Nghiệp chữ

Người bác sĩ điều trị cho Trọng lại đến, nở nụ cười thật tươi, chào bệnh nhân của mình. Ông đã thăm khám cho anh suốt bao năm qua. Có năm anh nhập viện liên tục. Có nhiều lần, anh phải nằm viện điều trị cả mấy tháng ròng. Việc điều trị cho Trọng, với ông, chẳng phải dễ dàng, bởi anh mắc chứng suy nhược thần kinh khá nặng. Ông hiểu rõ là thần chết sẽ gặp bệnh nhân của mình bất cứ lúc nào, nếu con người này không hạn chế việc suy nghĩ.

Người bác sĩ bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Ông ta cúi xuống giường, trong lúc Trọng gắng gượng ngồi dậy. Anh cố đến mấy bận, nhưng chẳng thể nào nhấc nổi người lên.

Bác sĩ xua tay, ôn tồn, bảo:

- Anh nằm xuống đi. Đừng cố, tôi biết anh chẳng thể mà!

Hướng ánh nhìn yếu ớt về người bác sĩ, Trọng thều thào, giọng nói hôm nay có phần ấm nóng hơn:

- Tình trạng sức khỏe của tôi vẫn ổn chứ, thưa bác sĩ?

Thay vì trả lời liền, người bác sĩ áp ống nghe vào bệnh nhân của mình. Ông có vẻ chăm chú. Một lúc sau, ông vỗ vai Trọng, vẻ mặt vẫn thản nhiên như ngày nào.

- Sẽ ổn thôi! Nhưng anh nên tập cách bớt suy nghĩ đi! Nếu anh không muốn mình phải nằm bẹp dí trên giường bệnh mãi thế này.

- Vâng. Cảm ơn! Thưa bác sĩ.

Người bác sĩ nhìn anh. Đôi mắt bình lặng, kín đáo:

- Anh vẫn chưa hạn chế được việc suy nghĩ?

Trọng ngập ngừng:

- Dạ… thưa bác sĩ…

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Người bác sĩ bỗng chau đôi mày. Từng vệt cơ mặt đùn lên, nhăn nhúm. Ông vừa thăm khám xong, biết sự diễn biến và tiến triển của căn bệnh. Không có gì thay đổi khác so với những lần thăm khám trước đây cả. Mà ngược lại, bệnh nhân của ông có dấu hiệu trầm trọng hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân vẫn chưa chịu nghe lời khuyên của ông.

Người bác sĩ bất chợt nhớ lại hôm tiếp xúc với người nhà của bệnh nhân. Sau khi hỏi lí lịch, ông được biết anh ta là nhà văn. Không hiểu sao hôm ấy, ông bỗng nhiên có sự linh cảm nghề nghiệp rất lạ. Và sự linh cảm đó hôm nay đã diễn ra. Cái khó trong việc điều trị là ông phải tìm mọi cách khuyên bệnh nhân của mình bớt đi sự suy tư, chứ không phải là ở việc kê đơn, dùng thuốc.

Nhưng làm sao có thể khuyên được một con người mê nghiệp chữ đừng suy nghĩ trước cuộc đời? Con người, sống mà không được suy nghĩ, đời sống đó khác gì đời sống thực vật đâu! Vả lại, anh ta là giống người thèm suy nghĩ. Bắt buộc anh ta đừng suy nghĩ nữa, thật khác gì không cho anh ta được hít thở không khí.

- Thật ra anh đang nghĩ nhiều về cuộc đời này. Nhà văn thường thế cả, tôi hiểu. Nhưng anh phải nghe theo ý tốt của tôi, hãy cứ thử để đầu óc mình trống rỗng một lần xem. Tôi cam đoan, anh sẽ nghe thấy dấu hiệu tích cực của cơ thể.

Nghe bác sĩ nói, Trọng vừa vui, vừa buồn. Nhưng rồi chẳng biết mình vui, buồn về điều gì nữa? Chỉ ngay khoảnh khắc này đây, cái từ “nhà văn” khảm vào tâm hồn anh một thứ cảm giác không định hình, rõ nét. Nó không hẳn là nỗi buồn. Nó cũng không hẳn là niềm hạnh phúc. Nó chẳng phải điều gì đó khiến mọi người quan tâm. Nhưng nó cũng chợt lóe sáng một điều gì đó như có thứ ma lực đủ sức thu hút kẻ khác.

- Tôi không nghĩ mình là nhà văn, thưa bác sĩ. Thật sự là tôi thèm nghĩ, thèm viết, thế thôi! Có lẽ, tôi đã mê nghiệp chữ rồi? Mà đã là nghiệp thì đến chết không bỏ được, bác sĩ à!

Vừa dứt lời, bỗng nhiên Trọng thấy mình lạ lắm! Anh biết mình viết bằng lòng đam mê, dâng hiến cho cuộc đời những niềm vui, nỗi buồn chứ không phải vì muốn thành nhà này nhà nọ mà cầm bút. Rồi anh lại nhớ những lần hoàn thành một tác phẩm nào đó. Với anh, nó là kết quả của những tháng ngày mà anh đã nhẫn nại quan sát cuộc sống diễn ra xung quanh; vừa thầm lặng, trải nghiệm, ngẫm ngợi vừa tưới tắm cả mồ hôi lẫn nước mắt, đôi khi còn có cả máu ở đó.

Trọng luôn luôn cảnh giác mình. Anh rất sợ sự hời hợt trong nếp nghĩ khi đối diện cuộc sống đa chiều. Anh thật sự lo lắng một ngày nào đó tim mình dửng dưng trước nhịp đập của cuộc đời này.

- Nhưng anh phải sống! Sống được, rồi mới viết chứ? Có ai chết mà viết được nữa đâu? Anh nên hiểu sự suy nghĩ của con người cũng giống như một loài sinh vật sống; nó cần sự ăn uống, tiêu hóa và nghỉ ngơi hợp lí.

Không phải là Trọng không hiểu ý tốt của bác sĩ. Cũng không phải là Trọng không nhận thức được cơ thể của mình có dấu hiệu kiệt sức, khi anh mải suy nghĩ trước cuộc đời. Thật ra, nhiều lần anh đã có ý định muốn dừng lại. Nhưng anh chẳng thể! Nó cũng giống như căn bệnh nan y của anh, muốn trị khỏi cũng không thể điều trị được nữa rồi.

Những ngày nằm viện để điều trị, anh thường hay ngắm nhìn thân thể mình gầy nhom, bao bọc trong một làn da xanh xao. Dấu hiệu của cái chết đang rình mò, có thể đến bất cứ khi nào. Anh thật sự sợ hãi. Nhưng khi tia nắng đầu ngày lên, nỗi hãi hùng bám riết lấy anh như bóng ma trong đêm tối bỗng tan biến. Cuối cùng, xung quanh anh, không còn gì cả, chỉ còn một nỗi khát khao được nghĩ và được viết.

- Thưa bác sĩ, tôi cũng chẳng thể biết mình còn kéo dài thời gian sống bao lâu. Nhưng nếu phải thôi đi sự suy tư, có lẽ tôi không còn ý nghĩa để sống…

“Mình đang đánh đổi cái chết để lấy sự đam mê chăng? Nào phải thế đâu! Mình đang không dễ dàng ném mình vào sự tuyệt vọng. Càng không dễ dàng thoát ra khỏi cuộc sống với bao cảnh đời của nó đang diễn ra trước mắt, thế thôi. Cuộc đời thường thế phải không? Nếu nó bắt đầu là một màn bi kịch thì cũng sẽ kết thúc bằng một màn bi kịch. Trước mắt mình giờ đây cái chết cứ như là đám sương mù lơ lửng nhưng bỗng chốc nó lại như một làn nắng sớm giữa ban mai”.

Trọng không muốn chấm dứt cuộc đời vào lúc này. Ý thức sống trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết! Ý thức sống đó thôi thúc anh phải quyết định nắm lấy vận mệnh mình. Được sống, phải thôi suy nghĩ, trở trăn. Và nếu tiếp tục suy tư trước đời, anh sẽ chết. Cái chết sẽ đến rất nhanh như tia nắng mai tắt trước bình minh.

“Mình sẽ dừng lại tất cả, cuộc đời sẽ kéo dài thêm ra? Hi vọng là thế! Điều đó có thể xảy ra lắm chứ? Nhưng tại sao mình lại hi vọng nhỉ? Mỗi ngày tia nắng sớm mang đến cho đời ánh bình minh. Còn mỗi ngày mình mang đến cho cuộc sống này được điều gì? Sống mà chỉ để đếm tuổi thì sống ích gì. Mình mà không được suy nghĩ nữa thì khác gì mình đã chết chứ?”.

Trọng nhìn người bác sĩ. Rồi nhìn ra bên ngoài. Buổi sáng ngập tràn sức sống với thứ âm thanh huyên náo vọng đến. Bốn bức tường vôi của căn phòng bệnh trắng toát, lạnh người.

Và lúc này, người bác sĩ tỏ ra quả quyết:

- Coi như đây là lần cuối cùng tôi khuyên anh. Anh hãy nhớ lấy điều này: Anh muốn sống thêm được vài năm nữa thì anh không được phép suy nghĩ! Chứng suy nhược thần kinh của anh đã đến lúc trầm trọng rồi.

Nói rồi, người bác sĩ bỏ đi.

Trọng nằm ngửa người. Mắt nhìn trừng trừng lên trần nhà. Cánh quạt nơi trần nhà cứ quay tròn. Khoảng không gian hình hộp của căn phòng có vẻ như đang biến dạng, méo mó. Bất giác hiện hình thù của một pho sách khổng lồ. Rồi đột nhiên, lại là một cỗ quan tài cỡ lớn. Cũng chỉ trong giây lát, tất cả bị xóa nhòa. Anh chẳng còn thấy gì cả, ngoài một mảng màu trắng lạnh…

*

* *

Trọng duy trì sự sống mong manh của mình bằng cách đợi chờ ánh nắng sớm. Đã gần một năm kể từ ngày bệnh viện trả anh về cho gia đình. Trọng nằm lì trên giường hằng ngày mong mỏi ánh ban mai đến. Khi ánh nắng của ngày thắp lên, anh được sống với bao hi vọng và cả sự tuyệt vọng. Đó là lúc anh rất sợ ngày vụt trôi nhanh và biến mất. Bóng đêm là ám ảnh hãi hùng nhất. Ám ảnh như một nỗi tai họa đang chờ chực trút xuống đầu bất kì lúc nào. Ban ngày là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà anh có được trong sự đợi chờ tưởng chừng vô vọng. Anh vẫn biết khoảng thời gian giữa ngày và đêm có tính chất nhất thời, không vĩnh viễn, bất tận. Nhưng sao bóng đêm là khoảng thời gian vô cùng, còn ánh sáng của ngày thì chóng tắt? Nó ngắn ngủi như cuộc đời anh. Anh còn nhớ rất rõ cái ngày cuối cùng nằm trong bệnh viện, con người anh khi đó phảng phất một thứ cảm giác lạ lùng, khó tả.

“Sao mãi đến giờ mà ánh nắng của ngày chưa đến nhỉ?”. Trọng nghĩ thế vì anh phỏng đoán trời đã sáng từ lâu rồi. Không hiểu sao, hôm nay, anh khao khát được nhìn tia nắng sớm đến vậy. Anh tự an ủi, vỗ về: “Một chút nữa thôi, tia nắng đầu ngày sẽ soi qua cửa sổ”. Nhưng sao lâu quá? Đợi mãi mà chẳng thấy!

“Mình mong muốn nó xuất hiện ngay lúc này. Không thể chờ đợi hơn nữa! Mình sẽ cùng nó đi suốt con đường trắng sáng, không để nó lịm tắt”. Chẳng ai có thể cầm được tia nắng của ngày đi trên mặt đất mãi. Nhưng anh khao khát thế!

Bây giờ, ánh nắng buổi sớm đã hắt qua cửa sổ, chiếu vào thân thể gầy nhom và soi rõ từng chiếc xương sườn lồ lộ dưới lớp da nhăn nheo của Trọng. Anh cảm thấy sự sống của mình đang chết dần, chết mòn. Một cái chết đang đến từ từ, xâm lấn dần dần từng tế bào và tâm hồn anh.

“Chết không có gì phải đáng sợ! Nhưng phải chết khi những ước ao, những hoài bão chưa thực hiện được đối với con người, đó là một tấn bi kịch” - Anh thường hay nghĩ thế mỗi khi đón ánh sáng đầu ngày. Rồi không hiểu từ lúc nào nữa, Trọng có thói quen nhìn chằm chằm vào tia nắng. Nhìn như người bị thôi miên. Khi đó, dù anh không có những nỗi tuyệt vọng, anh vẫn hay trầm tư, miên man: “Đời người là thế sao? Đời người cũng giống như tia nắng kia sao? Ánh lên rồi tắt! Nhưng trước khi tắt, tia nắng còn kịp phát ra thứ ánh sáng vàng rực rỡ. Còn cuộc đời mình thì không”.

Những lúc như thế này, Trọng ý thức rất rõ là mình chưa làm được gì nên chuyện cả. Mê nghiệp chữ mà chẳng viết được gì ra hồn. Thế là hỏng. Một nỗi buồn nào đó đóng cặn trong tâm hồn. Nó giày vò anh. Nỗi giày vò này ghê gớm hơn nỗi đợi chờ đón nhận cái chết đang đến từng giờ từng khắc.

Trọng trở mình, cố nghiêng người, rướn cánh tay trơ xương, đẩy cánh cửa sổ rộng thêm ra. Anh dõi theo tia nắng đang di chuyển, lo sợ tia nắng kia sẽ hút mất, nếu như anh không trông theo nó.

“Mình phải tiếp tục cuộc sống của mình. Đời sống của một con bệnh thần kinh đã đến thời kì kết thúc. Cuộc sống vẫn còn cần thiết ngay lúc này, khi còn được nghĩ và được viết”.

Ánh nắng ban sớm giờ đang di chuyển ra phía bên ngoài hiên. Nó đang dần dần đổi màu từ trắng sáng sang bàng bạc. Trọng với tay, nhưng không thể chạm được. Anh cảm nhận rất rõ điều đó. Rất rõ như anh nghe thấy từng vi tế bào sống của mình đang hoạt động trong cơ thể yếu ớt vậy.

Căn phòng đang ngập tràn ánh sáng bỗng phụt tối. Trong thoáng chốc, Trọng cứ ngỡ mình bị trôi lơ lửng giữa một vùng ánh sáng lờ mờ, trong sự tranh chấp quyết liệt giữa một bên là vân sáng với giữa một bên là vân tối. Anh nằm trên chiếc giường mà tưởng mình nằm trên một con tàu đang lao đi, băng qua giữa vùng sáng và vùng tối nào đó. Mọi cảm giác đau đớn bị ai đó lấy mất. Cái cảm giác đè nặng lúc này là nỗi lo sợ đến mức rợn ngợp. Sợ ánh sáng vàng tươi roi rói ban nãy mất đi. Sợ ai đó vô hình thay vào thứ ánh sáng nhợt nhạt, le lói…

“Những tia nắng của ngày đi qua đời mình càng ngày càng ngắn ngủi làm sao. Mình còn đón nhận được bao nhiêu lần như thế? Không biết rằng, đến bao giờ, cuộc đời mình rồi sẽ như thứ ánh sáng bàng bạc kia?”

Có lẽ, với Trọng, được nhìn thấy tia nắng sớm là được tiếp thêm sự sống. Cuộc sống của anh sẽ dừng lại một khi tia nắng kia tắt đi.

Trong cõi người này có nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Có ai giữ được tia nắng ban mai không tắt trước hoàng hôn? Cuộc đời con người đôi khi ngắn hơn cả tia nắng của ngày. Và những khát khao họ mang theo bên mình cũng thường hay ngắn hơn chính cuộc đời họ.

Đột nhiên, Trọng lại nghe thấy tiếng nói của vị bác sĩ điều trị cho mình: “Anh muốn sống thêm được vài năm nữa thì anh không được phép suy nghĩ! Chứng suy nhược thần kinh của anh đã đến lúc trầm trọng rồi”.

Tự dưng Trọng bật cười. Nhưng đôi môi nhợt nhạt run run, bất lực không bật ra thành tiếng. Anh chỉ nghe thấy vị đắng chát đang tiết ra từ nước bọt, tràn ở vành môi. Anh đang bị đặt trong một hoàn cảnh thật thảm hại. Thật là hạnh phúc cho anh biết bao khi anh được kết thúc sự sống tại thời điểm đó.

Một cuộc sống sẽ là không thể chịu đựng nổi đối với Trọng, nếu như anh không thể tiếp tục nghĩ và viết về những gì đang diễn ra hàng ngày trước mắt anh. Anh nhớ đã có thời anh vứt bỏ những lo toan đời thường, nhưng anh không thể thờ ơ, dửng dưng trước bức tranh cuộc đời muôn mặt. Cũng như, những tháng ngày nằm viện, Trọng có thể chịu đựng được những cơn đau hành hạ hết ngày này sang tháng nọ; nhưng anh không thể chịu đựng nổi một ngày nếu như anh không suy ngẫm, nghĩ ngợi trước cuộc sống. Huống chi giờ đây, anh nằm liệt trên giường. Đếm sự sống từng ngày bằng tia nắng sớm. Và còn có một nỗi đau lớn hơn khao khát được sống của những con người mang trên mình nghiệp chữ, là họ ý thức được rằng, mình không thể viết được nữa. Đây mới là tấn bi kịch thật sự ở họ. Bởi những con người mê nghiệp chữ, họ sẵn sàng trả giá bằng cái chết cho chính lòng đam mê của họ.

Trọng đưa tay lên đầu giường, lấy tập bản thảo viết dở. Anh lật từng trang một. Những hàng chữ nhòe đi trước mắt anh. Anh lật đến một trang trắng, nghiêng người, nằm viết tiếp.

Vợ Trọng mang cháo đến cho chồng. Chị cố nén tiếng thở dài khi thấy anh khó nhọc nằm trên chiếc giường, hí hoáy viết. Chị đứng lặng, không dám lên tiếng đường đột vì sợ phá vỡ sự tập trung của chồng.

Bỗng, Trọng ngẩng người lên. Vợ anh liền nhẹ nhàng nói:

- Anh vẫn gắng viết thế sao? Anh nên nghe lời khuyên của bác sĩ. Em nghĩ những điều bác sĩ nói là đúng. Nó rất cần thiết cho sức khỏe của anh. Nhất là những ngày này…

Trọng biết vợ anh không muốn anh theo nghiệp chữ. Nhưng vì không đành lòng ngăn cản niềm đam mê của chồng, đành phải chiều theo. Nhìn thân hình khô rạc của vợ run lên, Trọng không khỏi xót xa. Vợ anh khổ với anh quá nhiều rồi. Chưa một ngày nào, vợ anh được thảnh thơi với gánh nặng cơm áo gia đình, lại còn phải chăm sóc cho anh, lo lắng và suy nghĩ nhiều về anh. Anh nhận thấy mình chẳng khác gì là kẻ ăn bám, báo đời. Anh thương vợ bao nhiêu thì thấy bản thân mình có lỗi bấy nhiêu.

Trọng nhìn vợ hồi lâu, rồi nói:

- Em à! Anh không thể làm được đâu. Anh hiểu ý tốt của bác sĩ. Nhưng một ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà anh còn không thực hiện được thì khác gì mình đã chết. Anh phải tranh thủ viết em à. Anh sợ rồi ngày mai đây anh không viết được nữa!

Vợ Trọng đứng lặng. Gương mặt chị không biểu lộ một cảm xúc nào khác ngoài sự cảm thông và yêu thương. Chị chăm chú nhìn chồng đang cúi xuống, sì sụp húp tô cháo. Yêu thương, đau đớn, cả cảm giác của sự mất mát… như đang ùa về cùng một lúc.

Đặt tô cháo xuống giường, Trọng ra hiệu không thể ăn nổi nữa. Nhìn tô cháo còn hơn nửa, mắt chị đỏ hoe. Nhưng chị không muốn cho chồng nhìn thấy nên vội vã bỏ đi ra phía bên ngoài.

Trọng lại nghiêng người, tiếp tục viết. Những con chữ cứ tuôn trào như thác. Xác chữ hiện hình rõ ràng hơn bao giờ hết. Và anh thấy hồn cốt của đời nhập vào xác chữ. Tất cả những gì anh suy ngẫm, trăn trở bấy lâu nay bỗng thăng hoa, bay lên.

Đầu Trọng đau buốt. Những cơn đau về sau bao giờ cũng dữ dội hơn cơn đau trước.

Trọng linh cảm cái chết đã đến rất gần anh. Nó không muốn rời bỏ anh. Những tế bào bệnh hoạn mài mòn cơ thể anh đã đến hồi kết thúc rồi. Anh đang chạy đua với nó về phía sự sống từng giây từng phút. Nếu anh gạt bỏ đi sự ưu tư, trăn trở trước đời, may ra anh sẽ là người chiến thắng. Nhưng đến giờ anh vẫn là người cố chấp. Anh biết rõ cái đích mình đến là sự chết chóc, thế nhưng anh không hề run sợ, sẵn sàng đưa tay ra đón nhận lấy nó như đón nhận một thứ hạnh phúc trên cõi đời này.

Trọng cảm thấy mình mệt mỏi, không thể chịu đựng được nữa. Anh ráng sức, nhấc đầu lên, trông ra bên ngoài…

Ánh nắng ban sớm giờ còn một vệt nhỏ, hắt nơi góc khuất mái hiên. Nó sáng lắm! Trọng nhìn chói cả mắt. Nó như đang gom tất cả năng lượng của ánh mặt trời để chiếu sáng một lần, rồi từ giã kiếp nắng.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast