Hoa Pơ Lang

Tháng 7 trên cao nguyên, những ngày mưa dày dần, đến lúc mưa xóa cả đất trời, chỉ biết ngồi trong nhà nhìn đàn mối cánh rủ nhau tìm ánh sáng. Lúc ấy tự hỏi "mùa về rồi đấy”. Có nắng lắm thì mới biết yêu mưa, nhưng mưa nhiều lòng ta lại nhớ nắng đến lạ. Con người so với đất trời, so với vũ trụ thì nhỏ bé mà sao tham lam quá. Ngồi buồn nhìn dòng nước cứ chảy mãi nơi cửa sổ lại nhớ những ngày nắng tháng ba, nhớ bông hoa Pơ Lang đỏ ửng trong nắng sớm ấm áp.

Chuyện kể rằng có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ cuốn ngôi nhà và lễ vật của chàng trai. Dân làng trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi chàng buộc vào cổ tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua 5 cánh thay cho lời thề thủy chung. Sau khi lên trời, vì tài năng chàng bị Ngọc Hoàng giữ lại làm thần mưa. Nhớ người yêu, nước mắt chàng tuôn trào. Còn cô gái ngày nào cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Vào một ngày tháng ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết được tâm nguyện của cô gái, Ngọc Hoàng biến cô gái thành loại cây có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao và có những bông hoa đỏ như dải lụa để nàng được nhìn thấy chàng mãi. Loại cây đó chính là hoa Pơ Lang.

Hoa Pơ Lang ảnh 1
Hoa Pơ Lang

Hoa Pơ Lang có rất nhiều ở Tây Nguyên, đặc biệt ở những ngôi nhà Rông. Người ta bảo muốn biết sự hùng mạnh của buôn làng thì chỉ cần đến trước nhà Rông và đếm cây Pơ Lang. Số lượng cây càng lớn thì buôn làng càng hùng mạnh. Bởi số lượng cây tỉ lệ thuận với các lễ hội. Lễ hội được tổ chức nhiều chứng tỏ buôn làng đó có nền kinh tế vững chắc.

Mỗi năm cây ra một mùa hoa. Đó là vào những ngày xuân, khi thời tiết bắt đầu khô hanh nhưng ấm áp. Những búp non xanh thẫm trồi lên trên lớp cành khẳng khiu trơ trụi lá, như sức sống mãnh liệt, tình yêu bất diệt mà người con gái dành cho chàng trai. Và khi nắng lên, từ trong những búp hoa ấy một gam màu của sự mãnh liệt hé mở. Màu đỏ tươi như máu, như niềm tin bất diệt vào những điều kỳ diệu từ cuộc sống.

Tháng bảy không có hoa Pơ Lang, chỉ có mưa. Lại nhớ tháng ba của mùa khô Tây Nguyên không chỉ với tiếng chiêng vọng từ các bản làng xa xa, mà nó còn là tiếng của máy nổ, tiếng của máy bơm nước. Những khúc ống dài tưởng như bất tận cứ thế nối nhau trên rẫy, trên nương. Tây Nguyên ngày nào đã "thay da đổi thịt”, không còn hoang vắng nguyên sơ mà giờ đây khoác trên mình màu xanh của những lô cà phê, của những rẫy cao su ngút ngàn trên "áo mẹ” bazan. Và Tây Nguyên của những ngày tháng ba không còn màu trắng bạt ngàn của hoa cà phê, nhưng lấp ló đâu đó trên nền màu xanh là những búp lửa hồng rực cháy Pơ Lang.

Chót vót trên cao đùa vui cùng gió, đốm lửa dường như muốn bung nở hơn để đón thứ ánh sáng đầu tiên tràn vào mặt đất. Chùm hoa Pơ lang thấp thoáng đó đây bóng dáng một chú chim mới ra ràng bay vội trong nắng sớm. Chú cất tiếng hót líu lo rồi chẳng may đậu nhầm chùm Pơ lang đỏ, bông hoa bật cuống rơi xoay tròn như chong chóng xuống đất, chim non giật mình chao đảo bay đi. Để lại dưới chân người khách bộ hành một nỗi niềm xao xác. Mưa vẫn rơi hoài, rơi mãi. Mưa khiến cảnh vật bình yên thơ mộng theo cách yêu nó của riêng mỗi người. Tây Nguyên chưa xa đã nhớ, Tây nguyên của bao con người với bao lần định rời bỏ nhưng rồi ở lại gắn bó, lại nâng niu. Và mưa làm lòng ta chợt nhớ về màu nắng của Pơ Lang hùng vĩ.

Theo Đại Đoàn kết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast