Người đi sông Đuống trông theo bóng người …

Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 6-5-2010 tại ngôi nhà nhỏ nằm trên đường phố Lý Quốc Sư (Hà Nội), nhà thơ Hoàng Cầm đã khép lại vòng đời nghiệp thơ để vào cỏi vĩnh hằng ở tuổi 89, để lại sự ngầm ngùi, tiếc nuối cho anh em văn nghệ sĩ, bạn bè và nhân dân.

Thi sĩ Hoàng Cẩm - Ảnh: Internet.

Thi sĩ Hoàng Cẩm - Ảnh: Internet.

Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo có nghề cổ truyền làm thuốc Bắc xa gần đều biết tới.

Thuở nhỏ Hoàng Cầm sáng dạ trong học chữ và giống như Lê Quý Đôn, học đâu nhớ đấy, học đâu thuộc đấy. Lúc lên chín tuổi đã có tài đối đáp ứng khẩu bằng thơ. Lòng yêu thơ yêu cha mẹ, gia đình và bạn bè quê hương, đất nước đã trở thành một tiêu thức cho người nghệ sĩ cầm bút và lên đường đi theo cách mạng.

Năm 1938- 1945, gia đình ông rời quê lên Hà Nội sinh sống. Lớn lên ông tham gia Việt Minh và đã được lớp thanh niên lúc bấy giờ bầu làm bí thư đoàn thanh niên cứu quốc. Năm 1947, Hoàng Cầm sau khi cưới vợ ông xung phong vào bộ đội. Bằng lòng nhiệt huyết và tài năng của mình, Hoàng Cầm đã sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao và tầm tư tưởng lớn. Ông không chỉ sáng tác thơ cho bộ đội đọc mà còn viết kịch bản và dạy anh em làm thơ, viết kịch tham gia đóng nhiều vai trong các vỡ diễn.

Thơ Hoàng Cầm như ngọn lửa ấm nồng trái tim chiến sĩ giữa núi rừng Tây Bắc giá lạnh. Ông được giao trọng trách làm trưởng đoàn văn công quản lý 15 người. Năm 1956, Hoàng Cầm chuyển ngành về Hội Văn nghệ Việt Nam, sau đó làm phó giám đốc nhà xuất bản Hội nhà văn (sau này là Nhà xuất bản văn học). Nghiệp cầm bút làm văn chương của ông cũng lên bổng xuống trầm khi Hoàng Cầm cùng với Trần Dần, Lê Đạt và một số nhà văn khác tham gia hoạt động trong nhóm Nhân văn giai phẩm…

Dù thế nào, ông vẫn là một nhà thơ cách mạng, một nhà thơ yêu nước, yêu nhân dân và trọn đời thuỷ chung son sắt với bè bạn. Xét về công lao và cống hiến nghệ thuật của nhà thơ Hoàng Cầm trong kháng chiến, năm 2007 ông đã được nhà nước trao tặng "Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật".

Thi sĩ Hoàng Cầm ăn sâu vào máu thịt nhân dân qua bài thơ "Bên kia sông Đuống" và bài "Lá Diêu Bông". Ông từng tâm sự với bạn thơ về bài thơ "Bên kia sông Đuống ": "Cái đêm tôi thức trắng để sáng tác bài thơ này khi ở núi rừng Tây Bắc xa xôi tôi nghe tin giặc về tàn phá làng quê. Tôi bỗng dưng nhớ quê hương quá, nhớ về con sông Đuống mà tuổi thơ tôi cùng bạn bè tắm, ngồi câu cá bên sông . Thế là cảm xúc trào dâng ..".

Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh... - Ảnh: Iternet.

Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh... - Ảnh: Iternet.

Tôi vẫn thường đọc và bắt gặp những bài thơ dài câu, dày chữ thường khó hay, ấy vậy mà bài "Bên kia sông Đuống" lại có một sự vượt trội khác thường. Bài thơ dài đến 6 trang nhưng câu nào cũng dồn nén tâm tư, lung linh con chữ như dòng sông Đuống mênh mông không vơi không cạn, cứ chảy suốt đời này sang đời khác. Người và cảnh trong thơ được hiện hữu bằng những nét chạm khắc độc đáo sâu sắc của âm điệu thơ, của nhạc thơ. Cái lạ của bài thơ phần kết thúc giống như chìa khoá mở của bài thơ: Bao giờ về bên kia sông Đuống/ Anh lại tìm em/ Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông/ Cười mê anh sáng muôn lòng xuân xanh…

Để rồi nhà thơ nhắc lại với người con gái trong thơ không buồn không sợ: Khi giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn: Ruộng ta khô/ Nhà ta cháy/ Lưỡi dài lê sắc máu/ Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang/ Mẹ con đàn lợn âm dương/ Chia lìa đôi ngã…

Nhưng bạo lực và vũ khí của quân giặc vẫn không phá được con sông quê, vẫn không làm nhụt chí người chiến thắng: Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…

Con sông quê hương mà tác giả khắc hoạ chính là cội nguồn văn hoá dân tộc: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...

Đọc lại " Bên kia sông Đuống" người đọc vẫn thấy đầy ăm ắp hơi thở của kháng chiến. Vẫn thấy mình được chiêm ngưỡng thú vị những nét đẹp rất đổi tự nhiên của bờ khoai, bãi mía, của con đò lãng bãng sương trăng, của câu ca dao bà ru cháu. Sông Đuống trở thành sợi nhớ, sợi thương da diết đôi lứa yêu nhau để người hôm nay và mai sau không bao giờ quên được: Ai về bên kia sông Đuống/ Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xóm răng đen/ Cười như mùa thu toả nắng…

Nụ cười như mùa thu toả nắng ấy để Hoàng Cầm lại tiếp tục sáng tạo thêm bài thơ neo mãi trong lòng "Lá diêu bông" da diết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast