Khám phá mới qua "Chuyện thần kỳ ở chốn non xanh"

(Baohatinh.vn) - Ở tuổi thất thập, nhà văn Trần Hữu Tòng vẫn hàng ngày miệt mài trên bàn viết, lần này, anh lại ra mắt bạn đọc tác phẩm ’Chuyện thần kỳ ở chốn non xanh’, do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành.

kham pha moi qua  than ky o chon non

Tập sách dày gần 300 trang, gồm 34 truyện, xoay quanh chủ đề về các loại động vật hoang dã sống ở rừng. Ngôn ngữ giản dị, lối kể hóm hỉnh, hồn nhiên đã giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống “nếm mật nằm gai” của người lính biên phòng. Điều đáng quý là trong tập sách này, nhà văn giống như nhà nghiên cứu sinh vật học, đặc tả rõ nét cá tính từng con vật. Từ mặt mũi, chân tay, đến cách đi đứng và sinh hoạt hàng ngày, kể cả những lúc con vật tức giận, sẵn sàng chống cự với “tình địch”.

Nhà văn lôi cuốn người đọc bằng lối quan sát tinh tế như thế, để qua mẩu chuyện của anh, dầu chưa gặp sao la, ta cũng hình dung được sao la như thế nào? Dầu chưa gặp sóc, khỉ, cũng biết được hình thù sóc, khỉ ra sao… Cuốn sách như dắt người đọc đi tham quan du lịch sinh thái ở chốn non xanh như rừng Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đến Pù Mát (Nghệ An).

Với người lính, rừng là nhà, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Chuyện thần kỳ ở chốn non xanh hấp dẫn hơn, bởi mỗi con vật trong trang viết của anh đều trở thành những người bạn thân thiết của cả đồng đội. Khá nhiều trang đã làm cho người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: nhờ có dấu vết của con thú, chiếc lông rơi của con chim, hay tiếng kêu thảng thốt của bầy hoẵng mà đồng đội anh đã tìm ra biệt kích, phỉ và tội phạm ma túy. Nói về loài vật nhưng không chỉ là chuyện giải trí, cao hơn cả, đó là tầm tư tưởng của người viết, tính nhân văn của tác phẩm. Sức lan tỏa trong tập sách này chính là chỗ đó.

Từ mở đầu trang sách Thỏ trắng say tình dưới trăng khuya đến truyện cuối sách Hổ ơi đây cũng tuổi Dần đều có một sợi dây liên kết giữa người, vật và thiên nhiên. Riêng câu chuyện kể về hổ, đã có lần nhà văn tâm sự với tôi: “Hồi mình ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo đã có lần suýt bị hổ vồ trong lúc đi tuần, nên mới có chi tiết “Hổ xoa đầu”.

Lại còn chuyện ca gác đêm trong lán của đồng đội được hổ “gõ cửa” nữa, nhưng điều rất may mắn là đồng đội không “bắn trả” hổ và ngược lại, hổ cũng không “xơi tái” ai cả. Lính vẫn giữ đủ đội hình, hổ vẫn quay về hang yên ấm”. Để rồi, từ chuyện người sợ hổ và hổ cũng “né” người, lại trở thành bạn đồng hành trong cuộc truy lùng săn bắt biệt kích.

Đọc "Chuyện thần kỳ ở chốn non xanh", một lần nữa, tôi lại phát hiện thêm Trần Hữu Tòng tuy tuổi già nhưng tâm hồn rất trẻ. Cái trẻ ấy xuất phát từ tấm lòng yêu đồng đội, yêu cuộc sống, luôn hoài niệm với những cái đẹp mà anh đã sống để anh say thêm nghiệp viết của mình.

Trần Hữu Tòng là nhà văn - chiến sĩ. Những trang viết của anh đều mang hơi thở cuộc sống. Nhiều độc giả đã quen biết và cảm nhận được năng lực sáng tạo của anh qua các tác phẩm: "Bên dòng Păng Pơi", "Bầy cọp núi", "Cơn lốc rừng thông", "Tín hiệu bình yên", "Cây thập tự vàng", "Sau màn sương lạnh", "Dấu vết để lại", "Ngôi sao biên cương", "Đất Mường Khương", "Phiên gác trăng tà", "Bóng núi", "Cánh rừng hai vầng trăng"...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast