Mây không bay về trời

Giờ chỉ còn hai người, muốn nói gì thì nói đi. Ánh mắt của Viễn nói thế. Soái không nhìn mắt Viễn. Cả hai lén quan sát vết thương trên thân thể nhau.

Truyện ngắn

Chân Viễn, vết bỏng phủ kín vùng bắp chân bị rách bởi lẹm nứa. Cỏ cây kịp thời rắc lên đó những hạt khô li ti. Nhìn kĩ, thấy cả phấn hoa màu vàng quyện với huyết tương đang chảy ra. Mu bàn chân phồng rộp, một miếng da đã bị lột như da ếch vì cái hành động vội vàng tút giày ra khỏi chân. Đôi giày đã bén lửa. Phía trên đùi. Cái quần bị cháy một khoảng, hở ra một chỗ thịt thâm sì như thể bị đá chèn. Tóc Viễn cháy nham nhở, những vết xây xát chỉ chừa hai con mắt. Đôi mắt sáng đến lành lạnh khi thỉnh thoảng lại nhìn xoáy vào kẻ nằm ngửa dưới gốc một cái cây bị cháy đen thui.

Cánh tay phải của Soái bị bỏng toàn bộ. Khuôn mặt nhem nhuốc, gồ lên những vết cành cây vụt ngang tựa như cái rổ chạch. Áo Soái rách tơi tả để lộ một khoảng ngực trái phập phồng những nhịp bối rối. Khoảng ngực ấy cũng rướm máu.

Hai kẻ lạc rừng đã ở quá xa đồng đội. Những miếng lương khô cuối cùng đã hết. Giọt nước cuối cùng trong bình cũng cạn. Sức mạnh của con thú là ở phút cùng đường. Còn con người, khoảnh khắc ấy lại lộ ra điểm yếu. Viễn cảm thấy mình quá nhỏ bé trước đại ngàn, ngay cả khi đại ngàn bị lửa thiêu, những thân cây vẫn thẳng đứng. Còn anh, ngồi cũng còn khó.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Đôi mắt một mí của Soái ngước nhìn bầu trời sáng tưng hửng và quang đãng đến trống trải. Dấu hiệu của nắng và gió kéo dài ít nhất ba ngày. Ba ngày, lửa đi tận đâu? Tuy nhiên đất dưới lưng anh ẩm, mát rượi và êm. Trọng trách của đất là hồi sinh những cánh rừng sau thảm họa nên đất không thể cháy. Viễn không nằm ngửa được như vậy vì vết bỏng ở lưng. Nhưng đôi tay của anh lại có thể cử động và chống xuống đất nếu muốn xê dịch, thay đổi chỗ ngồi, hoặc có thể nằm sấp. Trừ những lúc áp mặt xuống lớp than dầy ra, thời gian còn lại, ánh mắt Viễn không rời Soái. Cái miệng kia, cả nước da trắng và đôi mắt ướt rượt kia... Chắc Soái giống mẹ. Người đàn bà đã cướp đi của Viễn quá nhiều.

Viễn gặp Soái vào đúng ngày ba mươi tết hai năm về trước. Soái rụt rè bước vào gian nhà mới xây khang trang của ba mẹ con anh. Rụt rè gọi người đàn bà sinh ra anh bằng mẹ và rụt rè khẩn cầu.

Tết năm nay, tết trong biển lửa. Đám cháy lịch sử đã đưa hai người đến một cuộc đối diện bất đắc dĩ. Đơn vị anh được tư lệnh quân khu điều lên để dập đám cháy rừng quốc gia. Hơn một nghìn chiến sỹ thuộc ba tiểu đoàn trực thuộc B16 và một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 2 trong đó có anh, đặt chân đến miền rừng núi này vào ngày cuối năm. Giữa mấy ngàn con người thuộc các lực lượng vũ trang, dân phòng, kiểm lâm… tại sao ông trời lại sắp đặt để Soái xuất hiện trước mắt anh?

Năm nay Soái được về nhà ăn tết với gia đình nhưng trước nhiệm vụ cấp bách của đơn vị, anh đành gác phép. Anh là một trong gần hai trăm chiến sĩ bộ đội biên phòng trên địa bàn tỉnh có mặt tại hiện trường đám cháy từ chiều ba mươi tết. Cầm vuông bánh chưng nóng hổi của đồng bào gửi tiếp tế, nhiều anh em không ngăn nổi giọt nước mắt cảm động.

Những tiếng la hét. Tiếng lửa cháy. Tiếng gió cổ súy. Tiếng muông thú kêu gào. Tiếng dao chạm vào đá. Tiếng tre nứa nổ bôm bốp. Viễn và đồng đội khẩn trương vung dao đốn hạ cây xanh để tạo khoảng trống ngăn lửa. Trong bản tạp âm ấy. Viễn nhận ra tiếng Soái. “Chạy đi, đá lăn”. Viễn vừa kịp nhao người sang phải thì một tảng đá lớn bằng nửa cái ô tô rầm rầm đổ xuống. Đá mồ côi. Những dây rừng đã đứt, đã bị thiêu rụi. Những vết nứt thế kỉ bị lửa nung chín tự tách ra. Còn gì để trói buộc đâu. Thế là lăn, là văng. Đá lăn vào khoảng rừng đã bị lửa hóa kiếp. Hàng trăm hecta rừng bị cháy trụi. Sau ba ngày. Vành đai ngăn lửa được vắt từ sườn núi này qua sườn núi kia. Lửa không có lối xuống thấp thì chồm lên cao. Hai kẻ chạy ngược lửa để thoát thân, còn tất cả tụt lại xuống dưới vành đai…

Giao thừa. Tre nứa hóa thân thành tiếng pháo rợn người. Tàn tro rợp trời như xác pháo. Bộ đội địa phương nắm tay bộ đội tăng cường nhảy múa khi đám cháy tạm thời bị khống chế. Nhưng Viễn không thể nào hòa mình vào đám đông. Soái lại gần anh, ngực nó lủng lẳng chiếc nanh hổ đeo vào sợi dây len màu tím. Thật trơ trẽn. Viễn nhớ lại. Nếu không vì sự có mặt của tiểu đoàn trưởng thì anh đã từ chối miếng bánh chưng của Soái. Giao thừa ở độ cao hai nghìn mét so với mặt nước biển là một điều khá lạ lẫm đối với những người lính trẻ. Trái với cảm giác lạ lẫm của anh. Trong trang phục màu xanh lá cây của lực lượng biên phòng, trông Soái già dặn, từng trải. Đôi mắt Soái cứ bám lấy anh không rời tạo ra một cảm giác khó chịu.

Sáng mồng một tết, gió trở mạnh kéo ngọn lửa hung hãn lao xuống thấp, nhòm vào khu rừng trúc và thảm thực vật mùa khát nước mùa khô hanh. Lửa khựng lại như con thú bị cướp mất mồi bởi một vành đai chết rộng mấy chục mét và dài gần chục ki lô mét đón lõng. Kinh nghiệm cứu rừng của lính biên phòng đã giúp Soái phán đoán được hướng đi của lửa. Gió là kẻ dẫn đường và là “đồng minh” đắc lực của lửa. Anh kéo tay Viễn đổ xuống để lửa chồm qua người. Hai người vừa dùng cành cây tươi dập lửa vừa che chắn trước ngực rồi thốc ngược trở lại phía khoảng rừng đã bị thiêu hủy. Mất phương hướng vì những cột khói bốc lên từ những thân đại thụ, và cả một biển than đỏ rực, hai người tụt mãi, tụt mãi xuống mà không gặp đơn vị. Thương tích đầy người, Soái cất lời trước.

- Có lẽ đây là rừng Séo Mý Tỷ. Nơi bắt đầu của đám cháy. Anh thấy không, than ở đây đã nguội.

- Từ đây về điểm xuất phát bao xa?

- Có lẽ hơn một ngày đường. Chúng ta phải nghỉ đêm ở đây thôi. Sớm mai tìm đường xuống bản, ở đó chắc có trạm xá. Trời đã tối rồi.

Điện thoại của Soái hết pin, còn của Viễn không có dấu hiệu kết nối. Đêm xuống vội vàng. Góc trời phía tây vẫn chín đỏ. Vẫn tiếng nổ lốp bốp. Vẫn tàn tro. Bao nhiêu sức người đã đổ xuống, trời xanh sao chẳng động lòng.

Đêm, cơn đau nhức từ vết bỏng và những vết thương do tre nứa, do đá sắc hành hạ, Viễn cắn răng để khỏi bật ra tiếng rên. Thi thoảng Viễn loay hoay nằm sấp xuống để đổi tư thế. Một kẻ chỉ có thể nằm sấp. Một kẻ lại chỉ có thể nằm ngửa. Trời tối quá nhìn nhau không rõ chỉ nghe rõ tiếng thở mệt nhọc. Đêm nay gà rừng không gáy.

Trời canh ba phơn phớt sáng. Soái ngồi dậy vì cơn rét len lỏi vào những vết thương. Cũng nhờ cái rét khoảng 3 độ C này mà vết bỏng trên cơ thể hai người như đang được điều trị. Thấy Viễn nằm im, Soái ngỡ anh còn ngủ nên ngồi tựa vào gốc cây không nói gì.

Viễn biết Soái cũng trắng đêm như mình nên cố ngồi dậy. Viễn nói nhỏ:

- Cậu xuống bản trước đi rồi tìm cách liên hệ với đơn vị, chân tôi bị nướng chín rồi, không còn cảm giác gì nữa.

Soái tỏ ra cứng rắn:

- Không được, vết thương đã nhiễm trùng nguy hiểm lắm. Tôi sẽ cõng anh.

Sau một lúc phân vân, chần chừ, cuối cùng, Viễn cũng đồng ý để Soái cõng mình. Anh thầm nghĩ, đã có thêm một sự sắp xếp. Lưng của anh bị bỏng nặng nhưng bụng thì không. Ngực của Soái thương nặng, còn lưng lại hoàn toàn lành lặn. Thế nến ngực anh mới có thể ấp vào lưng của Soái trong hành trình xuôi dốc còn gian nan hơn cả ngược dốc.

Hai khoảng da lành lặn trên hai cơ thể đầy thương tích còn đủ cảm giác để nhận ra hai luồng hơi ấm đang trộn vào nhau. Cả nhịp tim cũng trộn vào nhau. Họ vừa đi vừa nghỉ đến khi trời hửng sáng thì chạm chân vào khoảng rừng tươi xanh. Phía xa, tiếng nổ cũng nhỏ dần.

Cơn đói bị cơn khát nhấn chìm. Trong lúc chờ Soái đi lấy nước. Viễn nghĩ. Thực ra Soái cũng không đến nỗi nào. Nếu anh là Soái, anh có làm được như vậy không? Nhìn thấy Soái là Viễn lại nhớ đến thời thơ ấu của mình. Vì đó là quãng thời gian con người ta đòi hỏi cho bản thân nhiều nhất và được đáp ứng nhiều nhất. Đòi quần đòi áo, đòi bút sách, đòi đồ chơi, đòi được chăm lo, chiều chuộng, đòi công bằng, đòi có mẹ, đòi có bố. Đôi khi là đòi cho bằng chúng bằng bạn. Vì tại sao chúng bạn có mà ta lại không?

Viễn giãy giụa dưới ngọn roi của mẹ. Anh chỉ được giãy bên trong cái vòng tròn mẹ dùng cái gốc của roi tre khoanh xuống nền sân đất. “Từ giờ có được bỏ nhà đi chơi như thế không?”. “Con chừa rồi”. Mẹ giắt cái roi lên mái lá. Mấy hôm sau mẹ mua về một cái ti vi cũ hiệu Sam sung. Chị em Viễn nhảy cẫng lên sung sướng. Thế là từ giờ không phải trốn mẹ sang hàng xóm xem nhờ nữa rồi. Cắm điện vào. Xẹt… xẹt… xẹt. Chị gái tỏ ra thông thái, học lỏm đâu đó. “Đang phim triệu con muỗi đấy”. Đúng là toàn muỗi. Viễn thì hai tay cầm hai cái “râu” ti vi xoay ngang xoay dọc một cách hãnh diện. Ọ ẹ... ọ ẹ. Ti vi cất lên tiếng kêu lạ. Tiếng kêu đặc thù của loại hàng điện tử bãi thải.

Sau một hồi vừa vặn núm vừa chỉnh râu thì trên màn hình xuất hiện những vạch ngang màu xanh và rồi tiếng nói cất lên. Hai chị em sướng run người. Đến nỗi đứa vặn, đứa giữ râu không muốn lên giường ngủ.

Nhưng cứ chỉnh được tiếng thì mất hình, mà được hình thì mất tiếng. Hai chị em thống nhất, nếu chương trình bóng đá thì để tiếng vì màu đen trắng xem cũng chả rõ đội nào với đội nào. Nếu phim thì để hình, cắt tiếng, chịu khó nhìn miệng họ nói mà suy luận vậy. Trong xóm đầy nhà còn không có điện thắp sáng chứ đừng nói có ti vi đen trắng mà xem. Có nhà có ti vi nhưng hỏng nặng không sửa được cứ để trên nóc tủ cho oai , cho mấy ông mua sắt vụn cứ lượn ra lượn vào gạ gẫm mãi. Vì thế trẻ con trong xóm cứ nhếch nhác, chầu chực ở nhà Viễn không chịu về. Khối đứa bị đòn y như Viễn mấy hôm trước.

Viễn nghe mẹ tâm sự với cô giáo của Viễn. “Chị ạ, mẹ góa con côi, em chỉ sợ không dạy chúng nên người, xã hội chê cười thôi”. Tiếng cô giáo nhẹ nhàng. “Giáo dục là phải có hình phạt, nhưng đòn roi nhiều cũng không tốt đâu. Hình phạt là con dao hai lưỡi đấy chị ạ”.

Có lần bà ngoại bảo mẹ. “Cóc chết ba năm quay đầu về núi, con cũng nên đọc xem những lá thư ấy nó viết gì chứ. Mẹ thì tin rằng đã có một thứ bùa ngải nào đó đã trói buộc nó. Con nên tha thứ cho nhẹ lòng”. Mẹ dằn giọng. “Không có bùa ngải nào cả, chỉ có sự phản bội. Cứ nghĩ đến thằng Viễn, lòng con lại cay đắng”.

Tại sao mẹ lại cay đắng khi nghĩ đến Viễn nhỉ? Có phải do vật vã đau đớn vì sự ra đi của bố mà mẹ sinh non anh khi mới mang thai được hơn bảy tháng. Thời gian anh nằm trong lồng ấp ở bệnh viện là hai tháng. Hai tháng ấy mẹ không chợp mắt một phút nào và cũng không có sữa cho anh bú. Anh lớn lên nhờ sữa của không biết bao nhiêu bà mẹ sinh con và nuôi con ốm ở bệnh viện… Có phải người đàn bà cay đắng vì không giữ được dòng sữa cho con mình ngay lúc con chào đời?

Từ hôm ấy, Viễn không còn giận mẹ mỗi khi bị ăn đòn nữa. Tất cả chỉ vì mẹ sợ chị em Viễn không nên người. Sau này, mẹ muốn Viễn vào bộ đội là cũng vì lí do ấy.

Từ khi bố đi cho đến tận bây giờ Viễn đã hai mươi hai tuổi mà vẫn chưa thấy mặt bố lần nào. Có người bảo bố Viễn chết rồi.

Ngày trước, những đêm mưa, rất nhiều đêm mưa ba mẹ con Viễn phải ngồi dưới gầm phản vì nhà dột chẳng chừa chỗ nào. Mẹ cứ kiếm lá về dọi được vạt này lại dột vạt kia. Có mấy bác hàng xóm hứa làm việc ấy giúp mẹ nhưng họ chỉ hứa thôi. Phải được gì họ mới giúp chứ. Xem ra mẹ cũng không muốn nhờ vả. Chứ đầy đứa trẻ không bố trong xóm, chúng còn sướng hơn Viễn. Mười tuổi Viễn đã biết dọi nhà. Năm Viễn mười ba tuổi, chị gái ở dưới dùng sào đưa lá, mẹ và Viễn ngồi trên, ròng rã ba ngày thì ba mẹ con cũng lợp xong bốn gian nhà lá cọ.

Đêm mưa đầu tiên dưới mái nhà lành lặn, ba mẹ con sướng không ngủ được, còn sướng hơn cái đêm đầu tiên mua cái ti vi cũ về ấy. Nghe tiếng mưa rơi vào lá mới bồm bộp thích thật. Sau này mẹ bảo cái ti vi cũ ấy phải bán cả tạ thóc mới mua được. Viễn thương mẹ lắm. Nhà Viễn có ba sào ruộng dộc. Được mùa thì thóc đầy cái hòm gỗ bốn tạ. Mất mùa thì thóc lưng lửng nửa hòm. Thế mà chiều con, mẹ đã xúc và bán đi bao nhiêu mồ hôi, nhọc nhằn để mua cho được cái tivi cũ ấy.

Dần dần, Viễn không còn nhắc tới bố nữa. Bổ củi, mài dao, gói bánh, lợp nhà, đuổi trộm, anh đều đã làm được thì cần gì nhắc đến bố nữa. Trong lòng anh, bố chưa chết nhưng cũng không sống. Vì sống thì phải về nhà, và chết thì mẹ phải cúng chứ. Ở lớp, bọn bạn rêu rao “Bố mày dại gái, bỏ nhà theo gái”. Anh tức điên lên. Nhưng mỗi lần hỏi, mẹ đều im lặng. Thỉnh thoảng mẹ nhận thư, những lá thư bị đốt khi còn chưa bóc ra, chưa đọc. Anh nghĩ, nếu cứ nhắc về bố là mẹ lại đau lòng, nên thôi.

Đưa bình tông lên miệng, nước khe lạnh buốt, Viễn uống thật chậm để nước được làm ấm trước khi xuống họng. Sau cơn khát là cơn đói. Những thứ quả Soái hái về trông rất lạ mắt. Để Viễn an lòng Soái ăn trước. Những thứ quả tròn như quả cà nhưng lại lờ lợ ngọt. Có quả dài dài như quả dưa chuột nhưng lại đắng, chát.

Soái chỉ tay về phía dưới, nơi những sợi khói nhỏ đang len lỏi chui lên trời.

- Bản Mông ở đó rồi. Nghỉ một chút rồi mình đi. Đến đó chắc có cơm ăn.

Soái bần thần nhìn Viễn và những vết thương ở chân anh ta. Giờ này, ở nhà mẹ anh cũng đang túc trực bên tivi để ngóng tin anh và đám cháy. Mẹ anh là người đàn bà bất hạnh. Có chồng mà cũng bằng không có. Bố anh như kẻ mất hồn, đi làm thì thôi, cứ về đến nhà nhà là bố lôi giấy bút ra, viết cả mấy trăm lá thư, cái gửi đi, cái đốt, cái xé vụn. Viết đến quên no quên đói. Mấy lần anh nghe mẹ nói là bố đang nhớ người ta, bố bị nỗi nhớ và nỗi ân hận hành hạ. Soái chẳng hiểu người ta là ai? Lớn lên chút nữa và qua hàng xóm Soái hiểu. Bố là kẻ trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Thế nên Soái như con thú đơn lẻ chẳng có bầy đàn. Bố không muốn có thêm đứa con nào với mẹ. Bố bảo “Đời tôi sống như chết. Tôi không cần nhà cao, cửa rộng, tôi cần sự tha thứ, cô hiểu không?”. Chỉ vì chút nông nổi tếu táo của tuổi trẻ mà cả đời bố phải mang tội phản bội vợ con.

Mẹ Soái vốn là cô gái Mường trắng trẻo xinh đẹp nhất vùng. Một sáng kia đến chợ, gặp anh đi bán cá giống trẻ trung người huyện ngoài thì buông lời trêu đùa. Em không mua cá đâu, mua người thôi, anh có bán không? Anh chàng bán cá đẹp trai, đang ế ẩm, lại thấy gái xinh, cũng trêu lại. Bán đấy, em có muốn mua không?

Cô gái Mường mười tám tuổi cười tủm tỉm, mắt long lanh như bị tiếng sét ái tình đánh trúng tim. Cô sục tay vào sọt cá vớt một con cá nhỏ, nắm chặt lấy và thong thả bước. Anh kia thin thín dắt xe đạp và hai sọt cá theo về nhà. Cá giống bé bằng cái chân hương đổ xuống ao. Cá lớn bằng bắp tay thì Soái cũng đã cựa mình trong bụng mẹ. Bố anh bung khỏi cơn mê trong nỗi cồn cào nhớ nhà, nhớ vợ con, đòi về. Về nhà hôm trước, hôm sau bố thất thểu từ giã vợ con sau khi tự cào cấu, đấm đá lên cơ thể mình đến bầm dập. Gái Mường yêu đơn giản, nghĩ đơn giản và hành động đơn giản vậy thôi. Người làm được việc ấy như mẹ Soái không nhiều.

Soái không biết mẹ đã làm gì để bố có thể rũ bỏ hết gia đình để về với mẹ. Soái chỉ biết là bố đã chọn mẹ. Nghe nói lúc ấy, có một đứa con của bố cũng sắp chào đời.

Người nhà của bố liên tục tìm đến để đòi con trai họ về. Họ còn đi báo chính quyền để nhờ chính quyền can thiệp. Và để được mãi ở bên bố, mẹ bỏ nhà, bỏ quê mà đi. Đương nhiên là bố cũng răm rắp đi theo. Chuyến tàu ngược đưa họ lên đến ga cuối cùng.

Bi kịch bắt đầu từ những tháng ngày tha hương. Rất nhiều lần bố khoác túi bỏ nhà đi, nhưng cứ được nửa ngày lại quay về. Bố nhiều lần van nài mẹ. “Cô làm ơn buông tha tôi”. Mẹ chỉ khóc. Hai năm trước, theo địa chỉ bố cho, Soái đã cầm cuốn sổ là những trang thư ố nhàu bố chưa gửi, tìm về quê đưa cho người vợ cũ của bố. Nhưng cũng như những lá thư trước, bà đã đốt những lời ăn năn hối lỗi ấy đi mà không thèm đọc. Cảm giác tủi nhục, xót thương cho mẹ, cho bố trào lên trong lòng. Soái quay gót. Trước khi đi, anh cố nói một câu. “Con mong mẹ tha lỗi cho bố con, suốt hai chục năm qua ông ấy đã bị trừng phạt, cả gia đình con bị trừng phạt, đủ rồi”. Viễn đứng trước anh, nhếch mép cười. Nụ cười thương hại.

Lần lấy phép gần đây nhất. Anh về khi mẹ bị ốm nặng. Nhìn bố cẩn thận bón từng thìa cháo nhỏ cho mẹ và cần mẫn xoa từng ngón tay, ngón chân cho mẹ. Lòng anh chơi vơi một câu hỏi: Có lẽ nào hơn hai chục năm qua, giờ bố anh mới thực sự cảm nhận được tình yêu của mẹ?

Hạnh phúc không thể có bằng việc đánh cắp con ạ.

Đã có lần mẹ nói với anh như vậy. Cái tội ăn cắp, ăn cướp hạnh phúc của người đàn bà khác, của những đứa trẻ vô tội khác đã theo mẹ cả đời. Và anh là bằng chứng xương thịt. Anh biết mẹ muốn giữ bố cho anh. Bây giờ đối diện với Viễn, biết nói thế nào?

Những thứ chua chát của rừng như an ủi chiếc dạ dày phần nào. Họ phấn chấn đi tiếp. Nằm trên lưng Soái, cảm giác ấm áp thân thương cứ trỗi dậy trong lòng Viễn. Mùi mồ hôi của Soái rất lạ, không giống với bất cứ mùi của cơ thể nào. Tiếng Soái thở dồn và bước chân mỗi lúc một chệch choạc, xiêu vẹo làm Viễn trằn xuống. Nhưng Soái lại khom người xốc anh lên. Đôi lần tay Viễn chạm vào cánh tay bị bỏng của Soái, lòng Viễn nhói đau.

Bốn giờ chiều ngày mồng hai tết, hai người xuống đến Séo Mý Tỷ. Viễn gọi điện thoại. Dù bập bõm nhưng khi nghe thấy giọng của tiểu đoàn trưởng, anh mừng đến nghẹn lời. Khuya đêm ấy hai người lên đến thị trấn phố huyện trên một chiếc xe chở nông sản mà phải nhờ đến trưởng bản mới vận động được đồng bào chở các anh lên phố. Vì đường xa, xấu và trời tối đen, lại đang là tết. Ngay sau đó hai người được đưa ra bệnh viện tỉnh điều trị vết thương.

Trưa mồng bốn tết. Tiểu đoàn phó có mặt, trịnh trọng nói với hai người. Có tin vui đây. Soái đưa mắt nhìn Viễn. Viễn lại nhìn tiểu đoàn phó ngập ngừng hỏi:

- Đám cháy được dập tắt rồi phải không anh?

- Đúng thế, dù chưa hoàn toàn nhưng lửa đã suy yếu và dự báo đêm nay trời sẽ mưa to. Toàn quân, toàn dân đang tưng bừng ăn mừng, tiếc là hai cậu lại nằm đây. Các cậu chuẩn bị về bệnh viện quân khu điều trị.

Quay sang Soái, người chỉ huy nói nhỏ.

- Cậu Hà Văn Soái thuộc đồn biên phòng… phải không? Cậu có người nhà vào thăm, phấn khởi nhé.

Đúng lúc ấy, một người đàn ông trạc năm mươi nhưng tóc đã bạc kín đầu bước vào. Ông thảng thốt lao bổ đến bên giường, ôm lấy vai Soái mà nghẹn ngào. Con làm bố mẹ lo quá. Ông khẽ xoa lên những vết thương trên ngực và cánh tay con trai, ánh mắt xót xa đau đớn… Ông khóc nức lên như một người đàn bà xót con.

Giường bên cạnh, Viễn luống cuống tìm cây nạng gỗ để đứng dậy. Cổ họng anh đắng ngắt, đắng hơn lúc ăn thứ quả dại trong rừng. Người bố trong tưởng tượng suốt tuổi thơ của anh đấy ư? Người đàn ông phản bội đã chết đến cả trăm lần trong câu chuyện của mẹ đấy ư?

Soái đưa mắt nhìn Viễn nhưng chưa kịp nói gì thì bị ánh mắt hờn ghen của Viễn lướt qua. Soái im lặng.

Người đàn ông sau một hồi suýt xoa vì những vết thương trên ngực con trai thì lôi quà trong túi ra. Bánh kẹo, mứt và cả tày bánh chưng còn xanh rờn. Ông lau nước mắt, nhìn Viễn thân thiện hỏi.

- Cậu ở đơn vị nào. Nếu không có cái chương trình đưa đám cháy và hai cậu lên ti vi thì tôi cũng không biết thằng Soái gặp nạn. Anh em cậu lành lặn về được đây là mừng rồi.

Viễn bối rối.

- Cháu ở tiểu đoàn ba thuộc B16 quân khu… Bác ăn tết vui chứ ạ?

- Vui gì, rừng cháy, ai cũng sốt ruột cậu ạ. Giá cậu không đau thế này, mời cậu về gia đình tôi ăn tết lại. Nhà tôi ở ngay thành phố này thôi.

Cái cụm từ “Gia đình tôi” như cái lẹm nứa cứa vào tim Viễn. Giờ anh mới nhớ, ở đó cũng còn một vết thương không do lửa. Viễn nhìn ra cửa, vừa lúc cô bác sỹ trẻ bước vào. Người đàn ông tạm thời lui ra. Mọi lần thay băng trước, cả hai đều nhăn nhó vì đau thì lần này thì không. Mỗi lần Soái định cất lời thì Viễn lại nhìn đi nơi khác.

Sau khi băng bó. Bác sĩ bảo. “Anh Soái ở lại điều trị vì đã có dấu hiệu tốt. Anh Viễn, diễn biến xấu, phải chuyển về tuyến dưới ngay bây giờ. Chúng tôi sẽ chuẩn bị giúp anh”

Viễn được hai y tá dìu đi. Ra khỏi cửa phòng, Viễn quay lại, nói nhỏ.

- Cậu mạnh giỏi nhé.

Soái đưa cánh tay băng trắng toát lên ngang mặt, che giọt nước mắt đang lăn xuống hai gò má còn hằn vết quất của cành cây.

Người đàn ông đầu bạc mạnh dạn chộp lấy bàn tay của Viễn lắc nhẹ. Cậu mau khỏe lại nhé. Viễn siết nhẹ bàn tay ông một cái rồi lạnh lùng rút tay ra.

Viễn bước đi giữa hai y tá, ngẩng đầu, không nhìn lại.

Trở vào phòng, thấy Soái buồn thiu ngồi ở mép giường. Người đàn ông cũng ngồi xuống bên cạnh, đưa tay nắm lấy bàn tay con. Soái siết nhẹ bàn tay ông rồi rút tay ra thật nhanh, thật lạnh lùng. Ông ngạc nhiên, sao chúng có cử chỉ giống nhau đến vậy. Soái cười nhạt, giọng u uất.

- Anh Viễn đấy bố ạ.

Người đàn ông sau thoáng ngơ ngác thì bật khỏi giường, lao ra cửa, chạy thẳng về phía cổng bệnh viện nơi chiếc xe của quân y viện vừa lăn bánh.

Qua gương chiếu hậu, thấy có người chạy theo, anh lái xe cho xe chạy chậm và dừng lại bên lề. Cửa vừa mở, người đàn ông leo lên, ôm ngực, chỉ vào Viễn và nói.

- Các anh làm ơn cho tôi đi cùng con trai tôi.

Chiếc xe hối hả chuyển bánh…

Nằm sấp trên nệm ghế, cảm giác bồng bềnh như lúc còn ở trên lưng Soái làm Viễn nôn nao. Nhất là cái mùi mồ hôi vừa lạ vừa quen cứ phảng phất bên cạnh. Có một bàn tay đang dịu dàng xoa nhẹ vào bắp chân anh. Trời tối nên chẳng ai nhìn thấy những giọt nước mắt đang rơi vào im lặng. Anh muốn cho mẹ biết chuyện này. Khẽ moi chiếc điện thoại trong ngực áo, anh di đầu ngón tay trên bàn phím quen thuộc.

Tiếng mẹ anh vội vàng, xúc động.

- Mẹ và cả nhà đang chờ con ở bệnh viện đây. Có đau không con?

Viễn cố nói bằng giọng thật bình tĩnh.

- Mẹ đừng lo. Ông ấy về cùng con…

Bên kia là một khoảng trống. Rồi mẹ tắt máy. Anh biết bão gió lại đổ vào lòng mẹ. Nhưng mẹ cần sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sau hai mươi hai năm trời đằng đẵng. Phải gặp nhau, phải nói cho nhau hiểu hết những trớ trêu, oan trái của cuộc đời này để mà tha thứ.

Viễn tưởng tượng ra cái cảnh mẹ mặc chiếc áo màu tím hoa cà, đội chiếc nón lá mới, tay xách chiếc túi nhỏ, đứng quay lưng lại phía bố con anh đang dìu nhau bước từ trên xe xuống. Mẹ muốn dấu đi những giọt nước mắt buồn tủi và hạnh phúc đấy mà. Sau đó bố sẽ buông anh ra, từ từ đi đến và nắm chặt lấy hai bàn tay gầy khô của mẹ và ấp mặt mình vào đó. Rồi mẹ sẽ gục vào ngực bố, chỉ vài giây thôi để bố hiểu rằng mẹ đã tha thứ. Sau đó mẹ chạy đến với anh, nước mắt giàn giụa, mẹ xót xa: “Giá mà mẹ có thể đau đớn thay con”.

Mỗi lần những đứa con bị ốm hoặc đau, mẹ vẫn thường nói thế. Lúc nào mẹ cũng muốn nhận về mình những thiệt thòi và gồng gánh nỗi đau thay cho người khác. Thế nên ngày xưa, khi nhiều người khuyên mẹ đi đòi bố về cho các con, mẹ đã bảo. “Người ta có về với mình thì lại thêm một đứa trẻ lớn lên không có bố”. Mẹ là như thế, một người đàn bà chăm chỉ nết na, bà con chòm xóm ai cũng yêu thương, quý mến. Thế mà bố vẫn dứt áo ra đi. Vẫn không về. Và mẹ không đi tìm bố về, không đọc những lá thư của bố còn bởi một điều. Mẹ sợ. Mẹ bị ám ảnh bởi cái đêm bố vật vã, cấu xé để chống chọi với một thứ ma lực đang mê dụ bố. Mẹ sợ bố lại đi.

Nay bố đã về. Về bằng xương bằng thịt. Trong rủi có may. Nếu không lạc rừng, nếu không nằm trên lưng Soái, nếu không chia nhau những thứ quả dại chua chát trong cơn đói, làm sao Viễn hiểu cái tình huynh đệ thiêng liêng thế nào? Trong cái mất, có cái được. Nếu bố không là kẻ lạc đường thì bây giờ làm sao Viễn có Soái? Một đứa em trai khỏe mạnh, thông minh, bản lĩnh và cũng rất nhân hậu. Dù anh chưa nói với bố một lời từ khi bố bước chân lên xe. Nhưng chắc bố hiểu. Không một đứa con nào được sinh ra trên đời lại không cần có bố.

Gần sáng, tiếng người rên rỉ đau đớn. Đèn xe bật sáng. Mọi người thấy ông vật vã, lăn lộn, quằn quại trên sàn xe, tay ông cứ tự đấm vào đầu mình. Anh lái cho xe dừng lại. Người đàn ông bò đến, úp mặt vào đôi bàn chân bị lột da như da ếch của Viễn khóc nấc lên. Lòng Viễn quặn thắt. Anh bước ra khỏi giấc mơ ngọt ngào, luống cuống hỏi:

- Bác bị làm sao thế? Bác đau ở đâu?

Người đàn ông đưa tay chỉ vào ngực, giọng méo mó:

- Cho bố xuống đây, đằng nào bố cũng có tội với con rồi.

Viễn ngẩn ngơ nhìn người đàn ông đang khóc dưới chân mình.

Cửa vừa mở, người đàn ông như bị ai đó lôi xuống. Ông ta, tay ôm ngực, tay cố với theo chiếc xe đã chạy đi và gọi.

- Viễn ơi… con ơi…

Cô bác sỹ trẻ măng và anh lái xe thấy bệnh nhân im lặng thì họ cũng không nói gì cả. Họ không muốn lãng phí thời gian vào những chuyện khó hiểu. Anh lái tăng tốc và hụ còi ưu tiên vì hành trình gấp gáp lắm rồi.

Giữa mênh mang quạnh vắng, tiếng gọi con của người đàn ông cứ âm u dội theo xe như tiếng gió rừng chạy sau ngọn lửa. Gần sáng, những đám mây trĩu nặng không thể về trời, cứ chòng chành trôi bên cạnh cửa kính xe.

Trại viết VNQĐ, Sa pa 5/ 2013

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast