"Mùa chim" - một thế giới cổ tích cho trẻ được viết nên bằng thơ

Nguyễn Ngọc Phú đã là một cái tên quen thuộc với người yêu thơ trong suốt thời gian qua. Tên anh gắn liền với đề tài biển đảo, Tổ quốc, với những giải thưởng lớn về thơ trong những năm gần đây. Có nghĩa là, nói đến Nguyễn Ngọc Phú là ta nhớ một giọng thơ hào sảng, khỏe khoắn, nghe ầm ào gió biển và âm hưởng của tráng ca.

Thế nên, tôi rất bất ngờ khi đọc Mùa Chim- tập thơ viết cho thiếu nhi . không cần vồ vập như khi được tặng một tập truyện tranh, đọc Mùa Chim nên cứ dần dà, dần dà. Một thế giới rộng mở ngay trong ta mà từ lâu ngỡ đã lãng quên: Võng, Cơn mưa mặc áo, Cua càng thổi xôi, biển và mặt trời...phải thừa nhận rằng Nguyễn Ngọc Phú có cái nhìn đa dạng về cuộc sống. Cái nhìn hồn nhiên, thơ trẻ và trí tưởng tượng vô cùng phong phú:‘Cây mặ áo lá/Mẹ mặc áo tơi/Mây mặc áo gió/Choàng xanh da trời./Quả đồi măc cỏ/Cánh đồng mặc rơm/Dòng sông mặt nước/Thuyền trôi mặc buồm.’’( Áo)

Viết thơ cho thiếu nhi không dễ, nhất là khi nhà thơ phải liên tục tạo ra được hiệu ứng nhạc điệu, hình ảnh, màu sắc sinh động, hấp dẫn. Nguyễn Ngọc Phú đã làm được điều ấy khi giọng điệu thơ anh chọn là thể ngũ ngôn, tứ ngôn thích ứng với tâm tính trẻ thơ. Mỗi bài thơ man mác một bài đồng dao dân gian. Mỗi bài thơ gợi nhớ một trò chơi dân gian: ‘Xe là xe lửa/Bánh rít đường tàu/Thở ra toàn khói/Lắc lư, lắc lư...’’( Đi xe lửa)

Giọng điệu linh hoạt, ngôn ngữ gần gũi, trong sáng. Sẽ rất nhiều trẻ em thích thú với Sao, Chạy thi với sông, Qủa, Ngọn đèn đom đóm...những câu thơ dễ đọc, dễ nhớ: ‘Cá Chuồn có cánh đâu/ Bay là là mặt nước/ Cá Dơi xòe hai mang/ Cá Ngựa chẳng có bờm/ Ăn phù du thay cỏ/ Không biết hỏi đâu đâu/ Vẫn là loài cá Chó.’’( Cá)

Và có những lúc, giọng thơ Phú bỗng nên óng ả bởi ngôn từ trau chuốt:

Tóc mây thì gội gió trời.

Tóc suối thì nắng hong phơi giữa rừng

Suối mềm uốn tấm lưng cong

Gặp đá thì rẽ lượn vòng bóng cây...

( Tóc suối)

Cũng từ rất lâu, mới lại có tập thơ dành cho thiếu nhi trọn vẹn thế này. Thế giới tưởng tưởng của các bé được no nê, thỏa sức. Phép ví von, so sánh cho phép các em bay lượn tung tăng. Này nhé:

Biển to hơn cái ao nhà

Không thấy ai ra gánh nước

Dã tràng suốt ngày xe cát

Có bao giờ chịu nghỉ không?

Chơi trò: dung dăng dung dẻ

Bập bênh bên bờ bên bé

Thử xem ai nhẹ hơn nào

(Biển)

Trẻ em luôn hiếu kì, tò mò, thích thú với các trò chơi khám phá. Rất hiểu trẻ em thì nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú mới có thể mở ra trước mắt chúng những Sao, Mắt bão, Bữa ăn chiếc xe đạp... từ những vận động thơ trẻ đó, thi nhân muốn các em chơi trò chơi nhận thức về cuộc sống xung quanh: Hạt điện, Cây rơm, Cây gạo...và sau cùng của mỗi bài thơ là mỗi bài học nhân sinh bé nhỏ, giản dị. Thơ Nguyễn Ngọc Phú hiền hậu, dung dị vì thế, khi đã gieo vào tâm hồn, nhận thức trẻ thơ những gì thân thuộc giản đơn nhất mà cũng đẹp đẽ, sáng trong nhất.

Một trong những yếu tố tạo nên tính hấp dần khi viết thơ cho trẻ em là cách kết. Thông thường, chỉ viết truyện , nhà văn mới đầu tư công phu cho những cái kết đẹp. Thế nhưng, đọc Mùa Chim, tôi ngạc nhiên bởi Nhà thơ vờ vô tình nhưng có chủ đích cho những kết thúc nhanh, gọn. Khi đang say sưa với những vần thơ tròn trịa, những khám phá thú vị, các em ngơ ngác, tiếc nuối vì đã hết. Tôi hình dung đôi mắt biết nói của chúng, mỗi câu chuyện chúng kể lại cho mẹ nghe, và lặp lại đến thuộc làu những câu vừa đọc.

Bài thơ cuối Mùa Chim cũng là nhan đề của cả tập thơ đã vẽ ra đủ đầy thế giới sắc màu, sinh động, hiếu kì của con trẻ. Và cùng đó, một cuộc sống êm đềm , giản dị, trong lành hiện ra : Mùa gặt, đồng quê, loài chim...

Gần 30 năm trước, hội VHNT Hà Tĩnh chúng ta đã có một tập truyện dành cho thiếu nhi Giấc mơ bong bóng của nhà văn Phan Trung Hiếu. Và lần này, một thế giới cổ tích cho trẻ lại được viết nên bằng thơ.

(Trường THPT Thành Sen – TP.Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast