Một lần về phép Tết

(Baohatinh.vn) - Hăm nhăm tháng chạp, anh trai tôi mới được đồn biên phòng cho đi phép tết.

Sau một ngày đi bộ, tiếp đó nửa ngày xe ngựa, rồi chen chúc trên tàu nửa ngày và hai giờ đồng hồ cuốc bộ nữa mới về đến nhà. Vậy mà, bước vào nhà, anh tôi vẫn tươi tỉnh như không. Hơn nữa, thấy chị tôi bưng nồi nước nóng ra còn gạt đi, sầm sập bước ra giếng, giữa lúc gió mùa thổi vi vút, lạnh thấu xương, kéo nước dội ùm ùm, khoái trá cười vang động cả sân nhà. Chị dâu tôi giãy nẩy:

- Thôi đi ông chiến sĩ biên phòng, sức ông voi hay sao mà liều thế!

Anh tôi chành miệng:

- Ăn nhằm gì! Đằng ấy đừng lo! Có hồi truy lùng bọn buôn lậu, bọn lâm tặc trong rừng biên giới, cả tuần liền, tớ ăn ngủ trên băng giá, cũng chẳng bõ bèn gì nữa là.

Cao to lừng lững, đứng đâu kín đó. Cả người là một khối thịt nình nịch. Mặt vuông vức, quai hàm bành rộng. Hai vai ngang thẳng, mỗi bên đỡ nổi một cánh phản. Cổ lớn, thẳng như một cái cọc. Bắp tay, bắp chân cuồn cuộn con chuột. Cơ bụng múi thịt nổi gồ ghề như võ sĩ thể hình. Anh trai tôi như lọt ra từ một phiến đá lớn, cốt cách oai nghi, đường bệ. Nhưng nhìn gương mặt anh trong sáng, thấy anh nói cười tươi tắn, lại thấy anh thanh tao, văn vẻ.

Một lần về phép Tết ảnh 1

Ảnh minh họa (Nguồn: Giaoduc.net)

Lôi từ trong ba lô ra một cái túi nặng quà của đơn vị, bảo tôi cất đi, rồi cởi phăng cái áo khoác, anh tôi đi ra sân:

- Nào, còn việc gì nữa cho mình đóng góp một tay!

Rồi chẳng chờ chị dâu tôi nói, anh tôi vào bếp xách cái rìu và vần một gộc cây ra giữa sân. Cái rìu lọt thỏm trong tay anh tôi vung lên loang loáng như ánh chớp. Từ trong bếp, chị dâu tôi ngó ra, kêu liên tiếp:

- Không khiến! Không khiến!

Mặc, rìu vẫn vung liên tiếp. Gộc cây này là gốc cây mí rừng, năm ngoái, chị dâu và tôi hì hục cả tháng trời mới đào được và bẩy nó về đây rồi đành chịu bó tay, vì không sao chặt bổ được. Nó rắn như đá, lại tua tủa rễ phụ như vòi bạch tuộc! Choác! Choác! Choác! Giờ thì trước hết nó bị chặt tỉa mất hết rễ phụ rồi sau mấy chục nhát rìu liên tiếp nữa liền bị bửa làm đôi, chềnh ềnh hai mảnh trắng hêu hếu. Hăm hở, anh tôi dựng từng mảnh lên. Văn có bài, võ có trận. Đúng thế, vài ba lần đổi thế đứng nữa, anh đã biến cái gốc cây xương xẩu, loằng ngoằng thành một đống củi vụn hiền lành.

Mới có mười giờ sáng, còn sớm, anh tôi ra chuồng lợn, lục sục một lúc, rồi lôi ra sân lổng chổng một đống những là mấy cái chân mễ cứng đầu, cứng cổ và mấy miếng gỗ bắp vô tích sự. Loáng cái, sau một hồi chém, bổ, chặt, với những đường rìu chắc nịch mà nhẹ nhàng, mềm mại như múa lượn, như đường kiếm tài hoa của người tráng sĩ, tất cả đã biến thành những thanh củi nhỏ chất thành đống lồng bồng ở góc sân.

- Rõ sức ông thiên lôi chưa!

Nghe chị dâu tôi nói, anh tôi lại cười hì hì:

- Ăn thua gì. Còn việc gì nặng cứ để đấy, mấy ngày tết, tớ làm nốt cho.

Hết ngày thứ nhất ở nhà, anh đánh băng hai gốc cây lớn ở vườn. Sớm ngày thứ hai, mở mắt dậy, tôi đã thấy anh cặm cụi một mình ở ngoài vườn. Vừa đánh mấy cây chuối con ra trồng, giờ anh đang đào hố để đặt cành cam chiết. Xong đâu đấy, anh lên nương sắn sau nhà. Chả cần cuốc xẻng gì hết, đứng chạng chân, tay nắm thân sắn, hơi cúi xuống, anh lay nhẹ nhẹ mấy cái rồi thình lình giật lên đánh bục, nhấc lên cả chùm sắn tua tủa những là củ cái, củ con, củ bé nhất cũng bằng cái chuôi liềm. Buổi trưa, chị tôi gọi anh về ăn cơm thì anh đang đóng bè tre ngâm dưới ao. Chị tôi kêu:

- Làm không cho ai làm theo nữa à, phải biết giữ sức chứ.

- Lo à, việc nào đi việc ấy, rồi đâu khắc có đó.

- Nỡm lắm! Ai người ta khiến!

- Này, nên nhớ tớ sức khỏe vốn có dư, lại còn được học võ có bài bản hẳn hoi nhé!

Chị dâu tôi cười mủm mỉm:

- Thôi được rồi, ai chả biết mà phải khoe. Này, em hỏi, mai phiên chợ tết cuối năm có đi không? Ở bên làng Cao ấy. Đi thì đèo em, để em khỏi phải gọi xe ôm.

Cắm phập lưỡi thuổng xuống đất, anh tôi gật đầu đánh khật, vui vẻ:

- Làm xe ôm cho đằng ấy thì còn gì bằng. Tớ xin giơ cả hai tay!

*

Gọi là xe ôm cho nó sang thôi. Chứ nó chỉ là cái xe đạp Phượng Hoàng được mua hóa giá hồi phục vụ ở chiến trường B, nay không còn chắn bùn, chắn xích, mất cả hai phanh, hai lốp xe trơn trụi thụi lụi. Giữa dòng người đi chợ tấp nập phiên cuối năm, chiếc xe anh trai tôi đèo chị dâu tôi vừa lạc lõng, vừa nổi bật. Vì cùng đi trẩy hội chợ tết với nó là xe máy, hoặc xe đạp thì cũng là xe điện của Nhật hay của Tàu.

Tuy vậy, cũng chẳng sao hết! Tiết xuân thanh quang. Hai bên đường hoa đào, hoa mận, hoa cúc nở tưng bừng. Trên xe, một anh bộ đội biên phòng trai trẻ, cao lớn, hồng hào trong trang phục xanh rêu, đeo lon trung úy đèo vợ là một phụ nữ óng ả, xinh tươi, mặt trái xoan, mắt lóng lánh, quần xa tanh, áo len màu tím Huế. Cả hai đều hớn hở, thanh nhàn trong cuộc du xuân. Anh là vẻ đẹp oai vệ của trang nam nhi. Chị là sự tươi nhuần của người thiếu phụ. Cả hai hài hòa tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, vừa nhân gian, vừa lạ lẫm, hiếm hoi giữa cảnh sắc xuân sang. Cùng cảm nhận nọ, nhiều người nhìn thấy tấm tắc: Rõ cơm trắng ăn với chả chim. Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn cũng no chưa kìa!

Riêng có một bọn trai trẻ lâu nay họp thành một băng đảng nổi tiếng càn quấy, hôm nay, đến chợ để quấy phá trận cuối năm, trông thấy anh, chị tôi thì lấy làm tức tối lắm. Thoạt đầu, chúng rạt vào một bên đường, há hốc mồm kinh ngạc: Ô, cái gì làm ta choáng váng, ngơ ngẩn thế này? Rồi tĩnh trí lại, chúng liền ùa đuổi theo anh, chị tôi:

- Em ơi em, sao lại đi với con voi nan thế, hả em?

- Nó là dân cửu vạn đấy. Em ơi, cái thằng to béo lồ cô, chân đi chữ bát thì cho chẳng thèm, em à!

- Này em gái ơi, thả con trâu đực ấy ra, đi với chúng anh đi!

Dây với bọn lêu lổng này làm gì. Anh tôi đạp dấn lên trong lời thúc giục của chị tôi, bỏ lại bọn nọ phía sau.

- Anh chờ em ở đây! Em vào chợ mua ù đôi gà rồi lên thăm ông bà bên ngoại nhé!

Tới cổng chợ, chị dâu tôi vừa quay lại bảo chồng, thì cái túi đựng tiền trong tay chị đã bị giật phắt. Tuy nhiên, thằng giật túi đã lập tức bị ngã dập mặt xuống đất vì một cái gạt chân rất nhẹ nhàng của anh trai tôi. Cúi xuống túm lưng nó, anh tôi nhấc nó lên như nhấc một con ếch. Rồi buông nó ra và lẳng cho nó đôi dép:

- Này, cầm lấy đôi dép mang về, không dừ đòn với bố mẹ mày!

Chị tôi cầm cái túi vải, đi vào chợ không quên quay lại dặn với anh trai tôi:

- Chờ em một lát nhé, ai làm gì cứ mặc nó, anh ạ!

Tựa dóng xe, anh tôi thản nhiên đứng ngắm cảnh chợ tết. Chợ tết đông nghìn nghịt người bốn xã vùng hạ huyện. Ai cũng tất tả, hồ hởi. Năm hết, tết đến rồi, đảo qua chợ, để chia tay bạn chợ, vì phải tận sang năm mới lại gặp nhau. Cũng là để mua nốt những thứ hàng còn thiếu. Một chú gà cúng đêm ba mươi. Cân miến dong nấu cỗ tết. Đôi cây mía tím gác hai bên bàn thờ tổ. Quả cà bát dầm tương đặc sản ngon và đắt hơn thịt gà...

Tay khoanh tròn trước ngực, tâm trí thảnh thơi, anh tôi đưa mắt ngắm nhìn cảnh người mua bán đi lại quần tụ, náo nhiệt trong khu chợ. Ngày thanh bình cuối năm đang êm ả trôi đi. Lòng thanh thản, anh trai tôi không hề biết đến lũ trai trẻ trong băng đảng rông rỡ nọ vẫn đang rắp tâm tiếp tục gây sự. Ô hay, cái bọn người này! Nào ai trêu ghẹo gì chúng! Chả lẽ chỉ vì anh chị tôi đẹp đôi quá mà bọn này phát sinh lòng đố kỵ, ghét ghen? Ôi chao! Chẳng lẽ với bọn người này, tất cả những ai tốt đẹp, tài giỏi hơn đều là đối tượng để chúng thù ghét?

Cuối cùng là một trận đòn ghen được phát động. Thoạt tiên là một cồ đá to bằng nắm tay nhằm đầu anh tôi văng tới, mạnh như một viên đạn. May mà với sự nhanh nhạy của chiến sĩ biên phòng, anh tôi đã kịp né tránh. Quay lại, anh tôi nhận ngay ra là một trận mưa đá đang tới tấp phóng tới mình. Và cùng với những viên đá lợi hại là gần chục tên trai trẻ đầu bù, mặt ngựa, gậy gộc, đòn gánh cầm tay hùng hổ, sát khí xông tới. “Đánh bỏ mẹ con voi nan này đi, chúng mày ơi!”. Tên đầu đàn loắt choắt nhe răng sáp tới trước anh tôi, định tung trực cước, phát chiêu chân khí, đấm thẳng vào mặt anh tôi. Rõ là đứa có võ. Rõ là bọn hung đồ, càn rỡ, quyết ăn thua đủ với anh tôi để thỏa cơn ngứa ghẻ đòn ghen đây. Thật kinh khủng! Vì anh tôi lúc này thân cô, thế cô, giữa vòng vây, lại hai bàn tay không!

Tác động đến vật thì sẽ gặp phản thế, ai cũng biết vậy, nhưng phản thế từ anh tôi sẽ là thế nào đây?

Thì đây! Một ánh chớp lóe sáng trong hai con mắt vừa quắc sáng. Vừa khi lũ côn đồ nọ tiến gần đến mình, anh tôi bỗng bất thình lình ngồi thụp xuống. Động tác ấy vốn là của người khôn ngoan khi gặp bầy chó hung cuồng. Nhưng bất ngờ và đáng sợ hơn, bọn càn quấy chưa hết giật mình đã thấy anh tôi đứng vụt dậy với cả chiếc xe đạp kềnh càng được hai bàn tay rắn rỏi nâng lên quá đầu, khí tượng thật vô cùng hùng dũng!

Ôi, chiếc xe đạp nghềnh ngàng một hình thù quái dị ở tít trên cao! Dĩ bất biến, ứng vạn biến, giành lại thế chủ động, anh trai tôi đã biến cái phương tiện giao thông thô giản ấy thành một thứ vũ khí tự vệ và tiến công. Chiếc xe đạp quay vù vù. Nó văng sang trái, nó liệng sang phải, nó đảo phía trước, nó chặn phía sau. Nó là cái mộc che chắn gạch đá gậy gộc. Nó tạo ra luồng gió lốc. Nó loang loáng ánh chớp. Nó phát ra sung lực sấm sét. Chiêu và thức của nó quái kiệt chưa từng thấy. Giữ vững hạ bàn, hai chân như hai cái cọc thép tiến, lui nhịp nhàng theo các miếng đánh đỡ. Oai nghi và uyển chuyển, quyết liệt và mềm mại, hình thể trang võ công là anh tôi biến hóa vô cùng trong mỗi thế công, thế thủ. Thật không ngờ, phát sinh trong tình thế bất đắc dĩ, miếng võ với vũ khí tự tạo nọ hóa ra vô cùng hiểm ác, tuy nhiên, lại vô hạn phong quang, thể hiện cả lòng dũng cảm phi thường lẫn khuôn phép đạo đức khắt khe và khí chất đại hiệp; giống hệt như khi anh tôi thể hiện mình trong công việc lao động thổ mộc, cái siêu thường bay bổng hòa lẫn sự chất phác, hiền hòa, cái dũng mãnh kiêu hùng, hài hòa với phẩm hạnh văn nhã, khiêm nhường.

Kinh hồn, bạt vía ngay từ lúc thấy chiếc xe đạp quay tròn trên đầu anh tôi, hơn chục tên mặt ngựa, đầu bù đã quay đầu tháo chạy. Miếng võ xe đạp chưa hề động đến thân thể chúng, chúng đã vướng nhau ngã dúi, ngã dụi; có tên bò được dậy, kinh hãi quá, quỳ tại chỗ, khóc ròng ròng, són cả ra quần, chắp tay vái lia, vái lịa, tưởng như gặp phải thiên binh, thần tướng, xin tha tội chết!

- Cút ngay! Khôn hồn về mà bảo nhau sống cho tử tế, không là toi mạng có ngày đấy!

Anh tôi quát rồi hạ chiếc xe xuống đất. Oai sấm sét chỉ cần vậy thôi! Vừa lúc đó, chị dâu tôi xách đôi gà từ chợ bước ra. Và công an thổi còi tuýt tuýt, họ đã đứng chặn ở phía xa, đang lùa bọn càn quấy vào đồn.

*

Chợ tan. Chiếc xe bon bon. Mặt anh tôi phản chiếu sắc trời xuân hồng dâng. Chị dâu tôi phàn nàn do dính vào vụ này mà việc về bên ngoại bị chậm trễ. Đập đập lưng anh tôi, chị tôi phụng phịu:

- Thôi, lần sau có về phép tết thì mời ông ở nhà cho. Chứ để ông đi, ông lại giở xe đạp quyền ra thì tôi chết!

Quay lại, anh tôi cười hì hì:

- Tất cả là tại đằng ấy đấy!

- Đằng ấy thế nào? Đằng ấy làm sao?

- Này, anh bảo thật nhé. Ai bảo đằng ấy xinh đẹp!

- Đẹp! Đẹp như cái tép kho tương thì có.

- Thật đấy! Đằng ấy xinh đẹp nên chúng nó ghen, chúng nó tức, chúng nó ra đòn với anh! Cuối cùng chỉ khổ anh thôi!

Chị tôi bật cười:

- Này em bảo, duyên ai phận nấy chớ ghen mà gầy! Có đúng không nào?

20/11/2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast