Mảnh đất nhiều dấu chân người

(Baohatinh.vn) - Ba tôi chết đúng 49 ngày thì chị Mỹ từ Cà Mau, theo chuyến xe đò đến muộn ra thăm. Chị nói với mẹ tôi là nhờ tôi dẫn ra nghĩa trang đốt nén hương thăm mộ ba. Chị dắt theo bé Nhi, đó là đứa con giữa chị và ba, mới vừa 7 tuổi, lúp xúp chạy theo mẹ, hồn nhiên bịt chiếc khăn tang trắng trong khói nhang, giữa buổi chiều nhạt nắng.

Bé Nhi nhìn tấm ảnh ba được khắc trên đá, hỏi: “Ba đó phải không mẹ?”. Chị Mỹ cũng bịt vành khăn tang, dẫu hôm đó là ngày xả tang ba. Mẹ tôi nói với chị Mỹ: “Trước khi chết, ổng nhắn chị tìm em đem con Nhi cho ổng gặp mặt, nhưng trời đất bao la, em đâu có để địa chỉ lại thì làm thế nào mà tìm?”. Mẹ nắm chặt tay chị Mỹ, nói tiếp: “Thôi thì em ở lại mấy ngày, cho anh chị em nó quen nhau, rồi về lại Cà Mau cũng kịp”. Thế là chị Mỹ ở lại mấy ngày. Những lúc đi làm về, rỗi rảnh, tôi đi ra phố cùng chị và bé Nhi. Trời cũng khéo tạc, mặc dù bé Nhi và tôi cùng cha khác mẹ, nhưng ra đường ai cũng nhìn ra nó là em tôi. Chị Mỹ vẫn đẹp như cái thuở chị bước chân vô nhà tôi. Nhưng nét đẹp ngày xưa sự hồn nhiên của cô gái quê về thành phố, còn cái đẹp bây giờ là sự chín chắn của người đàn bà đã qua tuổi ba mươi.

Mảnh đất nhiều dấu chân người ảnh 1
Minh họa của Huy Tùng

Mẹ tôi chăm chút cho chị Mỹ thật đàng hoàng. Tôi không hiểu có phải khi người đàn ông đã làm cho hai người đàn bà đau khổ không còn nữa, thì những dằn vặt, ghen tuông xưa kia chỉ là chuyện kể lại cho nhau nghe. Giờ đây, chỉ còn lại là sự cảm thông giữa hai người đàn bà. Có khác chăng, mẹ đã vượt qua tuổi 50, còn chị Mỹ vẫn là một người đàn bà đang thời xuân sắc.

* *

*

Ba tôi là một chủ vựa nước mắm lớn nhất nhì trong thành phố. Nghề làm nước mắm khởi đầu ba học từ ông chủ Bảy Thìn tận Phan Thiết. Ông Bảy Thìn làm ăn khá thuận lợi, càng ngày ông càng khuếch trương sản phẩm của mình nhiều nơi. Khi đó, ba chỉ là một người làm công, hàng ngày có nhiệm vụ ra cảng đem cá về. Cá để làm nước mắm là cá cơm. Cá cơm đem về vẫn còn tươi, thường phải để một thời gian cho cá ươn rồi mới trộn muối, chèn vào trong các thùng gỗ. Công đoạn trộn cá thường do ông chủ làm, nhưng sau đó vì sức yếu nên ông đã giao cơ sở ở Phan Rí cho ba trông coi. Năm ba hai mươi tuổi, ông Bảy Thìn thương tình ba chịu khó học nghề đã chia cho ba một thùng mắm. Ông nói: “Ngày xưa bác ra đời không có thùng mắm nào. Cháu có một khởi đầu như thế, ráng mà phát huy”. Từ thùng mắm ban đầu đó, chẳng bao lâu, ba đã trở thành một ông chủ làm nước mắm có uy tín ở Phan Rí. Để cạnh tranh với nhiều hãng nước mắm, ba thường theo xe vào tận các tỉnh để tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm. Rồi duyên nợ khiến xui, ba đã phải lòng mẹ, một cô gái Phan Rí thường ghé vào hãng nước mắm của ba lấy hàng đi bán.

Thật ra thì ba là một người đàn ông chăm chỉ làm ăn, không biết uống bia rượu và cũng chẳng hút thuốc. Khi về với ba, mẹ đã trở thành một cánh tay đắc lực, cùng ba tạo dựng cơ ngơi của hãng nước mắm. Ba chị em tôi sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, tưởng chừng không thể có bóng mây nào có thể làm rạn nứt.

Nhưng cuộc sống luôn có những điều mà không ai ngờ tới. Chị Mỹ bước vào nhà tôi giống như một cơn mưa bất chợt giữa buổi trưa nắng. Trong một chuyến đi vào tận miền Nam, xem thử có thể đem nước mắm của mình tới đó kinh doanh được không, chuyến về của ba có chị Mỹ. Khi đó ba tôi cũng đã 40 tuổi, tôi cũng chỉ vừa lên 10. Tính tuổi thì chị Mỹ chừng 19, dáng người tiều tụy. Ba nói với mẹ: “Cô Mỹ này không có nơi nương tựa, tạm thời mình giúp cô có chỗ ở, có công ăn việc làm”. Ba là người ít nói, chẳng giải thích vòng vo những chuyện của mình. Trong nhà tôi, ba luôn ra lệnh và mọi người tuân thủ.

Chị Mỹ hiền lắm. Qua lời của chị thì gia đình chị ở một làng chài ven sông, sống bằng nghề cá. Chẳng may cả gia đình bị bão lũ cuốn, gần như không còn ai. Chị phải sống dựa vào nghề lựa cá, mua cá bán đi bán lại ven một cửa sông. Ông Ba là một người bạn làm ăn của ba, cho chị Mỹ tá túc trong nhà. Ông Ba đã gởi gắm chị Mỹ cho ba. Thế là ba đưa chị Mỹ về Phan Rí. Chị Mỹ mau chóng gây cảm tình với tất cả những người trong gia đình tôi. Chị siêng năng làm việc, không hề ganh tị công việc mà luôn giành phần khó về mình. Mẹ tôi rất thương chị Mỹ, vì chị lo lắng từng chút một cho mẹ. Khi rảnh rang, chị lại nhổ tóc sâu cho mẹ, khi mẹ mệt mỏi thì chị đấm lưng. Thậm chí, đi chợ, chị lựa những món ngon nấu cho mẹ ăn. Cuộc sống dễ chịu đã biến chị Mỹ thành một con người khác. Có ăn, có mặc, chị xinh đẹp hẳn ra, nhiều chàng trai trong vùng đã lấy cớ tới nhà tôi mua mắm, thật ra là tò mò ngắm chị. Mẹ thường gọi chị Mỹ là cháu, giới thiệu với mọi người đó là cháu họ xa. Mẹ nói với chị: “Để rồi thím kiếm một đám nào ưng ý gả chồng cho. Nghề nước mắm này vất vả nhưng có của ăn, của để”.

Chẳng bao lâu ba tôi mở thêm một chi nhánh ở Phan Thiết. Ba mua một căn nhà nơi đó để làm chỗ giao dịch mua bán, lại khuếch trương thêm một số thùng mắm. Ba giao công việc tại Phan Thiết cho chị Mỹ. Không ai trong gia đình nghi ngờ có chuyện tình yêu giữa chị Mỹ và ba. Để rồi một ngày, ba nói với mẹ một cách bình thản, giống như là nói chuyện mua thêm một vài trăm ký cá để làm mắm: “Tôi dự định làm mâm cơm nhỏ giới thiệu Mỹ với bạn bè, tôi báo cho bà biết như thế để bà khỏi bất ngờ. Dù sao thì cô ấy làm chị em với bà cũng tốt hơn so với người khác. Bà liệu mà đối xử tốt với cô ấy”.

Tôi không hiểu có người đàn ông nào đem chuyện lấy thêm vợ lẽ ra bàn bình thản với vợ mình như ba tôi không? Rồi ba tổ chức một bữa cơm thân mật, chủ yếu trong gia đình để nói rõ ràng chức phận của chị Mỹ. Mẹ tôi không nói năng gì sau đó cả tuần lễ, những khi không có ai, mẹ lại vào phòng khóc một mình. Thời gian lặng lẽ trôi, ba vẫn là người đàn ông đảm, lo chu toàn cho cả hai gia đình. Còn chị Mỹ vẫn dịu dàng chăm sóc cho mẹ, khóc trước mặt mẹ: “Em xin lỗi chị. Nhưng anh Hưng là người ơn của em. Em không thể từ chối anh Hưng được”. Thế là tôi có một bà mẹ và một dì ghẻ, nhưng quen miệng, tôi vẫn kêu là chị Mỹ.

Dẫu là một người đàn bà luôn tuân lệnh chồng, nhưng mẹ tôi cũng chỉ là một người vợ như bao nhiêu người khác – không ai thích ngoài mình ra, chồng lại có thêm người đàn bà khác. Càng ngày, mẹ càng héo rũ giống như cây khô thiếu nước. Mẹ không còn chăm lo công việc nhà như trước mà thường xuyên đi lễ chùa. Cho đến khi chị Mỹ mang thai, gần như ba tôi vắng nhà, ba chỉ ghé nhà khi có công việc, gần như đêm tới là ba đi Phan Thiết ở với chị Mỹ.

Rồi mẹ tôi ngã bệnh. Người ta nói đó là tâm bệnh do suy nghĩ quá nhiều. Dẫu rằng chị Mỹ là một phụ nữ tốt, biết lo vén kinh tế cho ba tôi chứ không phá tiền của ba như những người phụ nữ khác, nhưng ghen tuông là lẽ thường của người đàn bà yêu chồng. Cũng có thể mẹ tôi chịu đựng đã quen, cho nên những suy nghĩ của mẹ cứ dồn nén trong lòng khiến mẹ sinh bệnh. Khi đó, chị Mỹ mới sinh bé Nhi được vài tháng. Mẹ nằm ở bệnh viện, mấy lần chị Mỹ vào thăm nhưng mẹ xoay mặt vào tường, không nói một lời.

Điều khá bất ngờ là khi mẹ xuất viện được hơn tuần lễ, lúc đó ba đang đi Huế giao hàng thì chị Mỹ lặng lẽ đưa bé Nhi đi, để lại cho ba một lá thư. Trong lá thư đại ý khuyên ba hãy chăm sóc mẹ tôi, chị cám ơn ba mẹ đã giúp đỡ chị một thời gian dài. Chị bảo chị phải ra đi, vì chị không cam tâm ở lại để nhìn sự đau khổ của mẹ.

Không thể hình dung được là ba tôi đã nổi giận như thế nào khi chị Mỹ bỏ đi. Cả năm trời ba đi đủ mọi nơi quen biết ở các tỉnh để tìm chị Mỹ và bé Nhi, nhưng trời đất bao la...

* *

*

Tôi đưa chị Mỹ ra bến xe. Bé Nhi cứ quấn quýt lấy tôi, mặc kệ cho chị Mỹ thúc giục lên xe. Nhìn theo chị, tôi cảm thấy buồn kinh khủng. Theo chị nói thì chị cũng đã lấy chồng, một người đàn ông bình thường nhưng tốt với chị và cả bé Nhi. Chị Mỹ nói: “Anh đang đợi mẹ con chị ở nhà”. Tôi vẫy tay chào, bé Nhi cũng đưa bàn tay bé xíu ra vẫy trong nắng mai. Tôi về, và lạ cho tôi chưa, tôi nhìn xuống dưới chân mình tìm những dấu chân mà chẳng biết để làm gì? Tôi nghĩ về cửa ải tình yêu, nơi đó đã nát những dấu chân khổ đau mà ai cũng muốn giẫm lên.

(6 Nguyễn Thị Định, Nha Trang)

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast