Lá tre đã thả một mùa heo may...

Nhà thơ Phạm Công Trứ là người viết lục bát rất có duyên. Ông đã từng nổi tiếng với bài thơ “Lời thề cỏ May” với hai câu kết thật ám ảnh: “Trăng vàng đêm ấy bờ đê – có người ngồi gỡ lời thể cỏ may”. Cái chất làng quê hồn hậu nhưng rất tinh tế đằm thắm đã được nhà thơ phả hồn vào “Thu cảm” với nhiều linh giác.

Ăng ten của tâm hồn thi sĩ bắt rất nhạy sự chuyển dịch giao mùa thẩm thấu được cả sắc độ linh ứng trong cảm giác, phảng phất chất thiền của nhà Phật nhưng lại ấm áp cõi đời. “Thu cảm” chính là độ chênh tạo ra nhiều phấp phỏng nhiều thảng thốt và chiêm nghiệm. Ở đây hình như không còn câu chữ nữa mà ngân vọng dư ba vẫn là những thăng giáng cuộc đời, với một giai điệu riêng tiết tấu hài hòa mà vẫn có gì như ảo ảnh, như nhân bản mà cái lõi hạt nhân vẫn là ám – thị - sắc – thu đến nao lòng.

THU CẢM

Mướp tàn, Sen cũng đi tu

Lá tre đã thả một mùa heo may

Con sông không ốm mà gầy

Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn

Phạm Công Trứ

Câu thơ mở đầu vừa thực vừa ảo. “Mướp tàn” là thực là nhìn được bằng mắt. Nhưng “Sen cũng đi tu” chỉ cảm được bằng tâm. Câu thơ nói về mùa hạ đã qua đi trong nuối tiếc gợi lại cái thân phận mỏng manh của mình và khép lại một chu kỳ tuần hoàn để mở ra những biến đổi thời gian, không gian mới. Nếu như câu thơ đầu là ám thị thời gian thì câu tiếp theo là ám thị cả về không gian: “Lá tre đã thả một mùa heo may”. Ở đây cái độ chênh chao của giao mùa đã chạm đến cái vạch giới hạn cuối đến nỗi một chiêc lá tre mỏng manh rơi cũng chở cả một mùa heo may sắp sang đông xao xác đang dần về. Câu đầu là từ hạ sang thu, câu hai là từ thu chạm đông. Chỉ hai câu thơ đã gói trọn cả một mùa thu ở giữa.

Nhưng đó mới là cảm giác về thu chứ chưa thật sự là “thu cảm”, chưa chạm đến phận người, chưa xáo động đến tâm tư. Chỉ với ba loại cây thực vật: Mướp, sen và tre đã vẽ lên một hồn cốt của làng quê Việt, văn hóa Việt, tâm linh Việt, cốt cách Việt. Nếu như mở đầu bài thơ là không gian thu nhỏ gói lại thì bắt đầu câu thơ thứ ba đã trải ra: “Con sông không ốm mà gầy”. “Ốm’ và “gầy” là hai sắc thái chỉ về con người. Ở đây ta hình dung ra hình ảnh con sông với những khúc ngoặt bên lở bên bồi, với thủy triều lên xuống bao thăng trầm biến đổi dâng hiến phù sa và vươn ra với biển lớn.

Nhà thơ cảm thu qua thân phận con Sông – cuộc đời thật se sắt đầy cảm thông chia sẽ nhưng phải đến câu kết thì mới “Thu cảm” trọn vẹn bằng một câu thơ tài hoa thu hết được tất cả mọi linh giác tinh lực: “Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn”. Ngỡ như có gì hơi lạc lỏng với ba câu thơ trên nhưng đọc kỹ ta thấy toàn bộ hơi thu, khí thu, thần sắc thu và thân phận thu đã đọng ngấn thú trong đôi mắt đen lánh của em, của một thu trong tâm cảm. Chính cái màu hoàng hôn thường gợi ra những cảnh chia ly, cũng chính là chia mùa. Từ nồng nhiệt rực rỡ của hạ đến thăm thẳm man mác của thu và đông đến có chút gì lạnh lẽo đơn côi, với những khoảng thời gian không gian hững hụt nhiều tiếc nuối.

Bài thơ mở ra và khép lại bằng sự chuyển dịch của thời gian của không gian tâm trạng. Chính sự vận động cảm xúc đã tạo nên một tứ thơ hay viết về mùa thu, có cả độ ngân vang da diết của âm nhạc, thấu thị sắc màu cảm giác của hội họa và sự chính xác rất biện chứng của tâm hồn trong “thời tiết nhân văn” của không gian mùa thu ….

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast