Nguyễn Du và Truyện Kiều - gắn nối tuyệt vời giữa cổ điển và hiện đại

(Baohatinh.vn) - … Trong hàng ngàn năm thống trị của chế độ phong kiến, Truyện Kiều đã xuất hiện như một vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo và nói chí, mà hướng tới một bức tranh đời rộng lớn “những điều trông thấy”, phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ “trăm năm trong cõi” một đời người, mà là cả thế gian rộng lớn của trăm họ.

Những điều trông thấy…

Ở bức tranh đời đó, lễ giáo gần như không có vai trò gì. Lễ giáo ở đây càng không gây cản trở gì cho tình yêu. Nguyễn Du đã để cho Kiều hết sức tự do trong tình yêu. Và không chỉ một cuộc tình, với một người là Kim Trọng... Vậy là, dẫu với tất cả những hạn chế, ràng buộc của tư duy và phương thức miêu tả của văn chương trung đại, Nguyễn Du vẫn xây dựng được một thế giới nhân vật sống động, làm nên bức tranh đời rộng lớn, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều mà không có bất cứ tác phẩm nào trong văn học Việt, từ trung đại đến hiện đại, so sánh được.

Biết bao nhân vật, có tên và không tên, đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong bộ nhớ của các thế hệ công chúng suốt hơn 200 năm qua. Không kể Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Vương Ông, Vương Quan... Không kể Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Khuyển Ưng, Khuyển Phệ... mà còn là Chung Công, sư Tam Hợp, vãi Giác Duyên, Thúc Ông, Mã Kiều, bóng ma Đạm Tiên...

Nguyễn Du và Truyện Kiều - gắn nối tuyệt vời giữa cổ điển và hiện đại ảnh 1

Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. Minh họa Đình Khôi

Rồi còn các nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ mối, quản gia nhà họ Hoạn, viên lại già họ Đô, viên quan xử kiện “trông lên mặt sắt đen sì”... Quả không một truyện thơ Nôm nào từ thế kỷ XVII cho đến Lục Vân Tiên cuối thế kỷ XIX đạt được một hiệu quả nghệ thuật hiện đại đến thế.

Đã đành không khó nhận ra Nguyễn Du trong vai người can thiệp, với lời bình không cần che giấu trước mọi tình huống và cảnh ngộ của nhân vật:

Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.

Nhưng không có ở bất cứ nơi nào, một ý hướng giáo dục, khuyên nhủ, bảo ban, răn dạy người đọc như một nhà luân lý. Gần như tất cả, Nguyễn Du đều nhường phần đất rộng rãi nhất cho nhân vật, để cho nhân vật sống sự sống của bản thân nó và trực tiếp đến với người đọc mà không có bất cứ gián cách nào. Cố nhiên, vẫn còn đó, hai chữ Tâm và Tài, để cho Nguyễn Du đặt ở cuối Truyện Kiều hai câu “kinh điển”:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Và đây chính là thành tựu tuyệt vời của Nguyễn Du để cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển, có được giá trị của một “bức tranh đời”, với “những điều trông thấy”. Phải qua “những điều trông thấy” để đến với giá trị nhân văn “mà đau đớn lòng” chất chứa trong một trái tim lớn.

Với hiệu quả “hiểu đời”, chứ không phải “răn đời”, Truyện Kiều không chỉ đã vượt ra khỏi quỹ đạo của thơ nói chí, văn chở đạo mà còn đạt được hiệu quả nghệ thuật rất cao và rất mới trong sự sống của nhân vật, xem ra phải đến chủ nghĩa hiện thực thời hiện đại mới thực hiện nổi. Điều này giải thích giá trị trường tồn của Truyện Kiều, bởi với Truyện Kiều, chỉ riêng Nguyễn Du, chứ không phải bất cứ ai khác là người đầu tiên báo hiệu sự dứt bỏ những rào cản lớn nhất trong phương thức tư duy và ý hướng đạo đức của văn chương trung đại.

Thực và mơ

Thế giới Truyện Kiều còn bao gồm cả “những điều không thấy” nhưng vẫn hiện hữu, như một tồn tại khách quan, có liên quan đến con người. Nó là thế giới tâm linh, tồn tại trong mơ ước, suy tưởng, tưởng tượng để tạo một đối xứng giữa ảo và thực, giữa thực và mơ, nhằm nhân rộng ra các giới hạn sống, nó là những khát vọng khó hoặc không thể thực hiện trong cõi đời vào cái thời Nguyễn Du đang sống.

Với Nguyễn Du, thế giới mơ hoặc ảo này gần như lúc nào cũng hiện hữu trong suốt cuộc đời Kiều. Bắt đầu từ hồn ma Đạm Tiên, trong cuộc du xuân của Kiều – Kim và bám đuổi Kiều sau bao nhiêu chìm nổi. Là hồn ma, là người của cõi âm, nên Nguyễn Du có một bút pháp khác:

Sương in mặt, tuyết pha thân

Sen vàng lãng đãng như gần như xa.

Cõi âm, một lần nữa trong tâm tưởng Kiều khi gia biến, Kiều khẩn khoản nhờ em là Thúy Vân thay mình, trong một cuộc “trao duyên”:

Mai sau dầu có bao giờ

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió là hay chị về.

Ám ảnh Đạm Tiên như một tiên cảm về số phận mình và những ký thác với em về tương lai sau cơn gia biến – đó là sự mở rộng không gian sống của một nhân vật gần như luôn trong trạng thái “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”, như trong câu chuyện giữa Giác Duyên và sư Tam Hợp.

Như vậy là có thêm một thế giới khác trong tâm thức nhân vật chính để mở rộng tối ưu thế giới thực. Thế giới đó ngoài “nhân vật” Đạm Tiên và ngoài cuộc trao duyên, Kiều tự đặt mình vào thế giới bên kia, có thể xem như hai tiểu cảnh ở nửa phần đầu truyện, còn là hai đại cảnh đặt ở phần nửa sau truyện. Đó là tình huống Kiều gặp Từ Hải và Kiều sau cuộc trẫm mình ở sông Tiền Đường.

Kiều với Từ Hải có thể xem là một giấc mơ. Giấc mơ đó, đối với Kiều rộng hơn rất nhiều một cuộc báo ân, báo oán. Bởi với Từ Hải, Kiều trở thành người đại diện cho rất nhiều khát vọng, không chỉ khát vọng của một phụ nữ phải gánh chịu mọi đau đớn của trần gian, mà là của người dân trong dày đặc những bất công của xã hội. Chính là hiện thân bằng xương thịt của một giấc mơ như thế nên Từ Hải đã gây nên sự phản ứng của chế độ phong kiến qua một đại diện là Tự Đức – người rất mê Truyện Kiều, nhưng vẫn đủ sự tỉnh táo và cảnh giác trong một răn đe: Phải chi Nguyễn Du còn sống thì nọc ra mà đánh cho vài chục trượng!

Sau tan vỡ của giấc mơ Từ Hải, chỉ còn lại giấc mơ hậu Tiền Đường, để trở về với tâm thế tiếp nhận của công chúng Việt. Đã có một cái hậu cho một phận người như Thúy Kiều. Để cho Kiều được hưởng một ít bù đắp, không phải ở thế giới bên kia mà là ngay trong cõi đời này. Để nàng có thể điểm đủ mặt tất cả người thân: “Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột, này là em dâu”. Và nhất là để đi được tận cùng một chữ trinh, chỉ dành riêng cho Kim Trọng, sau 15 năm ê chề, nhục nhã:

Chữ trinh còn một chút này

Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan.

Có một sự sống nào, từ “những điều trông thấy” mà mở ra nhiều biên độ sống như Truyện Kiều của Nguyễn Du?

Lời lời châu ngọc…

Để ôm chứa dung lượng sống rộng lớn ấy, Nguyễn Du đã vận dụng một phương thức tự sự và trữ tình vượt ra khỏi mọi khuôn khổ và giới hạn của thơ văn Nôm trung đại.

Thơ Nôm Việt đã có từ đời Trần đến đời Lê. Chuyển sang thế kỷ XVIII thì truyện Nôm khuyết danh viết bằng lục bát là cả một phong trào, với rất nhiều tên truyện như Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trừu, Thoại Khanh Châu Tuấn... kéo dài cho đến Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu... Trong bối cảnh đó, xuất hiện Truyện Kiều với 3.254 câu lục bát, một tiểu thuyết bằng thơ. Nhưng cùng với chức năng tự sự là kể chuyện đời, Truyện Kiều còn là một trường ca trữ tình với sự sống, tâm trạng không chỉ của nhân vật chính mà là cả một hệ thống nhân vật gắn kết, mà mỗi người không chỉ có gương mặt riêng, số phận riêng mà là sự kết tinh và đại diện cho nhiều cộng đồng người, nhiều lớp người trong xã hội. Kết hợp tuyệt vời giữa tự sự và trữ tình, Truyện Kiều làm nên một đường ray cho văn học trung đại chuyển nhanh vào quỹ đạo hiện đại.

Cùng với thể lục bát dân tộc, còn phải nói đến vẻ đẹp tuyệt vời của ngôn ngữ Việt, của tiếng Việt trong Truyện Kiều. Một ngôn ngữ phủ được khắp mọi mặt sự sống nhân sinh; mọi trạng thái tình cảm; mọi u uẩn, khuất khúc của tâm lý con người; và thật đột xuất là khả năng khắc họa tính cách nhân vật. Biết bao nhân vật là bấy nhiêu chạm khắc, chỉ trong một câu, hoặc một chữ. Một chữ “lẻn” dành cho Sở Khanh, “nhờn nhợt màu da” cho Tú Bà. “mày râu nhẵn nhụi” và “ghế trên ngồi tót” cho Mã Giám Sinh. “Nghe càng đắm, ngắm càng say” và “ngây vì tình” cho Hồ Tôn Hiến... 3.254 câu với 22.778 chữ được dùng, gần như không có câu nào, chữ nào là cũ, là cổ. Tất cả cứ vẹn nguyên, mới tinh như thế cho đến thời hiện đại, mà đi vào bộ nhớ của hàng triệu, hàng triệu công chúng Việt. Một tiếng Việt của Truyện Kiều, của Nguyễn Du là một tiếng Việt dành cho muôn đời.

Bức tranh đời cùng với thế giới nhân vật cực kỳ sống động qua ngôn ngữ của Nguyễn Du. Đó là thế giới để mà yêu, mà ghét, mà thương, mà giận, mà trọng, mà khinh... Mỗi trạng thái tình cảm ấy đều tìm được đối tượng cho sự ứng đối và chia sẻ. Nhưng lại có những nhân vật không thể ứng xử đơn giản, rạch ròi như thế - như Hoạn Thư:

Ở ăn thì nết cũng hay

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Một câu thơ toàn Nôm, thuần Việt có ở mọi cửa miệng dân gian. Hoặc như Thúc Sinh, anh nhà buôn lấy vợ con nhà quan, quen thói bốc rời và sợ vợ, thế mà đã được hưởng ở Kiều một nỗi nhớ tuyệt vời đến thành cổ điển:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.

Kết hợp và gắn nối ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ bác học trong mọi biên độ rộng lớn của nó để thực hiện tối ưu chức năng tự sự và chức năng trữ tình như trong Truyện Kiều, đó chính là lý do làm nên tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trong lịch sử văn chương Việt.

Truyện Kiều là truyện cho muôn người, cho mọi nhà và cho mọi thời. Đọc Truyện Kiều, dường như ai cũng thấy số phận của mình trong đó, để giải thích hiện tượng tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều... trong ngót 200 năm qua. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển. Rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với con người hiện nay, người bây giờ. Đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc, không chỉ ở thời điểm hôm nay, năm 2015, nhân 250 năm sinh Đại thi hào; cũng không phải 300 năm sắp tới như câu hỏi của Nguyễn Du, mà là “nghìn năm sau” như khẳng định của Tố Hữu.

Phải bao gồm, phải gắn kết, phải xuyên thấm cả hai phương diện đó mới đúng là Nguyễn Du, mới tạo nên sự sống trường tồn của tác phẩm Nguyễn Du. Và đó chính là cơ sở cho một định vị về Nguyễn Du, cho hôm nay và cho mãi mãi.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast