Nhân vật Truyện Kiều sống giữa cuộc đời

(Baohatinh.vn) - Truyện Kiều sống qua hàng thế kỷ không chỉ là nhờ cốt truyện hay, ngôn ngữ tinh hoa, giá trị nhân đạo sâu sắc mà đó còn là sự độc đáo và sắc sảo của bút pháp miêu tả nhân vật. Mỗi nhân vật đều đạt tới sự điển hình hóa cao độ, vì thế, nhiều nhân vật trong Truyện Kiều đã bước ra từ trang sách để sống với cuộc đời thực. Tên của họ đã trở thành tính từ chỉ tính cách đặc biệt của con người.

Nhân vật Truyện Kiều sống giữa cuộc đời ảnh 1
Hoạt cảnh Kiều báo ân báo oán trong buổi sinh hoạt CLB Nguyễn Du và truyện Kiều ở Trường THCS Minh Tiến (Thạch Hà)

Nói về một người đàn bà đẹp, chúng ta có thể gọi họ là giai nhân, mỹ nhân, vẻ đẹp chim sa, cá lặn… nhưng với cụ Nguyễn Du, vẻ đẹp của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét qua hình ảnh ước lệ: Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh, Một hai nghiêng nước nghiêng thành… Cụ Nguyễn đã xây dựng nên chân dung Thúy Kiều với thái độ trân trọng, ngợi ca, tôn vinh, đồng thời cũng cho người đọc cảm và hiểu về thân phận nàng Kiều với 15 năm lưu lạc “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”.

Nhân vật Thúy Kiều đã sống mãi với thời gian, với cuộc đời theo cách gọi của dân gian nên khi miêu tả sắc đẹp của một người con gái, họ thường ví: đẹp như Kiều. Những gia đình có 2 con cô gái thường được ví: Thúy Vân, Thúy Kiều. Những người gặp trắc trở tình duyên thì ví bạc mệnh như Kiều… Đặc biệt, 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều luôn được ví với những bể dâu của một đời người, chìm nổi gian lao của một đất nước. Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/ Nổi chìm kiếp sống lênh đênh… (Tố Hữu)

Trong tuyến nhân vật phản diện có Sở Khanh, một người mà có lẽ khi chưa gặp nàng Kiều, tên gọi ấy cũng bình thường như trăm ngàn tên khác. Nhưng, cũng như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh chỉ nổi tiếng và trở thành tên chung để chỉ những người sống bằng nghề “đưa người cửa trước, rước người cửa sau”, “chải chuốt, dịu dàng”, chuyên quyến rũ đàn bà, con gái nhẹ dạ Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/ Một tay chôn biết bao cành phù dung. Từ hình tượng nhân vật ấy mà trong đời thường hôm nay, người ta vẫn dùng cụm từ “đồ Sở Khanh” hay “thằng Sở Khanh”, “loại Sở Khanh”… để phê phán những kẻ trai chuyên lừa tình. Hoạn Thư từ danh từ cũng đã trở thành tính từ chỉ tính cách của những người phụ nữ hay ghen tuông. Người đời vẫn thường nói là có máu Hoạn Thư, thậm chí, còn nói luôn là con mẹ Hoạn Thư!

Nhân vật Truyện Kiều sống giữa cuộc đời ảnh 2
Nghe lời vừa ý gật đầu/Cười rằng: Tri kỷ trước sau mấy người?

Từ Hải dưới ngòi bút Nguyễn Du là anh hùng hào kiệt bị “tấm lòng nhi nữ” của nàng Kiều làm xiêu lòng. Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, thấm thoắt, nàng Kiều đã trở thành một mệnh phụ phu nhân quyền uy, mặc sức báo ân, báo oán. Xưa nay, đàn ông lụy đàn bà, hoặc đàn bà làm nghiêng ngả giang sơn không phải là ít. Có những người đàn bà giúp sự nghiệp chồng thêm vinh hiển, nhưng cũng không ít người làm cho chồng thân bại, danh liệt. Là một đấng anh hùng, chắc hẳn Từ Hải cũng biết điều đó, nhưng anh hùng thường khó qua ải mỹ nhân. Từ Hải chết không phải mắc mưu Hồ Tôn Hiến, mà vì quá yêu Thúy Kiều, quá tin Thúy Kiều. Chí dọc ngang nào biết trên đầu có ai của Từ Hải chỉ có thể xiêu đổ được vì... tình. Lúc chết đứng giữa trận tiền, Từ Hải cũng chỉ ngã xuống vì tình. Cái thân mà “ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời” đó chỉ rơi xuống vì tiếng khóc của Kiều mà thôi.

Khóc rằng: trí dũng có thừa

Bởi nghe lời thiếp đến cơ hội nầy

... Lạ thay! oan khí tương triền

Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra.

Nhân vật đã khép lại trong câu chuyện nhưng với đời thực, giai thoại về Từ Hải vẫn được người đời truyền tụng… Và trong mỗi tình huống của cuộc sống, khi có người vì bất ngờ mà trở tay không kịp đều được ví: chết đứng như Từ Hải.

GS Phan Ngọc trong cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985) cũng đã khái quát hệ thống các thủ pháp nghệ thuật của Truyện Kiều, chứng minh Truyện Kiều là tác phẩm miêu tả tâm lí bậc nhất với các “thao tác” như để nhân vật ngồi một mình, lập hồ sơ nhân vật… Và với cách thể hiện ngôn ngữ nhân vật được cá thể hóa cao độ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ bác học - những từ ngữ Hán Việt được sử dụng có chọn lọc với mức độ vừa phải, sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và ngôn ngữ bình dân - là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, là ca dao, tục ngữ, thành ngữ được vận dụng một cách nhuần nhị, khéo léo, Nguyễn Du đã làm cho ngôn ngữ dân tộc được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật diễn tả tâm lí nhân vật. Đó cũng chính là lý do để các nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều hiện ra sống động, rõ nét, không chỉ trong tác phẩm mà trong cả cuộc đời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast