Mùa nước lên

(Baohatinh.vn) - Chị về! Anh bối rối xoa hai bàn tay nhem nhuốc xỉ than vào vạt áo mốc thỉn trước ngực. Anh luống cuống nép người bên thằng con trai sáu tuổi, khuôn mặt khắc khổ ánh lên niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Chị nhào vô nhà, dúi dúi mái tóc hoe vàng, đôi môi tô son nhợt nhạt vào mái đầu rối bết của con gái lớn. Chị quáng quàng quờ tay ôm thằng nhỏ, vơ riết nó vào ngực. Chị áp chặt má mình vào đôi bàn tay gầy đen của hai đứa trẻ.

Tin chị về loang nhanh. Phút chốc, căn nhà lá cất tạm trên khu chợ ẩm thấp bên triền sông chen chật tiếng nói cười. Người ta mừng cho anh. Ôi cái thằng, tội nghiệp đáo để! Bây giờ, con vợ nó về rồi, có lưng vốn cất lại cái nhà cho con cái đỡ khổ!

Tiếng ồn ĩ phút chốc nhường chỗ cho không gian riêng của hai vợ chồng. Ấy thế mà đã sáu năm, sáu năm chị xứ trời bươn chải. Anh vò võ ở nhà nuôi con, đận đũi trong góc chợ nghèo.

Anh sớt nước ra xô cho chị tắm.

Anh bần thần nghe tiếng nước đổ tràn trên thân thể chị!

* *

*

Đã ba ngày từ hôm chị về. Anh trễ nải bỏ than vào lò. Chị lơ đễnh ngồi nhìn ra bến sông hoe vắng. Bây giờ đang độ sầu đông buông nụ. Sầu đông tím bời một góc sông. Mỗi đợt gió tràn qua, sầu đông vướng vít trôi theo dòng.

Chợ quê ba ngày một phiên. Cha con anh ở đầu mỏm chợ, phía cuối là người đàn bà bán hàng rau quả, từ vùng trong dạt ra, neo lại làm ăn. Khu chợ chỉ ồn ã được ngày phiên, còn lại buồn như ma ám. Khi trời mưa lớn, chợ ngập nước đến ngang bắp chân. Khắp nơi nổi lềnh phềnh rác rưởi, chai lọ, bóng giấy và mùi hôi hám của bao nhiêu thứ uế thải.

Mùa nước lên ảnh 1

Anh nhận rèn hàng sắt. Thứ gì anh cũng nhận. Từ chiếc liềm cùn ghỉ ai đó nhặt được trong đống rác đến chiếc thuổng sắt to tổ bố… Những thứ đó đâu thấm gì với sức vóc của kẻ trai mới ba mươi bảy tuổi như anh. Anh vung búa qua vai, anh đập chan chát xuống bệ rèn. Nhưng không xua nổi hình ảnh chị một mình lầm lũi xách chiếc túi xách nhẹ dí đi như chạy ra khỏi làng để lên tỉnh. Hai mươi ngày sau chị bay, bay theo một tổ chức mà người ta mai mối cho gia đình chị. Chị điện về cho anh nửa năm sau đó. Chị nói, chị làm việc trong gia đình của hai vợ chồng già. Họ xem chị như người thân. Công việc nhẹ nhàng và thu nhập rất khá. Anh nghẹn đắng khi nghe chị cười. Anh biết là chị đang dối anh.

Chị đi. Thời gian đằng đẵng. Công việc của chị được gia hạn. Những ngày mưa, anh ôm con ngồi nhìn con nước. Tiếng ễnh ương buồn nẫu ruột. Phía cuối chợ, người đàn bà bán rau quả ngồi gọt những trái xoài hư, riết róng những chầu vọng cổ “Hò ơi! Mình em, em đứng đợi anh về/ Còn thương, còn nhớ bóng con đò/ Về nghe câu hát lý chờ mong…”. Anh thẫn thờ thương phận người mỏng bạc!

Đêm đầu tiên chị về. Anh úp mặt vào ngực chị. Nghe kìm nén tận sâu thẳm tiếng thở dài nín nhịn. Nghe mùi hương vướng vất mà anh chưa từng quen. Như là mùi nước hoa rẻ tiền. Như mùi ẩm mốc, nhàu nhĩ từ miền đất anh chưa từng đến.

Không! Hàng ngàn đêm mưa rầu rĩ, anh đã từng khao khát, mường tượng ra phút giây chị về, hiện hữu trong căn nhà này bằng xương, bằng thịt. Giờ, chị đang bên anh. Hơi thở khó nhọc trên gương mặt đã biết đến phấn son. Anh thảng thốt. Ngày chị đi, làn da chị láng mượt, mái tóc đen dày. Hai gót chân son đỏ, mịn hồng. Anh như nghe lại giọng cười gắng gượng của chị ngày chị gọi điện về.

- Mình à, em đưa hết cho mình giữ. Vợ chồng mình ráng thêm chút nữa cho con đỡ khổ!

Chị lộn trái chiếc quần zin căng chật. Chị lôi từ chiếc túi may viền quanh lưng những xếp tiền đô mà có lẽ, chị đã cất công đổi trước khi về nước. Anh cầm tiền chị đưa, nghe nặng hơn quai búa trên chiếc đe nóng rực.

- Em vẫn còn, còn một ít ở ngân hàng phòng khi cơ nhỡ. Mình cứ giữ hết đi, lo cho con mình à!

Anh chúi đầu xuống bậc thềm lỗ chỗ. Anh nghe tiếng thở phì phọt của dòng sông ngầu đục! Đôi ngón chân bầm chẽ bám xuống nền đất.

- Mình đừng đi nữa, cực lắm! Tôi cơi nới chái hiên làm chỗ cho mình bán ít hàng vặt. Mình đi, tôi chịu không thấu, mình ơi!

Nước mắt chị chực ứa. Chị rưng rưng nhìn anh quai búa. Trước mắt chị là gương mặt thuỗn dài đần độn của người đàn ông gần tuổi thất thập. Nhóm người sang Đài Loan ngày đó bị bọn môi giới lừa. Chúng lột sạch tiền, cả nhóm bơ vơ khi đặt chân trên đất khách. Sau đó là những chuỗi ngày kinh hoàng. Để có tiền nuôi sống bản thân và gửi về cho anh trang trải, chị phải xuống cầu tàu xúc than. Công việc nặng nhọc làm thân hình nhỏ bé của chị quắt lại.

Rồi chị gặp anh. Người đứng chủ của một công ty buôn bán vật liệu xây dựng. Chị trở thành ôsin trong căn biệt thự có nhiều thế hệ sinh sống. Người ta trả chị nhiều hơn những tháng ngày chị quăng quật ở bến tàu. Chị có một mái nhà để che mưa nắng. Và, những thứ đồ thừa trong căn nhà đó cũng đủ cho chị tích góp.

Người đàn ông trong căn nhà đó thích nét dịu dàng rất Á Đông của chị. Chị được gia hạn thêm năm năm, được cho phép về thăm nhà hai mươi ngày. Con dâu trưởng trạc tuổi chị, nói với chị rằng, nếu muốn, chị có thể ở lại đến khi bố họ qua đời!

Khi mặt trời nhô lên rực rỡ sau dãy nhà cao tầng, căn biệt thự chìm trong yên tĩnh, chị bắt đầu một ngày làm việc mới. Trước tiên là vệ sinh cá nhân cho ông chủ, thay ga gối cho tất cả giường đệm trong căn nhà đó. Khoảng chín giờ sáng, chị bế người đàn ông nằm liệt giường gần năm năm lên chiếc xe lăn, đẩy ra ban công và bón cho ông ấy. Những khi thức ăn không hợp khẩu vị, ông ta phun nước phì phì vào mặt. Chị tất tưởi nấu lại thức ăn, kiên trì bón cho đến thìa cuối cùng.

Chị đồng ý cắt khẩu phần ăn của mình để tính vào lương tháng thêm một trăm đô. Hằng ngày, khi gia đình ông bà chủ ăn xong, chị gom thức ăn thừa vào một chiếc tô lớn. Nhiều khi chị phải nhịn đói.

Đồng tiền chị có được phải đổi bằng sự hy sinh lòng tự trọng của một con người!

* *

*

Anh cất cho chị một chiếc sạp nhỏ. Chị theo đò dọc lên tận thành phố để lấy hàng. Những ngày chợ phiên, chị nhanh nhẹn gói đong, chào mời… Âm thanh lanh lảnh. Như tiếng thở dìu dặt của dòng sông biếc xanh. Như hương thơm ngọt ngào của sầu đông biêng biếc tím.

Anh quai búa mạnh hơn. Tiếng lửa reo tí tách trong lò. Mặt anh ửng hồng vì lửa hay những lời trêu ghẹo của khách đến nhà? Anh cười, lòng bất chợt dợn sóng cảm thông cho người đàn bà bán hoa quả đang róng riết những câu vọng cổ: “Hò ơi! Mình em, em đứng đợi anh về/ Còn thương, còn nhớ bóng con đò/ Về nghe câu hát lý chờ mong…”.

Chị thưa dần những chuyến theo đò dọc lên thành phố lấy hàng. Góc chợ nhỏ của miền quê nghèo bán buôn không được bao lăm, tiền lẻ nhặt nhạnh chỉ đủ mua mớ rau, con cá. Chị thấy tay chân thừa thãi. Chiều chiều, không còn việc để làm, chị ngồi trước bờ hiên. Khung cảnh ẩm thấp, ảm đạm và những đứa trẻ chăn trâu nheo nhóc làm chị ngập tràn tâm trạng.

Anh quai búa chan chát trên nền đe đanh rắn. Bất chợt, bờ mi chị ngấn nước. Văng vẳng trong không gian yên tĩnh là tiếng kêu của bìm bịp lông vàng. Tiếng kêu buồn nẫu ruột!

Chị quyết định ra đi. Mùa nước lên, dòng sông ngầu đục, phì phọt thở. Chị ngồi bên bậu cửa, tán kem bằng ngón tay đầy vết chai sạn. Ngày còn làm công trong căn nhà đó, chị vẫn trang điểm vào những ngày chủ nhật. Anh nhìn gương mặt phấn son của chị, đôi mắt thảng thốt. Anh bần thần nhìn hoa sầu đông bời bời tím. Anh lặng lẽ ôm con gái vào lòng, lén nuốt vào trong giọt nước mắt chát cay!

Chị gọi một chuyến xe chở thẳng ra sân bay. Anh quay mặt vào phên liếp đã thủng lỗ chỗ…

Cuối chợ, người đàn bà bán hoa quả tỉ mẩn gọt những trái xoài xanh, riết róng: “Hò ơi…! Mình em, em đứng đợi anh về/ Còn thương, còn nhớ bóng con đò/ Về nghe câu hát lý chờ mong…”.

Tháng 4/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast