Mùa hoa chăm pa

Nhà văn Viên Lan Anh
Nhà văn Viên Lan Anh

Trước mặt tôi, dòng sông Pô Cô hiện ra như mờ như ảo. Kể cả lúc này ngồi trên con thuyền độc mộc cùng đoàn cán bộ chiến sỹ truy tập hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào, để chuẩn bị cập bờ nước bạn, tôi vẫn thấy hoang hoải trong lòng. Một cảm giác khó gọi thành tên như thực, như mơ… Nhưng có lẽ, đó là sự nóng lòng chờ đợi một cuộc hội ngộ có một không hai trong cuộc đời tôi.

Dòng sông Pô Cô hôm ấy bình lặng giữa hai bờ xanh màu cây lá. Con thuyền độc mộc lướt đi. Mọi người trên thuyền rì rầm trò chuyện về những kỷ niệm trong chiến tranh trên đường 9, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng,… Lẽ ra tôi phải chú ý lắng nghe và hòa nhập một vài câu chuyện góp vui, cho dù chuyện của những chiến sỹ tham gia truy tìm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện việt Nam tại Lào có hàng ngàn câu chuyện, có nhiều chiến sỹ đã ngã xuống trên những cánh rừng già nước bạn vì lở đất, vì sốt rét, vì lũ cuốn,… Câu chuyện nào cũng xúc động trái tim tôi.

Những ngọn sóng của dòng Pô Cô lan xa quanh con thuyền đang vút đi giữa mênh mang sóng nước. Quá khứ lại hiện về the thắt tâm can… Tháng tư năm nào hoa xoan cũng nở tím đầy trên cây, rụng đầy lối ngõ, không hiểu sao cứ đến tháng tư hoa xoan lại nở nhiều như thế, để mỗi sáng ra mẹ tôi cầm chổi quyét hoa xoan lại lau hai dòng nước mắt. Có gượng hỏi, mẹ chỉ nói: Lớn lên rồi con sẽ hiểu…

Tôi còn nhớ đó là tháng tư năm 1972, khi tôi cùng mấy đứa bạn đang chơi cù trước ngõ, cái cù của tôi xoay vòng quay tít mù, xoáy nhanh đến nỗi làm cho những cánh hoa xoan xoáy theo thành một vòng tròn màu tim tím. Đang theo dõi cù, có người lên tiếng hỏi thăm nhà mình. Tôi nhận ra bác cán bộ chính sách của xã rồi hồ hởi đưa bác vào nhà, bác nắm tay tôi hồi lâu rồi hỏi: “Nam, cháu học hành có chăm ngoan không? Sau này lớn lên cháu ước muốn làm gì?”. “Cháu học chăm bác ạ, cháu ước sẽ là nhà quân sự nghiên cứu ra nhiều xe tăng, đạn pháo để đánh giặc”. “Đúng rồi, cháu phải cố lên, làm ra vũ khí để bảo vệ đất nước, bảo vệ hòa bình cho con người. Chúng ta căm thù chiến tranh… Cháu ra đồng gọi mẹ về, bác có câu chuyện muốn trao đổi với mẹ cháu”. Mẹ con tôi tất tả chạy về, đến đầu ngõ thấy bà con xóm riềng xôn xao kéo đến, mẹ tôi như có linh tính, Người quỵ ngay trước ngõ, những cánh hoa xoan tím, rơi lả tả trên đầu hai mẹ con tôi, dính vào những vết bùn trên đôi chân mẹ.

Năm tháng qua đi, từ một cậu bé ham đánh cù nơi ngõ nhỏ, tôi lớn dần lên, thi đậu đại học quân sự và trở thành quân nhân, đã lấy vợ và có con. Tuy nhiên, trong đời sống thường nhật, còn một nỗi niềm lúc nào cũng canh cánh trong lòng, đó là đi tìm mộ bố tôi - một liệt sỹ hy sinh trên đất bạn Lào. Bằng nhiều nỗ lực, tham gia nhiều chuyến đi cùng các đội truy tập mộ liệt sỹ nhưng nhiều năm qua tôi không có thông tin gì khác. Thời gian càng trôi đi, nỗi nhớ thương cha càng sâu nặng, cho đến đêm trước của ngày tôi bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành nghiên cứu vũ khí quân sự, vợ chồng tôi làm mâm cơm thắp hương cho cha, tôi khấn rằng: “Cha ơi, đất nước đã hòa bình hơn ba mươi năm, con trai cha ngày mai sẽ bảo vệ luận án tiến sỹ trước hội đồng các nhà khoa học, con cầu mong cha linh thiêng hãy theo địa chỉ… về để cùng mẹ vui mừng, chúc phúc cho con. Cha thương mẹ con con bao năm lặn lội đi tìm cha mà vẫn không dò ra tin tức , thương cháu đích tôn thiếu vắng hình ông, cha hãy cho con một vài thông tin để được đưa cha về quê cha, đất tổ, để chúng con hôm sớm phụng thờ,…”

Gần Tết Thanh Minh, mẹ từ quê điện vợ chồng tôi về gấp, vợ tôi lo lắng mua đủ thứ thuốc, áo quần, đường sữa cho mẹ. Thay vì âu lo, tôi thấy mẹ ra tận ngõ đón, mặt mày tươi tắn: Các con vào nhà, từ từ rồi nói.

Mẹ đưa cho tôi một lá thư viết tay úa vàng, nhàu nhĩ trên mặt giấy được xé ra từ một cuốn sổ. Trái tim thắt nghẹn, tôi run rẩy mở thư ra, dù cho chưa đọc dòng nào, tôi cũng có linh tính lá thư này chứa những thông tin về cha tôi: “Em và con yêu dấu, đêm nay đất trời tạm ngưng tiếng súng. Trong hang đang có nhiều đồng đội anh bị thương nặng, hang tối và lạnh lắm, anh phải viết thư bằng đèn dầu, hy vọng nếu lá thư này về được tay em và con thì tốt, bằng không cũng là kỷ niệm của anh trong chiến trường. Em ạ, Lào, Campuchia cũng là mảnh đất thân thiết của chúng ta, chúng ta bảo vệ được Lào, Cam puchia là bảo vệ được chúng ta. Quê hương mình có gì thay đổi không em? Xa em và con lúc nào anh cũng nhớ câu thơ của Bác Hồ: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt – Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà- Cửu Long”. Em ơi, ngày mai đơn vị anh sẽ vượt dòng Sê păng hiêng và rất có thể tham gia cả chiến trường trung và thượng Lào. Sau này về anh sẽ kể về cánh đồng Chum, chiến trường Xiêng Khoảng cho em nghe. Gọi là cánh đồng Chum vì trên cánh đồng găm đầy bom tấn ấy, mênh mang hoang hóa, có hàng ngàn cái chum lớn bé, to nhỏ khác nhau, có cái nặng hàng tấn, nằm rải rác trên diện tích rộng, chúng hoàn toàn đục bằng đá. Tương truyền, đó là di chỉ của người Lào cổ. Sản phẩm của những tù trưởng sai làm ra, đựng rựu để khao quân trong ngày chiến thắng giặc ngoại xâm. Đất nước Xạn Lan - Triệu Voi này, anh còn nghe kể có những ngôi tháp cổ làm bằng vàng óng ánh là biểu hiện quyền lực và tôn giáo của các vương quyền xa xưa và em ơi, mùa này hoa Chăm Pa đang nở vàng tím các sườn núi, có bông màu vàng, có bông màu tim tím như hoa xoan trước ngõ nhà mình. Viết đến đây anh lại nhớ có lần anh bứt hoa bưởi, hoa xoan tặng mình đấy nhỉ? Thôi, bạn anh đang lên cơn sốt, anh lại chăm sóc anh ấy đây, anh dừng bút mong mẹ con em bình an, chờ đất nước thái bình, anh sẽ trở về.

Gửi vợ thân yêu: Lê Thị Na, thôn…, xã…, huyện…, tỉnh…”.

Nước mắt tôi hai hàng lênh láng, tôi mở tiếp bức thư thứ hai có nét chữ đàn ông: “Thưa chị và các cháu, tôi là một người xa lạ, tên là Y Lai, đã bảy mươi tuổi, ở bản Lới, Mường Pù, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Bao năm qua tôi có lỗi với vong linh hồn anh Ninh và gia đình mà cho đến nay mới có điều kiện viết thư tạ lỗi. Tôi không biết tiếng Việt nên phải nhờ một anh cán bộ xây dựng người Việt Nam, đang thi công con đường qua gần nhà tôi viết thư gửi về cho gia đình để kể câu chuyện này: Năm 1968, tôi đang là nữ du kích tham gia tiếp viện cho bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào. Những trận đánh giữ từng mét đất trên địa bàn Mường Pù quê tôi ngày càng khốc liệt. Quân bộ đội Việt Nam thiệt hại khá nhiều, chúng tôi vừa tiếp quản, vừa cứu thương trên các sườn đồi, trong các cánh rừng già đến kiệt sức. Tôi đã bị thương nhẹ ở bắp tay phải và bị sức ép do sập hầm nên ngất đi. Trận đánh kéo dài từ chiều đến khi tôi ngất đi chừng mười giờ đêm. Khi tôi tỉnh dậy, bầu trời nhàn nhạt trăng non và sương giăng giá lạnh, đất trời lặng ngưng tiếng súng. Tôi cố bới đất tìm khe có ánh sáng, xác định cửa hầm chui ra. Tôi mừng vì trời tối, tôi có thể tìm được đường về. Bố mẹ tôi và bà con đã được sơ tán trong hang sâu. Tôi lết lên khỏi hầm thì nghe thấy gần nơi tôi ngồi có tiếng rên khe khẽ như một đứa trẻ kiệt sức. Xung quanh tôi xác các chiến sỹ bộ đội Lào nằm chen bộ đội tình nguyện Việt Nam la liệt, tôi không còn nước mắt để khóc cho họ . Tôi kiệt sức, bấn loạn tinh thần đến nỗi không còn sức để đến xem mặt từng người. Nhưng trong hoang mang, lo sợ đến tuyệt vọng, tôi vẫn thấy mình cần có trách nhiệm cứu người còn sống. Tôi lết qua bao người,… Anh Ninh bị thương ở đầu, máu rỉ xuống mặt, hai bắp đùi máu đã bết lênh láng. Tôi xé chiếc khăn quàng cổ cầm máu trên đầu và hai đùi cho anh. Tôi biết cánh rừng đã bị rải chất độc hóa học nên nước ở đâu cũng nguy hiểm, với kinh nghiệm trong những lần cứu thương, tôi nghiến răng bóp mạnh từ vết thương ở bắp tay mình cho những tia máu chảy vào miệng anh, cho đến khi tôi có cảm giác anh đang hồi dần qua cơn mê man do sốc mất máu và mất nước. Tôi quyết định cõng anh về hang trước khi trời sáng. Với sức vóc của một cô gái hai mươi, quãng thì cõng, quãng thì bẻ cây rừng lót xuống dưới cho anh nằm lên rồi kéo, đến cửa hang, tôi chỉ còn sức lấy cục đá to, gõ mạnh vào cửa hang phát tín hiệu rồi ngất đi. Tôi cũng đã sốt ly bì nhiều ngày sau đó, nhờ lá thuốc rừng của bà con hàng xóm mà tôi tỉnh dần. Trong hang, ngoài anh Ninh ra còn có đến mười anh bộ đội Việt Nam bị thương đang được bà con cứu chữa. Ngày tháng đói khổ tiếp theo kể sao cho hết những bữa cơm chúng tôi chỉ ăn rau rừng, ngô nung, dành cơm cho các thương binh. Ngoài hang chiến sự vẫn thi thoảng vang lên tiếng súng, đơn vị của tôi ai còn, ai mất, tôi không rõ và cũng không có ý đi tìm, một phần do tôi đang bị thương, một phần không rõ địa chỉ bây giờ vị ở đâu. Cha mẹ tôi khuyên tôi bình tâm ở lại trong hang cùng bà con chăm lo cho mười mấy thương binh, thế cũng là nhiệm vụ. Thức ăn dần khan hiếm, những đàn cá mương dưới suối rồi cũng không còn nữa. Tôi lang thang trong các kẽ hang tìm những con cóc, con nhái bắt dồn rồi nhốt lại, để dành nấu cháo cho các thương binh. Ban đêm tìm về làng kiếm ít lương thực nhưng rất sợ bom rơi, đạn lạc và tàn quân còn sót lại. Lần lữa mãi rồi dân làng cũng được lệnh rời hang về bản làng xây dựng đời sống mới khi vùng tự do đã được xác lập. Những chiến sỹ được dân làng đưa về được bồi dưỡng để có thêm sức lực trong chặng đường tìm về đơn vị. Họ đã lần lượt chia tay dân làng bịn rịn ra đi, riêng anh Ninh vốn đã ít nói, ít cười lại không có ý kiến gì. Tôi tìm cách gần gũi, hỏi han thì nhận ra, anh đã mất hết trí nhớ về quá khứ, anh không nhớ mình đang là ai, quê quán ở đâu. Có lẽ vết thương ở đầu đã gây nên điều tồi tệ ấy. Ngày tháng qua đi, trong gia đình nghèo chỉ một túp lều sau chiến tranh, bản làng xơ xác tiêu điều. Bố tôi mất trong một lần phát nương bị mìn của giặc cài sót lại. Mẹ tôi đau đớn cũng ra đi ít ngày sau đó, trước khi mất mẹ tôi khóc mà nói rằng: Sốt rét, cuộc sống kham khổ khiến con giờ tóc tai rụng hết, da dẻ sạm đen, gầy o, ốm yếu, con trai làng này đã chết hết trong chiến tranh, có còn sống chúng cũng chẳng lấy con đâu, Thôi thì cũng lại chiến tranh loạn lạc, thằng Ninh lâu nay nó như con trong nhà, không biết ở Việt Nam đã có vợ con chưa, lâu nay nó mất hết trí nhớ… Thôi có làm sao cũng tại chiến tranh cả. Nói rồi mẹ tôi gọi anh Ninh lại gần và kéo hai tay chúng tôi sát lại nhau rồi tắt thở. Là con một, bố mẹ ra đi chỉ trong mấy ngày, tôi cô đơn đến tuyệt cùng. Anh không làm gì hơn ngoài lên nương nhổ sắn, trồng ngô, hái củi và suốt năm, suốt tháng lầm lỳ. Sau tang mẹ tôi ba tháng, dân làng cũng đứng ra tổ chức một bữa liên hoan để tôi và anh Ninh thành vợ thành chồng. Tuy nhiên, mãi mãi chúng tôi không bao giờ có con vì tôi bị sức ép nặng làm chun cột sống và anh Ninh cũng là thương binh nặng. Chúng tôi cứ sống như vậy qua bao nhiêu năm, có điều cứ đến mùa hoa Chăm Pa nở, anh Ninh lại sinh ốm tương tư. Anh thường ngồi ủ rũ nhìn lên những đồi hoa Chăm Pa nở tím và mắt thất thần nhìn đi đâu đó rất xa. Tôi hiểu, trong tiềm thức, anh đang cố nhớ về quê hương nhưng có thể quá khứ như một màn sương giăng kín, khiến anh không nhớ rõ ra điều gì và rồi anh đã ra đi mãi mãi trong một đêm cơn đau vết thương cũ tái phát vào một đêm bão gió mù trời. Bà con xóm làng đến đông đủ làm lễ tang anh như bất kỳ một người dân Lào nào khi chết. Theo nguyện vọng của tôi, anh được chôn ngay trong khu vườn rộng lớn, cạnh mộ cha mẹ tôi để tôi hàng ngày được hương khói cho anh. Thương anh, thời gian sau đó, tôi tìm lên huyện, lên tỉnh hỏi ban chính sách, hỏi thăm các đoàn cán bộ, hỏi thăm bất cứ người việt Nam nào về nhân thân của anh nhưng chưa có kết quả, đến một lần, tôi nghe nói có đoàn truy tập mộ liệt sỹ bộ đội Việt Nam hy sinh tại huyện Viêng Xay, tôi cơm đùm, cơm nắm đến đó xem có cơ hội nào không. Trước khi đi, tôi thắp hương khấn anh Ninh rằng: Anh Ninh ơi, chiến tranh loạn lạc, biết bao nhiêu năm tháng anh rất nhớ quê, nhưng trí nhớ của anh không rõ ràng nên anh buồn, anh khổ. Nếu anh linh thiêng hãy dẫn đường cho em tìm ra địa chỉ quê anh để nếu có cơ hội, em sẽ đưa anh về với quê nhà với ông bà, tổ tiên. Như có linh tính, tôi xung phong dẫn đường cho đoàn truy tập mộ liệt sỹ tình nguyện Việt Nam vào cánh rừng tôi từng có mặt tham gia tải lương, cứu thương và chôn cất các liệt sỹ. Có tôi giúp sức, cán bộ đoàn rất vui mừng và đúng như tôi dự đoán. Khu vực tôi đưa đoàn đến đã tìm thấy tất cả trên năm mươi bộ hài cốt. Không giải thích nổi, trong bộ hài cốt thứ bảy, tính từ khi tìm được bộ hài cốt đầu tiên còn phát hiện một bọc ni lông úa vàng. Vừa nhìn thấy bọc ni lông, tôi có cảm giác như có luồng điện chạy qua người tôi, trong đó có bức thư của một người tên là Trần Nam Ninh, gửi vợ là… Chính là bức thư mà tôi đã giử về kèm theo bức thư này cho gia đình nhờ đoàn quy tập mộ Liệt sỹ chuyển giúp. Tôi cũng đã kể toàn bộ câu chuyện của gia đình tôi với anh Ninh cho cán bộ đoàn nghe. Các anh rất cảm động. Tuy nhiên, việc truy tập các mộ liệt sỹ khu vực quanh nhà tôi lại nằm trong kế hoạch mùa khô sang năm… Gửi được bức thư này về Việt Nam lòng tôi thanh thản vô cùng. Tôi xin dừng bút, chúc gia đình bình an và chờ hồi âm”.

Có lẽ mẹ tôi đã đọc đi đọc lại bức thư ấy nhiều lần. Còn tôi bần thần ngồi như trời trồng. Một nỗi căm hận chiến tranh dâng lên trong lòng tôi khiến tôi cảm như nghẹt thở. Chiến tranh cuốn theo sau bao số phận…, đó là mẹ tôi, tôi, nhân dân Lào trong đó có người phụ nữ Lào vô cùng đáng kính ấy. Trong túi áo ngực tôi lần này còn có cả bức thư mẹ tôi gửi người phụ nữ Lào: “Em gái Lào thân thương, chị đã nhận được thư em gửi, chiến tranh tao loạn, chị mong em đừng tự vấn bản thân…coi như kiếp này chị em mình có duyên với nhau, tuy hai đất nước xa xôi, nhưng tình người như một. Nếu không có em cứu mạng, làm sao anh Ninh được chăm sóc những tháng năm sau đó, khi anh trăm tuổi, mộ chí lại được em chăm sóc hàng ngày. Ơn này, kiếp này chị xin được đáp đền cho em. Người đưa bức thư này tìm đến với em chính là đứa con duy nhất của anh Ninh, cháu Trần Anh Nam, là con của hai chúng ta em ạ. Gặp em, cháu sẽ kể chuyện nhiều. Nếu đưa được anh về Việt Nam, nếu em chiếu cố đến hoàn cảnh chị già yếu, xin em hãy đến Việt Nam với chị,…”.

Chúng tôi đã đến được bản Lới, Mường Pù huyện Viêng Xay khi trời vừa tắt nắng. Căn nhà tôi tưởng tượng mãi rồi cuối cùng cũng hiện ra trên lưng chừng núi. Trong nhà, ánh lửa bập bùng, chúng tôi bước vào, tôi không có cảm giác xa lạ mà như tôi từng có mặt trong căn nhà đơn sơ này. Bên bếp lửa, một người phụ nữ tóc bạc phơ, dáng gầy gò chừng bảy mươi tuổi chậm rãi đứng lên. Tôi định nói một điều gì đó nhưng ngôn từ câm lặng khiến tôi không thể cất lời. Anh trưởng đoàn giới thiệu các thành viên trong đoàn, khi giới thiệu đến tôi, tôi bỗng lao lại phía bà, quỳ xuống bái một bái rồi run rẩy thốt lên: Mẹ ơi!

Nước mắt tôi rơi cùng hương khói bên ngôi mộ cha. Trong căn nhà nhỏ, lửa ấm tràn lên lung linh bóng người trên vách, bà con bản làng khua chiêng, gõ chày báo hiệu nhau đến chật kín cả nhà, ngồi tràn xuống cả dưới sàn. Họ đến để chia vui cùng chúng tôi, để tạm biệt cha tôi trước khi cha tôi trở về quê hương. Mẹ và vợ tôi đã chuẩn bị lễ thắp hương cho ông bà, cho bố tôi và cả các loại bánh kẹo, trà thuốc để liên hoan với xóm làng và để tôi cảm ơn công cứu mạng của bà con đã dành cho bố tôi trong những ngày hoạn nạn, lâm nguy.

Tháng tư, hoa xoan nở tím ngõ nhà tôi, ở một bản làng xa xôi, hoa Chăm Pa cũng đang vào mùa nở rộ. Tôi không biết đã yêu hoa Chăm Pa tự khi nào không rõ, chỉ biết rằng, những năm tháng qua, tôi còn có một quê hương thứ hai luôn ngóng chờ, mong nhớ tôi, đó là bản Lới, Mường Pù, huyện Viêng xay, đất nước Lào. Có lần, tôi hỏi con trai tôi rằng: Lớn lên con thích làm gì? Cậu bé nói rằng: Con thích xây những ngôi nhà, thích làm những đường ray cho con tàu chạy đi thật xa. Tôi mừng và kỳ vọng vào những điều con trai tôi mơ ước, có lẽ trong tương lai xa sẽ có những con tàu nối hai nước Việt - Lào cho dù “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.

VIÊN LAN ANH

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Bút ký

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast