Người mẫu

- Em tên gì?

- Dạ, em tên Mai.

- Em đến đây lâu chưa?

- Dạ, hơn hai năm rồi.

- Em ở miền Tây à?

Nhà văn trẻ Phương Trà
Nhà văn trẻ Phương Trà

Thằng bạn ngồi bên cạnh hấp háy mắt, ý nói không ở miền Tây, chẳng lẽ ở miền Bắc? Nhưng mà cũng phải nói vài câu gì đó để xua đi cảm giác gượng gạo ban đầu.

Mai (cứ gọi như vậy đi dù tám mươi phần trăm đó không phải là tên thật) không đẹp ngất ngây như lời quảng cáo của bà chủ nhưng nhìn cũng dễ thương. Mặt tròn da trắng tóc dài, hơi lạ là không nhuộm nâu nhuộm đỏ như hai cô gái ngồi cạnh bạn tôi. Mai cũng không quá bạo dạn. Cử chỉ thân mật nhất của cô là lấy khăn ướt lau nhẹ lên mặt tôi. “Anh hai sẽ thấy dễ chịu” - cô nói.

Nhạc dội vào tai. Những bài boléro mà mỗi khi hát lên, tụi bạn lại kêu nhớ quê ngoại quá! “Quê ngoại” của đám đàn ông đều ở miền Tây, nơi rất nhiều cô gái trẻ dạt ra miền Trung, làm chỗ gác tay cho bọn ngà ngà say hứng chí rủ nhau đi hát hò. Như Mai, như hai cô gái tóc đỏ tóc nâu kia.

- Anh hai chắc làm trong cơ quan nhà nước?

- Mai nghiêng chai rót bia vô ly. Cô làm việc đó giống như đang biểu diễn nghệ thuật.

- Tôi vẽ tranh - Vừa trả lời tôi vừa tự hỏi mình nên nhích ra hay là ngồi sát vào cô gái này thêm chút nữa.

- Mèn ơi, anh là họa sĩ! - Cô gái kêu lên, cứ như đang đi chợ chợt nhìn thấy một tờ năm trăm nghìn ngay dưới chân mình.

- Em thích tranh à?

- Em cũng không biết nữa - Giờ thì Mai dịch ra một chút, hình như là để nhìn tôi một cách bao quát, xem cái gã nhàu nhĩ vì bia rượu này có đúng là họa sĩ không - Hồi nhỏ em thích vẽ. Má nói em vẽ giống y chang.

- Sao em không đi học vẽ?

Hỏi xong mới thấy mình cực kỳ đần. Những cô gái như Mai, những cô gái viết tên mình còn nghệch ngoạc thì làm sao học vẽ và học để làm gì? Có cái quán bia nào đưa ra tiêu chuẩn tuyển nhân viên biết vẽ đâu.

- Anh thường vẽ gì?

- Đủ thứ. Thích gì vẽ nấy - Tôi nói cho qua chuyện.

- Có vẽ phụ nữ hông?

- Có chứ. Anh vẽ phụ nữ khỏa thân. Tức là những phụ nữ không mặc quần áo. - Tôi vừa nói vừa cười, hy vọng rằng cái chi tiết không mặc quần áo sẽ chấm dứt câu chuyện tranh pháo để chuyển qua đề tài khác thiết thực hơn, nhất là khi người ta đã đi vào một phòng karaoke kín cửa cao tường.

Cô gái tóc dài bưng ly bia lên, nhấp môi một chút rồi để xuống. Đôi mắt tròn của cô đang nhìn vào một chỗ nào đó trong phòng. Rồi cô ngồi dịch sát vào, ghé tai hỏi một câu làm tôi muốn té ngửa:

- Nếu em không mặc quần áo, anh có vẽ em hông?

* *

*

Con Hường nói mày khùng quá, tự nhiên cởi đồ cho người ta nhìn rồi vẽ. Mình nói thì tụi mình cũng cởi đồ cho người ta nhìn hoài, có điều không ai vẽ hết. Trời đất, hai chuyện đó khác nhau mà. Con Hường nói trước khi chui vô mùng.

Nó than độ này tao uống hai ba chai là tim đập đùng đùng rồi hai con mắt dít chịt. Gái rót bia mà uống kiểu này chắc giải nghệ sớm. Mình nói giải nghệ cũng được chớ sao. Nó nói đồ khùng, biết làm gì mà sống, rồi lấy tiền đâu cho ba má tao chuộc cái nhà?

Nhà mình không bị cầm nhưng má đau bệnh suốt, ba theo vợ bé mấy năm nay. Và mình còn tới bốn đứa em đang đi học.

Mày mê thằng cha đó hả? Coi chừng thiệt thân nghen mậy. Từ trong mùng, Hường nói ra. Nó lo vậy cũng đúng. Con Mơn - hồi trước làm ở quán này - mê một thằng. Mê đến mức kiếm được bao nhiêu tiền, sau khi chừa ra gởi về quê, số còn lại nó giao hết cho thằng đó. Cũng từ khi mê thằng đó, nó tập uống bia như uống nước lạnh. Nó nói phải ráng kiếm tiền, dành dụm mua miếng đất, nhỏ chút xíu xiu cũng được, rồi cất cái nhà chớ chẳng lẽ ở vầy hoài, làm vầy hoài. Đất chưa mua, nhà chưa cất được thì vợ thằng đó xộc vô quán. Con Mơn hồi giờ đâu có hiền, vậy mà bữa đó đứng như trời trồng để bà vợ nhào vô tát tai, giựt tóc. Tự nhiên nó ngu bất tử vậy. Chị em xúm vô can. Bà kia hả hê rút đi, con Mơn đứng khóc ròng. Vậy mà ảnh nói ảnh chưa có vợ. Mèn ơi, mày khùng nặng rồi. Ai lại đi tin mấy thằng đàn ông!

Mình đâu có mê anh họa sĩ, nhưng mình thích công việc của ảnh. Học chữ khó thấy mồ (mình học tới lớp 2 nên mình biết), học vẽ chắc còn khó hơn. Vậy mà ảnh vẽ được. Giỏi thiệt! Nếu ảnh vẽ cho mình một bức để mình treo trong phòng, có phải hay quá là hay không. Sau này mình chết đi, bức tranh đó cũng còn, người ta cũng nhìn thấy mình ở đó.

* *

*

Cứ tưởng chỉ nói chơi, ai ngờ Mai đến thật. Sáng chủ nhật, tôi đang ngồi nhâm nhi cà phê và nhìn bầu trời trong veo, tự hỏi mình sẽ làm gì trong ngày hôm nay thì Mai tới. Cô gái ăn mặc rất đơn giản, áo thun màu lá mạ, quần jean, tóc dài cột cao, trang điểm cũng rất nhẹ. Nhìn Mai, đố ai biết cô làm trong quán karaoke, thuộc nhóm đối tượng mà các bà vợ vẫn gọi là bọn mắt xanh mỏ đỏ.

Tôi đưa Mai vào căn phòng bừa bộn những toan những cọ, căn phòng nhỏ như cái lỗ mũi nằm giữa khu vườn bề bộn nào chuối nào dừa. Khu vườn hoàn toàn tách biệt với ngôi nhà của gia đình tôi. Tay cầm túi xách, Mai lẽo đẽo đi phía sau tôi trên lối mòn ngổn ngang đám mười giờ, hỏi: Chị đâu anh?

Vợ tôi đã đi đâu đó cùng người phụ việc trong quán cà phê. Cái quán nuôi tôi và hai đứa con đang tuổi ăn học. Chính xác là cái quán đó nuôi tôi, vì tiền bán tranh chỉ đủ để cà phê cà pháo với bạn bè, mua toan, sơn… và tái sản xuất.

- Vẽ ở đây hở anh?

Mai kéo ghế ngồi xuống, cử chỉ rất tự nhiên. Cô nhìn căn phòng bằng ánh mắt của một đứa trẻ đang đứng trước cây thông Noel, dưới gốc chất đầy quà. Tôi tự hỏi căn phòng phải nói là tồi tàn của mình có gì làm cô thán phục đến vậy.

- Vợ anh chẳng mấy khi đến đây, nếu không có việc gì thật cần thiết - Tôi đốt một điếu thuốc - Cô ấy tôn trọng công việc của anh. Và em đừng ngại, không có ai vào đây đâu. Nếu vẽ thì anh sẽ khóa cổng.

- Dạ.

Tôi nghĩ mình nên nói để cô gái karaoke này hiểu một chút về công việc của mẫu, một công việc rất đặc thù. Tôi muốn Mai biết rằng khi cô thoát y và nằm một cách mơ màng trên tàu lá chuối cạnh cửa sổ căn phòng, tôi sẽ ngắm nhìn Mai bằng đôi mắt của một họa sĩ chứ không phải của một người đàn ông. Những rung cảm, nếu có, là rung cảm trước cái đẹp, chứ không phải trước nhục dục. Về lý thuyết là thế.

Tôi giảng giải một hồi để Mai yên tâm và có thể tạo mẫu một cách tự nhiên. Bởi, dù cô ấy là gái karaoke thì phải khỏa thân hàng nửa giờ liền dưới ánh sáng ban ngày, trước một người đàn ông xa lạ cũng không phải là chuyện dễ.

Cô gái karaoke chăm chú lắng nghe. Và khi tôi kết thúc bài diễn thuyết, không một chút bối rối hay lưỡng lự, cô hỏi:

- Thay đồ chỗ nào vậy anh? À, cho em mượn đỡ miếng vải hay cái khăn chút xíu.

* *

*

Có khi mình khùng thiệt. Khùng nên mới tới đây, quấn mình trơ trọi trong cái khăn lông to chù ụ. Mình cứ tưởng chuyện cũng đơn giản nhưng hình như không phải vậy.

Người họa sĩ vừa bày đồ nghề ra vừa hút thuốc, coi bộ không nôn nóng, cũng không để ý tới mình. Hình như ảnh vừa liếc xéo qua, miệng nhếch lên giống như đang cười. Chắc ảnh nghĩ con cave bày đặt vẽ vời. Mình sẽ cho ảnh thấy mình là mẫu đàng hoàng. Mình tới đây vì muốn có một bức tranh chớ không phải có ý tào lao.

Có chuyện gì vậy ta? Có chuyện gì khi mình nằm xuống tàu lá chuối và mở chiếc khăn tắm ra. Anh họa sĩ lướt qua người mình, chỉ lướt qua thôi. Ảnh nhìn mình bằng đôi mắt của họa sĩ. Ảnh vừa nói như vậy mà. Nhưng hình như không phải. Hình như ảnh giật mình.

Không phải đôi mắt của họa sĩ. Đôi mắt của người đàn ông đậu xuống ngực. Chính xác là ngực trái. Rồi, đôi mắt xuyên qua, xuyên qua. Cây cọ vừa chạm vô hộp màu run lên nhè nhẹ. Không phải mình tưởng tượng đâu. Rõ ràng mình thấy cây cọ run lên. Bàn tay phải của người đàn ông run lên. Làm như đây là lần đầu tiên ảnh nhìn thấy ngực phụ nữ. Mà, ngực của mình đâu có gì đặc biệt. À, trên ngực trái có nốt ruồi son. Chẳng lẽ tại cái nốt ruồi?

Người họa sĩ châm điếu thuốc khác. Rít một hơi dài, nhả khói, rồi ảnh lại lướt qua mình. Lần này là đôi mắt khác. Nó phẳng lặng như mặt nước trong ao, sau khi người ta đã tát, bắt sạch không còn một con cá nào.

- Em nhìn chếch lên một chút, một chút nữa. Vậy đó. Mơ màng hơn một chút. Đúng rồi. Như vậy mới đẹp.

Hình như người khác đang nói với mình chớ không phải người đàn ông mình đã gặp mấy ngày trước trong quán karaoke, cũng không phải người họa sĩ vừa giảng tràng giang đại hải chuyện làm mẫu. Tiếng nói nhẹ, nghe thiệt ấm áp. Làm như mình với ảnh đã quen thân lâu lắm rồi.

- Em sao vậy? Mỏi rồi hả?

- Dạ không. Chỉ là… chỉ là…

- Nếu mỏi thì nghỉ, đừng ráng nghe.

Hồi giờ có người đàn ông nào nói với mình tình cảm như vậy không? Có.

Nhưng mà lâu lơ lâu lắc rồi. Người đó bây giờ chắc vợ con đùm đề. Nhiều năm không gặp, bây giờ giả như có tình cờ lướt qua nhau, chưa chắc đã nhận ra.

* *

*

Hình như tôi bị hoa mắt. Khi chiếc khăn vuột xuống, tôi tưởng lại nhìn thấy em. Trên phiến lá xanh, em duỗi chân, hướng mặt về phía cửa sổ với đôi mắt rụt rè, hồi hộp. Ngực em phập phồng như đóa hoa đã uống cạn sương sớm, và môi em hé mở như thể sắp sửa bật ra tiếng cười.

Đúng là tôi hoa mắt. Em xa tôi nhiều nghìn cây số và tôi quyết quên em bằng đám cưới với một người con gái khác. Bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng bao nhiêu năm. Không một dòng thư. Không một cuộc gọi. Tôi biết mình vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời em. Nhưng mối tình say đắm và cay đắng không phải là một bức tranh để tôi có thể dễ dàng bôi xóa. Tôi bôi xóa em bằng những đêm tình chóng vánh để rồi hôm sau thức dậy thấy mình nửa người nửa ngợm.

Những chuyện chẳng hay ho đó, hình như vợ tôi biết. Nhưng cô ấy vẫn im lặng. Có thể cô ấy nghĩ rằng sống dưới một mái nhà và sinh cho tôi hai đứa con, vậy là đủ rồi. Có thể cô ấy không còn dành cho tôi tình yêu cùng sự ngưỡng mộ như ngày trước.

Nhưng ở một nơi nào đó trong thân xác mệt nhoài, từng mạch máu của tôi vẫn đập mạnh khi có người nhắc đến tên em, nói rằng vừa gặp em về nước, rằng em vẫn đẹp, đôi mắt vẫn thăm thẳm buồn. Sao em lại buồn khi mà cuộc sống có vẻ như quá mãn nguyện? Bạn tôi nói, mày muốn gặp thì tao bố trí cho. Gặp ư? Gặp để làm gì? Đi hát hò coi bộ vui hơn. Thì đi! Và tôi gặp cô gái karaoke ở đó. Mai không xinh không đẹp, chẳng có gì giống em. Ngoại trừ một nốt ruồi son như giọt máu rơi trên ngực trái.

Hình như Mai biết tôi bối rối khi mắt chạm vào ngực cô ấy. Hẳn Mai sẽ cười khẩy trong bụng mà rằng, thằng cha này cũng như nghìn vạn thằng, bày đặt nói đôi mắt này đôi mắt nọ. Giống như tôi đã cười khi nghe Mai hỏi về tranh pháo. Chẳng phải người ta vẫn nhìn vào công việc để đánh giá một người đó sao. Theo logic đó, Mai xứng đáng bị coi thường. Tôi đã coi thường, cho đến khi nhìn thấy cái nốt ruồi màu đỏ.

Trùng hợp đến mức không thể nào tin được, cái nốt ruồi cời vào những tàn tro làm tôi quay quắt nhớ em.

* *

*

Con Hường nói, coi chừng thằng cha đó làm mày chết như phim chưởng. Tầm bậy, làm sao mà chết được nếu chỉ nằm nghiêng nghiêng trên tàu lá chuối và nhìn ra khu vườn đầy gió. Tao thích khu vườn. Nó làm tao thấy yên bình, dễ chịu. Nó có rất nhiều không khí để thở, khác xa với phòng karaoke nồng nặc mùi thuốc lá, mùi bia, mùi dầu thơm xịt phòng. Và mày cũng thích anh chàng họa sĩ nữa chớ.

Ừ, thích. Tại vì ảnh nhìn tao bằng cặp mắt rất khác với mấy thằng cha vô quán karaoke. Là sao? Ảnh nhìn tao giống như nhìn một bức tranh. Đúng là khùng. Nhìn một bức tranh thì có ra tiền được không?

Con Hường bật quạt, chui vô giường trùm mền. Tội, mọi thứ nó đều tính thành tiền, cũng tại căn nhà của ba má nó - căn nhà mà nó từng bò tới bò lui dưới đất, bị kiến cắn sưng chưn cẳng (nó kể vậy) vẫn mịt mờ trong tay người khác. Bầy em lúc chúc của nó nhiều đêm giựt mình thức dậy, tụm lại trong góc chòi chăn vịt vì nước mưa nhỏ xuống tong tong. Và xa hơn, cũng tại thằng cha mà nó thương đi cưới con nhỏ có quầy thuốc tây gần chợ. Đám cưới xập xình xe cộ chớ không rước dâu bằng xuồng. Con Hường cầm dao phăng phăng đi, chặt một cái phựt vô… cây dừa, thề độc: Tao mà không kiếm được nhiều tiền, thà chết mất xác chớ không về!

Mình cũng như nó, lâu rồi không về. Hôm qua nằm trên tàu lá chuối nhìn ra, thấy ngọn dừa đung đưa đung đưa, tự nhiên nhớ nhà kinh khủng, thấy trống trải kinh khủng. Rồi tự nhiên, mình ước ao cây dừa kia là của mình, khu vườn kia cũng của mình. Nghĩ xa hơn một chút, nếu ảnh chưa có vợ, mình sẽ hàng ngày làm mẫu để ảnh vẽ…

Mình nằm mơ, thấy ảnh chèo xuồng trên sông, phía sau lục bình chấp chới. Mình bơi theo hụt hơi, kêu anh ơi anh hỡi mà ảnh không nghe. Tỉnh dậy, tim còn đập thình thịch.

Lại nghĩ, nếu ảnh chưa có vợ, hằng ngày mình sẽ tới nấu canh chua cá lóc cho ảnh ăn, nướng khô sặc cho ảnh nhậu chơi…

Con Hường nói mày thương thằng cha đó thiệt rồi. Chết được!

* *

*

Tranh xong rồi và cũng đã năm ngày rồi Mai không tới. Bỗng nhiên thấy nhớ nhớ. Bằng cái nốt ruồi như giọt máu rơi trên ngực, Mai làm cho tôi nhìn thấy em. Có lẽ đó là lý do duy nhất.

Vợ tôi nói cô người mẫu của anh cũng hay hay. Nếu biết Mai làm chỗ gác tay trong quán karaoke, cá là cô ấy sẽ nói khác. Hỏi thật, em không khó chịu đấy chứ? Sao lại không? Vợ tôi cười, à không, chỉ cái miệng cười, còn đôi mắt thì không. Nhưng anh là họa sĩ mà.

Tôi cầm tay cô ấy và giật mình vì nó thô ráp, móng thì gồ ghề thô kệch do một thời gian dài cô ấy liên tục tiếp xúc với nước. Đôi bàn tay của người phụ nữ mà tôi chưa bao giờ yêu. Cô ấy chỉ là người thay thế. Thay thế vụng về một hình bóng hoàn hảo. Có phải vì vậy mà dù cô ấy đã sinh cho tôi hai đứa con, nuôi dạy chúng và nuôi cả cha chúng, tôi vẫn không để cho cô ấy bước vào trái tim mình.

Thằng bạn thân lại đến rủ đi nhậu. Nó là tay có máu mặt bên xây dựng nên tiền bạc rủng rỉnh. Nhưng mà nó đang cay, rất cay. Con bồ thơm như múi mít vừa đá đít nó sau khi sở hữu được căn hộ chung cư. Mẹ, già đầu mà còn dại. Thằng bạn tư vấn tao đưa cho nó giấy tờ giả, coi thử nó ăn ở thế nào đã. Mình chủ quan, cứ nghĩ nó mê mình.

Tôi an ủi: Thôi, mất tiền thì được kinh nghiệm.

Hai thằng uống hơn nửa thùng bia mà vẫn không say. Rồi nó rủ đi hát. Tôi nói tao mệt quá, để bữa khác. Nếu đi hát, hai đứa lại tới chỗ quen, nhiều khả năng sẽ gặp Mai. Tôi không thích nhìn thấy Mai trong quán karaoke, với áo hai dây váy ngắn nửa đùi. Tôi thích nhìn cô duỗi chân trên phiến lá xanh, môi hé mở như sắp bật ra tiếng cười, ngực phập phồng như vừa uống cạn sương sớm.

Khi ấy, dù không một manh vải che thân, trông Mai thanh khiết vô cùng.

Thằng bạn lái xe đưa tôi về, kèm theo câu dạo này tao thấy mày là lạ, hay là tương tư em nào? Coi chừng dính bẫy đó nghen. Tôi nói tao nghèo kiết, ai mà thèm bẫy.

Sáng ngủ dậy, vợ nói anh vẽ xong rồi mà còn đem công việc vô giấc ngủ. Là sao? Đêm qua anh mớ, nói em ngước mắt lên, mơ màng một chút thì sẽ đẹp hơn.

Giọng cô ấy rất nhẹ, không vui không buồn. Tôi im lặng đi ra vườn.

Trong căn phòng hoàn toàn tách biệt với những ồn ào phố xá, tôi đốt một điếu thuốc và nhìn Mai. Cô mỉm cười. Cô đưa tay lên che ngực. Khi Mai bỏ tay ra, tôi sững sờ khi thấy nốt ruồi như một giọt máu đã biến mất…

Mai đến thật, kéo tôi ra khỏi giấc mơ chập chờn. Cô ngồi nhìn khu vườn một hồi lâu rồi nói em về quê anh à. Khi nào em ra lại? Dạ không, em về luôn. Có chuyện gì ư? Vậy không phải là tốt sao? Chẳng lẽ anh muốn em làm ở quán hoài? Ừ, tốt, tốt chứ! Chỉ là anh thấy bất ngờ quá.

Mai nói, em sẽ rất nhớ khu vườn của anh. Mỗi lần làm mẫu, em nhìn lên cây dừa rồi nhớ nhà kinh khủng. Vườn nhà em cũng rộng. Em nghĩ nếu chịu khó chăm sóc thì cũng có trái cây đem bán... Em muốn có một khu vườn để trưa trưa ra đó ngồi chơi.

Đợi anh chút xíu, anh bọc bức tranh thật kỹ để em mang đi. Không, anh cứ để nó ở đây cũng được. Sao vậy, em thích có một bức tranh lắm mà. Nhà em không có chỗ nào để treo. Với lại… với lại đem bức tranh theo thì em sẽ… nhớ.

* *

*

Có cái gì đó chận ngang cổ. Nếu nói thêm một câu nữa, chắc mình sẽ khóc. Mà, người ta nói đừng tin nước mắt của gái bia ôm.

Mình chỉ làm mẫu cho ảnh vẽ thôi, vậy thì có gì trong cặp mắt người đàn ông mà mình khó bước đi dữ vậy. Có phải ảnh đang nhìn theo mình? Giả dụ lúc này đây, ảnh đưa tay ra, nói em đừng đi, liệu mình có dám ở lại?

Nhưng ảnh không nói gì. Mình biết chắc ảnh sẽ không nói gì và mình phải đi. Thêm một lần gặp, biết đâu lại rơi nước mắt. Phụ nữ sao khổ vậy, hễ rơi nước mắt vì một người thì khó lòng quên được. Mà, càng nhớ thì càng đau.

Vậy thì đi thôi. Nếu có nhớ, chắc ảnh chỉ nhớ cái nốt ruồi. Còn mình sẽ nhớ nhiều thứ. Lần gặp đầu tiên, ảnh hỏi em tên gì, em đến đây lâu chưa. Rồi ảnh nói những lời dịu dàng khi mình làm mẫu. Mắt ảnh buồn thiệt buồn khi biết mình về quê. Mèn ơi, nhớ nhiều vậy thì làm sao mà có một ngày vui cho được?

Con Hường nói mày nhát như thỏ, thương thằng cha đó thì cứ tấn tới. Sợ bà vợ chớ gì? Mày trẻ hơn, chắc cũng đẹp hơn. Ai thắng ai thua chưa biết.

Làm sao mình nói cho Hường hiểu được, đã thương rồi thì không tính tới chuyện thắng thua. Mình chỉ ước ao đơn giản là sáng sáng cầm chổi xương quét vườn, vun lại luống hoa mười giờ, trồng thêm vài bụi sả, ớt. Gần trưa thì xách giỏ đi chợ, nấu nướng xong rồi, mình sẽ vô căn phòng ngập gió, kêu anh ơi về ăn cơm…

Mình ước ao vậy đó, cho đến khi gặp vợ ảnh. Bữa đó ảnh có công chuyện đột xuất, mình tới đứng xớ rớ một lúc thì chị bước vô. Hồi trước chắc chị đẹp. Bằng chứng là cái mũi cao, cái miệng trái tim nhưng cặp mắt thì trõm sâu, chừng như mệt mỏi. Chị nói em ngồi chơi, anh ấy đi một lát rồi về. Chị đưa cho mình ly nước, nói trà xanh ở nhà nấu, em uống cho mát.

Mình bưng ly nước và nhìn thấy hai bàn tay chị. Ngón tay chai sần, khô khốc. Không hiểu sao mặt chị đẹp mà tay lại xấu vậy. Rồi mình nhớ, có lần anh kể chị bán cà phê, gần đây mới kêu người giúp việc còn lúc trước một mình chị làm hết. Anh nói cái quán đó nuôi hai đứa con, nuôi luôn anh nữa. Đất này có họa sĩ nào sống được bằng nghề.

Chắc chị thấy mình nhìn nên rụt tay lại cười, phụ nữ xứ mình, chồng con rồi thì có mấy người được thảnh thơi. Nhưng sống một mình, lúc bệnh đau, tủi lắm. Em nên tìm một người đàn ông tốt để lập gia đình. Chỉ cần họ thương mình, hiểu mình là được.

Hình như chị biết mình làm gì, muốn gì. Biết mà vẫn nhẹ nhàng. Thà chị nói con kia mày tránh xa chồng tao ra, có khi còn thấy dễ chịu hơn.

Uống hết ly trà xanh, mình buột miệng: Em ở đây không lâu nữa đâu. Em sẽ về quê. Chị nói, ừ, con gái có thì. Rồi cũng phải ổn định cuộc sống em ạ.

Khi đưa trả cái ly, tay mình chạm vô tay chị. Bàn tay héo úa. Tự nhiên mình nhớ tới bàn tay má, ngày má còn sống. Cũng chai sần khô khốc vậy đó. Khi biết ba có vợ bé, má khóc lặng, nói chắc tại má xấu hơn, già hơn người ta. Lúc đó mình hận ba ghê gớm. Và cũng hận người đàn bà đã kéo ba ra khỏi mái nhà ghê gớm.

Vậy thì mình nỡ nào làm cho cái vòng lẩn quẩn thương hận đó lặp lại?

* *

*

Hường dặn, mày về quê, thấy có việc gì làm thì gọi điện. Tao kiếm đủ tiền lấy lại cái nhà là về. Cũng sắp đủ rồi. Nghe nó nói, mừng ghê. Thiệt hông? Thiệt. Tao nghĩ kỹ rồi. Người ta sống được thì mình sống được. Tội gì bỏ xứ mà đi.

Ừ thì về làm vườn, bán rau hay bán trái cây cũng được. Và quên những chuyện cần quên cho nó nhẹ lòng…

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast