc. Còn, vào trong đó, Hoàng không đủ bình tĩnh để pha nước, rót sẵn ra ly, bê lại tận nơi sếp đang bắn “bụp, cắc… bụp”. Hoàng run bắn lên. Anh cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Hình như sếp đang cố tình buộc anh phải cúi xuống, đặt anh đúng vị trí như những nhân viên khác trong cơ quan.

Hoàng đẩy cửa bước vào khi không còn cách nào khác. Bên bàn vi tính, sếp nhếch mép cười ruồi, bộ ria đen và cứng tỉa tót công phu hơi giật giật. Hoàng cẩn thận xếp chén vào khay. Ở nhà, rất ít khi Hoàng làm công việc này. Vợ anh là người nhanh nhẹn và tháo vát. Mỗi khi nhà có khách, cô ấy đều giành lấy việc pha trà. Hoàng chậc lưỡi… Cứ coi là sếp bận việc, cứ coi như đây là nhà của mình.

Hoàng rót nước ra chén. Sếp của Hoàng loay hoay bên bàn vi tính, thua ván này lại chơi tiếp ván khác. Hoàng gạt sang một bên những suy nghĩ rối rắm trong đầu, anh lên tiếng:

- Anh uống nước! Có việc gì quan trọng hả anh?

- Không, tôi chỉ tiện mồm nói thế. Anh uống nước rồi xuống làm việc đi nhé. Cái cần nhất là hiệu quả đấy!

Hoàng tím mặt. Anh nhận thấy đó không phải là sự vô tình. Sếp đã sắp đặt. Sếp muốn cho anh rõ vị trí của anh và sếp. Những việc anh làm cho công ty, hiệu quả và nhanh gọn nhưng chưa đủ. Anh phải là nhân viên biết nghe lời, biết nói những lời có cánh.

* *

*

Hoàng cho xe chạy ra vùng ngoại ô. Đây là lần đầu tiên anh không về thẳng nhà khi hết giờ làm việc. Ngôi nhà ống rộng 4 mét, nằm hút sâu trong ngõ là nơi Hoàng cảm thấy yên ổn. Phải nói là anh đã rất may mắn có được một người vợ đảm đang và cất xây được ngôi nhà ngay giữa trung tâm thành phố. Anh không mong gì hơn thế. Vì vậy, anh bằng lòng với công việc mình đang làm. Không mảy may bon chen, vụ lợi, không có ý định chạy chọt để được cất nhắc lên vị trí này nọ.

Hoàng muốn được cuộn tròn trong chăn những đêm mưa rả rích, lim dim mắt như con mèo ngái ngủ, nghe tiếng cãi nhau chí chóe của 2 đứa con ngoan, ngửi thấy mùi thơm ngai ngái của hoa dạ hương từ chậu cây cảnh được chưng trên khoảnh đất thừa duy nhất ở trước hiên và ngắm cần cổ cao trắng muốt của vợ bên trang giáo án. Hoàng không mơ gì hơn. Và, không có ước mơ nào bình dị hơn thế! Bao năm qua, Hoàng đã một mình, nhâm nhi từng chút, từng chút một cái hạnh phúc giản đơn nhưng vô cùng quý giá giữa cuộc sống bộn bề cơm áo, bon chen…

Nhưng… nhưng hình như, có cái gì đó đang rạn vỡ… Dòng sông yên ả giữa cánh đồng xanh tươi yên ả đang vỡ rạn. Từng mao mạch li ti. Sống lưng Hoàng lạnh buốt. Hoàng nhớ đến ánh mắt của vợ. Có cái gì khang khác trong cái nhìn ấy. Cả cách nói năng bóng gió xa xôi, điệu thở dài nín nhịn. Hai vợ chồng Hoàng có thú uống chè trước hiên. Bộ bàn giả mây đan khéo, trang trí tinh tế, đẹp mắt, bộ ấm chén vợ Hoàng được phụ huynh tặng mua từ Bát Tràng, men ngọc mịn mát. Thường, vợ chồng Hoàng chỉ nói những câu chuyện vui, rồi thi nhau kể cái “xấu” của cu Bi. Khi hết chuyện, Hoàng mang đàn ra đánh. Những bản tình ca dịu dàng đưa 2 người vào thế giới khác, yên bình và đắm say.

Khác với mọi ngày, vợ Hoàng rót chè ra chén, chiêu một ngụm nhỏ rồi khe khẽ thở dài, nói bâng quơ:

- Nhà lão Bờ sáng nay đổ vật liệu, hình như vợ chồng lão định lên 2 gác nữa.

Hoàng đặt ly nước, không nói gì. Vợ Hoàng dấm dứt:

- Không biết bọn họ kiếm đâu ra mà lắm tiền thế!

Ngụm nước trong miệng Hoàng nghét chát. Hoàng nghe tiếng vợ, nhỏ nhưng đầy ấm ức:

- Nhà người ta thì lên vùn vụt, còn nhà mình, chắc ở nhà ổ chuột suốt đời!

Hoàng bỏ ra ngoài. Trăng lắt lẻo và cô đơn trong ánh sáng vàng heo của đèn cao áp. Từ buổi tối, vợ Hoàng nói ra những ấm ức, lo lắng trong lòng, trước khi rẽ vào con hẻm nhỏ, Hoàng đều ngẩng lên, ngước đầu nhìn những ngôi nhà của hàng xóm mà có khi Hoàng chưa biết mặt. Đủ các màu sơn: xanh, xanh nõn, ghi nhạt, ghi đậm, vàng, vàng chanh… Tất cả đều có ý xây vượt lên nhà bên cạnh. Trong cuộc chen đua đó, chưa ai có ý định dừng lại. Bất chợt, Hoàng thở dài và thầm cảm thông với vợ khi nhìn ngôi nhà ống của anh bị kẹp chặt giữa ngôi nhà 3 tầng và chuẩn bị là 5 tầng của lão Bờ. Màu sơn đen sì của mặt tường bên trái làm cho căn nhà ống của Hoàng trở nên chật chội, bức bí. Hoàng chưa từng nghĩ, chưa từng ước mơ, chưa từng khát khao sở hữu một tài sản lớn như thế. Với anh, chỉ cần một căn nhà che mưa, nắng, cần một gia đình có những đứa con ngoan, cần một công việc để anh không phí hoài những kiến thức đã học. Những ngày yên bình như bông dạ hương nhỏ xíu nép mình lặng lẽ không còn từ cái buổi chiều vợ anh buông ánh nhìn khang khác… Không còn những chiều chủ nhật, Hoàng trễ nải với cuốn sách trên tay, lim dim mắt nửa ngủ, nửa thức. Vợ Hoàng le te từ bếp ra phòng khách, thằng bé út nhà Hoàng miệng dính đầy sữa rúc vào chăn trốn mẹ. Không ai nói ra, nhưng cả hai vợ chồng đều có cảm giác bị đè nặng bởi một vật vô hình...

Hoàng ủ dột. Như con gà mái xể cánh vì ấp không trong ổ lâu ngày. Vợ Hoàng không còn đi tới, đi lui trong nhà nữa mà ngồi lì bên máy tính. Lập kế hoạch chi tiêu. Giảm khoản nọ, bớt khoản kia. Nhưng, tổng cộng lương tháng của 2 vợ chồng có vén khéo đến mấy cũng không còn dư giả bao nhiêu. Thấy nét mặt rầu rầu cả ngày của Hoàng, cô vợ xót chồng, vẽ lý do, kêu cả nhà đi ăn cháo canh cá lóc, cố an ủi:

- Là em nhỡ miệng nói thế, anh bận tâm làm gì cho hại sức. Nói anh hay nhé, thiếu gì người mơ ước có được một chỗ chui ra, chui vào như tụi mình. Từ nay, tụi mình cứ thẳng đường mà đi, không nhìn lên nữa nhé, nhé, anh nhé!

Vợ anh cười xòa. Nhưng nụ cười đó có cái gì mất tự nhiên và gượng gạo lắm. Nụ cười hắt lên trời, lên khuôn mặt trắng trẻo, ít ưu tư của Hoàng một màu xám tái ít yên bình. Hoàng mệt mỏi bởi cảm giác lúc nào cũng phải chen. Và, người như Hoàng thì không thể nào chen nổi. Không thể nào!

Không biết từ khi nào, Hoàng và cô vợ tốt tính của anh không thể không nhìn lên khi rẽ vào con hẻm đó. Trong Hoàng, cảm giác ngột ngạt, bức bí, cảm giác bị dồn đuổi, đuối sức làm Hoàng mệt mỏi. Cánh cửa yên bình của những ngày yên bình đang từ từ khép lại sau lưng Hoàng. Sáng nay, cái buổi sáng đôi chim vành khuyên líu lo trên giàn ty-gôn màu hồng nụ trước cửa phòng sếp, Hoàng bước ra và trở về nặng trĩu. Lần đầu tiên, Hoàng không rũ được những việc ở cơ quan khi cho xe lướt qua phòng trực của bảo vệ. Anh không rẽ trái, qua đường Trần Hưng Đạo, đến ngã tư rẽ phải để vào con hẻm nhỏ…

* *

*

Hoàng cho xe chạy ra vùng ngoại ô. Thành phố với đèn đường vàng cháy, phả hơi nóng căng nực xuống những khối bê tông cao ngất ngưởng đã ở lại sau lưng. Anh hít căng mùi đất mới dỡ, ngai ngái, hít hà hương cỏ mật mát tươi. Hoàng nghe lòng dịu lại. Đời người, hỏi mấy vịn tròn được như bi…!

Hoàng rẽ vào con hẻm. Ngôi nhà vợ chồng anh có thêm đôi cu gáy. Tiếng “cúc cù cu… cúc cù” vút lên không gian chen chật, loang tan trên bầu trời xanh mỡ!

Tháng 1/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast