Mưa xuân

(Baohatinh.vn) - Liên kéo khăn choàng trùm kín mặt, co người trên chiếc ghế nhựa cũ. Đã nghe trong trời đất cái lạnh chanh chao, nghe mùi vị heo may trong màu mờ đục của sương chiều. Cảm giác trong Liên thật lạ, một nỗi buồn mênh mang, nỗi nhớ mong chấp chới như cánh chim giữa chiều muộn.

Cha mẹ qua đời khi Liên còn ẵm ngửa. Cô được người bác họ thương tình đưa về nuôi. Nhà bác đông con, lại quá nghèo nên Liên trở thành gánh nặng. Suốt tuổi ấu thơ, Liên luôn nơm nớp lo sợ bị tống cổ ra đường. Bác trai mỗi lần say xỉn lại lôi Liên xềnh xệch, bắt cô quỳ trước thềm. Ông bác kêu Liên là của nợ. Liên ăn đổ thùng, xiêu máng, Liên là tội vạ để hai kẻ già sống không bằng chết…!

Liên cúi đầu chịu trận. Khi ông bác thiếp đi trong cơn say vật vờ, Liên len lén đứng dậy. Cô như cây chổi cùn, mải miết quét từ chuồng gà đến chuồng heo, từ trong sân ra ngoài ngõ. Việc to, việc nhỏ đều qua tay Liên. Mười ba tuổi mà trông Liên như cây nấm. Đen nhẻm và gầy nhách nheo.

Mưa xuân ảnh 1

Minh họa của Huy Tùng

Liên bỏ nhà ra phố. Đôi cẳng chân gầy, đen nhẻm của Liên bám đất trơn mỡ, tay quệt nước mắt rời làng. Sau lưng Liên, ngôi nhà tranh thưng phên thủng lỗ chỗ có những con người đã từng cưu mang Liên. Giờ, bệnh tật và đói khát làm cho họ trở nên dặt dẹo. Liên đi. Bóng nắng đổ dài và vàng quạch trong buổi chiều nhớt nhát.

Liên không được tới trường như những trẻ cùng trang lứa. Những chiều ôm rơm nhóm bếp, nghe tiếng học bài ê a của thằng bé gần nhà, Liên bắt chước đánh vần. Rồi cô tự học. Từ những chữ xiêu vẹo viết bằng than giữa nền nhà, Liên viết đẹp và đọc trôi chảy. Bất cứ mẩu giấy hay tờ báo cũ nào vào tay Liên, cô cũng đọc ngấu nghiến. Cô không có ai là bạn. Thế rồi, mỗi ngày, Liên kết bạn với những con người ở khắp mọi nơi mà cô đọc được qua những mẩu báo cũ. Nhờ nó mà Liên biết, ở xa tít tắp, có những số phận còn cơ cực hơn cả cuộc đời Liên.

Nhờ nó mà Liên biết, Liên có thể đứng lên trên đôi chân lành lặn!

* *

*

Liên dọn hàng. Chiếc chậu nhôm đựng than cháy đượm. Bông lửa nhảy tí tách theo tay khời của Liên. Mấy chiếc ghế nhựa được Liên xếp khéo quanh gốc vú sữa. Trời lại bắt đầu rả rích. Tiếng mưa buồn gõ đều đều trên tấm bạt căng tạm bợ. Chiều cuối năm, người đi lại hối hả. Dòng người cuồn cuộn mải miết lướt qua. Mấy ngày ế ẩm khiến Liên buồn xo. Cô bó gối nhìn tháp nhà thờ cao vút.

- Cho một bắp nướng cô chủ ơi!

Liên giật thót người. Má cô ửng đỏ. Người đàn ông ôm chiếc mũ lá trước ngực, ngồi dịch sát chậu than.

Có khách, khuôn mặt Liên bừng lên, rạng rỡ.

- Anh Bảy lại bỏ bữa để chống ế cho em phải không?

Người đàn ông có tên là Bảy cười, nụ cười thèn thẹn như mắc lỗi. Liên dịch ghế, để bắp nguyên bẹ lùi vào chậu than đỏ rực.

- Nướng thế này mất thời gian nhưng bắp thơm và ngọt. Anh Bảy thấy không, nước trong bẹ bắp không thoát ra được, nước sôi làm chín bắp.

Liên khéo léo thêm than vào chậu, cời than đủ đượm. Mùi bắp nướng thơm nhức mũi, những lần bẹ bên ngoài dần cháy để lộ hàng bắp vàng ươm, căng mỡ.

Người đàn ông đón bắp nóng hổi từ tay Liên, hít hà:

- Bắp ngon quá cô Liên à. Cô nướng bắp thật là giỏi, tất cả các hạt đều ánh lên, không có hạt nào bị oi.

Liên mỉm cười. Cô lặng lẽ ngồi nhìn người đàn ông vừa đổi tay, vừa vỗ bồm bộp, thổi phù phù vào bắp ngô mới nướng. Đôi hàm răng chắc khỏe, sáng bóng cắm ngập trên bắp ngô còn bốc khói. Vị ngọt, vị dẻo và thơm lừng của bắp ngô ngấm tận chân răng.

Gánh hàng của Liên ít vốn, lại chưa quen khách nên lời lãi chẳng là bao. Nhưng những ai đã vào quán của Liên, ngồi xoa tay trên chậu than đượm lửa, chờ bắp ngô chín tới và nghe Liên kể chuyện thì không thể không quay lại.

Người đàn ông xoay xoay cùi ngô đã gặm hết hạt trong đôi bàn tay đầy vết chai. Mưa lây phây và rét cắt da làm cho con phố trước mặt dài hun hút. Liên hỏi:

- Anh Bảy chạy khách mà ngồi đây thì đón sao được? Em ế hàng, phải khuya em mới dọn. Bao giờ sôi bụng, anh Bảy ghé hàng em, anh Bảy nhé!

Người đàn ông ngượng nghịu đội mũ lên đầu, lí nhí chào Liên rồi đạp hút về phía bến xe. Liên đứng nhìn đến khi chiếc áo xanh màu lá mạ khuất hẳn.

Lửa tí tách reo trong chậu than vừa được cời. Góc phố như bừng lên với màu lửa nồng đượm, mùi ngô nướng dẻo ngọt, thơm lừng. Liên có khách. Người con gái nhí nhảnh, ăn mặc sành điệu bên cạnh người con trai cao lớn, đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh đắt tiền. Cô gái nũng nịu:

- Cho em và chị một kiểu, chụp đi anh!

Người con trai ấn máy. Liên thẹn. Chưa bao giờ cô thấy mình trong ảnh. Ngày bỏ quê lên phố tập tành buôn bán để kiếm ăn, chị bạn nhặt ve chai chung phòng cho Liên một tấm gương soi nhỏ bằng lòng bàn tay. Nhưng, không mấy khi cô dùng đến.

Người con trai ấn liền mấy kiểu. Cô gái nhanh nhẹn giành lấy máy. Trong ảnh, thanh cời lửa trong tay Liên ánh lên. Mái tóc cột túm nhóc nhảy trên cần cổ cao, thanh mảnh. Ánh lửa lem lém trên bắp ngô vàng sẹm. Đôi mắt Liên long lanh. Cô gái kêu lên:

- Chị đẹp quá! Em sẽ gửi những bức này cho chị. Anh nhìn này, đưa lên fecebook thì không chê vào đâu được.

Liên cho than vào chậu. Que cời đỏ rực màu lửa chín. Bắp ngô căng mọng, vàng bưm cháy đến lần áo phía trong. Liên vừa xoay trở bắp, vừa kể. Giọng Liên nhẹ bâng, âm thanh ấm trầm lướt qua trời chiều đầy gió:

- Quê em gần sông, con sông mềm như dải lụa và óng đục phù sa mỗi độ lũ về. Bãi đất ấy màu mỡ trồng ngút ngàn bắp sữa. Khi ngô đông sữa, hạt tẽ không bị vỡ là khi đó ngọt nhất. Bắp bãi này rất thơm, ngọt mùi đặc trưng của bắp nướng nhưng không ngon bằng bắp ở làng em…

Liên giở lần áo trong cùng của bắp ngô vừa nướng. Hai người khách xuýt xoa bắp ngô nóng hổi trong bàn tay giá lạnh. Hơi ấm từ chậu than đượm lửa, từ thanh cời đỏ rực, từ bắp ngô nướng vàng bưm, từ cặp mắt long lanh của đôi bạn trẻ làm không gian ẩm ướt của ngày cuối năm như sáng bừng lên.

Người con gái thích thú tẽ bắp bằng những ngón tay sáng bóng. Người con trai dùng răng lần theo các tẻ ngô ăn ngon lành. Trời đã tối. Những con phố thưa thớt người qua. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Lửa than nhảy tí tách trong chậu làm Liên nhớ góc bếp ẩm thấp nơi Liên đã từng sống. Nồi cám lợn sôi sùng sục. Mùi thơm của cua đồng nướng. Mùi khét ngai ngái của củ lạc non. Những bữa đói quá, Liên vùi trong than củ sắn bác gái vừa nhổ. Bác trai biết chuyện Liên ăn vụng, đánh cô thừa sống thiếu chết. Liên lê đôi chân bị đánh dập ngón cái, đổ cám cho heo, trộn gộc chuối cho gà, lên nương dọn cỏ… Chân Liên bầm tím, cả năm không chịu lành.

Chiều cuối năm nhạt khách. Mưa giăng ngang trời. Mưa xập xìu làm khu phố sầm uất cũng như co lại. Chưa bao giờ Liên thấy lòng mình lạ như bây giờ. Ước gì cô nhìn thấy ngọn khói len vương trên nóc những ngôi nhà tranh ẩm thấp! Ước gì cô được tất bật trong chái bếp đầy nhọ và xoong nồi mốc xỉn. Mấy đứa em áo quần tanh lòm tép đất, giơ tay xuýt xoa bên đống trấu vừa un. Cái đói, cái lạnh làm khuôn mặt chúng men mét.

Đã ba năm Liên chưa về quê. Nghe nói bác trai bị bệnh, không còn sức để uống rượu. Bác gái tóc bạc trắng đầu, lưng còng sập vẫn phải làm lụng để nuôi cả nhà. Mỗi bận có người lên phố, Liên lại bòn mót, tính thâm vào vốn để có đồng giúp bác thuốc thang. Liên tính, ráng thêm vài ba năm nữa, có đồng vốn về quê mở một cửa tiệm nhỏ, nuôi con heo nái và đàn gà đẻ trứng…

Liên vẫn còn hàng. Cô ráng chờ để bán hết. Nếu bữa nào ế, Liên phải ăn thay cơm vì bắp không để được. Sang ngày, hạt khô nước, không còn vị ngọt của bắp ngậm sữa. Có nhiều hôm, Liên phải canh hàng đến hai, ba giờ sáng. Đó là những ngày trời se se lạnh, may mắn có những đôi yêu nhau, đi chơi về trễ sà vào hàng bắp nướng để chống đói và nhâm nhi cái lạnh giao mùa. Còn tối nay, mưa nặng hạt và rét cắt da. Liên thấp thỏm…

* *

*

Bóng đêm xù xì thả cái lạnh vào những con phố dài hun hút. Bóng đêm nuốt chửng những vệt xe loang loáng. Gánh hàng của Liên mong manh, chấp chới trong đêm muộn. Liên cuộn hai bàn tay trong nếp áo len. Chỉ còn dăm ngày nữa là đến tết. Khóe mắt Liên hoe đỏ, chừng chực nước. Quãng đường từ đây về nhà Liên qua hai chuyến xe đò. Nhắm mắt lại, Liên dễ dàng mường tượng những khúc quẹo, những ngã rẽ… “Bác tài ơi, cho tôi xuống…”. “Đến Voi rồi hả anh? Nhà em kia rồi, cho xuống, bác tài ơi!”.

Vậy mà đã ba năm, ba năm đằng đẵng Liên chưa một lần trở về. Gánh hàng rong vốn liếng lãi lời nhẹ bẫng, không đủ cho Liên trang trải cuộc sống hàng ngày. Những ngày tết, Liên lo xo trong tấm áo bông cũ, ngồi nhìn qua bậu cửa khu phố vốn sầm uất giờ vắng hoe hoắt. Liên thầm thì nho nhỏ “Bác tài ơi, nhà em kia rồi...”.

- Cho một bắp nướng, cô chủ ơi!

Liên giật thót mình. Đã gần hai giờ sáng. Thế là Liên đã ngủ thiếp đi một chặp. Trước mặt cô, anh Bảy xe ôm run cầm cập, hai hàm răng gõ vào nhau nghe lanh canh.

- Anh ăn tạm bắp luộc cho ấm bụng. Anh đừng ngại, ăn đi rồi trừ tiền xe ôm cho em.

Anh Bảy cười. Nụ cười hiền khô. Tay cời trong tay Liên bung lửa, bông lửa nổ lép bép làm mặt anh Bảy giãn bung.

- Tết nhất rượt sau lưng rồi, cô Liên hé!

Anh Bảy dợm dợm trên chiếc ghế nhựa cũ. Bắp ngô luộc hết veo. Vào hàng ngô của Liên, bao giờ anh Bảy cũng gọi bắp nướng, mà là bắp nguyên bẹ. Anh ngồi sát bên chậu than, cầm thanh cời phụ Liên nướng bắp. Có bữa thêm khách, anh cứ lần lữa, nhường hết người này đến người khác. Liên nóng ran mặt khi nhìn anh Bảy tíu tít chào mời, nhanh nhẹn gói bắp vào giấy báo. Khách ra về không quên nói với một câu: “Cô cậu bán hàng vui ghê!”.

Liên bó gối ngồi nhìn vào màn đêm sâu hút. Hơi thở trắng khói tan loang:

- Tết rượt mình rồi anh Bảy hé! Mình ráng bán thêm mấy ngày, gom tiền gửi về quê rồi sang năm tính tiếp.

Giọng Liên nhẹ bẫng. Nghe buồn như con nước mùa rọc. Anh Bảy xoa xoa đôi bàn tay nổi đầy mẩn chai, cười:

- Tui tính để mình tui mấy ngày tết chạy qua, chạy lại coi giùm nhà cho cô Liên. Có ít tiền dành dụm, tui cho Liên vay, về quê một chuyến cho đỡ tủi. Cô Liên thấy răng?

Liên nhìn vào bông lửa nổ tí tách theo tay cời, đôi mắt ngân ngấn nước. Cô nói, giọng thoảng như cơn gió chập chiều thổi tràn qua bãi:

- Liên vẫn còn gắng được, anh Bảy à. Tết nay, xóm trọ mình phải gom tiền để nấu nồi bánh chưng, quây quần nhau lại để có cái mà thắp hương cho ông bà, anh Bảy hé!

Liên cúi mặt, giấu nụ cười thẹn thùng vào ánh lửa leo lét.

Ngoài kia, trời lắc rắc mưa. Nghe như là mưa xuân!

Cuối năm mưa lạnh

12/2014

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast