Mối tình xứ bạch dương

Sau mấy ngày mưa tầm tã, có lúc xối ào ào, có lúc tạm ngớt, các tuyến phố Hà Nội trở thành ao, cá chui cả vào trong nhà. Suốt hơn một giờ lội bộ tôi mới lóp ngóp về được đến nhà.

Vừa kịp thay quần áo thì có điện thoại của con trai tôi đang học ở thành phố Saint - Peterburg (LB Nga) gọi về. Sau một hồi hỏi han về tình hình ngập lụt ở nhà, con trai tôi nói là có cô người Nga tên là Larisa - bạn thân của bố đến chơi và muốn nói chuyện với bố.

Tin đó đến quá đột ngột, chưa kịp định thần thì ở đầu dây bên kia đã vang lên giọng nói của Larisa: “Chào anh, anh và gia đình có khỏe không? May quá em gặp được cháu mới biết được tin anh…”. Em nói nhiều, giọng nói vẫn dịu dàng, đáng yêu như hồi nào, nhưng tai tôi ù đặc, chẳng nghe được gì, bao ký ức dồn dập trở về, đó là một mối tình thơ mộng hồi sinh viên ở xứ bạch dương…

Cách đây vừa tròn 40 năm, mùa hè năm 1969, tôi có giấy gọi tập trung đi học đại học ở nước ngoài. Tin vui ấy đến với tôi thật đột ngột, bởi trước đó hai năm anh trai tôi đã được gọi đi học đại học ở Liên Xô. Tôi băn khoăn, trằn trọc mấy đêm không ngủ, một câu hỏi thường trực trong đầu: có nên đi học hay ở nhà đi bộ đội? Đất nước đang có chiến tranh, hàng ngày máy bay Mỹ bay ra miền Bắc ném bom, oanh tạc, biết bao thanh niên nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khoác ba lô lên đường ra mặt trận.

Có những người không vào đại học mà viết huyết thư tình nguyện ra chiến trường. Mình chọn nơi sung sướng để đi học liệu có phải chăng? Hồi đó ở nông thôn, gia đình có người vào đại học đã là hiếm, trong khi đó gia đình tôi có hai người đi học đại học ở nước ngoài thì thuộc diện vô cùng hiếm. Bố tôi đang phục vụ trong quân đội không có nhà. Tôi đem chuyện này hỏi ý kiến bác ruột. Bác nói: “Đi học cũng là nhiệm vụ, sau này đất nước hết chiến tranh, cháu đem kiến thức về phục vụ đất nước. Cháu không nên do dự nữa”.

Lênh đênh bảy ngày bảy đêm trên biển, chúng tôi mới đến được cảng Nakhôtkab thuộc tỉnh Vlađivôxtôc. Sau khi làm thủ tục khám sức khỏe, ai bị bệnh, kể cả ghẻ lở hắc lào phải vào viện điều trị, số còn lại lên tàu hỏa đi xuyên Xibiri về Matxcơva. Khi tàu đến thành phố Ircutxcơ thì chúng tôi được tin Bác mất (ngày 3/9/1969). Tàu dừng ở ga, chúng tôi được phía bạn mời vào hội trường để làm lễ truy điệu. Không khí đau buồn bao trùm cả hội trường, không ai cầm được nước mắt. Các bạn gái sau đó bỏ cơm, nằm khóc. Ròng rã gần nửa tháng trời chúng tôi mới đến được thủ đô của một nước đứng đầu trong phe xã hội chủ nghĩa.

Chúng tôi choáng ngợp bởi cảnh vật và con người ở thủ đô hoa lệ này. Những ô tô con bóng lộn nối đuôi nhau chạy dài vô tận, những xe ô tô chạy điện hối hả đón khách trên đường, những tàu điện ngầm lao vun vút dưới độ sâu hàng trăm mét. Sau một đêm nghỉ ngơi ở Matxcơva, các chuyến tàu lại hối hả đưa sinh viên về các trường học thuộc các thành phố khác nhau của Liên Xô. Tôi nằm trong số sinh viên được đến học ở một trường đại học nước cộng hòa Mônđavi - phía nam của Liên Xô.

Sau khi kết thúc khóa dự bị tiếng Nga, hè năm đó chúng tôi được mời đến thăm và nói chuyện với học sinh cấp 3 của một trường phổ thông về tình hình ở Việt Nam. Đến nơi, được đón tiếp rất nồng hậu, người Nga rất quan tâm đến chiến sự Việt Nam, họ coi chúng tôi như những người khách quý, đại diện của một đất nước anh hùng, của một dân tộc nhỏ bé đang chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi đại diện cho nhóm sinh viên Việt nam lên nói chuyện.

Thú thực, lần đầu tiên nói chuyện trước đám đông, hàng đầu lại có rất nhiều nữ sinh xinh đẹp ngồi, tôi cũng hơi bối rối. Bỗng nhiên, tôi cảm giác như có một luồng điện chạy khắp người, một ánh mắt nhìn tôi như động viên, khích lệ, hãy bình tĩnh, hãy dũng cảm lên. Đó là ánh mắt của một cô gái xinh đẹp ngồi ngay hàng đầu, cô có nước da trắng ngần, đôi mắt to, tròn, xanh màu nước biển. Tôi trấn tĩnh được và nói chuyện về tình hình chiến sự đang xảy ra ở trong nước.

Khi nói đến cảnh chúng tôi đang học phải chạy xuống hầm trú ẩn khi máy bay Mỹ đến ném bom, lớp học bên cạnh bị bom Mỹ rơi trúng hầm, cả thầy và trò đều hy sinh, cả hội trường không kìm được tiếng khóc, mắt mọi người đỏ hoe. Kết thúc buổi nói chuyện, trước khi chia tay, cô gái có đôi mắt to, tròn, xanh màu nước biển đến gặp tôi làm quen, cô nói tên cô là Larisa, đang học năm cuối phổ thông, năm sau sẽ thi vào trường tôi đang học. Tôi nói địa chỉ nơi mình đang ở và mời cô đến chơi. Chúng tôi trao nhau cái nhìn thân thiện.

Bẵng đi một thời gian, khi tôi vừa đi học về thì bà thường trực nói tôi có khách. Chưa hết ngỡ ngàng thì tôi nhận ra Larisa - cô rực rỡ trong bộ váy màu hồng với đôi mắt to tròn.
- Anh Sơn, anh có nhận ra em không?
- Ồ, có chứ. Em rực rỡ như một đóa hồng.
- Anh quá khen! Ngày mai chủ nhật anh có rỗi không?
- Đối với em lúc nào anh cũng rỗi.
- Mẹ em muốn mời anh đến nhà chơi để mừng em thi đỗ vào trường đại học.
Tôi nheo mắt trêu em: “Mẹ em mời chứ không phải em mời, anh không đến đâu!”
Em cuống lên, hai má đỏ ửng: “Cả mẹ em và em đều mời anh”.
Tôi lại trêu: “Nhưng anh không biết địa chỉ, nhỡ anh đến nhầm nhà cô khác thì làm thế nào?”.
- Mai em đến đón, anh sẽ không nhầm được đâu.

Đúng hẹn Larisa đến đón tôi tại ký túc xá. Tôi và em đi bộ mất 40 phút thì đến nơi. Nhà gia đình Larisa nằm ở ngoại ô thành phố, mẹ ra đón tôi ở bậc cửa, trông bà khoảng trên 40 tuổi, tóc vàng, mắt xanh, nét mặt thanh tú, chắc hồi trẻ bà cũng đã từng làm ngất ngây biết bao chàng trai. Bà nói chuyện cởi mở, vui vẻ và đặc biệt rất có cảm tình với Việt Nam.

Nói đến Việt Nam đánh Mỹ bà rất cảm động và khâm phục. Chồng bà là sĩ quan quân đội Xô Viết, ông cũng đang làm đơn xin sang Việt Nam làm chuyên gia quân sự. Larisa vui vẻ, hồn nhiên, em pha nước, gọt táo mời tôi ăn, thỉnh thoảng lại liếc nhìn. Em nói ở nước cộng hòa Mônđavi con người rất giàu tình cảm lại được thiên nhiên ưu đãi với những cánh đồng nho bạt ngàn, những vườn táo, lê, mận sai trĩu quả. Hôm nào anh thi xong em sẽ dẫn anh đi chơi. Lần đầu tiên ra nước ngoài và cũng là đầu tiên được đến chơi nhà người Nga, tôi thực sự cảm động trước tình cảm của gia đình em dành cho tôi.

Hôm ấy, đúng ngày sinh nhật em thì xảy ra một sự kiện. Em bị ngã thang do trượt chân. Khi tôi mang hoa đến bệnh viện, chân em đã bị bó bột trắng toát. Nhận bó hoa từ tay tôi, em rưng rưng nước mắt, em cảm ơn vì tôi là người đầu tiên đến thăm em. Em tự trách mình bị gẫy chân đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 18. Tôi an ủi, động viên và hứa sẽ đến thăm em hàng ngày. Tôi đã làm theo đúng lời hứa, mỗi lần thấy tôi lên thăm là em lại tươi tỉnh hẳn lên, em mong nhanh chóng được tháo bột để còn dẫn tôi đi chơi, đi thăm vườn táo, vườn lê sai trĩu quả. Tôi mang cho em báo, tạp chí để em đọc cho đỡ buồn.

Thi thoảng tôi khe khẽ hát những bài tình ca, đọc thơ Puskin cho em nghe, em nói em rất thích thơ Puskin, nhất là những bài thơ tình như bài “Yêu K” (thơ tặng Ann Kern):

“Anh nhớ những phút giây hạnh phúc
Nhảy cùng em trong điệu vanxơ
Trái tim anh bồi hồi thổn thức
Anh ôm em mà tưởng trong mơ”...

Mỗi lần đọc thơ, tâm hồn em như hòa quyện trong thơ, em bồi hồi xúc động, đôi lúc vô tình nhỏ lệ nhưng đôi mắt vẫn cười. Em nói em thấy hạnh phúc khi ở bên tôi. Sau này tháo bột chân, em muốn tôi dìu em tập đi, em đi chưa vững, hai tay bám chặt vào tôi bước từng bước một như trẻ lên ba. Em nói, trong cái rủi cũng có cái may, nhờ đó em có dịp gần tôi nhiều hơn, có dịp được thổ lộ tâm tình, có dịp được nghe tôi đọc thơ, hát hay kể chuyện và thích là những buổi tập đi, tay trong tay, em được ghé vào ngực tôi nghe trái tim tôi thổn thức...

Thế rồi thời gian mong đợi của chúng tôi đã đến. Đó là dịp nghỉ hè, em hẹn tôi đi chơi ngoại ô thành phố. Sau một chặng đường dài đi xe ô tô, chúng tôi dừng lại bên những vườn cây sai trĩu quả, những quả táo, quả lê đủ màu xanh, đỏ, vàng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, những quả mận chín sẫm màu đung đưa trước gió. Đứng ở dưới cũng có thể hái được quả, nhưng tôi lại thích trèo lên cây để chọn cho em những quả tươi ngon nhất, em ở dưới chỉ quả này, quả kia cho tôi hái. Má em ửng hồng, cặp mắt to và xanh màu nước biển nhìn lên, em chăm chú nhìn những quả táo, quả lê, thỉnh thoảng em đưa mắt nhìn tôi. Chẳng mấy chốc hai giỏ chúng tôi mang theo đã chất đầy hoa quả. Tôi rủ em đi chơi rừng bạch dương cách đó không xa.

Hai đứa nắm tay nhau, vừa đi vừa ăn táo. Em ríu rít hỏi:
- Sao anh thích rừng bạch dương?
- Vì ở nước anh mọi người nói bạch dương là biểu tượng của nước Nga.
- Thế biểu tượng của Việt Nam là gì?
- Biểu tượng của nước anh là cây tre. Có cả một kho truyện cổ tích về cây tre ở nước anh.

Mải kể chuyện, rừng bạch dương đã hiện ra trước mặt. Những hàng bạch dương thẳng tắp, thân trắng, dáng cao, những chú sóc nhỏ nhảy nhót trên cây. Vừa đặt hai giỏ hoa quả xuống thảm cỏ xanh mướt, em vụt chạy ra phía bụi cây có những bông hoa đỏ hồng. Tôi vội chạy theo, vừa chạy vừa gọi: “Larisa, đợi anh với”. Em vừa chạy vừa ngoái đầu lại: “Đố anh đuổi kịp em”. Đang chạy bỗng em chới với, người lao về phía trước, em vấp phải một cành cây và ngã xuống thảm cỏ. Tôi xuýt xoa kéo em dậy, em gì chặt lấy tôi. Tôi vô tình bắt gặp “đôi gò bồng đảo” của em căng tròn dưới làn áo mỏng. Bộ ngực căng tròn, phập phồng áp sát vào ngực tôi, từ người em tỏa ra một mùi thơm quyến rũ.

Tôi run run ôm em vào lòng, hỏi em có đau không, em lắc đầu. Hai đôi môi tìm đến nhau thật nhanh, mãnh liệt, xoắn xuýt, ngất ngây.
- Anh Sơn, anh có yêu em không?
- Anh rất yêu em, anh yêu em ngay từ giây phút ban đầu mới gặp.
- ...
- Thế còn em, em có yêu anh không?
- Em rất yêu anh.

Xin cảm ơn tạo hóa đã đưa đến cho tôi một tiên nữ giáng trần, mà tôi là người được may mắn chiêm ngưỡng. Hạnh phúc đến với tôi quá đột ngột, người tôi bồng bềnh như lạc vào cõi thần tiên.

Sau buổi đi chơi đáng nhớ đó, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Em phát hiện ra, từ ngày yêu em, tiếng Nga của tôi hoàn hảo một cách lạ thường. Tôi nói trôi chảy, đúng ngữ pháp, ngữ điệu như người Nga, bản luận văn tốt nghiệp của tôi hầu như không phải sửa tí gì về ngữ pháp. Thế rồi một ngày không mong đợi đã đến. Đó là ngày tốt nghiệp ra trường, tôi sắp phải xa nàng, phải về nước. Mấy đêm liền trằn trọc không sao ngủ được. Tổ quốc cử tôi đi học, nay tôi phải đem kiến thức đã học được của mình về xây dựng đất nước.

Biết là vậy, nhưng cứ nghĩ đến việc phải xa nàng là tim tôi như có ai đang nắm, bóp chặt. Buổi đi chơi cuối cùng, nàng khóc rất nhiều, nhưng không thể theo tôi về Việt Nam được. Tôi động viên, an ủi nàng và hứa sẽ sớm quay trở lại. Tôi là một trong hai sinh viên của khóa tốt nghiệp vào loại xuất sắc, được cấp bằng đỏ và được nhà trường đề nghị lên Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva cho chuyển tiếp nghiên cứu sinh ngay. Nếu được chấp nhận, sau ba tháng nghỉ hè tôi sẽ được quay trở lại nước Nga để làm nghiên cứu sinh và tất nhiên lại được gặp nàng. Cả hai chúng tôi đều hy vọng như vậy. Trước khi chia tay, nàng tặng tôi tấm ảnh làm kỷ niệm.

Về nước được hơn một tháng tôi được gọi lên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tiếp tôi là một cán bộ tuổi trung niên. Ông vào đề ngay:
- Chúng tôi nhận được giấy đề nghị của trường anh, đề nghị cho anh sang làm nghiên cứu sinh, ý kiến của anh thế nào?
- Vâng, đó là nguyện vọng của tôi, vì tôi đang làm dở đề tài với giáo sư và... - Tôi suýt buột miệng nói ra là còn một người con gái Nga đang chờ tôi ở bên kia biên giới.
- Tôi biết, vì thế giáo sư mới đề nghị cho anh sang học tiếp. Tuy nhiên, tôi muốn nói với anh rằng, đất nước vừa hết chiến tranh, miền Nam mới được giải phóng, rất nhiều người trở về từ chiến trường, họ đã cống hiến xương máu của mình cho Tổ quốc, bây giờ là lúc phải cử họ sang nước ngoài học tập, bù lại những năm tháng chiến đấu ngoài mặt trận.
- Nhưng còn đề tài của tôi...
Chưa kịp nói hết câu thì ông đã chặn ngay:
- Anh là người được đánh giá thông minh, học giỏi, anh mới chân ướt, chân ráo về nước, anh nên tìm hiểu vấn đề mình đang nghiên cứu một hai năm để đề tài của anh sát với thực tế trong nước, lúc đó sang làm cũng chưa muộn...

Ông còn nói nhiều nữa, nhưng tai tôi ù đặc, không còn nghe thấy gì. Vậy là niềm hy vọng của tôi quay lại nước Nga tan biến.
- Vâng, tôi xin chấp hành ý kiến của tổ chức. Tôi trả lời như một cái máy, đầu tôi ong ong như muốn vỡ tung ra.

Sau đó tôi được một đơn vị nghiên cứu trong quân đội tuyển vào vì tôi tốt nghiệp loại giỏi, có bằng đỏ, gia đình lại cơ bản, bố và anh tôi đều phục vụ trong quân đội. Chỉ có một điều mà tôi áy náy đến tận bây giờ, đó là từ khi phục vụ trong quân đội, tôi không dám viết thư cho em. Theo quy định của quân đội, viết thư cho người nước ngoài phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và thư phải được kiểm duyệt nội dung. Mà thư tôi là thư tình, đậm màu lãng mạn, yêu thương, nhớ nhung, làm sao có thể cho người khác xem được.

Em bặt tin tôi, em dằn vặt, đau khổ, em trách móc, giận hờn... Tôi đành ngậm bồ hòn, biết giải thích với em thế nào đây? Em vẫn viết thư cho tôi, em nói gia đình em đã chuyển đến Lêningrat (Saint-Painrburg) sống. Em không thể sống ở thành phố cũ được, vì chỗ nào cũng gợi lên những kỷ niệm của mối tình đầu. Tôi đau khổ trong thời gian dài với những nỗi nhớ nhung khắc khoải, nhưng rồi cũng phải chấp nhận số phận. Thời gian dần dần hàn gắn vết thương, tôi bận túi bụi với công việc nghiên cứu của mình, lúc lên biên giới, lúc ra hải đảo.

Hơn mười năm sau tôi mới tính đến chuyện vợ con, nay con cái đã trưởng thành, mối tình của tôi vẫn được giữ kín cho đến bây giờ. Âu cũng là mối tình đẹp và lãng mạn thời trai trẻ. Viết những dòng này ra đây, tôi mong “bà xã” cũng thông cảm cho mối tình đầu ở xứ bạch dương.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast