Nguyên cớ

1. Con bé ngoặt bàn chân ngược ra phía trước cho thằng kia nhìn thấy cái thẹo xấu xí ôm trọn nửa sau bàn chân. Sao vậy? Thằng kia hỏi. Là do cô giáo làm đó. Con bé trả lời.

Nguyên cớ ảnh 1
Minh họa: Đặng Hồng Quân

Cô giáo mầm non. Cô chở em về bằng xe đạp mà không chịu che chắn gì hết, để cái chân em đút phải vào căm xe.

Xong cô lấy thuốc gì đó chế lên nên mới thành cái thẹo như vầy. Kinh quá! Thằng kia bình luận, không biết về cái thẹo hay hành động của cô giáo. Vậy đó, con nhỏ run run nói, anh còn yêu em nữa hết?

Nói xong nó xỏ chân vô giày, kéo ống quần jean xuống kín gót. Nó kể chuyện này chỉ để trả lời thằng kia rằng vì sao không bao giờ thấy nó mặc váy chứ nó không có ý trách cứ gì cô giáo hết.

2. Cô giáo mà con bé nói cũng chính là cái người vừa chạy xe máy ngang qua quán nước chỗ con bé đang hẹn hò với bạn trai. Cô vừa may xong cái rèm nên mang đi tặng người yêu cũ.

Nếu muốn trách này nọ, chắc tội cô còn nhiều nữa. Ngoài làm cho bé gái kia bị xấu xí, cô còn làm một người đàn ông không cưới được vợ, cô làm cho đời cô dở dang.

Hồi chục năm trước cô với Nguyên yêu nhau. Yêu thắm thiết. Chắc vậy, tình yêu kéo dài ba năm thì hẳn là thắm thiết. Rồi một sáng nọ người ta thấy cô cắm đầu chạy sang nhà Nguyên, cô đập cửa nhà anh hỏi:

- Anh cưới em đi. Có được không?

Không ai nghe được khúc giữa. Cuối cùng, người ta chỉ thấy cô liêu xiêu đi về. Sáng hôm ấy có người cùng xóm nhờ cô chở con họ về sau giờ học. Buổi chiều cô thất thần đạp xe cho đến khi bánh xe đứng khựng lại, con bé học trò đau đớn khóc thét ở sau lưng. Cô cùng người đi đường khó khăn lắm mới kéo được chân con bé ra khỏi bánh xe.

Xương không gãy nhưng máu chảy lênh láng. Người ta mang đến lọ thuốc gia truyền kêu cô chế lên mong cứu vớt vết thương cho đứa học trò bé bỏng nhưng đó lại là sai lầm, làm lưu trên bàn chân đứa bé một vết mặc cảm to rõ đến tận bây giờ.

Cô giáo đi lấy chồng. Cô lấy một anh đứng tuổi làm ở sở tài nguyên môi trường. Anh cùng vài đồng nghiệp đi ngang nhà cô để ra sông lấy mẫu đất, mẫu nước về tỉnh làm xét nghiệm. Riêng anh còn đem về cả cái dáng cô thùy mị ngồi thái rau bên hè. Anh tỏ lòng và cô nhận lời.

Cô lên xe hoa nhanh đến mức lời chia tay của cô với Nguyên chưa kịp ráo buồn. Sáng người ta đi ăn cưới nhà cô mà phập phồng sợ chiều phải sang nhà Nguyên ăn tiếp đám ma. Cũng may, Nguyên chỉ buồn chứ không tự sát.

Nhưng Nguyên không còn khả năng yêu thêm bất kỳ người con gái nào nữa. Dẫu có lần người ta đi soi ếch đêm trăng vô tình thấy Nguyên nằm khỏa thân trong chòi tự sờ soạng thân mình. Dục vọng vẫn còn nhưng vết thương lòng hẳn là còn lớn hơn thế nên Nguyên không can đảm yêu lần nữa.

Thấy anh sống độc thân mười năm nay người ta hiểu là vậy. Việc cô bỏ Nguyên đi lấy chồng là nguyên nhân. Sự cô đơn chiếc bóng của Nguyên là hệ lụy.

Cô lấy chồng một năm thì trở về quê làm lại cô giáo nghèo. Do chồng cô cờ bạc, hay đi đây đó và gái gú vô độ. Cô vẫn về sống ở đây, Nguyên vẫn ở đấy nhưng họ ít chạm mặt nhau.

Mãi đến khi ba mẹ Nguyên lần lượt qua đời, người ta mới thấy cô hay qua lại.

Hôm nay cô ghé qua tặng cái rèm. Món quà làm Nguyên tủi hổ chứ không chỉ là ngượng ngùng. Nhưng Nguyên biết cô không có ý đay nghiến, giày vò. Chỉ là người ta hay hành động theo kinh nghiệm cá nhân.

Hồi mười năm trước, sau khi cùng nhau đi hội chợ về cô mới nhớ có món quà cô mua cho Nguyên mà quên đưa tặng. Cô nghĩ nếu chạy ra cái chòi của anh ngoài ruộng dưa, treo lên, sáng mai anh ra nhìn thấy chắc là vui lắm.

Trong ánh sáng lờ mờ của trăng, cô thấy ai đó đang gục mặt lên ngực Nguyên khóc nức nở. Nguyên chỉ có thể im lặng ôm vai người kia, thi thoảng thở hắt ra từng tiếng nặng nề.

Sáng hôm sau cô hỏi: Nếu cưới em về, tập quen dần có được không anh?

Nguyên lắc đầu. Cô đi lấy chồng. Nhưng anh cũng chưa đủ can đảm sống với người anh muốn sống.

- Lựa ngày đẹp trời rủ người ta về sống chung đi anh! - cô nói.

Căn nhà của Nguyên giờ đã khang trang, cửa nẻo kín đáo chứ không như xưa, muốn hò hẹn phải trốn ra đồng ruộng. Nhưng kín đáo thêm, tránh dò xét vẫn tốt hơn.

Đặt tấm rèm lớn lên bàn, cô cười:

- Chắc những ngày đầu cũng áp lực lắm. Em có may cái rèm nè, nếu ngại thì anh treo bên hiên nhà, vừa che nắng che mưa, vừa tránh người ta đi ngang tò mò nhìn vô.

Anh mấp máy đôi môi khô cằn tính nói gì đó, chắc là cảm ơn.

- Không có gì - cô chủ động cắt lời rồi ra về.

Nhà Nguyên có người đàn ông về sống chung. Lúc đầu cứ tưởng đến chơi, sau thấy ở ngày này qua tháng nọ mà vẫn chưa đi, người ta cũng hiểu dần. Người ta bảo do cô làm anh tổn thương quá lớn, anh đã mất niềm tin vào phụ nữ.

3. Cách nhà anh hai cây số, con bé kia bị mẹ nó đánh bầm mông vì tội vượt rào với bạn trai. Nó ấm ức đổ lỗi cho hoàn cảnh: nhà mình nghèo, chân con thẹo, con đâu có gì đẹp đẽ quý giá để cho ảnh ngoài chuyện đó.

Hôm trước, khi cô leo lên cái xe máy do chồng cũ tặng định vọt đi thì Nguyên kịp chạy ra, anh lấy hết can đảm rưng rưng nói câu xin lỗi, về tất cả. Cô lại nói: Không có gì.

Đôi khi người đàn ông cần có một người phụ nữ bạc tình - có thật hoặc tưởng tượng - nào đó để đổ lỗi cho việc không thể hoặc không muốn cưới vợ. Dẫu sao anh vẫn là người cô yêu nhất. Cô không thành vợ của anh thì thành nguyên cớ cho anh. Tính ra cũng mãn nguyện.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast