Năm mới với thơ chúc Tết của Bác Hồ

(Baohatinh.vn) - Có lẽ trên thế giới cho đến nay, cũng như theo chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam chưa có một vị lãnh tụ nào như Hồ Chí Minh.

Người vừa là lãnh tụ thiên tài, vừa là nhà thơ lớn, đặc biệt, cứ sang năm mới lại có thơ chúc Tết gửi tặng đồng bào, chiến sĩ. Từ năm 1942, trở về nước lãnh đạo cách mạng đến năm 1969, khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta, con cháu của dân tộc ta một di sản quý báu gồm 22 bài thơ chúc Tết với một mong ước, một niềm tin xuyên suốt: Năm mới, tiến bộ mới. Các bài thơ chứa đựng trong đó những phong tục, tập quán đẹp và thiêng liêng như là khai bút đầu xuân, lời chúc tốt lành, lời dự báo, lời tiên tri sáng suốt:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta.

Thơ chúc Tết của Bác Hồ đa phần có nguồn gốc ca dao, tục ngữ nhập vào cách cảm, cách nghĩ của dân gian, mang đậm hồn xuân, chất xuân; ngập tràn trong không khí Tết với hoa nở, cờ hồng; với cách gọi năm mới theo âm lịch: Nhâm Ngọ, Bính Tuất, Đinh Hợi, Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần… Nhờ thế mà, thơ chúc Tết của Bác đi vào lòng người từ em bé đến cụ già.

Năm mới với thơ chúc Tết của Bác Hồ ảnh 1

Ảnh tư liệu

Thơ chúc Tết của Bác có nội dung tư tưởng lớn, vừa mang tính thời sự, vừa hợp với quy luật của thiên nhiên, của xã hội, nhẹ nhàng đi vào trái tim con người, rồi trở thành một sức mạnh, một niềm tin bao la. Suốt mấy chục năm ấy, cứ độ xuân về, Tết đến là toàn dân đều mong thơ chúc Tết của Bác. Việc đọc thơ Bác, nghe thơ Bác, ngâm thơ Bác trong dịp Tết không chỉ là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo mà còn là ước vọng, là niềm tin về một dự báo tốt lành trong năm mới, về một cuộc sống bình yên, về những khát vọng và hoài bão của mọi người con đất Việt.

Hai mươi hai bài thơ, mỗi bài một nét đẹp, có cái hay riêng nhưng nét chung là: Năm mới thắng lợi mới.

Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa.

Tính triết lý, thực tiễn; nhiệm vụ và phương châm hành động cách mạng được Người đưa vào thơ chúc Tết vừa nhẹ nhàng, vừa thôi thúc mạnh mẽ; cũng là lời kêu gọi, lời hiệu triệu toàn dân đồng hành với xuân tiến lên giành thắng lợi trong năm mới.

Vì độc lập vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Song không chỉ thế, thơ chúc Tết của Bác là một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thiên nhiên với con người. Với bổn phận của mình, con người tự giải phóng con người, nhưng còn phải vun đắp, bảo vệ cho thiên nhiên ngày một tươi đẹp để xuân càng xuân hơn, xuân mãi là xuân của đất trời. Đến hôm nay, vấn đề môi trường đã thành vấn đề lớn của thời đại, nhưng từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã dùng thơ để phát động phong trào trồng cây. Tết trồng cây được thế giới xem như là một sáng kiến mang tầm lịch sử về bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của nhân loại. Từ đó đến nay, Tết trồng cây đã trở thành tục lệ và nét đẹp truyền thống của dân tộc ta.

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Tính trường tồn trong thơ xuân của Bác Hồ còn là ở sự bình dị, dân dã, lạc quan trong cuộc sống đời thường của một vĩ nhân, thể hiện ở những vần thơ Người viết cho mình.

Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên.

Nhớ lại những năm nào xuân về được nghe thơ Bác, nay tuy không còn nhưng những kỷ niệm ấy, những vần thơ ấy vẫn rạo rực trong lòng mỗi người. Kỷ niệm 125 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ Bác, nhớ đến những vần thơ chúc Tết của Bác, vẫn như thấy Người đang đồng hành với mùa xuân, với dân tộc, đang vẫy gọi và mang xuân đến cho mọi nhà, chúc mọi người năm mới, tiến bộ mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast