Hoa Thùy Miên - vẻ đẹp của sự giản dị và lạ lùng

Nói “Hoa Thùy Miên” có vẻ đẹp lạ lùng bởi vì ngay cả đến khi đọc những dòng cuối cùng của cuốn sách, ta sẽ vẫn còn ngơ ngẩn với câu chuyện, giọng văn...

Hoa Thùy Miên - vẻ đẹp của sự giản dị và lạ lùng ảnh 1

Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi nhận xét về tiểu thuyết này đã nói rằng: “Khi bước vào câu chuyện Hoa Thùy Miên, bạn thấy như mình đánh mất cảm giác về thời gian và không gian. Tôi đã ở trong trạng thái tinh thần ấy.

Hoa Thùy Miên nở ở đâu? Ở xứ sở mà ta đang sống hay ở một chốn mà ta sẽ không bao giờ tới được? Hoa Thùy Miên nở ở thời nào? Ở thời ta đang đọc câu chuyện này hay ở một thời mà đã rời xa ta từ nhiều kiếp?

Những câu hỏi ấy đã theo tôi suốt thời gian tôi ở trong chuyện và cuối cùng tôi đã tìm được câu trả lời: Hoa Thùy Miên nở vào mọi thời và ở mọi nơi.”

Người đọc sẽ khó xác định được thời điểm diễn ra câu chuyện dài này, mà chỉ thấy nó luôn đúng với một thời tuổi trẻ của mọi thời đại.

“Hoa Thùy Miên” là câu chuyện về cô gái có tên Thùy Miên - loài hoa trắng hiếm tinh khôi thi thoảng mới thấy trên thân tháp cổ mỗi năm một lần. Từ giữa các bông hoa nhỏ mọc ra các cánh hoa dài mỏng và nhẹ như là khói nhang quyện mùi hương, đó là hương thơm của hoa Thùy Miên.

Ai có dịp được chiêm ngưỡng hoa Thùy Miên nở, cuộc đời người ấy sẽ đổi thay - hoặc là hạnh phúc hoặc là bất hạnh. Thường thì hạnh phúc để rồi bất hạnh hay là đau khổ để mà tìm được hạnh phúc sau này…

Cách viết mùi mẫn lạ lùng, chứa đầy cảm xúc cùng sự từng trải cuộc đời, khả năng truyền cảm rất mạnh. Câu chuyện cổ điển lại có phong cách tiểu thuyết phương Tây. Lâu rồi không có ai viết cái kiểu hoang đường mà lạ thế này. Công phu luyện bút giỏi đấy. Viết được một cuốn thế này, coi như là xong được cả một đời văn bút.

Nhà văn lão thành Lê Phương, chuyên viết tiểu thuyết và kịch bản phim

Cha Thùy Miên - Ông Hưng tình cờ gặp hoa Thùy Miên nở trong một lần lạc rừng lúc chiều muộn, và những biến cố của cuộc đời ông cũng dần xuất hiện, thay đổi từ đó. Từ người đàn ông hạnh phúc, viên mãn với gia đình, ông Hưng đột nhiên mất đi người vợ yêu quý; phải dời khu phố cổ vào thôn trang sâu trong thung lũng và một mình nuôi dạy Thùy Miên, mỗi ngày ông Hưng đều cảm thấy lời nguyền ấy linh ứng với cuộc đời mình.

Thùy Miên lớn lên, mang ẩn ức trong mình với ý nghĩ “sẽ thay đổi” trở thành một chàng trai, cô tìm mọi cách phủ nhận hình hài thiếu nữ mỗi ngày định hình càng rõ của mình. Căn bệnh mộng du cũng theo cô từ đó.

Căn bệnh mộng du mà cô gái trẻ Thùy Miên mang ở trong mình thật ra không phải là bệnh mà là một tâm thế rất thường gặp phải của các cô gái đến tuổi dậy thì. Trong truyện tâm lý thất thường nhưng lại vô cùng hợp lý của nàng Thùy Miên làm ta như đang nhìn được chính mình hoặc những người ở quanh mình những lúc đang có bước ngoặt trong đời.

Thẳng thắng, năng động, cương quyết, quyết liệt là những đặc điểm dễ dàng nhận thấy ở tính cách Thùy Miên. Mạch tâm lý của Thùy Miên khá phức tạp nhưng đã được người viết mô tả tỉ mỉ chi tiết, được lý giải rõ ràng đến mức người đọc thấy bị cuốn hút lạ lùng.

Với lối hành văn cổ điển, không lấy các yếu tố sex shock để “câu khách”, “Hoa Thùy Miên” đã tạo nên sự thú vị đến từ câu chữ tình tiết, đến từ mỗi trang sách khiến người đọc say sưa chứ không chỉ quan tâm đến số phận nhân vật nữa.

Tác giả Phạm Hoàng Hải sinh năm 1948 tại Hà Nội, còn có bút danh: Hải Phạm Hoàng, Hoàng Đại Dương. Đã công tác tại NXB Thế giới; Thư ký tòa soạn tạp chí Vietnam Cultural Window.

Ông là tác giả truyện ngắn “Một giờ học bình thường” (báo Văn nghệ năm 1988) đã chuyển thể thành phim truyện nhựa với Hoa hậu Bùi Bích Phương là diễn viên chính; Kịch bản truyền hình: “Ngọc Hoàng Xử tội” đạt Giải thưởng UNESCO - 1990.

Sách đã xuất bản: Sa Pa giữa trời mây trắng; Tam Đảo Miền du lịch Đất tâm linh; Hội An người bạn đường du lịch văn hóa; Hạ Long Thiên đường giữa hạ giới; Nghệ thuật Rối nước Việt Nam; Quảng Bình - Phong Nha - Sun Spa Resort; Đà Nẵng trên con đường di sản; Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam; Hà Nội di sản văn hiến… được dịch ra nhiều thứ tiếng và là những cuốn cẩm nang du lịch không thể thiếu đối với khách du lịch.

Theo Hoàng Xuân/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast