Ngày đầu tiên vào lớp một

(Baohatinh.vn) - “Ngày mai là ngày khai trường rồi, các em sẽ được vào lớp một. Đúng 6h sáng, các em tập trung tại sân kho hợp tác này để thầy đưa tới lớp. Nhớ đưa đầy đủ sách vở, bút mực và mặc quần áo sạch sẽ”.

Khi thầy Thái Khắc Vị nói chưa dứt lời, bỗng dưng, thằng Danh ngồi cạnh tôi khóc nức nở. Thầy đến bàn chúng tôi và hỏi Danh: “Làm sao em khóc?”. Cu cậu đứng dậy lấy vạt áo lau nước mắt: “Em nhớ thầy ạ, vì từ nay trở đi, thầy không dạy chúng em nữa”.

Thầy Vị cười: “Ô hay! Thầy không dạy thì có thầy khác dạy, em lo gì!”.

Ngày đầu tiên vào lớp một ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

Bỗng dưng, tôi cũng bật khóc, khóc to hơn cả thằng Danh, rồi thằng Vực, thằng Sước, thằng Dùng, con Hải, con Thành đều òa khóc... Đứa nào cũng khóc to, gào to, khiến thầy Vị không thể nào dỗ được và khóc theo trò. Mãi đến lúc người chăn bò lùa đàn bò về chuồng, chúng tôi mới được thầy Vị “làm tốt công tác tư tưởng”, đó là thời khắc 4h chiều 4/9/1964. Tôi đã mang theo suốt đời “giọt lệ mùa thu” ấy.

Ấy là một sáng mùa thu đẹp, thầy Vị đưa tất cả chúng tôi tới trường. Thầy rất hài lòng, bởi đứa nào mặt mũi cũng tinh anh, sáng sủa, tươi cười, dầu lúc đó, trong nhóm bạn tôi, nhiều đứa vẫn đi chân đất, mặc quần áo vá.

Trường phổ thông cấp 1 xã Sơn Thủy đóng tại đồi Cơn Lả, đó là khu đồi rộng khoảng 1 ha đã được dựng lên đủ 4 phòng dành cho 4 lớp (1, 2, 3, 4) bằng tường đất và mái lợp bằng lá cọ. Cảm giác sung sướng đầu tiên của tôi là tận mắt nhìn thấy những hàng trẩu xanh non trùm bóng mát, bên cạnh là hào giao thông từ hai phía dẫn ngay vào lớp. Các anh chị từ lớp 2 đến lớp 4 tung tăng hết chơi trò nhảy dây lại đánh kiện. Đúng giờ khai giảng, cô hiệu phó lên điều khiển chương trình. Tất cả các lớp đứng thứ tự thành hàng dọc trước sân để làm lễ chào cờ và hát Quốc ca rất dõng dạc.

Sau lời dặn dò của thầy Hiệu trưởng Trần Đình Long, tôi cùng các bạn được thầy giáo mới Lê Huy Tuấn sắp xếp chỗ ngồi. Hồi ấy, tôi và thằng Dùng nhỏ tuổi và bé nhất lớp nên được “ưu tiên” ngồi bàn đầu. Chẳng thể ngờ, buổi học đầu tiên, trong phần “Tập đọc”, tôi lại được thầy Tuấn gọi đọc bài “Ngày khai trường”. Mặt đỏ bừng, tim đập thình thịch, gần một phút trôi qua, tôi vẫn chưa mở miệng được. Thầy Tuấn nhẹ nhàng: “Em Cải cứ bình tĩnh đọc đi!”. Được thầy động viên, tự nhiên, sự lo lắng bỗng dưng biến mất, tôi đọc khoan thai: “Con chim chích chòe đậu xuống cành bưởi, nó hót một hồi dài, như muốn đánh thức Tâm dậy. Nhưng chích chòe đã nhầm rồi. Hôm nay là ngày khai trường, Tâm dậy sớm hơn cả chích chòe...”. Cả lớp im phăng phắc, tiếng tôi lên bổng, xuống trầm hồn nhiên, trong trẻo. Bài tập đọc vừa dứt, trong lớp, nhiều ánh mắt chăm chú nhìn tôi. Thầy Tuấn nói: “Em đọc rất khá, thầy mong cả lớp đọc được như em Cải”.

Nghe thầy Tuấn khen, tôi lại giàn giụa nước mắt, bởi được như thế là nhờ thầy Vị đã dày công rèn đọc cho tôi suốt 1 năm.

Buổi học ấy tưởng êm ả trôi qua, nào ngờ, sau giờ ra chơi, đến giờ viết chính tả thì không thấy lọ mực tím đâu vì tôi đã đánh mất tự lúc nào. Khi cả lớp đang lần lượt mở vở, tôi lại trầm tư ngồi cắn bút. Bỗng dưng thằng Dùng nhanh nhảu: “Nếu cậu quên đưa thì mực của mình đây, cậu cứ lấy bút nhúng vào mà viết cho kịp”. Nghe Dùng nói thế, tôi lấy chiếc bút lá tre của mình xin mực bạn để viết...

Hôm đó, tan trường, không ngờ thầy Vị vẫn đợi để đưa chúng tôi về. Thấy tôi mặt ỉu xìu, thầy ngạc nhiên hỏi. Tôi thành thật kể cho thầy nghe, lúc sáng bỏ vào cặp không cẩn thận nên đã đánh rơi lọ mực, về nhà, sợ cha mắng... Thầy Vị bảo: “Em cố gắng học giỏi, chứ mực chẳng lo. Thầy sẽ cho em lọ mực vừa mới mua ở cửa hàng hôm qua…”. Nói rồi, thầy rút trong chiếc xắc vải đưa cho tôi. Tôi mừng rỡ, nhảy lên ôm lấy cổ thầy.

Những kỷ niệm về ngày khai giảng đầu tiên, mỗi lần nhắc đến khiến tôi lại rưng rưng.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast