Mẹ và cánh đồng

(Baohatinh.vn) - Không hiểu sao mỗi khi nghĩ về mẹ, tôi lại hay nghĩ về bông lúa, về dáng hình đất nước. Đất nước mang dáng hình bông lúa, đất nước lại mang dáng mẹ tảo tần.

Mẹ và cánh đồng ảnh 1
Ảnh minh họa từ internet

Cây lúa khi còn non được gọi là cây mạ. Tiếng mạ gần đồng nghĩa với tiếng mẹ, tiếng má. Rồi cây mạ lớn lên, đến thì con gái rạo rực trổ bông, căng sữa. Và khi bông lúa trĩu nặng uốn cong hạt thóc lại mang màu áo của mẹ. Và tôi đã viết: “Mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ”. Và “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng - Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió” (Hữu Thỉnh). Mẹ ơi! Dù gió cuộc đời xô nghiêng ngả nhưng mẹ vẫn chân trần toãi ra bấm chặt vào đất, vào phù sa, vào mùa hạn nứt nẻ cánh đồng để bước đi. Tôi bỗng giật mình: mùa đông không biết lúc nào đã về lật sợi đêm vào ngày, lật sợi đen vào trắng trên mái tóc mẹ tôi.

Nhớ về mẹ, tôi thường nhớ dáng mẹ ăn trầu. Lá trầu xanh hái từ giàn leo trong vườn, lá trầu cũng mang hình trái tim. Quả cau hái từ buồng sum suê. Mẹ rất ước mong sự sum suê đoàn tụ. Nhìn buồng cau xúm xít như đàn cháu con đã thấy yên lòng. Vôi trắng mà nước trầu thì đỏ. Nước trầu ấm thôn làng, ngõ xóm cho câu chuyện với láng giềng mặn mà hơn. Nước trầu làm gương mặt mẹ hồng thêm, men trầu say cho mẹ quên bớt đi những vất vả đồng áng.

Từ khi cấy đon mạ, mẹ đã đi lui, đến lúc lùa tay liềm gặt hái thì dáng mẹ vẫn còng. Những gốc rạ như mắt lưới trải phơi. Và mẹ thanh thản khi nhìn thấy bầy chim sẻ ở đâu bay về nhặt những hạt thóc rơi, thóc lép. Mẹ không nỡ đuổi chúng đi và chúng cũng xúm xít sum vầy quanh mẹ bởi có lúc tay mẹ đã vung ra những hạt thóc cho những cánh chim trời. Cả những con cò một thời vào ca dao.

Con cò áo trắng vươn cái cổ dài bước đi thập thững theo chân mẹ in trên ruộng lúa đọng nước để có thể bất ngờ nhặt được con tép, con tôm. Sự thiếu hụt của mẹ mang lại bao đủ đầy tròn trặn cho cái nong sàng gạo, cối xay tưng bừng. Và mùi cơm gạo mới thơm theo ngọn khói lan man bò trên mái rạ. Vị thơm, vị bùi chắt từ vị mưa, vị nắng, từ vị đắng, vị cay. Mẹ xới cơm hay xới cả mùa màng...

Nghĩ về mẹ, tôi thường hay nghĩ về đời sông, đời chợ. Sông thắt lưng ong, chợ hôm họp buổi chiều. Đời sông khi cạn, khi đầy, bên bồi, bên lở nhưng con đò dẫu có chút chồng chềnh vẫn tháng ngày cập bến cho những chợ phiên. Ngày có phiên chợ mẹ thường dậy sớm như chuẩn bị đi hội làng. Đôi quang gánh tảo tần với bao rổ rá dọc ngang đựng các sản vật tay mẹ làm ra từ vườn, từ ruộng. Tiếng chợ lao xao ngay từ bước xuống đò. Người ngồi hai mạn thuyền chào hỏi nhau tíu tít, mời trầu nhau đậm đà, cứ thế nối dài cho đến chợ.

Đời sông thì dài, đời chợ thì ngắn. Chợ thì đến hẹn lại lên mà sông thì cứ thao thiết xuôi dòng ngỡ như ai đó bỏ quên nếu không có con đò neo lại. Và con đê làng giống như một người bạn thân thiết đồng hành với sông. Sông chảy tới đâu, đê vòng tới đó. Tôi cứ nghĩ rằng, vòng tay mẹ tôi như vòng đê ôm ấp, vỗ về, rộng mở, bao dung và mịn màng cỏ may xâu kim, xâu chỉ...

Cuộc sống hiện đại cuốn chúng ta với một tốc độ chóng mặt, với bao vây bủa của các phương tiện thông tin, với bao miền ảo bấm vào nhoay nhoáy. Thì tôi lại nhớ những ngón tay chậm rãi nổi lên vết chai nhăn nheo những đường gân của mẹ vuốt lại phẳng phiu những nếp gấp áo nâu sồng để lên chùa trong mùa lễ hội tháng Giêng. Mẹ đang chầm chậm tới mình. Và sự chậm rãi, mạnh mẽ, bình yên, điềm đạm của mẹ chính là điểm tựa thời gian, niềm tin vững chắc với chúng tôi – những đứa con sinh ra, lớn lên và ra đi từ tay mẹ bế bồng, từ cánh đồng của mẹ...

Hà Tĩnh, ngày 27/2/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast