Nghĩ khác một chút về Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Từ trước đến nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà không hiếm những công trình nghiên cứu cũng như sách hướng dẫn giáo viên giảng dạy về Truyện Kiều đều mặc định một cách nghĩ xơ cứng, giáo điều, khuôn sáo.

Ví như Truyện Kiều có 2 tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Nhân vật chính diện thì tuyệt vời, tốt đẹp, nhân vật phản diện thì ngược lại. Bao nhiêu mỹ từ chúng ta huy động để ngợi ca nhân vật chính diện, ngược lại, dùng hết những từ ngữ xấu xa để khoác cho nhân vật phản diện. Đã là Hồ Tôn Hiến thì xấu xa “bỉ ổi", hám sắc “ngây vì tình”, “nhỏ nhen, thấp kém”, dụ Kiều khiến Từ Hải chết đứng...

Nghĩ khác một chút về Truyện Kiều ảnh 1

Phần thi của các trường học trong Hội thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều do UBND huyện Nghi Xuân tổ chức

Trong văn bản tác phẩm, Nguyễn Du dành cho Hồ Tôn Hiến đâu chỉ có bấy nhiêu tính cách đê hèn, bỉ ổi. Hồ Tôn Hiến xuất hiện trong thơ Nguyễn Du là: “Quan Tổng đốc trọng thần”, có danh, có phận, có tài năng xuất chúng “kinh luân gồm tài”. Điều đặc biệt ở vị quan này là biết vị thế của mình và còn chút liêm sỉ của một ông quan to trong triều, còn lo sợ: Quan trên ngó xuống, người ta trông vào mà lo lắng, khép nép giữ mình:

Nghĩ mình phương diện quốc gia

Quan trên ngó xuống, người ta trông vào.

Còn khoảnh khắc nghe Kiều đàn: Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình, Hồ Tôn Hiến có đáng để hạ bút chê là “mặt sắt” lạnh tanh nhưng “háo sắc” không; hay là chúng ta phải cảm nhận ở đó một mặt là nhan sắc và tài đàn của Kiều làm xiêu đình đổ quán, nhưng mặt khác thấy được, sau cái “mặt sắt” ghẻ lạnh công cụ, vẫn có sự mềm lòng của Tổng đốc họ Hồ “ngây” trước cái đẹp. Mà còn “ngây vì tình” thì vẫn còn khấp khởi chút tình người chưa mất sạch.

Mã Giám Sinh, chàng sinh viên trường Quốc Tử Giám "Quá niên trạc ngoại tứ tuần/ Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" lại bị chê bai là “đỏm dáng”, “không đàng hoàng” mà sao không nghĩ rằng, dẫu xấu xa, ở y còn một chút lịch sự! Chúng ta quá nhấn mạnh đến tính cách mâu thuẫn giữa “lốt” nho sỹ bên ngoài và bản chất “buôn thịt, bán người” của chàng sinh viên họ Mã mà bỏ quên rằng, về thương trường, y sành sõi không dễ qua mặt; về ngôn từ, y cũng biết lựa lời để thương thuyết: "Rằng mua ngọc đến Lam Kiều/ Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường". (Bọn buôn người bây giờ liệu có hơn gì Mã?)

Cũng như vậy, có thể tất nhân tình cho Hoạn Thư không. Trong cái ghen hủy diệt của nàng cũng không thể phủ nhận sạch trơn về ý nghĩa bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Ngược lại, về nhân vật chính diện như Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân, chúng ta đã dành tất cả mỹ từ tốt đẹp cho nhân vật này. Có phải: Kiều mười phân vẹn mười không?. Có phải Kiều về tài, sắc, tình như ngọc không vết không? Yêu Kim Trọng, làm vợ Thúc Sinh, phu nhân Từ Hải, cuộc tình nào cũng hết mình.

Khi hướng dẫn giảng dạy đoạn trích Trao duyên, tác giả cuốn Bình giải 10 đoạn trích trong Truyện Kiều gán ghép cho Kiều bao nét tính cách. Nào là: “Kiều hết sức tôn trọng Thúy Vân, không hề ép buộc Thúy Vân”, nào là: “nàng tỏ ra bị động, lúng túng” vì “mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí” “trước sự việc thật là khó xử: đem duyên chị buộc vào duyên em”.

Sự thật đọc văn bản tác phẩm, chúng ta dễ dàng nhận thấy Kiều hoàn toàn chủ động. Người bị động là Vân chứ không phải là Kiều. Vân phải lấy người tình của chị, ăn ở, sinh con đẻ cái với người không yêu. Kim Trọng bị Kiều đặt vào hoàn cảnh đã rồi. Đến đây, Kim khác hẳn với một chàng thư sinh hào hoa, phong nhã, đáng yêu đã dệt nên mối tình Kim – Kiều trong sáng, thơ mộng, hiện diện là một chàng Kim mờ nhạt không cá tính. Không phải lấy con mắt hiện đại để soi xét, nhưng trao duyên cho Vân, Kiều không trao tình: Mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan, Kiều đã gán ghép Vân với Kim Trọng, một cuộc sống sắp đặt, mà chỉ có Vân và Kim Trọng mới cam chịu theo sự sắp đặt đó mà thôi!

Nghĩ khác một chút về Truyện Kiều ảnh 2

Thi dạy Truyện Kiều trên quê hương Nguyễn Du

Những nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du được khám phá, xây dựng đa chiều, đa dạng, phức tạp, chân thực như đời sống. Mặc định một cách hiểu, một lối mòn giảng dạy, chúng ta đã xa rời văn bản tác phẩm, làm xơ cứng, nghèo nàn tác phẩm văn học.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện một cách sâu sắc NGHỊCH LÝ GIÁ TRỊ. Những giá trị vĩnh hằng của con người như TÀI, TÌNH, SẮC trong một xã hội phi nhân văn, nhân tính, xã hội kim tiền ngự trị, trở thành nghịch lý xót xa. Tài trở thành tai họa, nhan sắc bị vùi dập, tình sợi dây oan trái. Khi CON NGƯỜI trở thành hàng hóa, đưa ra thị trường “cân sắc, cân tài”, ép giá “cò kè bớt một thêm hai”, “ngã giá” buôn bán, cảnh báo một xã hội suy đồi, không gì cứu vãn được.

Giá trị nhân văn, nghĩa vĩnh hằng và nóng hổi tính thời sự từ những vấn đề Nguyễn Du đặt ra trong Truyện Kiều không thể chối cãi. Truyện Kiều luôn nóng và mới. Vì nóng và mới nên không thể áp đặt một lối tiếp cận cũ, sáo mòn.

Hương Sơn, tháng 10/2015

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast