Mưa bay về phía trời xa

Đã sang xuân mà cái rét ngọt vẫn còn theo cơn gió bấc cuối mùa chạy tứ tung, bám mãi vào núi, quấn quýt, ôm chặt lấy cây rừng, lôi tụi lá nhảy múa cuồng nhiệt rồi tràn xuống các bản, chen chúc, len lỏi vào từng mái nhà sàn. Gió cõng trên lưng tụi nước phấn trắng nhỏ li ti, bay trắng đất trời, rắc đầy bản cao, bản thấp. Những bột nước này nhè nhẹ thôi mà sao lá rừng vẫn ướt sũng, vít cong cành, đủ để đất dưới con đường từ phố huyện về xã, rẽ đi các bản quanh núi Phja Khau nhão nhoét, dính bê bết, trơn truồi truội.

Bao đời nay, con đường vẫn thế thôi. Cán bộ từ huyện đến xã họp mãi, bàn mãi mà thay đổi không đáng là bao. Chậm chạp quá. Chủ tịch, bí thư xã lên huyện họp từ lúc phải cưỡi trên lưng con ngựa, chuyển sang đi bằng xe đạp, bây giờ vi vu xe máy rồi. Mở được đường về xã rộng ra một chút, nhưng chẳng hiểu sao chỉ rải bằng đá băm nhỏ, không có chất nhựa dính bóng láng như dưới phố huyện. Mưa nắng mấy mùa, những cái chân của tụi xe công nông băm chặt, cào bới, đè nát mặt đường ra thành nhiều cái vũng to bằng con trâu, con bò, nằm chình ình như trêu tức người bản. Trời nắng thì bụi bặm đỏ quánh bay tứ tung, trời mưa lụt lội, bùn ngập ngang bắp chân. Thế thì chỉ khổ dân ở đây thôi, tội nhất là trẻ con đi lấy cái chữ của cô giáo ở trường học dưới xã Vần Hản. Nhiều đứa ngồi học trong lớp mà bụi, bùn vấy bẩn, nhuộm đỏ tóc.

Mưa bay về phía trời xa ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Con đường từ các bản đến xã, lên huyện đi lại khổ quá, thế nên tụi trẻ bỏ học nhiều lắm. Cái chuyện này chủ tịch, bí thư, lãnh đạo các sở, ban, ngành từ huyện xuống xã ai ai cũng biết. Các cuộc họp của Hội đồng nhân dân phát biểu nhiều lắm, ghi ghi, chép chép rồi cũng để chờ cấp trên xem xét, giải quyết. Nghe nói có kế hoạch làm lại đường mấy năm nay rồi, khổ nỗi, tiền vốn chưa có, còn phải chờ, chờ đến bao giờ thì chưa biết được.

Đấy! Ai cũng bảo cái đường to về xã chưa làm được bằng phẳng, sạch sẽ thì nói gì đến làm đường liên bản, liên thôn? Nhà nào cũng lý do này, lời nói nọ. Chủ tịch xã Nình nghe chỗ nào nói cũng đúng, cái gì người già nói cũng phải, hễ động tới đâu lại toàn chú bác, anh em. Đã thế, trong Đảng ủy xã mỗi người một ý kiến, chưa thống nhất. Cuộc họp nào của Đảng ủy hay chính quyền xã cũng gay gắt. Khó! Khó quá!

Nình mê mải nghĩ, cái mắt xoắn chặt vào màn mưa bụi đùng đục giăng kín, Nình cố lôi “con ngựa sắt” từ trong gầm cầu thang ra sân. Mà sao hôm nay nó nặng thế? Không biết nó nặng hay cái tay, cái chân Nình nặng? Chuẩn bị nổ máy thì cha chẳng biết đi đâu về mà mặt mũi, đầu tóc dính nước ướt rượt, cha nói trong hơi thở dồn nén:

- Nình à, mày đi đâu đấy? Pò có chuyện cần nói với mày.

- Pò à, để đến trưa được không? Giờ con xuống xã họp mà.

Cha chầm chậm lắc đầu, giọng cha lạc đi:

- Mày lúc nào cũng thế, việc gì thì để được, chứ việc này… muộn mất con à.

Nình dựng xe máy, tần ngần vuốt những hạt mưa bụi thấm ướt vai áo cha, nói nhẹ bẫng:

- Pò, con vội nhiều đấy, chuyện gì thì cũng để sau thôi.

Không kịp nhìn thấy đôi môi cương nghị của cha như đang run lên, Nình vội vàng rú ga, vọt nhanh qua cổng. Biết làm thế là không đúng với cha, nhưng nếu Nình chùng chình một chút thôi, việc nhà sẽ lấn lướt việc xã, như thế thì Nình đánh mất mình rồi.

*

* *

Ông Tính vun hết đám nương sắn sau nhà, dựa cái cuốc mòn vẹt vào gốc cây mắc kham, ông ngồi bệt xuống phiến đá mồ côi to bản nhẵn nhụi, mắt đổ dồn vào con đường đỏ quạch. Hễ có người đi xe máy là ông lại phấp phỏng, nhìn xoáy xuống đường, ngỡ như thằng Nình về.

Sáng nay, lúc nó cưỡi lên cái xe kêu tiếng to ùng oàng, rú rít, chớp mắt đã đi vọt khỏi cổng, nhả đám khói lại trong sân, cái tức bực ở đâu đó từ trong máu ông, chạy rần rần trong người, dồn lên ngực ngộp thở, lan ra chân, tay, nóng rần rật, tóa lên cổ, lên đầu làm ông muốn bốc hỏa. Ông dậm chân, ngước mắt lên đám mây màu nước gạo than thở: “Con với cái! thằng nghịch tử”. Nói xong, ông chột dạ nhìn quanh quất lo có người nghe thấy. Chẳng gì thì nó cũng làm chủ tịch xã này rồi.

Đàn chim noộc sao từ đâu đó trên cây nhãn sau nhà bay vọt lên, sà xuống ríu ra, ríu rít, chạy nhảy quanh phiến đá, chúng ngước những đôi mắt tròn đen trong veo nhìn ông, nhìn trời mưa bụi mà ngúc ngoắc cái đầu quay tứ tung thật vui mắt. Con chim đầu đàn tuy đã già, nhưng dáng nó vẫn oai vệ, bộ lông đốm trắng bóng mượt như được tráng lớp dầu sáng óng lên. Nó đậu trên vai ông, cọ cọ cái mỏ vào má ông buồn buồn như an ủi. Con chim này ở với ông lâu lắm rồi, nó được ông nhặt về chăm sóc, nuôi nấng, ủ ấm trong cái lần mưa bão bẻ gãy cành cây kháo ở đầu bản. Lúc ấy, thằng Nình nhà ông sang tuổi mười năm, tóc đỏ hoe màu nắng. Nó đan cái giỏ bé xíu, lót vụn hoa bật bông vào cho con chim nằm, đêm ngủ cạnh bếp cũng để cái giỏ ở bên, nó gọi con noộc sao bằng cái tên là lạ “Noộc ín”. Thế mà Noộc ín ở với cha con ông gần chục năm. Thằng Nình đã học xong Đại học kinh tế ở thành phố Thái Nguyên, về làm Chủ tịch xã rồi.

Dường như Noộc ín biết ông có chuyện phải nghĩ, cái mỏ vàng của nó nhè nhẹ quệt đi, quệt lại vào má ông buồn buồn, nó bay vút lên, liệng thành một vòng tròn, cất tiếng hót lanh lảnh “tu…tu…tu…h..u..yýt”.

Bụng ông nóng như có vạc mỡ sôi sùng sục.

Sớm nay, vào cái lúc sương cùng với tụi mây mang hạt mưa bùng nhùng, chăng kín đất trời, ánh sáng mờ ảo của sớm mai chưa soi rõ mặt người, mắt chưa tỏ đường đi, ông đã từ nhà trưởng họ Lý Sảng về. Ông với trưởng họ Lý Sảng là bạn toồng của nhau. Hôm qua sang ăn giỗ nhà bạn toồng, muộn quá, ông ngủ lại đấy một đêm. Nói là ngủ nhưng ông với trưởng họ, rồi bí thư xã Huyến hàn huyên chuyện xã, chuyện họ đến gần sáng, thế là qua đêm luôn.

Nói đến bí thư Huyến, ông thấy buồn nhiều hơn vui. Bí thư Huyến là em ruột của trưởng họ Lý Sảng. Ông với bí thư Huyến đâu có phải là xa lạ. Cái thời ông còn làm bí thư xã thì Huyến là người trai ngoài đôi mươi, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự về. Ông bàn với Đảng ủy xã mạnh dạn giao cho Huyến giữ chức Phó Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy quân sự xã. Huyến làm việc ở xã đến nay. Bây giờ thì Huyến làm bí thư xã Vần Hản này.

Tối qua, sau bữa ăn, trong căn nhà năm gian rộng thênh, bên bếp lửa sau khi tráng miệng bằng chén nước chè, trưởng họ Lý Sảng bảo:

- Ông Tính à, xã lên kế hoạch chuyển vài ngôi mộ của dòng họ Lý, giáp chân núi Phja Khau để lấy đất làm đường. Mà nghe nói họ Nông nhà ông cũng phải chuyển đấy, chuyển bao nhiêu thì tôi không rõ, ông biết chưa?

Sững sờ mất mấy giây, ông nói khó nhọc:

- Ây dá! Đã làm đường đâu, lúc ấy khắc hay mà.

Trưởng họ Lý Sảng lắc đầu:

- Để làm đường rồi mới nghĩ thì không kịp đâu, từ trước đến nay, có ai đi dỡ phá nhà của người âm đâu, vẫn đào sâu, chôn chặt mà.

Ông còn chưa biết nói sao thì trưởng họ Lý Sảng đã quay sang bí thư Huyến, nói nặng trịch:

- Mày làm bí thư mà cũng như không làm thôi. Cái miệng mày biết nín lặng từ bao giờ thế?

Bí thư Huyến ngoẹo đầu, môi trề ra, nói như muốn kéo dài:

- Ô, ô, có nói chứ, nói nhiều đấy, nhưng có người đóng đinh trong lưỡi nói tôi bảo thủ, họ còn nói tôi không muốn thực hiện chính sách của Đảng.

Giọng trưởng họ Lý Sảng châm chích:

- Bao đời nay không có con đường to thì vẫn no bụng, đủ ăn đấy thôi, có sao đâu. Mà ruộng nương đang gần, đổi đi xa vào tít sâu là con cháu nhà tôi không có nghe đâu.

Thế rồi, mặc cho ông ngồi lầm lì ở đấy, trưởng họ Lý Sảng với bí thư Huyến cứ thế nói về thằng Nình nhà ông. Rằng nó không coi ai ra gì, nó quên mất phải luôn nhớ đến phong tục, tập quán của tổ tiên, rằng nó là con ngựa non háu đá, có ngày cũng phải trả giá thôi...

Ông lặng người đi, sống mũi cay cay, nghèn nghẹn. Những lời nói ấy như chém dao vào ruột gan ông, thế mà ông vẫn phải nghe, phải im lặng. Thật ra thì họ Nông nhà ông xem ngày rồi, mai mốt là ông cùng họ hàng chuyển mộ thôi. Ông cũng định nói chuyện này với bạn toồng, nhưng chưa kịp nói thì cái tai phải nghe lời không xuôi rồi. Ông mong sao trời chóng sáng để về nhà nói chuyện với thằng Nình. Nó làm gì thì làm, đừng để người ta nhè vào mặt ông mà châm chọc như thế.

*

* *

Nình cùng cái xe đánh vật với con đường lầy lội. Vừa đi, Nình vừa nghĩ, hôm nay Nình phải nói ráo riết về cái khổ của người dân xã Vần Hản này. Đã nói nhiều rồi, bây giờ nói thêm nữa, lần này huyện với tỉnh về khảo sát và chỉ đạo làm đường thì thuận lợi quá rồi. Có đường to đẹp thì kinh tế khắc phát triển thôi. Cởi bỏ bộ quần áo mưa cùng đôi ủng bê bết bùn đỏ, rửa chân tay, mặt mũi sạch sẽ, Nình cắp chiếc cặp da vào hội trường. Chủ tịch tỉnh ngồi đấy từ bao giờ, nhìn thấy Nình, chủ tịch tỉnh gật đầu, cười tươi tắn, ân cần:

- Cán bộ xã trẻ quá, trẻ thế này thì tốt nhiều mà. Có gia đình chưa?

Nình chưa kịp nói gì thì bí thư huyện đã rổn rảng giới thiệu:

- Báo cáo anh, chủ tịch xã đang tìm người để được… yêu.

Tiếng cười rộn ràng của mọi người vừa ngưng, chủ tịch tỉnh nheo mắt, nói hóm hỉnh:

- Thế a? Có tin nóng hổi cho xã đấy! Phải cố gắng làm cho tốt nha.

Nình cười, bước vào giữa hội trường. Bỗng nhiên, Nình có cảm giác nóng rát, rồi vấp phải đôi mắt lạnh lùng của bí thư Huyến. Nình ngồi xuống, gật đầu cười xởi lởi:

- Bí thư đến sớm thế? Đường xấu mà đi nhanh được, tài thật!

Bí thư Huyến nói giọng đầy hàm ý:

- Sao nhanh bằng tuổi trẻ được? Có được tình thân với cấp trên thì tốt đấy!

Lời nói ấy nhỏ lắm, có lẽ chỉ bí thư Huyến với Nình biết thôi, nhưng sao Nình thấy tiếng nó bổ vào đầu Nình từng nhát cay đắng, chua chát.

Trong cuộc họp hôm nay, lãnh đạo tỉnh rồi huyện khuyến khích cán bộ xã mạnh dạn nói hết cái khó khăn trong bước đầu chung tay xây dựng nông thôn. Nình bảo khó khăn thì đã rõ rồi, xã Vần Hản là vùng đặc biệt khó khăn, cả huyện, rồi tỉnh ai cũng biết. Muốn làm tốt chủ trương lớn thì Nình sợ nhất là nội bộ mất đoàn kết, không nhất trí cao, chỉ tính bàn chùn. Rồi Nình dẫn chứng chuyện giải phóng mặt bằng để làm đường. Ai cũng muốn có cái đường to đẹp đi cho đỡ khổ, thế nhưng có dòng họ phải chuyển vài ngôi mộ đi chỗ khác để lấy mặt bằng rộng cho đường, như thế là chững lại, cả cán bộ xã cũng phản đối. Thế có được hay không?

Nình cứ thế nói tuốt tuột sự thật ra trước hội nghị. Hội trường rộng thế mà bỗng nhiên ngột ngạt, bức bối. Nình nói xong, chủ tịch tỉnh lên phát biểu. Ông bảo, cán bộ xã ở Vần Hản như thế thì không được rồi. Rồi ông hỏi bí thư có chuyện như thế ư? Bí thư Huyến mặt đỏ như quả mác lừ trên núi, đứng lên nói khẽ:

- Có chuyện ấy mà.

Chủ tịch tỉnh gay gắt:

- Các anh phải tăng cường tuyên truyền cho bà con, sắp tới, Vần Hản sẽ được tỉnh quan tâm đầu tư đi tiên phong trong xây dựng cơ bản, làm mô hình để các xã đến học tập. Không lâu nữa đâu, chỉ tuần sau thôi, sẽ làm đường đấy. Trong mấy ngày nữa, các anh phải làm xong công việc giải phóng mặt bằng.

Nình nghe mà bụng mở cờ, tự nhiên muốn cười nói thật to cho sướng. Liếc sang ngang, Nình thấy bí thư Huyến cứ cúi mãi mặt xuống, không ngẩng đầu lên.

*

* *

Chiều. Trời ràn rạt gió. Tụi nước nhỏ li ti thôi bay xuống bản. Đám mây không quẩn chân người nữa mà theo gió bay lên trên cao. Gió lôi tụi mây mang hạt mưa trôi về phía xa, để lộ ra vòm mây ưng ửng sáng.

Chẳng biết người dưới bản nào ra xã làm gì mà đông thế? Có dễ phải đến gần hai chục người. Nình hồ hởi nói:

- Chào các bác. Mời các bác vào trong hội trường xơi nước. Các bác ra đây có việc gì thế?

Đám người mặt mũi đỏ phừng phừng như thể vừa uống rượu, lục tục kéo vào trong hội trường. Chưa kịp ngồi xuống, họ nhao nhao mạnh ai nấy nói, rào rào như ong vỡ tổ.

- Chủ tịch Nình làm không đúng. Không ai đi dỡ nhà người chết cả.

- Tôi hỏi chủ tịch, ruộng nhà tôi đang chân thấp, lúa tốt ngợp, sao lại cho nhà Thỏa? Tôi không đổi cho nhà nó để lấy đám ruộng chân cao sát núi đâu đấy?

- Nình à, còn trẻ, phải nghe người đi trước, đừng có chạy huếnh lên mà ngã đau đấy!

- Cái ma nhà tôi không chịu bỏ chỗ ở cũ, tôi không có chuyển mộ đi đâu.

- Làm đường lấy vào đất ruộng nhà tôi nhiều đấy, phải trả tiền đền bù, không có tiền là không được…

Cứ thế, mỗi người một câu ầm ầm như họp chợ. Nình bình tĩnh để cho mọi người nói thỏa thích. Lúc ấy, không biết từ đâu, con Noộc ín bay đến, ngó nghiêng tìm Nình, nó liệng mấy vòng liền qua các cửa sổ, nhẹ nhàng bay xuống cửa chính, rồi vọt lên trên cây hải đường đang khoe sắc hoa đỏ rực rỡ trước cửa ủy ban. Nó bay nhảy, chuyền từ cành cao xuống cành thấp, ngân dài giọng hót lanh lảnh, cao vút: “Hu…u…huýt…huýt…huýt…”.

Nghe tiếng chim, đám người tạm lắng xuống, Nình lên tiếng để dân bản hiểu. Nình bảo, bao nhiêu năm nay, dân bản ao ước có đường đẹp để đi lại đỡ vất vả, cực nhọc, có chăn nuôi con lợn, con gà cũng dễ bán. Đấy, nhà ông Liểng ở bản Hiếng, dê thì hàng đàn mà thương lái thấy con đường đi lầy quá, gọi mãi họ có vào mua cho đâu, rồi nhiều nhà khác, có cả nhà các bác ở đây cũng muốn mua bán, đổi chác hàng hóa, nhưng ngặt nỗi đường đi khó quá… Muốn có đường to thì chuyển hơn chục ngôi mộ nằm rải rác bên sườn núi, Nình mong các bác, các chú nghĩ lại, ủng hộ việc làm đường. Nhà nào khó khăn trong di chuyển các mộ phần, xã sẽ cho dân quân đến giúp, hỗ trợ tiền để lo cúng đưa người âm về mộ mới.

Nình nói nhiều, nhiều lắm, thế nhưng, đám người chưa chịu yên, họ vặn vẹo Nình đủ chuyện. Chuyện nọ dây ra chuyện kia. Họ thắc mắc nhiều quá làm Nình phải trả lời như cái máy vô hồn.

Sau khi hắng giọng, Nình nói nhẹ nhàng:

- Bà con à, bao năm nay cái khó, cái khổ đè nặng lên người mình rồi. Muốn cái mắt nhìn xa, cái chân chạy nhanh mà không được. Bây giờ thì khác, có cơ hội để cuộc sống hết nghèo, cho đời con cháu mình nó ngẩng nhìn được nơi xa. Thế thì người bản bỏ nếp nghĩ ngắn đi, cùng nhau chung sức làm việc tốt. Bây giờ, mọi người ai về nhà nấy, xem ngày nào lành thì chuyển mộ thôi.

Nói xong, Nình chào bà con đi ra ngoài, cổ họng Nình khô rát, đắng ngắt.

Mọi người thấy Nình đi ra vẫn chưa vội đứng lên, họ bàn tán râm ran, nhưng dường như ai cũng chép miệng, chốt lại một câu:

- Cứ để xem mộ phần nhà chủ tịch với bí thư chuyển đi như thế nào đã rồi mới tính!

Con Noộc ín lúc này bay sà xuống vai Nình, cái mỏ vàng của nó luôn miệng ríu ra ríu rít “hu..huýt…hu…huýt”.

Nình giật mình nhớ đến cha. Chắc giờ này ở nhà cha mong anh về lắm đấy. Mà không biết cha định nói chuyện gì thế nhỉ? Chuyện lành hay chuyện dữ?

Nình vội vàng bước thấp, bước cao, lôi chiếc xe máy trát bùn đỏ quạch ra, nổ máy, nhấn ga đi nhanh về nhà. Con Noộc ín cũng sải cánh bay vút lên trời xuân, lồng lộng gió.

Lúc ấy, Nình không biết, bí thư Huyến nhìn theo anh mãi, đến khi anh cùng chiếc xe trôi trong màu xanh của lá rừng thì bí thư lẩm bẩm nói khẽ: “Suốt ngày tất bật thế kia thì bao giờ mới nghĩ đến chuyện lấy vợ hả Nình?”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast