Mùa thu hát khúc tình nhân của lá…

“Khúc thu của lá” (NXB hội nhà văn năm 2013) là tập thơ thứ ba của Phan Trọng Tảo tập hợp 52 bài thơ của một chặng đường sáng tạo khi tác giả đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Thật lạ, tập thơ thật trẻ trung như mới hồi sinh khi “Hát khúc tình nhân của lá”.

Hồi sinh trong mạch cảm xúc tâm hồi thơ của ông hướng về cuộc đời bắt mạch với nhịp đời mà vẫn đắm đuối với vẻ đẹp bí ẩn của thiên nhiên hài hòa mà nhiều đột biến bí ẩn. Nếu ta thử làm một phương trình phản ứng hóa học (tác giả vốn là một thày giáo dạy hóa giỏi) thì rõ ràng cái đáp số: Thơ hay bắt đầu từ trường liên tưởng kết hợp với những chiêm nghiệm sống. Liên tưởng là tài năng, là trời cho còn vốn sống là chắt lọc từ phía cuộc đời: Có những năm tháng là người lính, là người đứng trên bục giảng và cao hơn hết là người công dân – một công dân thi sỹ! Khó thay, sự phân thân này vì thế khi đến tuổi nghỉ hưu thơ Phan Trọng Tảo khác hẳn: Tự do phóng khoáng và đa tuyến, đa cung bậc hơn. Ở đây, nội hàm văn hóa chắt lọc và kết tinh từ việc đọc, việc học (học thơ là cả đời) đã cho ông bắt nhịp được với đời sống thi ca của cả nước.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Thì đây, ta có thể “lẩy” ra được nhiều câu thơ tài hoa trong tập: Anh giờ vai áo lấm lem/“Tùy duyên” anh muốn theo em lên chùa (Tùy duyên); Mùa thu hát khúc nhân tình của lá”/Con nai vàng” ngộp nắng lá thu xanh (Khúc thu của lá); Neo hồn giếng xóm đình quê/Theo con chuồn ớt bay về búng mưa (Tháng ba); Nắng chiều rơi tí tách/Bên vành tai phố phường (Miên man chiều) và đặc biệt là hai câu thơ: Mẹ tôi đi phía vòng cung liềm hái/Cha men theo bờ cong diệp cày (Nhà tôi). Có lẽ đây là hai câu thơ hay viết về nông thôn Việt Nam từ trước tới nay thật ám ảnh vừa cụ thể vừa khái quát, vừa dân tộc, vừa hiện đại.

“Khúc thu của lá” hoài niềm về quá khứ như là một khúc vọng với những bài thơ bình dị chân chất, hồn hậu như phù sa bồi lắng điềm tĩnh, Thì những thổn thức trước một đời sống hiện tại, cày xới trên trang thơ những băn khoăn day dứt trước một “môi trường văn hóa” đang bị xáo trộn nhiều thay đổi giá trị sống!. Tôi thích những bài “Phố”, “Ngoại ô” với cái nhìn nhân văn: Ngoại ô bùn phèn, rạ rơm chạm ngõ/Nhịp cầu tre trăng hai phía mơn non (Ngoại ô). Hai chữ “mơn non” là từ ghép thật sáng tạo: “mơn mởn” và “non tươi”. Với nhà thơ làm mới chữ là tạo ra một trường nghĩa mới bắt đầu từ sức sống trỗi dậy trong tâm hồn thi sỹ.

Đọc “Khúc thu của lá” tôi cứ tự hỏi: Sao tác giả lại chọn “khúc thu”. Có lẽ đây cũng là một định lượng thời gian dồn lại tinh hoa của cả một đời người, không phải khúc thu của hoa, của quả mà của lá. Lá mùa thu sẽ rụng về cội. Đó là một sự thật, một sự tự biết. Nhưng lá rụng để bồi đắp phù sa cho cội rễ cây thơ, cây đời. Lá rụng để bắt đầu cho những mầm tươi mới, thật giản dị và sòng phẳng cũng giống như cuộc đời. Dư chấn trong thơ ông là từ trường của những vòng sóng hướng tâm nhiều thảng thốt và trầm tư mà cái lõi hạt nhân chính là tình quê, tình người.

Những bài thơ ông viết về mẹ thật cảm động: “Quét dọn nắng chiều mang về nơi quan ải, đắp tấm chăn mây, gối đầu lên gió núi, mẹ nằm ngữa để nắn cho sóng lưng thẳng lại” (Mẹ). Câu thơ văn xuôi co duỗi thật tự nhiên mà ấn tượng lạ lùng. Đó là phong cách sáng tạo mới của Phan Trọng Tảo. Chỉ khi ông viết thật thỏa mái, tứ thơ đã chín, tình thơ đã đầy thì câu chữ buột ra như có hồn có vía chứ không gò ép suy tưởng một cách tự biện.

Ông viết về làng quê thật xúc động: “Sau lũy tre bếp hồng reo lửa củi/Ngọn khói sim mua leo mái tranh quê”. “Ngọn khói sim mua” là một sáng tạo để nói về làng quê nghèo thật hình tượng nhiều sức gợi. Tôi rất thích những câu thơ nhiều cảm giác như thế.

“Khúc thu của lá” có nhiều bài thơ viết về thời gian hay “cảm giác thời gian” như các bài: “Tháng ba”, “Chuyển mùa”, “Miên man chiều”, “Ngày để ngỏ”, “Những mùa trăng”, “Trái tim ngàn năm”, “Chiều đông Đà Lạt”…

Viết về thời gian chính là làm chủ thời gian – một tài sản vô cùng quý giá của đời người. Nhưng chiêm nghiệm sống với thời gian lại là một phẩm chất thi sĩ. Phan Trọng Tảo đã và đang sống với “thời gian hai chiều” với “Mùa thu hát khúc tình nhân của lá” ….

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast