Màu hoa lá đỏ

(Baohatinh.vn) - Đất nước vừa thống nhất, cuối năm, anh Quảng ở trạm điều dưỡng thương binh về làng, vai đeo cái ba lô con cóc, tay cầm một cành cây, thấy tôi đi học về, gọi to: - Này cu Minh tồ, sang đây anh biểu!

Tôi chẳng kịp vào nhà cất cặp sách, vội vàng chạy sang. Thấy anh mặc áo may ô, đánh quần xà lỏn, nói oang oang:

- Minh tồ! Minh tồ!

Tôi không thích anh gọi như vậy vì tên tôi là Minh thì rõ rồi, nhưng còn cái tên Minh tồ là muốn ám chỉ cái tính vụng về của tôi, lúc đầu, nghe bực lắm nhưng rồi gọi lâu thành quen.

- Này Minh tồ, loại cây này dễ trồng lắm nhưng phải luôn tưới nước cho ẩm đất. Chỉ một thời gian là cây tốt thôi, lúc đó sẽ biết.

Minh họa của Huy Tùng

Minh họa của Huy Tùng

Thú thật, tôi không để ý đến cái cây mà anh Quảng đang trồng vì nó chẳng có gì hấp dẫn cả. Tôi hỏi:

- Tên loại cây này là cây gì? Nó có hoa không anh?

- Bí mật. Phải bí mật.

Chẳng rõ bí mật kiểu gì mà anh Quảng xốc tôi lên chạy một đoạn làm tôi khó thở, tôi la toáng lên, anh mới chịu tha.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi không để ý đến cái cây mà anh Quảng đang trồng. Bất ngờ, một hôm, nhìn sang thấy anh Quảng đang ngắm cây say sưa. Cây tốt nhanh thật, nhưng có điều làm tôi ngạc nhiên là các tán lá ở đầu cành lại có màu đỏ. Cất sách vở, tôi sang nhà hỏi anh về cái cây trồng lạ mắt mà bây giờ tôi mới thấy. Tôi gọi to:

- Anh Quảng ơi! Anh Quảng ơi!

Thấy im lặng, tôi chạy thẳng vào nhà. Anh Quảng đang nằm vật vã trên giường, tay ôm đầu quằn quại. Tôi lại gần định hỏi thì anh la lớn:

- Xung phong! Xung phong!

Tôi hoảng quá, mặt tái mét, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tiếng anh tiếp:

- Tiểu đội 1 xông lên đặt bộc phá đánh lô cốt đầu cầu Sài Gòn!

Nghe tiếng anh Quảng la, mẹ tôi vội chạy sang:

- Khổ thân, nó lại lên cơn rồi. Con đè lên người anh, mẹ giữ tay, một lúc là khỏi thôi.

Tôi làm theo lời mẹ, khẽ đè lên người anh Quảng. Một lúc sau, tôi buông anh ra, anh nằm yên, hai mắt mở dần. Nhìn thấy tôi, anh Quảng nói nhỏ nhẹ, vẻ mệt nhọc:

- Minh tồ mới sang đấy à! Cho anh ngụm nước! Chà! Mệt quá!

Từ đó, tôi hiểu bệnh của anh Quảng. Mẹ tôi kể: Năm mười tám tuổi, anh xung phong đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trong trận sáng 30/4/1975, anh bị thương, một mảnh đạn đang ở trong đầu nên từ một thanh niên khỏe mạnh, thỉnh thoảng, anh lại lên cơn đau đầu quằn quại, có khi la to như người chỉ huy chiến đấu. Khi anh về, bố mẹ anh đều đã qua đời, chỉ còn cô em gái lấy chồng ở xã bên. Từ ngày trở về quê, anh Quảng được cả làng yêu quý, nhà ai có việc vui buồn anh đều đến chia sẻ. Những hôm thấy anh đau ốm, bà con lối xóm sang thăm hỏi. Khi khỏi cơn đau, anh Quảng thường hay đi chơi trong làng.

Nhiều người kể, khi chưa đi bộ đội, anh là một cây văn nghệ có tiếng. Anh đóng vai Châu Tuấn trong vở cải lương “Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Tôi nghe anh thổi sáo và ca vọng cổ, nhiều câu anh “đổ” rất hay. Những đêm trăng sáng, nếu không nghe tiếng hát hay tiếng sáo là chúng tôi đoán ngay anh Quảng đi đâu hay đang lên cơn. Thấy cảnh anh đơn côi, nhiều người tính chuyện lo vợ cho anh. Các cô gái trong làng gặp anh thì hay nói vui:

- Sao không lấy vợ đi anh Quảng ơi, cứ kén chọn mãi!

Mỗi khi có người trêu như vậy, anh chỉ cười, nụ cười hiền lành, dễ thương. Có lúc anh còn đùa lại:

- Có ai lấy mà cưới.

Nhiều lần, tôi bắt gặp mẹ và các bà o, bà thím ngồi nói chuyện. Nhiều người nhìn anh Quảng thở dài. Ai cũng tiếc cho anh. Có người còn nói, nếu chị Điệp - người đóng vai Thoại Khanh mà chờ anh Quảng trở về thì có lẽ đã thành vợ, thành chồng.

Sau tết một tháng thì chị Bích con nhà bác Bách học ở trường trung học sư phạm về thực tập tại trường trung học xã tôi. Đoàn có hai chục người do chị Bích làm tổ trưởng. Theo quy định của nhà trường, tất cả thực tập sinh đều phải ở xóm Trung cho gần trường học, chị Bích thì xin nghỉ tại nhà. Cùng nghỉ với chị có chị Hiệp, người thị xã cách nhà tôi tới 12 cây số. Giờ đây, ngồi nhớ lại, tôi không thể hiểu được đó là điều may mắn hay một việc chẳng lành, vì hồi đó, các đoàn thể và anh em họ hàng đang định làm mối cho anh Quảng lấy chị Lâm (chị Lâm đã có một đứa con riêng).

Tôi nghĩ, có lẽ người đã lọt vào “tầm ngắm” của anh Quảng chính là chị Hiệp. Chị Hiệp là người thị xã, có nước da trắng, tóc dài, lại dày và đen nữa. Chị nói chuyện rất có duyên. Chị vẫn được nhiều người trầm trồ khen ngợi. Thấy cây hoa lạ, ngay từ buổi đầu mới đến, chị Bích đã dẫn chị Hiệp sang nhà anh Quảng chơi. Chị Hiệp thích loại cây này lắm. Có lần, chị Hiệp và anh Quảng tranh luận về bài hát “Lá đỏ”, chị Hiệp thì khẳng định, cây lá đỏ trong bài hát ấy chính là cây hoa này nhưng anh Quảng lại gạt đi:

- ở Trường Sơn dứt khoát không có loại cây này, chỉ có ở vùng đồng bằng thôi, mà lá đỏ ở Trường Sơn chỉ là bụi đất đỏ dính vào lá cây.

Nhiều lần, tôi nghe hai người tranh luận xong, rồi cùng hát: “Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng, đứng ở bên đường như quê hương, vai áo bạc quàng súng trường”, “Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương! Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn...”.

Suốt hai tháng thực tập, chị Hiệp ăn cơm nhà chị Bích, rảnh rỗi lại sang nhà anh Quảng chơi, lúc thì nói chuyện, lúc thì hát rất vui. Vốn là người thị xã, chị Hiệp rất tự nhiên trong sinh hoạt. Không rõ chị có nói gì với anh Quảng không mà tôi thấy anh lúc nào cũng vui vẻ. Mỗi khi gặp tôi, anh Quảng cứ ôm chặt lấy tôi, nói nhỏ như không cho ai nghe:

- Minh tồ ơi! Chị Hiệp đã đi thực tập về chưa?

- Này Minh tồ, chị Hiệp có nhắn anh không? Nếu nhắn thì phải sang bảo anh ngay nhé!

Mỗi lần anh Quảng hỏi, tôi chỉ lắc đầu. Tôi tưởng như thế làm anh buồn nhưng anh nói luôn:

- Anh nói thế, có gì thì nói cho anh ngay, không được để lâu nghe chưa?

Hết thời gian thực tập, chị Bích và chị Hiệp trở về trường. Tôi ngạc nhiên thấy anh Quảng cầm dao chặt bớt các cành cây lá đỏ đem trồng ở quanh vườn và cả bờ ao nữa. Một hôm, tôi hỏi anh:

- Sao anh trồng nhiều cây lá đỏ thế?

Anh Quảng nói:

- Anh trồng thật nhiều, sau này, chị Hiệp về sẽ ngạc nhiên và anh sẽ cưới chị Hiệp làm vợ.

Nghe anh Quảng nói, tôi tưởng mình nghe nhầm:

- Anh nói sao? Anh sẽ lấy ai?

Anh Quảng nói giọng chắc chắn lắm:

- Anh sẽ lấy chị Hiệp, cu Minh tồ ạ. Chị Hiệp đã hứa với anh rồi. Em biết không, nhiều hôm, chị mặc cái áo bà ba để lộ cái cổ cao ba ngấn trông thật đẹp. Hồi trước, anh ở trong Nam, hay gặp các cô gái mặc như thế, chỉ có khác là các cô gái miền Nam mặc áo bà ba đen may bằng vải nilon, cổ lại quàng cái khăn rằn, trông thật là xinh.

Nghe anh Quảng nói, tôi chỉ biết im lặng. Tôi đem chuyện này nói với bố mẹ, cả hai đều bảo:

- Chắc chị Hiệp nói đùa đấy thôi!

Tôi nghĩ anh Quảng yêu chị Hiệp thật lòng. Lúc nào anh cũng nhắc đến tên chị. Rồi anh lo sửa sang nhà cửa, trồng cây lá đỏ xung quanh vườn, hàng tháng, cắt tóc gọn gàng, thỉnh thoảng lại còn soi gương nữa. Một hôm, tôi nói với anh Quảng:

- Sao đến giờ mà chị Hiệp vẫn chưa về, khi nào chị trở lại đây?

Hình như câu hỏi của tôi làm anh Quảng phật ý, anh tỏ ra giận dỗi:

- Mày là con nít, biết gì mà xen vào chuyện người lớn, đúng là thằng Minh tồ!

Nghe anh Quảng nói, tôi im thít. Như nhận ra mình có lỗi, anh ôm chầm lấy tôi:

- Minh tồ ơi, mày có biết không, chị Hiệp đẹp nhất vùng ta đấy! Chị ấy bảo yêu anh, chị Hiệp còn hôn vào má anh, thế mới thích chứ. Minh tồ biết không, chị Hiệp rất thích loại cây lá đỏ, còn xin anh một cành mang về trồng ở nhà trên thị xã.

Một hôm, chị Bích về qua nhà trước khi đi nhận công tác ở một xã miền núi. Nghe tiếng chị Bích, anh Quảng sang ngay:

- Cô Hiệp đâu? Sao Hiệp không về cùng em?

Lúc đầu, chị Bích tỏ ra ngạc nhiên, nhưng sau chị nói:

- Chị Hiệp đi công tác ở một xã gần biên giới rồi anh ạ!

Anh Quảng không nói gì, vẻ mặt buồn thiu, lặng lẽ ra về, không chào ai. Về nhà, anh ra tưới cây lá đỏ, vừa làm, vừa hát. Tôi biết anh vẫn hy vọng một ngày nào đó, chị Hiệp sẽ trở về.

Vài năm sau, qua chị Bích, bố mẹ tôi biết tin chị Hiệp đã lấy chồng. Một lần, mẹ tôi sang nhà anh Quảng nói chuyện, nhưng anh nhất định không tin:

- Không có chuyện cô Hiệp đi lấy chồng đâu, cô ấy nói nhất định sẽ trở về đây!

Những lúc không tưới cây, tôi nghe anh thổi sáo, hát chèo, ca vọng cổ. Anh chúa ghét những bài hát ủy mị, ướt át, ca cẩm rầu rĩ. Hình như nỗi lòng anh gửi qua tiếng hát, tiếng sáo vậy. Rồi một hôm, anh Quảng đeo ba lô ra đi, anh mặc quần áo lính. Có người hỏi anh đi đâu, anh bảo đi tìm chị Hiệp, nhất định anh sẽ trở về.

Một năm, rồi hai năm, không thấy anh Quảng trở về, gia tộc và chính quyền, hội cựu chiến binh xã đã gửi điện đi khắp nơi, cả trạm điều dưỡng thương binh nặng ở Thuận Thành, Bắc Ninh mà không có tin tức gì. Tôi còn nghe nhắn tin ở trên đài nữa, nhưng chẳng ai biết tin anh Quảng đang ở đâu. Có người bảo anh tìm về đồng đội cũ ở trong Nam. Giờ đây, khi đã trưởng thành, tôi đi học và làm việc ở các thành phố trong và ngoài tỉnh, hễ gặp ai mặc quần áo bộ đội là tôi nhìn thật kỹ xem có phải anh Quảng không.

Bao năm nay, anh Quảng chưa trở về quê. Cây lá đỏ vẫn thay lá và mọc thành từng hàng, tô điểm thêm cảnh sắc làng tôi. Bây giờ, trong làng có nhiều nhà trồng loại cây này. Dọc bờ ao hay ven đường, nhiều cây đã lên cao, nhất là đoạn đường vào làng đã có cả một hàng cây lá đỏ. Nó có nở hoa gì đâu. Cây lá đỏ chỉ đỏ từ tháng mười hai đến tháng năm mà thôi. Nhiều lúc tôi nghĩ: Nếu trở về làng thì anh Quảng sẽ ngạc nhiên lắm. Không chỉ chuyện đường làng đã đổ bê tông, cái đình làng, nhà văn hóa được sửa sang, làm mới khang trang và xung quanh đình làng trồng rất nhiều cây lá đỏ, còn anh Quảng bây giờ đã thành một ông già ở cái tuổi cổ lai hy. Nghĩ tới anh, tôi tự hỏi: Bây giờ, anh đang ở đâu? Hỡi chàng trai của làng Đông thuở nào?

(Hoằng Hóa - Thanh Hóa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast