Hồ Chí Minh – niềm cảm hứng bất tận trong âm nhạc

Đã hơn 4 thập kỷ kể từ ngày vị Cha già của dân tộc ra đi, chúng ta không được sống trong sự quan tâm, tình thương yêu vô bờ bến của Người, không còn những giây phút “thiêng liêng lắng nghe thơ Người tràn niềm tin” (Hoàng Hiệp) mỗi dịp xuân về … Và chính âm nhạc là một trong những tác nhân giúp những người con nước Việt mọi thế hệ vẫn được sống trong niềm tin tràn đầy, vẫn được sống trong những cảm xúc sâu lắng, thiêng liêng, thành kính đối với Bác Hồ kính yêu.

Hằng năm cứ vào dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh nhật Bác khắp non sông lại vang lên những khúc hát về Người với những cảm xúc thật thiêng liêng, thành kính. Từ mấy thập kỷ nay, những ca khúc viết về Bác Hồ đều trở thành những bài hát được yêu thích và phổ biến rộng rãi trong lòng công chúng, trở thành máu thịt trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam chân chính. Từ các em thiếu niên, nhi đồng tới thanh niên và người già, ai ai cũng thuộc rất nhiều ca khúc về Bác và ở bất cứ nơi đâu cũng có thể cùng nhau hát vang những khúc ca ấy. Người là niềm cảm hứng bất tận trong thi ca, nhạc, họa và có lẽ trước khi sáng tác về Người, trong tâm hồn các nhạc sỹ đã luôn có sẵn những cảm xúc chân thành, sâu sắc nhất, chính vì vậy, những lời ca cũng như những nốt nhạc cứ tự nhiên tuôn trào như là sự thăng hoa của tình cảm, của sự kính trọng, biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng có câu thơ rất hay về Bác: “Mênh mông áo vải hồn muôn trượng”, Người là hiện thân của một hình tượng giản dị mà phong phú, bình thường mà phi thường nên dù khai thác ở bất cứ phương diện nào, các nhạc sỹ cũng có thể thành công và dễ dàng làm nổi bật lên nhân cách, đạo đức của vị lãnh tụ, người Cha già của dân tộc. Từ những giai điệu giản dị, trong sáng viết cho thiếu nhi như: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” (Phong Nhã), "Bác Hồ - Người cho em tất cả" (Hoàng Long - Hoàng Lân), "Bé yêu Bác Hồ" (Đỗ Nhuận), "Bên lăng Bác Hồ" (Dân Huyền) "Em mơ gặp Bác Hồ" (Xuân Giao) "Em về quê Bác Hồ" (Hồ Tĩnh Tâm)v.v… cho đến những ca khúc mang tính triết lý cao về âm nhạc cũng như lời ca như: “Lãnh tụ ca” (Lưu Hữu Phước), “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch” (Văn Cao),“Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh), “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Người về thăm quê” (Thuận Yến), “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Thăm bến Nhà Rồng”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (Trần Hoàn), Đôi dép Bác Hồ (Văn An), “Trông cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận), “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (An Thuyên), “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên)…và hàng loạt những ca khúc khác đều nói lên tình cảm thiết tha, thành kính đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Các cháu Nhà văn hóa thiếu nhi Hà Tĩnh biểu diễn ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của nhạc sỹ Phong Nhã trong lễ kỷ niệm 30/4.
Các cháu Nhà văn hóa thiếu nhi Hà Tĩnh biểu diễn ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của nhạc sỹ Phong Nhã trong lễ kỷ niệm 30/4.

Hình ảnh Hồ Chủ Tịch trong âm nhạc rất giản dị, gần gũi, thân thương nhưng vô cùng cao quý. Trong một buổi giao lưu, trả lời phỏng vấn báo chí, nhạc sỹ Thuận Yến – người viết nhiều ca khúc về Hồ Chí Minh nhất (26 bài) đã nói: "Trong mỗi chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác (...). Đó là đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong mỗi người sáng tác". Có lẽ chính vì thế nên khắp nơi nơi đều có người sáng tác về Bác và khai thác triệt để những gì liên quan đến đời sống sinh hoạt của Người. Từ Thủ đô đến miền Trung vào miền Nam lên Tây Nguyên đâu đâu nhân dân cũng một lòng hướng về Người với niềm tin phơi phới, với lòng ngưỡng vọng và tình cảm thiết tha: “Người về đem tới ngày vui. Mùa thu nắng toả Ba Đình. Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời. Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời vùng lên” (Văn Cao)/ “Miền Trung mong Bác nỗi mong cha” (Thuận Yến), “Trên cánh đồng miền Nam đau thương mây phủ chân trời. Khi ca lên Hồ Chí Minh nghe lòng phơi phới niềm tin” (Trần Kiết Tường)… Thậm chí tình cảm ấy còn vượt ra ngời biên giới và lắng đọng thành những ca khúc bất hủ như: “Bác Hồ - Thầy giáo” của Pete Seeger, “Bài ca Hồ Chí Minh” của Ewan MacColl với sự ngưỡng vọng lớn: “Từ đau thương người đi khắp năm châu, lòng tin mặt trời chân lý sáng soi rọi chiếu sáng dân mình. Hồ Chí Minh...Hồ Chí Minh...Hồ Chí Minh...Hồ Chí Minh”. Và dù các nhạc sỹ sáng tác trên chất liệu âm nhạc của vùng miền nào, đất nước nào người ta vẫn cảm thấy hình bóng Người thật gần gũi bởi trong tâm hồn và tình cảm của Bác có hồn phách của Tổ quốc và bởi Bác đã dành tình cảm nồng ấm của mình cho tất cả đồng bào.

Các nhạc sỹ đã đến với hình tượng Hồ Chí Minh bằng nhiều con đường nhưng tất cả đều rất tự nhiên và thành kính, kể cả khi chưa gặp và đã gặp, kể cả khi Người còn sống hay đã mất. Và hình tượng Bác Hồ cũng sống trong nền âm nhạc ấy bằng sức sống bất diệt để cho thế hệ muôn sau của dân tộc biết đến Người một cách thật gần gũi, thật tự nhiên như đang được sống cùng thời đại. Và có thể lại có thêm nhiều các ca khúc về Bác với những tình cảm mới, góc nhìn mới để cho tất cả thế hệ cháu con vẫn tiếp tục biết ơn, kính yêu Người và học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Người.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast