Nắng bên sông

(Baohatinh.vn) - Bến sông ấy chiều nay ngừng gió!

Ngày thường, gió thi nhau trườn qua bãi dâu xanh ngợp mắt, ùa vào các ngõ xóm hút dài của ngôi làng chị sống. Những cánh tay gió trần truồng, mơn trớn trên những mái nhà tranh ủ khói thơm nồng.

Nắng bắt đầu đổi màu. Nắng dịu dàng, tươi mới. Nắng soi rõ ngón chân choãi ra của người đàn ông nghèo hèn; ngón chân thon nhỏ, mịn màng của những cô thiếu nữ; ngón chân dày như ăn vào cát của những người đàn bà đã trượt sang bên kia dốc của cuộc đời…

Minh họa của Huy Tùng

Minh họa của Huy Tùng

Và, những ngón chân của chị! Những ngón chân trắng, thon dài, ngón chân ngỡ như không bao giờ chạm đất, lướt nhẹ nhàng trên triền sông mướt mát, thẫm xanh!

* *

*

Tôi quen biết chị. Đó là một ngày tháng mười hai mưa dầm và rét cắt da của mười năm về trước. Lúc bấy giờ, tôi còn là một cậu bé học lớp chín, về ở cùng bà ngoại ở làng Thịnh Xá mà sau này tôi quen gọi là làng Sông. Đó là một ngôi làng đẹp và yên bình. Mỗi năm, triền cát chạy dọc bờ sông lại kéo làng rộng ra một ít. Phù sa bồi đắp cho cây trái tốt tươi, xanh mỡ màng mỗi khi xuân sang, hạ về.

Thịnh Xá chuyên làm nghề thủ công. Những con đường nhỏ với hàng rào cây mạn hảo được cắt tỉa phẳng lì bao quanh những xưởng dệt mành, dệt thảm với hàng trăm cô gái đẹp, khéo tay, mềm mại… Làng Thịnh Xá không những nổi tiếng với sản phẩm thủ công mà còn được biết đến với con gái đẹp nức tiếng khắp vùng. Quả thật, không có nơi đâu lại có nhiều người đẹp như ở làng Thịnh Xá. Con gái thướt tha chao thùng trên bến nước, bắp vế trắng hồng trên thảm nước ngát xanh; con gái rũ tóc dài đen nhánh, cần cổ ngó sen mềm mại trên sắc chiều rụi tím… Sáng chiều tắm đẫm dòng nước trong xanh của dòng Phố Giang nên thơ, thả hồn trong những tấm mành vẽ phượng thêu hoa, thú thật, gái Thịnh Xá có nét đẹp rất riêng mà không vùng quê nào có được!

Ấy là quê ngoại của tôi! Một vùng quê yêu dấu đã ăn vào máu thịt, đã theo tôi suốt cuộc đời.

Tôi về ở cùng ngoại và dì để ôn thi chuyển cấp. Dì hai mươi bốn tuổi, xinh tươi và vui tính. Có lần, tôi khen dì đẹp, dì xì một tiếng rõ dài, búng vào mũi tôi: “Nhóc con!”. Dì là thợ dệt mành giỏi có tiếng. Bà tôi thương, muốn dì lập nghiệp ở thành phố để sau này con cái đỡ khổ, nhưng dì kiên quyết ở lại. Dì nói, dì không thể xa ngoại, xa bến sông. Một bến sông tím bời khi hạ sang và rực vàng hoa cải mỗi độ xuân về!

Một sáng, khi ông mặt trời mới kịp nhô lên một chỏm tóc rực rỡ trên nền sông, khi tôi còn cuộn mình trong chăn ấm, đã nghe tiếng dì:

- Vỹ, dậy đi nhóc! Có muốn theo dì đến xưởng dệt không?

Tôi bật dậy. Ngơ ngác nhìn dì. Tôi vẫn còn một đống bài tập chưa làm. Với lại, xưởng dệt nơi dì làm việc toàn con gái… Tôi do dự, nhưng không đi thì thật là tiếc. Bởi từ lâu, tôi đã muốn được chiêm ngưỡng những đôi tay mềm mại, khéo léo lướt trên thảm dệt, muốn được ngắm nhìn những khuôn mặt xinh như hoa của con gái làng Thịnh Xá, quê ngoại thân yêu của tôi.

Tôi lấy hết can đảm, quyết định đi theo dì. Tôi chở dì trên chiếc xe đạp phượng hoàng với hai bàn đạp giơ ra nhọn hoắt. Tôi hồi hộp và đỏ ửng mặt khi tưởng tượng ra cảnh một thằng con trai lớn tồng ngồng xuất hiện trong xưởng dệt của những cô gái còn rất trẻ.

Dì cẩn thận khóa xe vào hàng rào cây mạn hảo. Tôi bám đuôi dì như cậu bé lần đầu theo mẹ đi chơi. Dì giới thiệu tôi với mọi người. Tôi rụt rè ngồi xuống bên dì, nghe đâu đó tiếng thì thầm to nhỏ của các dì, các chị. Họ khen tôi đẹp trai như tài tử điện ảnh. Tôi đỏ mặt, cúi đầu xấu hổ.

Dì cho len vào sót. Những chiếc sót to quấn đầy len, đủ màu xanh, đỏ, hồng, tím… trông rất vui mắt. Xưởng dệt rộng với gần hai trăm máy dệt. Mỗi máy có hai người, chân đạp vào trụ dệt, tay kéo cần dệt. Những đôi tay thoăn thoắt nối len, cắt len thừa và những chỗ dệt bị xù lên. Mỗi máy có các mẫu dệt khác nhau nhưng chủ yếu là phong cảnh quê hương, làng xóm. Nhiều nhất là hình ảnh dòng sông ở nhiều góc độ, nhiều màu sắc khác nhau. Tôi bị choáng ngợp trước những tác phẩm nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Dì tôi kể, các mặt hàng của xưởng thủ công làng Thịnh Xá được xuất khẩu đi nhiều nước. Hàng bán chạy, nhiều lúc, thợ dệt phải tranh thủ làm cả ban đêm.

Các cặp dệt đã ngồi vào chỗ. Tiếng cần dệt kêu khật khật, tiếng con sót chạy róc rách như âm thanh của con suối mùa cạn nước. Phút chốc, xưởng dệt ầm ào, thở phì phạch. Bụi len đủ màu thi nhau nhào lộn trong không gian bỗng trở nên quá chật.

Bạn dệt của dì đến trễ mười lăm phút. Chị đến, góc phòng bỗng sáng bừng lên. Tôi kéo ghế ngồi vào góc khuất, nhường chỗ cho chị.

Chị mỉm cười, xoa đôi bàn tay với những ngón tay trắng hồng, dài và đều ngăn ngắt lên mái đầu cua ngắn củn cỡn của tôi. Một mùi hương dịu dàng khó tả từ đôi bàn tay ấm áp của chị… Mùi hương ấy như là nắng, lung linh trên hàng mạn hảo với lấm tấm những nụ hoa xanh diệu vợi.

Tôi ngồi trong góc phòng của xưởng dệt ầm ào tiếng máy. Tôi ngồi ngay đơ, không dám ngắm nhìn người ngồi bên cạnh dì. Dù vậy, từ góc phòng đó, một thứ ánh sáng diệu kì vẫn lan tỏa và làm tôi ngợp mắt.

Đêm ấy, tôi không ngủ được. Chập chờn trước mắt tôi là một đôi mắt với ánh nhìn thảng thốt, ánh nhìn đẹp nhưng buồn đến nao lòng. Đôi môi chị mọng đỏ, mơ màng giữa một làn da trắng xanh, tinh khiết như màu ngọc bích. Tự nhiên, tôi nảy ra ý muốn, một ý muốn thiết tha là được vẽ chị. Tôi muốn được vẽ chân dung của chị, chị Ngọc ơi!

* *

*

Cuộc sống mưu sinh đầy khó nhọc đẩy ước mơ cuồng si của tuổi trẻ về tận cùng ký ức. Làng Sông trong tôi chỉ còn là ám ảnh, ám ảnh về những người ruột thịt. Thú thật, tôi đã quên chị, bỏ quên thật lâu trong ký ức ước muốn thiết tha được vẽ chân dung của chị.

Dì đón tôi ngay bến sông. Nhìn dáng đi tất tả, mái tóc rụng vót ngọn, chẻ hoe vàng, tôi biết, cuộc sống của dì vất vả nhiều hơn trí tưởng tượng của tôi.

Tôi về, dì mừng lắm. Dì ôm lấy tôi, đôi mắt ực nước, long lanh.

Dì dọn cơm ra chiếc mươn gỗ bóng nước. Trăng giữa tháng viên mãn trên cây vú sữa mướt mát. Tôi đưa mắt, như tìm kiếm một vật gì thân thuộc:

- Nhà mình không còn hàng mạn hảo nữa, hả dì?

Dì cười buồn, đôi mắt nhìn xa xăm:

- Ngoại mất, xưởng dệt không còn, dì phải chuyển qua nghề đan nón lá. Nhà chỉ có một khoảnh đất, mạn hảo dì chặt đi để trồng rau.

Dì cười buồn. Tôi bật người trên ghế. Ký ức như một cuộn phim, chầm chậm đưa tôi về với ngày xưa, khi tôi còn là một cậu học sinh trung học. Tôi hỏi dì về chị Ngọc, về người con gái đẹp nhưng u buồn trong xưởng dệt của làng Thịnh Xá bên sông.

Dì kể, ngày xóa bao cấp, xưởng dệt của dì không trụ được. Hàng bán đi không đủ trả lương cho thợ. Nhìn những máy dệt nằm im lìm, mốc gỉ mà lòng đau hơn xát muối. Rồi, đành mỗi người mỗi ngả tìm kế sinh nhai. Chị Ngọc theo đò dọc đi buôn chuyến, xuôi tận thành Vinh để đổi hàng. Chị gặp và yêu một người tài xế Bắc - Nam. Hai người có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh. Cho đến một ngày, chị Ngọc phát hiện ra anh chồng đã có vợ ở quê. Chị đau đớn tìm đến tận nơi, nhìn tận mắt cảnh nheo nhóc của người vợ đã lớn tuổi và bốn đứa con gái sàn sàn nhau của anh chồng tiêu tiền không biết xót. Trước mắt chị, hình ảnh người đàn ông ăn mặc chải chuốt, sành điệu, nhòe nhoẹt, chịu chơi bên người vợ tàn tạ và đám con nheo nhóc. Chị ôm con về làng Sông, làm đủ nghề để sinh sống. Trời thương hai mẹ con, thằng bé hay ăn, lớn nhanh như thổi. Bây giờ, nó đã có thể phụ mẹ chèo thuyền qua bên kia sông.

Dì cười, khoe hàm răng đều như bắp và lúm đồng tiền xoáy hút bên má. Tôi như thấy lại cả tuổi xuân yên bình và hạnh phúc của những người con gái xinh đẹp và nết na của xưởng dệt làng Thịnh Xá… Thấy lại chị Ngọc, đẹp nồng nã trong buổi chiều nhàn nhạt nắng, trong sắc xanh của hàng mạn hảo dài ngút mắt. Và, cả ước mơ cuồng si của cậu con trai mười lăm tuổi, ước mơ được vẽ chị bên bến sông quê!

Dì đưa tôi ra bến.

Bến sông bời một màu cải vàng. Màu cải vàng ngút mắt!

Và, những ngón chân của chị. Những ngón chân trắng thon dài, ngón chân ngỡ như không bao giờ chạm đất, lướt nhẹ nhàng trên triền sông mướt mát, thẫm xanh!

Cuối năm 2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast