Hương cốm tới trường - hương thơm lặng lẽ ấm áp tình người.

Lâu nay, chúng ta nhìn cảnh rừng bạt ngàn mênh mông đầy bí ẩn – ít ai nghĩ tới hương rừng, nhận ra hương rừng bằng những cảm xúc tinh tế. Tác giả Minh Chính đã để lại bài thơ “Hương cốm tới trường” trước lúc anh hi sinh ở chiến trường.

Hương cốm tới trường

Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong thầm thì

Cọ xòe ô che nắng

Râm mát đường em đi.

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp.

Đường xa em đi về

Có chim reo trong lá

Có nước chảy dưới khe

Thì thào như tiếng mẹ.

Trường của em be bé

Nằm lặng giữa rừng cây

Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay.

Mũ rơm thơm em đội

Hương cốm chen hương rừng

Mỗi lần em tới lớp

Hương theo em tới trường.

Đó chính là hương thơm lặng lẽ ấm áp tình người. Âm điệu thơ giàu nhạc tính, hình ảnh thơ được chọn lọc như một lời tâm sự thân thiết mà tung tẩy theo bước nhảy hiếu động của em tới trường. Rừng được tác giả vẽ bằng những nét chấm phá giàu trực cảm có: “Suối trong thầm thì”; có “Cọ xòe ô che nắng”; có “Chim reo trong lá”; có “Nước chảy dưới khe”… Ta hãy chú ý ở khổ thơ mở đầu cánh rừng có vẻ lặng lẽ thì đến khổ thơ thứ ba khi con người xuất hiện (ở đây là em nhỏ đến trường), cánh rừng bỗng sôi động hẳn lên từ “Suối thì thầm” đến “Chim reo trong lá”. Gam màu chuyển dần từ trầm sang sáng. Trên cái nền rừng ấy là cảnh “Hôm qua em tới trường – Mẹ dắt tay từng bước” đến “Hôm nay mẹ lên nương – Một mình em tới lớp”. Một quãng nhảy của thời gian, sự tự tin của em nhỏ có chỗ dựa tinh thần đó là không khí ấm áp của thiên nhiên, của suối, của khe, của chim, của lá đều như những người bạn thân thiết tin cậy nào đó là sự giao cảm hài hòa của con người và thiên nhiên. Ta chú ý đến cách sử dụng từ láy của tác giả: “Trường của em be bé” và “Cô giáo em tre trẻ” gợi lên hình ảnh nhí nhảnh, hồn nhiên trong sáng rất sinh động của các em. Vần “be bé” và “tre trẻ” cho em liên tưởng đến vần “mẹ” rất thân thương và quen thuộc. Chính những cụm từ láy này tạo ra nhạc điệu trỗi dậy phơi phới trong tâm hồn em như muốn được hòa vào với thiên nhiên, tắm mình trong nước chảy “Thì thào như tiếng mẹ”. Từ suối thì thầm đến nước chảy thì thào là một sự biến đổi về âm sắc cũng như sự trưởng thành lớn lên của các em. Đặt con người bé nhỏ trong thiên nhiên rộng lớn để tôn vinh con người là thông điệp mà tác giả Minh Chính muốn gửi gắm ở bài thơ này. Khổ thơ cuối thật bất ngờ khi tác giả phát hiện: “Hương cốm chen hương rừng” để “Hương theo em đến trường”. Rõ ràng hơi thở của làng quê đã ùa vào đây đan xen nhau, quyện vào nhau từ hương cốm trong rơm rạ của mũ rơm em đội. Sức sống đã vượt lên những thử thách của chiến tranh…

“Hương cốm tới trường” là một bài ca về sự sống về tình người, tình mẹ con, thầy cô và cao hơn hết là tinh thần yêu đất nước, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp. Gấp bài thơ lại nhưng nhạc điệu âm hưởng của nó vẫn âm vang trong lòng chúng ta nhất là khi được nhạc sỹ Bùi Đình Thảo phổ nhạc chắp cánh cho bài thơ bay xa, trở thành người bạn nhỏ tinh thần của các em học sinh không chỉ ở miền núi mà cả ở miền xuôi nữa bởi nhịp điệu: “Hôm qua em tới trường” bắt đầu mở ra bao hi vọng trên con đường đời phía trước…

Nguyễn Ngọc Phú

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast