NHÀ VĂN TRẦN ĐẮC TÚC

Tôi nhớ, năm 1980, một bữa một gã lạ mặt xuất hiện trước dãy nhà tập thể Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh nơi tôi công tác. Đầu đội bê rê nâu, chân đận giày đen bóng lộn, quần áo là li rõ đường chỉ. Gã hoác miệng cười hỏi, nhớ không? Tôi lục mãi trong ký ức lổn nhổn đủ thứ mờ, tỏ. Gã im lặng luồn những ngón tay vào phía trong cái mũ bê rê gãi đầu. Lát sau, hỏi quên rồi à?

Quên thế đếch nào được. Cái thằng Trần Đắc Túc học cấp 1 trường làng vào những năm sau Cải cách

Nhà văn Trần Đắc Túc làm dáng nơi vườn nhà
Nhà văn Trần Đắc Túc làm dáng nơi vườn nhà

ruộng đất 1956, chữ đẹp như vẽ, mười tuổi mà ăn nói như ông lão, cái thằng thấp lủn chũn, mặt nổi cục, thô như củ khoai sùng... Chỉ tại cái bảnh bao trước mặt nó che phủ trí nhớ vốn kém cỏi của tôi.

Trần Đắc Túc cùng tuổi với tôi, cái tuổi cầm tinh con trâu, tử vi tướng số bảo trăm thằng tuổi Kỷ Sửu thì 98 thằng khổ, 99 thằng đa mang, đa cảm. Hồi ấy tôi không biết anh có khổ như tôi không, nhưng đa mang, đa cảm thì chắc không thoát. Cái mắt anh ta nói thế. Tôi đọc được thế.

Học với nhau cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3, đến năm 1966, hết lớp mười, mỗi thằng tản ra mỗi nẻo. Đang chiến tranh, bom đạn như vãi trấu, có chia tay chia cẳng gì, có thư từ tin tức đâu. Đến một dạo đọc Báo Lao động gặp những cái truyện ngắn viết về đề tài công nhân ký tên Trần Đắc Túc cứ ngờ ngợ nhưng không biết có phải thằng Túc xưa kia. Không nhộn nhạo người người, lớp lớp như nay, thời ấy người làm văn chương ít, in được cái truyện ngắn trên báo chí Trung ương là sang, là quý, là hiếm lắm. Nên mới nhiều lần hỏi han nhưng vẫn không ra gốc tích Trần Đắc Túc.

Giờ thì Trần Đắc Túc sờ sờ trước mặt. Mới hay cuối những năm chiến tranh chống Mỹ ấy, anh phiêu bạt lên vùng Tây Bắc rồi loay xoay thế nào cũng chẳng rõ mạch nguồn, thành cán bộ Tuyên huấn Nhà máy Cơ khí Sông Công tít mù trên Thái Nguyên. Anh nói Trần Đắc Túc trên Báo mà tôi có ngờ ngợ ấy chính là anh. Lại nói, xưa kia ghét nhất môn văn, chẳng có năng khiếu năng khiếc chi nhưng muốn thiên hạ biết cái mình đang yêu, đang ghét nên mới cầm bút. Tôi thầm nghĩ ngày ấy mà nghĩ được thế là giỏi. Trần Đắc Túc nói cũng có cất công tìm tôi sau khi gặp cái tên tôi trên Văn nghệ và cũng ngờ ngợ... Chao ôi, cái ngờ ngợ, đã có bao nhiêu người cứ giữ nó, bình tâm với nó suốt năm, suốt tháng; thậm chí suốt cả cuộc đời ?...

Chúng tôi luồn người qua khung cửa hẹp vào căn phòng gia đình tôi ở, một căn phòng có cửa sổ hình bình hành. Trần Đắc Túc lôi trong cái túi vải nhỏ dính nơi thắt lưng quần ra một gói chè nói chè Thái Nguyên và hỏi tôi có nước sôi không?

Gì chứ nước sôi thì đủ dùng. Xong tuần trà, có vẻ đắn đo một lúc, Trần Đắc Túc nói lang bạt đủ rồi, nếm cảnh chồng Bắc, vợ Nam đủ rồi, muốn chuyển về quê mà chẳng quen biết ai nên muốn tôi giúp đỡ. Thủa ấy, ông Lê Quang Úy, bạn tôi đang giữ cái chức to là Giám đốc Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan, trên vài chục người, dưới mấy trăm người đã nhiệt tình giúp cho anh về phòng Thi đua. Trần Đắc Túc mừng lắm, gọi tôi ra quán cháo lòng Cổng Chốt chén. Anh không biết uống rượu, dẫu chỉ một giọt. Ngửi mà mặt đỏ gay, cái mũi to nổi sần, cánh mũi phập phồng như cánh bướm. Anh giục uống đi, tôi đủ tiền. Ăn uống xong, anh còn gọi một đĩa gan và lách bảo chủ quán gói rồi đặt vào tay tôi, nói đưa về cho hai thằng con nhỏ đang chèo ngoeo trên giường.

Mấy tháng sau thì chia tỉnh. Tôi về Hà Tĩnh, Trần Đắc Túc ở lại Nghệ An. Bẵng đi một thời gian, anh tìm đến tôi nói đã chuyển về Đài Phát thanh Can Lộc ở ngay cạnh cái làng Thổ Sơn nhà anh. Giờ mới thật là về quê, Trần Đắc Túc không dấu nổi sung sướng. Lại một thời gian sau, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu năm, Đài tỉnh gọi Trần Đắc Túc vào phụ trách Phòng Văn nghệ, sau chuyển sang Phòng Chuyên đề. Có đất dụng võ rồi. Tưởng anh nói để mà nói, ba hoa vậy, không ngờ anh “múa” có đẳng cấp thật. Xong cái phim tài liệu, phóng sự, chân dung truyền hình nào anh đều có đĩa tặng tôi, nói như lệnh, ông phải xem nghiêm túc nhé…. Chẳng biết anh học đạo diễn thời nào, học ở đâu, thầy nào dạy mà nhiều phim có tầm vóc không chỉ với đài Hà Tĩnh mà với cả đài Quốc gia. Những phim tài liệu về các lãnh tụ của Đảng như Tổng bí thư Trần Phú, Hà huy Tập, phim chân dung các danh nhân như Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, phim Khoa giáo như Huyền thoại núi Hồng, Truyện Kiều trong cõi trăm năm, Aó lá hồn quê đều do anh ôm trọn gói từ viết kịch bản, viết lời bình, đạo diễn đến đọc lời bình. Hầu hết phim tài liệu của anh đều đã phát trên sóng Quốc gia, cả kênh đối ngoại. Nhiều phim trong số đó còn đạt giải cao trong các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc.

Kiểm tra kỹ từng dấu phẩy trước khi cho công bố tác phẩm là thói quen của gã nghệ sĩ quê mùa này...
Kiểm tra kỹ từng dấu phẩy trước khi cho công bố tác phẩm là thói quen của gã nghệ sĩ quê mùa này...

Tôi nói phim của ông được đấy. Trần Đắc Túc hỏi thật không, thật không? Tôi nhắc lại mấy lần nữa anh mới tỏ ra yên tâm. Nhưng liền đó, anh lại nhếch miệng cười : đẻ nó ra tôi biết tim gan phèo phổi, mụt nhọt sài đẹn nó thế nào. Phim của tôi không chỉ được mà là rất được. Tôi nói ừ thì rất được nhưng thế mạnh của ông là văn. Anh im thít.

Tôi không chờ văn Trần Đắc Túc. Làm truyền hình, tác phẩm có làng nhàng thì tên tuổi cũng dễ được công chúng rộng rãi biết đến và lại có tiền, nhiều tiền, còn văn chương viết chảy cả máu mắt ra mà mấy ai đọc, nhuận bút thì còm cõi, chưa nói không khéo bị tai bay vạ gió. Đùng một bữa anh đến ném xuống bàn tôi một cái truyện ngắn có tên Chơi dao. Tôi còn nhớ ấy là năm 1993. Truyện viết về một tay quan chức nọ dùng một thằng lưu manh để trị bọn lưu manh giúp mình trong công tác lãnh đạo. Thằng lưu manh được thể hoành hành. Đến khi nhận ra thằng vô lại ấy chẳng thể tin được nhưng trót dính với nó rồi thì dễ gì gỡ ra. Rốt cuộc thân bại, danh liệt vì thằng con tin của mình. Tôi kể tóm gọn cái truyện ấy vì những năm đầu chín mươi thế kỷ trước, có được cái truyện viết chặt chẽ, dồn nén và có tính ẩn dụ như thế là hiếm, là hay. Rồi Chơi dao được giải thưởng. Truyện được Hội nhà văn Việt nam tuyển vào cuốn Những truyện ngắn hay cùng năm với các nhà văn nổi tiếng khác. Sau đó Trần Đắc Túc lại phim, rồi phim, phim. Không những vắng mặt trên chiếu văn anh vắng mặt luôn cả những cuộc chơi, cuộc nhậu của làng văn nghệ. Trách, anh hoác miệng cười, giọng đầy chất diễn nghe buồn thiu: Tớ có uống được đâu. Ngồi với các ông làm mất vui của cộng đồng.

Trần Đắc Túc làm ở Thị xã nhưng tối tối lại đi xe máy về nhà. Nhà anh ở làng Phúc Sơn, sát ngay Thị trấn Huyện. Xưa vùng này có tên Trảo Nha nghĩa là nanh, vuốt, nghe đến khiếp. Làng ngoảnh mặt ra sông Nghèn, lối vào làng chạy giữa ruộng lúa. Ngoảnh phía nào cũng thấy bùn, cúi, ngửng đều nghe mùi bùn và mùi lúa chín hoặc mùi rơm rạ mục. Hai bên lối vào nhà anh là những khoảnh vườn xanh mướt, những ngôi nhà thấp, trông vào tối âm xâm, sâu tun hút. Nhà anh cũng vậy, khác chăng có thêm hơi ẩm đất, hơi ẩm gỗ, ẩm ngói lành lạnh, nằm lọt thỏm giữa um tùm cây cối, những thứ cây làng nào cũng có, gắn bó bao nhiêu đời với người nông dân, những cái cây người ta trồng lên không phải để chơi cảnh mà để giúp cho sự sinh tồn của con người, nó ra cái ăn, cái uống, nó chở che con người tránh thiên tai, nắng gió. Láng giềng của anh toàn nông dân nòi, nhẫn nhục chịu đựng, gan góc, cởi mở, nghĩa tình, lạc quan thành truyền thống, thành cốt cách. Nhớ lần ấy, anh ở tỉnh về, chị Dung vợ anh, một cô giáo làng cưng chiều anh có tiếng, nấu nước chè xanh. Anh bỏ mặc tôi ngồi một mình, say mê chỉ đạo vợ nhặt chè, vò chè, chọn củi tre khô nhóm bếp...Anh nói nấu chè xanh ra chè xanh để các ông già, bà lão láng giềng thích là công phu lắm, nghệ thuật lắm. Nước ủ chín, Trần Đắc Túc ra góc vườn đứng dưới cây chuối ngoảnh bốn phía cất giọng tha thiết mời bà con sang uống nước chè xanh đớ... Lát sau thì nhà anh râm ran tiếng cười nói. Nghe cách xưng hô, thấy cử chỉ của họ tôi biết anh được bà con tôn trọng lắm. Chẳng phải anh là cán bộ tỉnh về làng, là nhà văn, nhà báo gì đâu, dân Trảo Nha chỉ nể trọng tình người chứ coi chức tước, địa vị xã hội bằng nửa con mắt. Trần Đắc Túc hỏi han công việc làm ăn, sự này, sự kia của người này, người nọ. Rồi chăm chú nhìn, chăm chú lắng nghe, có lúc còn nuốt nước miếng ừng ực. Anh ta đang làm nghề. Tôi nghĩ thế. Chao ôi, vài buổi uống nước chè xanh dạng, kiểu thế này, mỗi gương mặt, mỗi dáng người, mỗi kể lể là thân phận con người, là thời cuộc hôi hổi, viết hàng năm không hết. Tôi nói với Trần Đắc Túc thế. Anh cười hiền, lặng lặng nghe, chẳng biết nghĩ gì. Đã nhiều lắm lần tôi nói, anh cũng cười hiền, cũng lặng lặng nghe và cũng không biết anh đang nghĩ gì. Sau bữa ấy, tôi tin Trần Đắc Túc sẽ viết tiếp được những cái truyện như Chơi dao, hay hơn Chơi dao. Không viết làm sao chịu nổi.

"A lo, tớ vừa có cái này thú lắm..."
"A lo, tớ vừa có cái này thú lắm..."

Quả đúng thế. Trần Đắc Túc câm lặng chừng gần nửa năm cho đến một ngày đến tận nhà tôi đưa cho tôi một tập bản thảo gồm 6 cái truyện ngắn và 6 bài ký. Đưa xong thì bỏ về không nói lấy một lời. Chẳng giống những lần đưa băng phim truyền hình cho tôi, bao giờ anh cũng ngồi lại nói không dứt về những khuôn hình, các trường đoạn trong phim hàng giờ liền. Nói đến nhức đầu, nói đến chóng mặt. Nay với văn, Trần Đắc Túc cẩn thận; chắc vậy. Những cái truyện ngắn ấy anh viết về làng quê, về mỗi căn nhà, mỗi con người ở đây. Từ Làng Vòng, Hoa lác bẹ màu tím tới Mưa rừng, Rằm tháng 7, Rượu đắng, Cửa ngoài chưa khoá, những truyện ngắn của anh đượm một tinh thần, một quang cảnh gần gũi, giản dị và thân thương với một giọng văn có hương vị riêng, đằm thắm, tha thiết và tinh tế. Đọc xong tôi bị ám ảnh bởi những thân phận, những cuộc đời và cả những vấn đề nóng rẫy của thời cuộc. Ngẫm, tôi với Trần Đắc Túc có tuổi thơ và một phần tuổi trẻ ở hai vùng quê giống nhau về khung cảnh, về những con người làm nên vùng quê ấy và cùng trải trong một thể chế chính trị, các sự kiện lịch sử, nên mới cứ thấy những trang văn gần mình quá, động vào gan ruột mình quá. Rồi lại thấy ra, những chi tiết, những ngôn từ trong lời thoại các nhân vật mình cũng đã từng gặp. Về sau tôi còn được đọc thêm những tản văn của anh: Tiếng chợ, Lửa sông, Lửa trấu, Hạt nắng hạt mưa, Bài học tôn trọng tự nhiên, các bài ký như Trông lên dáng núi nhớ về, Mưa chuyển mùa, Chè xanh xứ Nghệ, Điều ước ngày xuân. Rồi tôi hình dung một Trần Đắc Túc quần cộc, áo nâu lội đồng sau làng, lội bùn bên sông Nghèn trước làng, rồi lướt mướt thong thả về cái ngõ sâu hun hút lâm thâm bóng lá cây. Khác xa những khi mũ áo chững chạc lên màn ảnh truyền hình, hoặc dự họp tỉnh, họp huyện, họp ngành này, hội nọ. Trước sau gì rồi anh cũng là con người của xứ đồng, của bùn đất, của luá khoai, rau dền, rau má, của màu đỏ hoa giong giềng, màu máu hoa bần, của cánh diều bay trên khoảng không thanh sạch, của mưa thưa, nắng vàng và của những dằn vặt, mơ tưởng nhỏ nhoi đọng lại giữa công ăn việc làm vất vả của những ngườì nông dân luôn thắc thỏm, mong ngóng hạt lúa, củ khoai. Có gắn bó lắm, thấu hiểu lắm, đồng cảm với người nông dân lắm, mới vẽ được rõ ràng hình ảnh họ: Đảm thấy mình khoẻ thế, phăm phăm lội giữa đồng sâu, một tay vơ đẫy những lác cùng năn, một tay lùa xuống bắp chân vừa gỡ con đỉa trâu vừa khoắng bùn nhổ cỏ. Năm ngón tay anh như hàng răng bừa thép, sục sâu quanh gốc lúa, bong bóng đất sủi lên ào ào. Mùi bùn bốc lên nồng nàn. Những con đỉa nhao lên, lặn hụp. Anh căng mũi, ngửi thấy mơ hồ đâu đó rất xa đang có cơn mưa đến. Mưa đi. Mưa để anh còn kịp cấy thêm mấy khoảnh đồng cao. Anh ngửng lên trông trời. Trong nắng nóng bỏng giẫy, nền trời vẫn ngút ngát xanh..( Làng Vòng).

Viết được thế nên những trang văn không phải là nhiều của Trần Đắc Túc có sức lắng đọng, có sức lan tỏa. Thấy anh viết ít, nghĩ tiếc, mấy lần định nói vài câu thúc giục nhưng rồi tôi im lặng. Con người không chú vào cái danh, cái lợi của văn chương, còn cái gọi là phụng sự, là trách nhiệm là do chính mình quy định cho mình thì có rả họng, có dí bút vào tay cũng chẳng ích gì. Thôi thì mặc anh ta, biết đâu cái tính cách như đã nói và cái sự chỉn chu, coi con chữ như máu thịt của mình ấy, Trần Đắc Túc sẽ làm nên một cái gì lớn hơn những cái đã làm.

Đêm cuối năm 2009.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast