Góc chợ thân thương

Chiều nay ngang qua cầu Sở Rượu, ghé mua mấy mớ ngọn bí, trời căm căm rét, bàn tay người bán như tím bầm trong màn mưa, đó là những người nông dân từ Thạch Khê, Thạch Châu, Thạch Lưu… Cái bàn tay thô ráp, nhăn nheo ấy sao giống với bàn tay của o, của dì, của các chị ở quê nhà đến thế, sao mà nhiều thương cảm đến thế…

Đến từ rất sớm, người đàn ông này đã chọn cho mình được chỗ ngồi ưng ý và bán khá "chạy"
Đến từ rất sớm, người đàn ông này đã chọn cho mình được chỗ ngồi ưng ý và bán khá "chạy"

Tôi gọi đó là góc chợ thân thương bởi ở đó toàn là những người làm ruộng, chân tay lấm lem bùn đất, bởi góc nhỏ ấy nó hiền lành, lam lũ, khiêm nhường nhưng cũng mang một cái hồn quê mênh mang, sâu lắng. Bất cứ khu chợ lớn nhỏ nào cũng có một góc nhỏ của những người làm ruộng, ở đó không ai có chỗ ngồi cố định, không có mái che mưa nắng. Chợ thường bắt đầu bằng những đôi vai oằn, đôi chân mỏi, bằng những lời chuyện trò nhỏ nhẹ với nhau dù quen dù lạ.

Ở quê tôi, các bà, các chị thường đi bộ đến chợ, hàng hóa được sắp gọn trong chiếc mủng con “nối” trên đầu, nhiều thì mới gánh hoặc chở xe. Không sạp hàng, người bán thường để hàng hóa ngay trên xe, hoặc trong gồng gánh, hoặc trải ra nền đất một cái bao tải, chót lá kè, lá chuối và bày ra đó “sản vật” của mình. Hầu như trong vườn có gì thì họ mang tới những góc chợ này thức đó. Từ bó rau muống, rau khoai lang, rau bí, mùng tơi, mướp, rau ngót đến nắm lá chuối khô, bó sả, chùm ớt, hành tăm, bó chè xanh, quả tro, quả trám… Rồi đến dăm bảy quả trứng gà, rổ trứng vịt, mấy chú bồ câu con, đôi gà giống, con vịt tơ… Tất cả đều được bày bán không theo một quy định hàng hóa nào. Những thực phẩm bày bán ấy cũng thay đổi theo mùa. Mùa nắng thì có nhiều loại rau, quả mát, có thêm những lọn mía, quả dưa chuột vườn, mớ ốc vặn, ốc bươu, mớ cua đồng nấu canh rau vặt… Hôm nào nhà bắt được mớ tôm, mớ tép, cào được rổ hến, câu được cá sông thì chợ lại có thêm từng ấy món hàng. Gặp dịp trời mưa dài ngày, các bà nội trợ thường chờ mua những mớ rau muống vượt là những đọt rau vượt nước ngập trắng nõn, ăn rất giòn và ngọt. Mùa nào thức ấy, góc chợ tuy nhỏ nhưng hàng hóa lại rất đa dạng

Và chính những những người chân lấm tay bùn, nón rách, áo sờn đã vô tình tạo cho những góc nhỏ ở những ngôi chợ lớn một không gian bình dị, một hồn quê hồn hậu, thâm trầm mà rất đỗi thân thương. Chị Huê – một người bán rau ở Thạch Châu cho biết: “Lúc nào có hàng chị cũng lên góc nhỏ của chợ tỉnh để bán. KHi chục mớ rau, khi dăm quả trứng, khi con gà…Những bà nội trợ rất thích mua của chị vì độ an toàn cao, không sợ chất kích thích hay thuốc trừ sâu...””. Còn chị Lam ở Thạch Lưu thì nói: “nhà chị có mấy ruộng rau, mùa thu hoạch nhà buôn vào mua tận ruộng rẻ lắm, chị phải đích thân mang rau đi bán, chị đi chợ này thì chồng đi chợ khác, có như thế may ra mới kiếm thêm được. Bán lẻ thì đắt hàng hơn nhưng cũng có những lúc vội phải bán sỉ giá thấp hơn. Dù sao thì cũng còn hơn bán tại ruộng. Tan buổi chợ này, về nhà lùa vội bát cơm lại phải chuẩn bị buổi chợ mai, lại cắt, nhặt, bó, rửa…loay hoay đến hết ngày đó em ạ”. Những người bán rau ấy vất vả là thế mà chẳng bao giờ khấm khá lên được. Những dịp rau hiếm cứ nghe kháo nhau là đắt nhưng chỉ có những người buôn lại mới bán được giá đắt còn người nông dân vẫn bán bình thường, có lẽ vì thế mà các bà nội trợ chẳng mấy khi mặc cả khi mua của các chị.

Một góc chợ của người nông dân ở chợ tỉnh
Một góc chợ của người nông dân ở chợ tỉnh

Mang những thực phẩm của nhà mình ra chợ bán không biết từ bao giờ đã trở thành một công việc quen thuộc của người nông dân. Nhà nào cũng trồng rau, nuôi gà, nuôi vịt nên ăn không hết là họ lại mang ra chợ. Ở những góc chợ tuy nhỏ ấy vẫn có những người bán hàng lâu năm, lâu đến nỗi quen thân với các bà nội trợ, có khi còn mang bán tận nhà cho họ. Đôi khi có những người gắn bó với những góc chợ ấy không chỉ vì mưu sinh mà vì rất nhiều lý do khác nhau, có khi chỉ mấy quả ổi, quả chanh, một mớ rau vặt, dăm bảy mớ rau thơm họ cũng đến chợ vì nhớ bạn hàng, đến cốt để mời nhau miếng trầu, cho nhau quả cau, hỏi nhau chuyện con cái, ruộng vườn…

Ở nhà buồn tay, buồn chân đi bán được thêm đồng nào hay đồng ấy.

Những đồng tiền các chị các mẹ kiếm được từ những góc chợ thân thương ấy thường là rất nhỏ nhoi mà đầy niềm vui bởi nó làm ra từ những giọt mồ hôi, từ tấm lòng thương thiện, chân chất của người nông dân. Chiều nay mua rau chợt nhớ những ngày xưa, tan học về thể nào cũng thấy mẹ đã chuẩn bị xong hàng cho tôi mang bán chợ chiều.

Mắt tôi bỗng nhòa đi và thấy mình ngồi nơi góc chợ, trước mặt là rổ táo, tay đón lấy những đồng tiền lẻ và mơ màng nhìn sang cửa hàng quần áo trước mặt… Ôi những ngày xưa thật đáng nhớ, đáng thương… Cũng chính từ góc chợ thân thương, nhỏ nhoi ấy đã cho tôi biết mơ ước, biết trân trọng những gì mình tự tay làm nên và chiều nay cùng bao sáng, bao chiều nữa tôi biết rung động, biết thương cảm những bàn tay gân guốc, gầy gò ngày ngày chắt chiu từng đồng tiền chính đáng từ sức lao động của mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast