"Màu tím hoa sim tím tình trang lệ rớm ".

Tôi chưa một lần gặp nhà thơ Hữu Loan và chắc nhiều bè bạn tôi cũng thế nhưng bài thơ "Màu tím hoa sim" đã làm xúc động bao nhiêu độc giả trong và ngoài nước. Cuộc đời Hữu Loan có thể lận đận nhưng đến khi "nhắm mắt xuôi tay" về cõi vĩnh hằng, Hữu Loan vẫn xứng đáng là người đã hiến dâng tất cả cho thơ ca, hiến dâng một viên ngọc thơ cho nền văn học Việt Nam lung linh tỏa sáng.

Nhà thơ Hữu Loan. Ảnh: blog teolangthang
Nhà thơ Hữu Loan.

Ảnh: blog teolangthang

Nhà thơ Hữu Loan sinh ngày 2-4-1916 tại làng Văn Hoan, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa); mất ngày 18-3-2010. Năm 1941, ông đậu tú tài và sau này dân làng thường quen gọi "Tú Loan". Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng nhờ tư chất thông minh, ông đã được một ông đồ nho ở quê kèm cặp, giúp đỡ và trở thành một người có học vấn cao. Nhà thơ Hữu Loan đã từng tham gia Việt Minh, làm cán bộ văn hóa, đi bộ đội kháng chiến chống Pháp rồi công tác ở Báo Văn nghệ, rồi trở về quê sinh sống, làm "phu đá" trong cảnh nhà nghèo túng đông con. Từ một nhà thơ đến một nông dân quăng quật với gió sương lao động nghiêm túc cật lực, Hữu Loan đã vượt lên chính mình và bao giờ cũng lạc quan, khẳng khái, mẫn tiệp.

Đọc lại nguyên bản bài thơ "Màu tím hoa sim", tôi thực sự bất ngờ ở phần kết bài thơ có câu "Màu tím hoa sim tím tình trang lệ rớm ". Hữu Loan khóc vợ mình đến nỗi bài thơ đã lay động tâm can hàng ngàn chiến sĩ vệ quốc quân hồi đó, lay động bao nhiêu nhạc sĩ mà người phổ nhạc đầu tiên là Phạm Duy.

Nhà thơ Hữu Loan đã từng tâm sự nhiều với độc giả xa gần về nguồn gốc thai nghén và sinh thành bài thơ ấy. Nhân vật "nàng" trong bài thơ "Màu tím hoa sim" chính là Lê Đỗ Thị Ninh - con gái của ông Lê Đỗ

Kỳ (Tổng thanh tra Nông Lâm Đông Dương - Đại biểu Quốc hội khóa 1- nước Việt Nam dân chủ cộng hòa). Một tình yêu khá độc đáo và lãng mạn bởi Hữu Loan thời ấy làm gia sư tại nhà ông Lê Đỗ Kỳ và được gia đình ông Kỳ quý mến gả con gái cho. Cô học trò ấy kém ông tới 16 tuổi. Ông bảo với mọi người đi từ tiếng "cháu" đến tiếng "em" như một duyên kỳ ngộ có sự sắp xếp của "ông tơ bà nguyệt" vậy. Vùng quê của nhà thơ Hữu Loan lắm đồi, nhiều núi nên mọc nhiều sim. Quả sim đồi quê ngọt và tình yêu giữa thầy và trò cũng ngọt dần. Với sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng, một tình yêu xuất phát từ tình thương, từ lòng kính trọng đã dẫn đến cuộc hôn nhân giữa nhà thơ Hữu Loan và bà Lê Đỗ Thị Ninh.

Nhưng cuộc đời ai lường được chữ ngờ. Bà Ninh đến với ông tình yêu bốc cao như ngọn lửa hồng và sự ra đi cũng như cơn bão mạnh làm cõi lòng ông đau đớn không nguôi.

Cô Lê Đỗ Thị Ninh chấp nhận lấy anh "vệ quốc quân" Hữu Loan làm vợ khi tuổi đời mới xấp xỉ 17:

“Tôi người vệ quốc quân

Xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái

Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới".

Đây là lời tâm sự chân thành nhất và chính sự chân thành này đã gây nên niềm cảm khái cho người

đọc. Thơ hay không phải là cao siêu thần thánh về câu chữ mà là sự chân thật tự nội tâm được trỗi dậy của cảm xúc. Anh lính vệ quốc quân không có gì cả ngoài trái tim yêu "nàng" và sự cảm thông của nàng cũng chính là sự đội ơn của thi sĩ đối với gia đình. Vì tình yêu thương mà vượt qua ranh giới tuổi tác lại không câu nệ sự tương phản về đời sống vật chất giữa 2 gia đình. Một bên gia đình bà Ninh ở lớp thượng lưu thời đó, một bên gia đình nhà thơ xuất thân là nông dân nghèo khó.

Tuần trăng mật của anh vệ quốc với "vợ trẻ" trôi đi thật chóng vánh sau 2 tuần lễ về phép. Hữu Loan đã nhiều đêm nằm mơ thấy bóng người vợ trẻ tiễn đưa ông lần cuối sau con đê làng. Ba tháng sau, nhà thơ nhận được tin như sét đánh ngang tai vợ ông chết đuối. Hôm đó bà Ninh ra sông Chuông (thuộc ấp Thị Long - Nông Cống) giặt áo. Không may chân trượt phải hòn đá trơn, bà Ninh đã bị dòng nước xiết cuốn mất. Bài thơ "Màu tím hoa sim" như là một trang nhật ký bằng nước mắt:

"Tôi về không gặp nàng

Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối

Chiếc bình hoa ngày cưới

Thành bình hương tàn lạnh vây quanh".

Lễ cuới nhà thơ và Hữu Loan đơn giản đến mức mà Hữu Loan chỉ thấy rằng, hôn trường hôm đó nổi trội nhất là chiếc bình hoa. Một bình hoa trong thơ chính là bình hoa thực sự trong đời của Hữu Loan. Ông đã dành chiếc bình hoa ấy để thắp hương khấn nguyện vợ ông đến trọn cuộc đời mình. Nhìn lên bình hoa, ông cảm thấy một sự chia ly nhưng "không hề có cuộc chia ly" dầu "những đồi hoa sim vẫn tím chiều hoang biền biệt".

Hôm nay, hồn nhà thơ lại rong ruổi với "cái thưở ban đầu lưu luyến ấy" để lại cho bạn đọc một màu hoa sim tím biếc trong thơ. tải về tại đây bài thơ "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast