"Hoa thỉ xa"

Từng hồi mõ giục rát phía rừng xa. Ông già chồm dậy, mắc chiếc “túi đựng hồn” vào vai, xồng xộc xuống sàn. Bóng ông màu bã gió. Sờn. Bạc. Nhàu. Và, vá víu.

Thường ông đi chừng một quăng dao bóng mặt trời, mõ dứt. Lần này một ngày, hai ngày, ba ngày... mõ vẫn hối bồn chồn!

*

Gió tháng năm như mồi diêm xòe trên lá. Cây đổ mồ hôi. Đá cũng đổ mồ hôi. Rừng ran mùi lá chín. Từng chiếc khô vênh màu lửa liệng xuống, mỏng như giấc luân hồi. Đôi mắt chằng chịt vết thời gian, bỏ ngỏ một khái niệm đời người, không chớp. Thỉnh thoảng, rỉ ra giọt nước mắt đỏ quặn màu máu. Xa ào xuống thang, leo lên ngọn co có cao ngót trăm mét, gióng chín tiếng mõ; rồi tám tiếng; bảy tiếng; 6 tiếng..., cuối cùng là một tiếng. Khô khốc. Đột độc. Như tiếng hộc tuyệt vọng của lão rừng nguyên sinh. Xa sùng sục tụt xuống, ngồi chết lịm cột chòi. Mắt nhìn trừng vào lỗ hổng tự vấn. Bốn ngày chờ, dài như bốn năm. Xa thiếp đi bên cái xác, chỉ đôi mắt còn sống.

Tiếng chân lên thang, hậm hụt như bước chó què. Xa bừng gào lên:

- Bà chỉ còn một vía thôi!

- Sao... thế...?

Tiếng ông già đứt nghẹt như trâu nghẹn óng. Máu khô bết bát khắp mình. Bộ dạng thiếu ba, bốn ngày cơm, tái dại. Ông già lết tới bên chõng. Xa kể bệnh:

- Bà bị bệnh tim, nặng lắm. Cả bệnh nằm nhìn lá rụng, cũng nặng lắm!

Ông già đặt ba ngón tay lên mạch quay:

- Một trăm hai mươi sáu nhịp, trừ bảy mươi bảy tuổi, còn bốn mươi chín... . Nhịp tim này của người chay đạo viên mãn, không phải ốm.

- Tim bà ốm thật đấy, rỉ máu đêm ngày.

- Uống thuốc gì rồi?

- Thuốc này.

Xa chạy vào góc lều móc ra một chai thuốc trong như đựng khí.

Ông già chẳng xem nổi nữa, xỉu ẹp da thú. Xa khóc. Ông đến chữa bệnh cho bà. Xa lại chữa bệnh cho ông. Cô bón từng giọt, từng giọt. Khổ thân ông. Bước chân lão hóa, dần không chịu được sức vóc con đường, đã quăng quật ông bầm dập.

"Hoa thỉ xa" ảnh 1
Minh họa của Hoàng Vũ

Ông bảo tim bà khỏe là sao? Bà hay đau ngực, nhất là đau nghĩ. Từ hồi Xa còn bé đã thấy bà không ngủ. Bà bị bệnh mất ngủ? Bà tu khổ thành không cần ngủ? Xa không biết. Đến chuyện bà có ốm hay không cũng không biết. Có thể bà ốm nghĩ, rồi lan xuống tim?

*

Ông già lầm lụi đi về phía núi Ta Bươn (Mặt Trăng). Quả núi có hình mặt trăng khuyết, dựng tua tủa cổ thụ và thụt lõm bõm hang động. Với ông già, núi ấy là núi Nàng, vì có căn lều người ông yêu. Ngoài tình yêu như trúng bùa trúng ngải, trong ông trào lên tình thương thấu tuyệt. Thương như miệng thương tỳ vị. Thương như giấc ngủ thương thần kinh. Vì cô ấy nên ông không thể về xuôi như nguyện mong của mẹ: “Con về mà trả nợ hương khói bố con. Nợ chăm sóc mẹ. Nợ học hành nghề nghiệp em con...!”. Mẹ ông mất để lại bản di chúc vỏn vẹn ba chữ: “Thằng bất hiếu!”. Mãn tang mẹ, cô hàng xóm nhà có cây ổi nghệ tìm lên: “Mẹ đi mát mẻ và siêu thoát. Em đã gửi mẹ và chú út lên chùa, anh an tâm!”. Ông giật bắn mình! Sao thư mẹ nói thằng út là sĩ quan hậu cần, thăng tiến và thành đạt? Ông trấn tĩnh. Giả thần người, đờ đẫn và ú ớ: “Tôi có mẹ? Có một quê nhà? Có em trai phải lên chùa? Có cả vị hứa hôn?...”. Cô ấy cười, nụ cười chan lệ: “Mẹ anh giống như bao bà mẹ dưới đồng Bản Mị, Bản Phăng, lấm lem bùn sình, ướt đầm mưa mồ hôi và mưa nước mắt. Sợ mẹ buồn, em nói anh là thiếu tá tình báo, đã lập được nhiều công lớn, vẫn hoạt động bí mật. Em trai anh giống anh như đúc, cũng đi bộ đội, nhưng không được may mắn như anh. Nhà anh giống y chang những nếp gianh lúp xúp, khói tỏa mỏng manh, hương cơm thơm thì ít, mùi rạ cay thì nhiều, ở ngoài bìa rừng kia. Quê anh à? Có ngọn núi Tam Cốc, giống như núi Nàng của anh, sương phủ mơ màng, chim kêu thánh thót...”.

Ông cười ngu ngơ!

Cô gái xin ở lại. Ông đồng ý. Ông hì hụi làm chõng tre, kê ở đầu lều bên kia. Đêm ấy ông thức trắng. Lâu lắm rồi ông không nghe tiếng đêm quê. Hình như bây giờ đêm quê khác xưa, không còn thanh bình nữa? Thỉnh thoảng, từ chõng bên ấy, tiếng thở dài, tiếng nấc... mỏng như tiếng mọt vọng. Chắc quê mình giặc giã liên miên nên còn nhiều ẩn ức! Ông trở mình nhẹ như thẹo gió!

Sáng sau, ông dẫn cô gái lên núi Pú Huốt. Cô gái hỏi ông Pú Huốt nghĩa là gì? Ông bảo là núi Sừng Trời, nhưng gần đây, già bản dịch lại là Rá Vo Gạo. Già bản bảo nó chính là cái rá gạo của trời, vì thế mà vùng Đất Vâng Lời (Đin Phăng) này, mới dư thừa no ấm. Ông bảo, hồi kháng chiến, chỗ hai người ngồi tự dưng có một cái cây, cổ thụ ngay từ lúc mọc. Lá cây ấy mỗi sáng một màu xanh, mỗi chiều một sắc héo. Cây ấy biết vẽ bản đồ thung lũng Mường Trời, biết nắn pháo trúng vào hầm Đờ-Cát... . Dân bản gọi cây ấy là “Mắt” của Đất Vâng Lời.

Hai người ngồi tựa bóng vào bình minh. Rừng sớm ắng cô liêu. Rất lâu sau, lũ chim lùm mới gật cổ, “hót đồng hồ” chiu chít. Cô gái không nén nổi bồn chồn:

- Không nhớ thật sao?

- Không nhớ!

- Cái Hạ, chơi trò vợ chồng...?

- Hạ nào?

- Nhà có cây ổi lòng nghệ...

- Không nhớ!

- Ừ thôi, nhớ cũng chẳng làm gì. Lên báo tin nhà và chơi với anh vài hôm rồi về.

- Cô cứ ở lại.

- Không! Em đâu phải đứa vô hồn.

- Tôi cũng đâu phải đứa vô hồn. Trời bắt quên phải chịu!

*

Xa khoác ếp, xách dao, đi vào núi Mặt Trăng. Bà từng đòi lên núi. Xa đã cõng bà theo. Bà ngồi trong gùi như những đứa trẻ vẫn theo mẹ đi nương. Bà nhẹ như chiếc lá, gió nâng nâng. Bà chỉ cho Xa các loại cây, rễ, củ, quả chỉ dành riêng cho bà, vì toàn là thuốc độc. Giờ thì Xa tự đi hái thuốc độc, sao, sắc cho bà uống. Lúc đầu hộc ngay máu tươi. Sau thì miệng nôn, chôn tháo. Đến một ngày, bà uống thuốc độc ừng ực, tỉnh bơ cứ như đã vắc xin. Thuốc độc vắt bà giống như Xa vắt quần áo, khô rộc. Thứ năng lượng níu giữ sự sống hằng ngày là nhai lá cây và một thìa mật ong trong như thìa nước mắt. Mỗi bước đi của bà, xương va lạo xạo. Khớp chỉ còn đơn giản là các đoạn xương đấu đầu, ken két như kẹt bi. Bà bảo ba năm mất thịt. Ba năm nữa mất cơ. Ba năm cuối teo tủy, teo não, teo mắt... . Tim, gan, phèo, phổi... gỗ hóa. Đích là bộ da khô, bọc khung xương đen quánh thuốc độc. Ba năm cuối cùng cũng là quá trình ngồi xếp hoa sen, không đi lại.

Người ta gọi bà là “dị nhân thông thái”. Cả đời bà nghiên cứu và bói lá cây. Bà đoán vận trời, hạn đất, đoán phần phước cho hoa, lá, cỏ, cây. Bà tiên tri, rất gần, địa cầu sẽ thạch cầu, kim loại cầu. Con người phải tập từ bỏ hít thở, bởi không khí nghèo kiệt và dơ bẩn. Từ bỏ dinh dưỡng, do chẳng còn gì ngoài sắt đá và lúc nhúc người. Bà không nghiên cứu về con người - nguồn “chuột thí nghiệm” dồi dào gấp cả tỉ lần cây cối trong tương lai; lại càng không bói được cho người. Người duy nhất bà dám bắt tướng chính là bà. Lá cây chỉ cho bà cách sống và cách chết của cây, của lõi lũa. Chết mà như sống thiên thu vạn đại. Bà không tích trữ lương thực, vì như thế chỉ tạo ra sự tham lam, chiếm đoạt, hơn nữa là khởi nguồn tội ác, tàn sát, và cuối cùng là tiệt diệt. Bà sống một đời bằng thực vật. Bà không muốn làm rối loạn trật tự thiên nhiên, vì như vậy đồng nghĩa trái đất đẩy nhanh quá trình... nghỉ khỏe. Người thứ hai bà bắt tướng là Xa. Bà bảo Xa có số “thiên thu thiếu nữ”. Gặng mãi, bà cũng chỉ im. Theo như triết lí của bà, Xa lờ mờ rằng cô sẽ chết trẻ. Chết lúc phơi phới thanh xuân. Chết lúc chưa khái niệm nổi thế nào là hạnh phúc. Mười tám năm rồi Xa đi tìm bí mật của bà! Ngần ấy năm, rút cuộc, Xa chỉ biết hai từ bí hiểm...

Bà cố cất những bước lạo rạo đi về phía đồi gianh. Ngọn đồi ấy, 60 năm trước bà từng trồng khoai, sắn để nuôi sống mình. Nhưng chỉ một năm sau, người ta bảo sức sống mãnh liệt của loài cỏ bàn chông đã chiến thắng. Chút sức mọn vặt của một bệnh nhân không thể cản chúng mỗi khi mưa về. Bà lại bảo, thay vì cản chúng, bà đã chặn không cho hoa màu lên để chúng ngày một mênh mông. Bà chính là tín đồ của cỏ gianh. Bà thích ngắm cỏ gianh tự nhiên chen chúc lá đòng. Bà thích hít thở giữa khung trời sóng lá man mát. Đồi cỏ như bầy ngựa hoang, phi rùng rùng giữa không gian cô quạnh, và phi giữa vùng thảo nguyên hoang hoặc trong tâm tưởng bà. Bà nghiện nghe cỏ gianh hát. Hình như trong tiềm thức rất xa, có những quả đồi cỏ gianh khua sóng lá suốt bốn mùa. Có cả những con trâu nghếch cặp sừng đòn xeo, lọc trong vũ điệu cỏ gianh tiếng bầy đàn khiêu khích, và cả lời mời rủ bất khả kháng. Bà vun trồng nên đồi cỏ gianh ấy, để suốt sáu mươi năm qua, vào mỗi buổi chiều bà lại ra ngồi nghe lá gianh khua xào xạc, và chờ một sự nhắc nhớ của kí ức...

*

Tôi theo chân ông già leo lên đỉnh núi Sừng Trời. Ông đã cố cai nhưng vô vọng. Mỗi ngày ông đều nạp căng thứ đô-ping của trời đất ấy. Những lần ốm liệt, bằng cách nào đó, ông lên đỉnh núi, nghe gió thủ thỉ vào tai những bí mật của đất trời là kể như được uống một liều thuốc tiên. Ông xứng danh là bạn của gió. Chỉ có gió mới kể cho ông nghe được nỗi niềm của gan ruột. Chỉ có gió mới vuốt ve, an ủi được kí ức như nung chảy trong ông. Và cũng chỉ có gió mới chịu được tiếng gào của ông mỗi lần tự tranh luận với chính mình...

Cuộc sống của ông già giống như một sự vô lí. Mâu thuẫn và mủi lòng. Tự vấn và day dứt. Ích kỉ nhưng hồ nghi. Ông nghiện không khí, tầm nhìn và cả tiếng động của gió trên đỉnh núi Sừng Trời. Bản thân ông cũng chẳng biết tại sao, chỉ biết mỗi lần được đứng trên cao, phóng cái nhìn vút ra mênh mang mây trắng và trùng điệp lá hoa là ông lại thấy yêu sống.

Ngoài ngọn núi ba tên (Pú Huốt, Sừng Trời và Rá Vo Gạo), con đường “Máu Về Tim” ông tự khai, tự đặt tên, như sợi tơ hồng vắt qua sinh quyển ngào ngạt cỏ hoa, mấy chục năm qua được ông coi như người bạn. Chỉ mình ông đi trên nó. Chỉ có kiểu đi của ông mới khiến nó kì lí. Đường vẫn mòn, cỏ hoa vẫn mướt. Trên mình con đường cỏ hoa ấy, mỗi nốt sần sinh học là một “đốt cuộc sống” đời ông. Ông dừng chân ở “đốt” thứ bảy. Bến đỗ cuối cùng của khu hầm bếp trạm xá, sau hàng chục lần chuyên chuyển khắp các ngả đường bách phạt. Những rãnh khói như bộ vòi bạch tuộc đã hoàn thành qui trình hoại tử, hóa thân vào thiên nhiên vạn dã. Như mọi lần, ông đứng thần trí nhìn vào màn rừng. Bóng sơn nữ lẩn khuất trong ngóc ngách kí ức suốt sáu chục năm qua.

Ông lắc mạnh đầu xua đi thần cảm như lưỡi dao gại sàn sạt vào tim. Gạt lớp thảm tươi ngoại tầng, bốc một nắm thục lang can có tuổi thọ sáu mươi năm đưa lên mũi. Cả trăm tấn bom giặc đã đổ xuống đây. Rừng cây cổ thụ bị phạt ngang, đã liền sẹo. Tâm trí ông vẫn in bóng dáng uyển chuyển, quyến rũ và ma mị của cô ấy. Mỗi lần bàn giao gạo, đêm đen lại bừng lên ánh sáng phát ra từ da, từ răng, từ nụ cười, ánh mắt. Ông lén cất vào tim mình một lá bùa yêu không thuốc giải. Bom bùng lên dữ dội. Ông đạp mẻ đá, chùn gai mà chạy. Nhà lán tan hoang, kho hầm nát bấy. Xác cối giã gạo đè lên mùi gạo cháy khét lẹt. Ông lao vào đống đổ nát. Nửa ngày. Một ngày. Chiếc áo cóm hiện ra trong tan tác. Tim cô vẫn đập, từng nhịp, chắc chắn... . Mấy ngày sau cô khỏe, nhưng đã có một thay đổi động trời. Cô bị mất hoàn toàn trí nhớ.

Sau ngày giải phóng, nhận lệnh giải tán đoàn dân công hỏa tuyến, thâm tâm cô, khu lán trại đội giã gạo chiến dịch là nhà. Sống ở đó, cô gái tên Ban mà ông biết, mải mê với những kí ức, những danh hiệu “chân khỏe”, danh hiệu “học sinh tiên tiến” lớp bình dân học vụ... : “Cô ấy mê mẩn với những thứ mà năm tháng phá hủy sạch sành sanh. Khi bất lực trước đường tìm về miền kí ức vô vọng, cô bỏ lên đồi gianh nghe gió rối tao tác. Mùa gianh lụi, cô ấy vẫn ngồi ở đó, tai hếch ăng ten, mắt hực vào khoảng trống u buồn, diệu vợi. Gió heo may lật những thảm gianh khô màu lửa lên rồi lại dập xuống, sàn sạt. Cô vẫn cứ ngồi giữa mênh mông màu lửa. Ánh mắt nguy cơ bị lửa liếm mất bất kì lúc nào!

- Bà ấy tìm một kí ức xa?

- Hình như thế!

- Bà ấy không biết ông?

- Cô ấy biết tôi sau trận bom, như một ân nhân. Trước đó, chúng tôi thân nhau. Tôi yêu cô ấy. Cô ấy thì lại ngoảnh mặt về kí ức!

- Đấy chỉ là giảo biện của sự nhút nhát! Ông phải tiến công chứ?

- Chiến tranh luôn nhanh hơn mọi dự định. Tôi đã lập kế hoạch tác chiến, nhưng hoàn cảnh chiến dịch luôn luôn biến ảo khôn lường...

- Sau này ông không cố đánh thức bà ấy?

- Sự thức tỉnh chỉ cần cho người có lỗi. Bà ấy vô tội!

*

Trước mặt tôi là một bà lão già khọm, nhìn bề ngoài cỡ cả trăm tuổi, như pho tượng đã lên nước sơn cuối, chắc đét, vĩnh cửu. Tôi đến vùng Đất Vâng Lời này như một điều kì lạ. Tôi gặp ông lão dáng vóc loắt choắt, bán thuốc Nam dạo, quảng cáo “Cây Chủ Tịch”, “Cây Bí Thư”. Thấy ông bí ẩn, tôi theo về núi Sừng Trời. Tôi hỏi, thứ cây quí đến mức là chủ tịch, bí thư của rừng, thì sao lại bán? Ông bảo, phải mất cả cuộc đời ông mới tìm ra loại cây “khắc tinh của bách bệnh” này, để chữa chứng mất trí nhớ cho một cô gái, nhưng giờ giác ngộ rồi, sợ cô ấy nhớ lại, trật tự sẽ đảo lộn.

Ông già vốn không đủ tiêu chuẩn thể hình để nhập ngũ, nhưng ông đã chiến thắng tiêu chí khắt khe đó nhờ lời khuyên của cha: “Muốn thực hiện ước nguyện phục vụ quân đội thì phải có năng lực đặc biệt. Năng lực mà tất cả các cuộc chiến thực cần”. Ông thành “thần y” ngoài mặt trận như cha ông mong mỏi.

Tôi mua lại hai cây thuốc độc nhất vô nhị ấy, nhưng tặng lại ông. Ông lão là chủ nhân của hàng trăm vườn thuốc rải rác khắp núi rừng Đất Vâng Lời. Một mình ông cặm cụi chống lại cả một cuộc xâm lăng cây thuốc Nam của bọn thương nhân bên kia biên giới, bằng cách, lùng cây thuốc quí về nhân trồng trong các hẻm núi hiểm trở, không dấu chân người. Ông lặng lẽ mang hai cây thuốc đến Bức Tường Trời, trồng xuống cạnh một ngôi mộ xếp đá, nhưng không có bia. Ông bảo, bia cô ấy ông khắc trong lòng. Nửa tháng trời sống ẩn sĩ với ông lão, cuối cùng cũng biết về chủ nhân ngôi mộ:

- Tội nghiệp cô ấy, vì giữ lời hứa với mẹ tôi là chăm sóc cho tôi, mà bò lên đây để xem tôi giở trò giả điên giả dại. Cái không gian điên dại của tôi đã làm cô ấy điên dại héo mòn lúc nào không hay.

- Sao ông lại...?

- Tôi đợi cô Ban đi trước, tôi sẽ tự xử mình!

- Ông! Ông đúng là...

*

Tôi đi theo hướng tay một lần ông già đã nhờ vả rằng, lỡ ông có bề gì thì sang bên ấy, vì tình nghĩa với ông cũng được, thương hại ông cũng được, mà vì gái đẹp cũng được. Phải mất gần một ngày tôi mới đi đúng con đường Máu Về Tim, để đến với cái lều, với bà già và cô gái tên Xa. Tất cả mong manh, u mờ, bí hiểm. Xa như vớ được đồng bọn. Cô bảo, sống âm thầm giữ hai “siêu dị nhân”, cô cũng trở thành kì dị. Cô gái người dân tộc Thái, sống với bà ngoại người Thái, mà Kinh sệt. Ngoài cái vẻ hao hao dị nhân, Xa còn thông thái như một học sinh trung học phổ thông tham gia “Đường lên đỉnh Olympia”. Sành điệu và tự tin. Nói về sự gắn bó tình nghĩa của hai dị nhân rừng, Xa bảo là cuộc sống đòn gánh, mỗi người một đầu núi, cách cả giờ chim bay. Xa được ông già cho đi theo bán thuốc để lấy tiền dầu muối, vải vóc và nông cụ, nhưng thực chất là lén lút đi học.

Mới chỉ vài giờ mà tôi và Xa đã xoắn xuýt. Xa có vẻ đẹp sắc sảo của một cô gái hiện đại. Giữa rừng, chẳng có gì so sánh, Xa càng toàn mĩ. Nhưng tôi không có dấu hiệu nào của sự rung động. Có lẽ, nói theo ngôn ngữ của ông lão, trong tôi đã có một kí ức rất xa. Mặc dù người phụ nữ ấy, chỉ một phút tôi chù chừ đã bỏ tôi đi lấy chồng, nhưng trong bốn ngăn tim của tôi, máu nàng chật cứng. Hình ảnh Núi Mây, Ba Ẳng và những quả đồi xanh mướt cà phê chưa một lần nhạt nhòa.

Chỉ vài ngày sau, tôi đã bắt đầu quen tay hái thuốc, sắc thuốc bón cho bà Ban. Xa rảnh rang chế biến các móm ăn chay rừng. Cháo củ mài, măng đắng nướng, dưa lá nhội, rau sắn vắt... . Bà Ban và Xa không có khái niệm ăn chay, nhưng tất thảy mọi thứ hai người dùng, đều là chay thực. Tôi dần thay Xa cõng bà Ban ra tiểu thảo nguyên nghe vũ điệu cỏ gianh. Ánh chiều đổ xuống dãy núi xa một vệt dài như nét phác họa đường chân trời trên hoang đảo. Bóng bà nhuộm đỏ ráng, lấp xấp trong gợn sóng lăn tăn trên thảm cỏ gianh mênh mang. Tôi cố tìm trong lào xào tiếng cỏ thứ khác biệt. Tịnh không. Chỉ có bà già là dường như thổn thức hơn, rạo rực hơn. Cuối cùng, như một cú điện giật, bà nhổm lên, khóc rấm rứt. Hình như hôm nay bà nghe thấy tiếng nghé ọ của con trâu đầu đàn có tên Hổ Cỏ. Bà đã láng máng nhớ ra một ngọn núi xuyên thấu vào trời xanh. Bà bất chợt ôm đầu đau đớn. Tôi cõng bà về trong chiều choạng vạng. Bóng cõng nhau đổ dài xuống đường như một lời thách thức. Bà thều thào:

- Cậu đi nhiều?

- Dạ.

- Cậu có biết ở đâu ba vùng đất chia nhau một cái tên?

- Cháu mới đi qua một nơi như thế.

- Nơi nào?

- Ẳng Trên, Ẳng Giữa và Ẳng Dưới.

- Có Núi Mây không?

- Sao bà biết?

- Ôi, đau đầu quá!

Bà Ban ôm đầu vật vã. Tôi cõng bà một bước hai bậc thang, phăm phăm lên sàn:

- Hình như bà nhớ ra cái gì đó?

- Không nhớ gì cả. Chỉ thấy đau đầu.

- Bà biết ai ở Núi Mây?

- Rất nhiều người, nhưng không rõ ai cả. Hình như có một người rất thân. Người đó có phép thuật khiến tim tôi đau đớn.

*

Bà Ban nằm ngó trừng ra rừng đêm. Rừng đêm nào cũng vậy, rên rỉ, gầm gừ. Đêm nay vẫn thế, bà không chợp mắt. Một chiếc lá rụng, liệng qua ô sổ vào chỗ bà nằm. Bà gượng dậy, bật diêm. Chiếc lá lật trên vệt ánh sáng vàng leo lét. Bà lay gọi Xa. Xa bật dậy thắt dao, đeo ếp, thắp đuốc đi vào rừng. Tôi lao theo. Xa cản lại. Tôi lo cho em. Rừng nguyên sinh nạn gì chả có, nhất là sau nửa đêm. Xa bất ngờ chĩa mũi dao về phía tôi. Lời nguyền chỉ thiêng trong im lặng, hơn cả thế là chỉ thiêng trong bí mật. Tôi đứng nhìn đến khi lửa đuốc tắt ngấm. Hai ngày sau, mưa như có cả một biển Đông trên trời nghiêng nước xuống. Loang loáng. Sầm sập. Góc rừng này, mái núi kia lác đác cây đổ. Rồi cả doi núi rùng rùng trượt xuống, hết lớp này đến lớp khác. Lũ ống nhào đất đá thành suối, thành sông, tông ầm ập xuống hạ lưu. Tôi xót đắng nhìn về vùng thấp. Xa ngồi bóp xương cho bà. Bà Ban tựa cửa sổ nhìn vu vơ vào dị mưa.

Không hiểu vì Xa bắt đầu coi nhẹ lời nguyền hay sao mà tiết lộ chuyến đi đêm ấy. Xa leo lên thác Nước Thơm, tìm lại những quả bồ hòn mà vài chục năm trước, bà Ban đặt chúng vào chỗ những giọt nước lạc dòng nhỏ tí tách. Năm tháng, chúng được nước bọc một lớp vôi đá nhẵn bóng như những hòn sỏi suối. Xa thả những “hòn sỏi” nổi lềnh bềnh kín mặt nước Nặm Phăng. Dân bản dưới hạ lưu vốn mê tín, nhìn thấy “đá” nổi, biết sắp có điềm, rủ nhau trốn xa con ma nước...

*

Bà Ban bỗng dưng đòi ăn cơm sau hơn ba năm “thực độc”. Xa khóc. Mỗi lần bà giở nết là lại xảy ra một chuyện động trời. Nhịn ngủ. Nhịn cơm. Nghiện gió hát. Nghiện thuốc độc... . Giờ là gì nữa đây? Ngay cả về mình, Xa cũng mù tịt. Bà chỉ cho biết mẹ Xa là con ruột của bà. Xa không có bố. Mẹ Xa tu khổ đắc đạo, có khả năng giao tình với gió, mang thai Xa. Sữa nuôi Xa lớn là mật hoa thỉ xa. Loài hoa có cái tên dị biệt, có lí thuyết sinh tồn dị biệt, và đến cả mật của nó cũng dị biệt, trong veo như những giọt nước mắt. Thỉ xa vốn trổ bông vào tháng tám, nhưng trên núi Mặt Trăng gần như quanh năm mùa đông, thì tháng ngày mùa thu ít ỏi của ngọn núi lại rơi vào tháng năm. Vừa trải qua một mùa xuân bội thực mật hoa, các loài ong chẳng mặn mà với thứ mật ít hương, ít ngọt, thừa mặn và thiếu màu sắc này. Duy chỉ có loài ong Manh Ngoi, bé như những con bọ chó là thích. Chúng tỉ mẩn cóp nhặt sự ướt át cằn cỗi trên cả vạn nhụy hoa thỉ xa, để nén đầy một diều mật. Vì thế mà mật hoa thỉ xa trở thành vật hiếm biết. Cả mùa hoa cũng chỉ cho bà Ban vài chén mật. Nghe nói mật thỉ xa độc chất nhiều hơn dưỡng chất, thế nhưng lại chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh máu trắng. Liệu trình chữa bệnh máu trắng bằng mật thỉ xa của bà Ban vô cùng khắc nghiệt. Ba năm nhịn ăn, chỉ nhai lá cây và uống vài thìa mật thỉ xa mỗi ngày. Rồi nôn thốc nôn tháo. Rồi teo tóp, ẹp xọp. Ấy vậy mà khỏi bệnh. Từ năm thứ tư trở đi, người khỏe vâm, cứ như chưa từng mắc bệnh gì.

Bà Ban có một kí ức dị biệt, giống như loài thỉ xa, sống dị biệt, tiếng truyền cũng dị biệt.

*

Ngày bà Ban ăn lại cơm cũng là ngày ông già đổ bệnh. Dao sắc chẳng gọt được chuôi, không thuốc gì chữa được, kể cả “Cây Bí Thư” và “Cây Chủ Tịch”. Trong lời di chúc, ông láng máng với tôi về một loại thần dược nửa động vật nửa thực vật, thay thế mật thỉ xa cho bà Ban. Vì như thế, sẽ ngăn bà ấy trở thành “nhà khoa học ướp xác” lấy thân làm chuột thí nghiệm. Xa sẽ phải tiếp nối dòng kí ức kinh hoàng của bà ấy, để trở thành truyền nhân của giấc mộng thỉ xa: “Bà ấy bảo, chiến tranh, mất trí nhớ khiến bà ấy trở nên vô dụng. Bà ấy cũng quyết biến mình thành người vĩ đại, dù có phải trả giá nào. Bà ấy tham vọng thay đổi nhận thức loài người. Bà ấy bảo, loài người đang lạc đường và nhốn nháo.”

Ông già ra đi, mà trên môi vẫn còn những điều chưa nói. Cứ mấp máy. Cứ ngập ngừng. Tôi và Xa quấn ông bằng mảnh cót mà ông chuẩn bị, rồi chôn ông cạnh ngôi mộ của bà Xuân - người con dâu nhận của mẫu thân ông.

*

Bà Ban và Xa cầm tấm sơ đồ tôi vẽ, tìm đường về Núi Mây. Sau một trăm ngày ăn cơm, bà đi đứng bình thường. Khớp xương như cỗ máy gỉ được tra dầu mỡ, trơn tru trở lại. Xa bàn giao cho tôi núi rừng Đất Vâng Lời, vườn thỉ xa, thảo nguyên gianh, cây co có... và một căn lều no gió, rồi dặn phải chờ cô và bà trở về.

Đã hơn ba tháng qua, tôi quản thúc khối tài sản khổng lồ mà Xa kí thác, tuyệt không một mẩu tin của hai người. Tôi quyết định đóng cửa lều, lên đường về vùng Ba Ẳng. Người quen chỉ tôi lên Núi Mây. Giữa mênh mông thảo nguyên, dưới bóng cây độc thụ thân như cái trụ cầu, tôi thấy Xa quì mọp trước một ngôi mộ, mầm cỏ mới phủ lăn tăn. Bên cạnh là ngôi mộ của ông già chăn trâu, tri âm cũ của tôi. Xa ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Xa bảo, trước lúc ra đi có chủ đích, bà Ban kể chuyện “gió nẩy mầm trên cao”. Bà kể về lời thách cưới với chàng “Mặt Ngu” Tòng Văn Sáng, rằng phải cao vượt quá bà một cái đầu, điều kiện kèm theo là chắc chắn biết đẻ con trai (vì hai người đều là kẻ... vu vơ); khiến ông Sáng suốt ngày chỉ leo cây cau rừng cho có chiều cao, và cả đời không đục máng cho không biết đẻ con gái...

Tôi bật khóc thành tiếng. Ông già bảy mươi lăm tuổi, sau sáu mươi năm chờ đợi, đã tự tay dụi tắt đốm lửa tuyệt vọng. Bà già bảy mươi bảy tuổi một đời vật vã tìm lại kí ức, sáu mươi năm sau bỗng thắp lên ánh sáng hi vọng, tìm quê, tìm người. Ông già cả đời ăn cơm, bữa cuối cùng là một nắm lá ngón, để được chết trong nỗi mong chờ cạn kiệt. Bà già nhiều năm uống thuốc độc, bữa cuối cùng ăn mấy bát cơm, để được bội thực cơm mà chết, để được vĩnh viễn ở cùng người yêu...

Tháng năm, những cơn gió khát cuối cùng lùa nhau dọc nền núi xanh rợn!

Theo Nguyễn Đức Lợi/Vanvn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast