Mái tóc của biển

1. Tôi có cảm giác như bềnh bồng, mờ ảo, không trọng lượng. Xa xa, khuôn mặt người con gái như thật như hư đang nhìn tôi bằng đôi mắt buồn là lạ, chỉ thấy mái tóc hơi đặc biệt, đen óng ả và dài quá vai.

Cô ấy nhìn tôi và thủ thỉ như trách móc:

- Sao anh nói khi nào mái tóc em dài chấm vai thì anh trở lại, em chờ hoài mà chẳng thấy…

Tôi không nhận ra ai, nhưng câu nói này thì đúng là của mình rồi. Trong vô thức, tôi cảm nhận như vậy. Sương giăng khắp lối và chỉ còn thấy mái tóc ai bay bay, bay bay, xa dần, xa dần…

Giật mình thức dậy, tôi mới biết đó chỉ là giấc mơ. Cố hình dung, nhớ lại ký ức của một thời, chắp nối các dữ kiện và các khuôn mặt cứ lướt qua, như một cuốn phim quay nhanh, từ cuối trở về đoạn đầu. Những hình ảnh hôm nay, hôm qua và hôm xa nữa tái hiện, đến thời điểm những năm tám mươi thì dừng lại. Đúng là Lan y tá rồi. Người tôi toát mồ hôi hột, nhưng lại lạnh sống lưng. Nhìn đồng hồ, mới ba giờ rưỡi sáng. Tôi muốn điện ngay cho Nam, trợ lý Quân lực trung đoàn đơn vị tôi ngày xưa, nhưng không dám, phải cố chờ đến sáng.

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Mở cửa nhìn ra ngoài, bầu trời sáng trong đầy những hạt sao sa. Nhớ đến mùa khô, mùa của những chiến dịch nối dài chiến dịch. Vài hạt sương lẻ loi còn đọng trên ban công, hiếm hoi như nước ở chiến trường K năm nào. Nghĩ đến đó, đầu tôi chợt tê buốt, phải đóng cửa vào trong nhà, mặc cho dòng suy nghĩ cứ muốn tuôn trào.

Cố nằm chờ đến sáng, tôi gọi ngay cho Nam, hiện là trợ lý chính sách của Tỉnh đội để hỏi:

- Ông có nhớ Lan y tá trạm phẫu không?

- Sao lại không, tui tính điện cho ông biết đây. Sáng mai tụi tui đưa Lan về quê đây.

- Ông nói vậy nghĩa là sao?

- Đội K của tỉnh bạn đã tìm được hài cốt của Lan. Trưa nay tui đi công tác trên đó và sáng mai xuống luôn. Ông có “dìa” được không?

- Vậy thì… tối nay tui đi tàu lửa, sáng mai “dìa”, ông nghen.

Nghĩ đến giấc mơ lúc nửa đêm, tôi lại lạnh sống lưng.

Cả ngày hôm ấy, tôi không làm được việc gì. Điện cho đứa em gái nhà gần ga lấy vé tàu, rồi xin phép cơ quan cho nghỉ bù trực hôm thứ bảy tuần trước, rồi nằm nghe nhạc đủ loại, gặm nhấm quá khứ.

Chiều lên tàu khoang ghế ngồi, nhìn mãi chẳng thấy ai quen. Trên màn hình đang chiếu đoạn phim về chiến tranh, có cảnh chia tay của đôi vợ chồng trẻ, chắc là mới cưới… Hơi mệt, tôi thiếp dần, chìm sâu vào ký ức một thời…

2. Những ngày cuối thu năm ấy, không khí cả nước như sôi sục. Sân trường cấp 3 quê tôi liên tục chứng kiến bao cuộc chia tay, những lời hò hẹn của từng đoàn tân binh lên đường. Lan đang học lớp chín cũng trong dòng người ấy. Khi tôi lên xe, Lan chỉ kịp dúi vào tay tôi chiếc khăn tay và nói:

- Anh mau về còn dạy em thi cuối cấp nữa nhen.

Tôi cố gượng cười, cầm chặt bàn tay nhỏ nhắn của em, cũng là lúc cánh cửa chuẩn bị đóng lại. Tôi chỉ kịp vẫy tay sau lớp bụi mờ mịt ở hông xe.

Hơn ba mùa khô trôi qua ở vùng Đông Bắc chiến trường K với bao trận đánh lớn nhỏ, với những cơn khát cháy họng dưới tán rừng khộp. Những ngày đầu xa nhà, thư tôi gửi đều đặn cho Lan, nhưng chờ mãi, nhiều khi cả năm mới nhận hồi âm, và cứ thế thưa dần, thưa dần. Rồi tôi cũng không còn có khái niệm thời gian nữa.

Cuối mùa khô năm ấy, tôi bị thương, phải chuyển về trạm phẫu tiền phương. Thật bất ngờ, lúc tôi tỉnh dậy, hình ảnh nhận được đầu tiên là cô y tá ngồi cạnh, khuôn mặt gầy xanh xao, môi thâm đen, chỉ có đôi mắt là hơi quen quen, rồi tôi lại thiếp đi.

Sau này, khi khỏe lên một tí, tôi mới biết, sau khi tốt nghiệp cấp ba xong, Lan vào quân đội, học lớp quân y ngắn hạn và được tăng cường sang nước bạn. Những ngày đầu mới sang, Lan bị sốt rét rừng liên miên, tóc rụng thưa dần. Trạm phẫu của Lan tiếp nhận tôi trong tình trạng hôn mê, mất máu nhiều… Tôi không biết nói gì, lại cầm bàn tay nhỏ nhắn của ngày nào và nhìn vào đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ, vì bệnh tật của Lan thay cho lời cảm ơn người đồng đội, người em gái cùng quê thật hiếm hoi ở mặt trận. Lan chỉ cười và trách tôi:

- Sao anh không về ôn thi cuối cấp cho em như đã hứa?

Tôi biết, em trách chỉ là để trách thôi, và cũng không hỏi vì sao em lại có mặt ở nơi không dành cho phụ nữ này.

Không hiểu có phải vì sức trẻ hay là do Lan chăm sóc mà tôi hồi phục nhanh. Vào giữa mùa mưa, khi khỏe hẳn, cùng một lúc tôi nhận giấy ra viện và giấy cung cấp tài chính về học ở trường văn hóa quân khu. Sáng mai về nước bằng trực thăng chuyển thương bệnh binh về Quân Y viện 15, đêm hôm ấy hầu như chúng tôi không ngủ. Lan man câu chuyện về quê hương, về ngôi trường chúng tôi đã từng học, về những cánh đồng lúa vàng đầy vất vả một nắng hai sương của cha mẹ chúng tôi. Trước lúc về nước, nhìn vào mắt em, tôi nói:

- Khi nào tóc em dài quá vai, anh em mình gặp nhau, em nhen.

Khi đó, tôi cứ nghĩ, chắc là học xong vài tháng là tôi sẽ trở qua chiến trường K lại thôi.

Em cứ ngần ngừ, mắt hoen ướt, nức nở không nói nên lời.

Cũng không ngờ, sau đó tôi không có dịp nào gặp Lan nữa. Sức khỏe tôi không đủ để tiếp tục phục vụ trong quân đội, nên phải chuyển ngành sau khi nhận giấy báo trúng tuyển. Sau khi tốt nghiệp đại học, trong lần về quê tôi mới biết, em đã hy sinh vào mùa mưa cuối cùng trên đất bạn, chỉ trước vài ngày ta rút toàn bộ quân tình nguyện về nước…

3. Tôi gặp Nam ở ngay nghĩa trang liệt sĩ sau khi chính quyền địa phương đã làm xong thủ tục theo nghi thức. Thắp nhang tiễn biệt em và bao đồng đội... trước có, cùng thời có, rồi sau đó cũng có đã yên nghỉ tại quê hương, tôi và Nam đứng trên nền đài tưởng niệm nhìn về hướng biển. Không ai nói với ai điều gì. Có lẽ tất cả đều đuổi theo những suy nghĩ của riêng mình…, nhớ về những cánh rừng năm nào, những tháng ngày đáng nhớ nhất của lứa tuổi thanh xuân.

Nhìn về hướng biển Đông, những rặng phi lao chạy dài xa tít. Nhanh thật, mới ngày nào, cả lứa học sinh cấp ba chúng tôi và cả cấp hai của Lan nữa gánh cây từ vườn ươm lâm nghiệp về trồng trên đồi cát bay, nắng gắt, đến giờ những hàng cây đã xanh ngắt. Màu xanh của biển, màu xanh của phi lao và màu nắng ban mai chiếu xuống, lay động theo từng cơn gió nhẹ, tôi như thấy cả biển người chập chờn ẩn hiện hướng về phía mặt trời mọc. Trên cao nhìn xuống, cả rừng phi lao như hàng ngàn mái tóc dài đang chuyển động. Mái tóc của mẹ, của chị, của em và của bao thế hệ như thành lũy chắn sóng, giữ biển quê hương.

Tôi thầm nhủ, em nằm đây yên nghỉ, tiếp tục cùng dân mình gìn giữ biển đảo quê hương, em nhé. Trên lư đồng nghĩa trang bỗng bùng sáng lên ngọn lửa.

Xa xa, sóng vẫn cứ vỗ nhẹ vào bờ.

Theo Tuần báo Văn nghệ TP. HCM

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast