Nhớ mãi giờ dạy Truyện Kiều trên đất thép Vĩnh Linh

(Baohatinh.vn) - Là một giáo viên văn, tôi rất yêu thích Truyện Kiều và đã thuộc lòng từ khi còn rất trẻ...

Năm 1973, tôi là một giáo viên K8 ở Ninh Bình, theo học sinh Vĩnh Linh trở về quê hương bên dòng Bến Hải. Khi ấy, ta mới giải phóng dòng sông Thạch Hãn, nghĩa là khói lửa chiến tranh, âm vang trận mạc còn nóng bỏng. Vĩnh Linh - Quảng Trị mới bắt đầu trở lại với muôn vàn khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Mọi thứ còn rất thiếu thốn nhưng không thể thiếu trường cho con em học sau một thời gian sơ tán xa quê.

Nhớ mãi giờ dạy Truyện Kiều trên đất thép Vĩnh Linh ảnh 1

Hội thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều do UBND huyện Nghi Xuân tổ chức

Tôi được lên lớp trong một ngôi trường ở thị trấn Hồ Xá, tuy chưa khang trang nhưng cũng không còn là tranh tre, nứa lá. Trường cũng đã mang tầm vóc bề thế của một mảnh đất anh hùng vươn dậy qua khói lửa chiến tranh… Tâm thế ấy đã làm cho tôi không thể quên một giờ dạy đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều".

Sau khi giới thiệu tác giả, tác phẩm, tôi đọc văn bản đoạn thơ và mời một học sinh đọc. Sau đó, tôi hỏi cả lớp: Em có nhận xét gì về âm hưởng của đoạn thơ, nó có gì khác so với đoạn mô tả Tài sắc chị em Thúy Kiều? Lớp học như sôi động cả lên, trả lời đồng loạt: Thưa thầy! ồn ã hơn, kịch tính hơn và đau xót nữa. Tôi gợi ý: Đoạn trích như một màn bi hài kịch. Theo các em, đâu là nhân vật, đâu là lời thoại và đâu là xung đột? Một em trả lời ngay: Nhân vật có 3: Mã Giám Sinh, Thúy Kiều và bà mối. Tôi cổ vũ: Đúng! rất đúng! Bỗng một em đứng dậy nói ngay, làm cho cả lớp rất ngạc nhiên: Thưa thầy! Đúng nhưng chưa đủ, theo em, nhân vật trung tâm nhất là đồng tiền. Chính đồng tiền đã chi phối tất cả. Vì thế, đoạn thơ mới kết thúc bằng một lời tuyên bố: Tiền lưng đã có việc gì chả xong.

Tôi không thể không tán dương và khen ngợi những phát hiện mới của em. Nhưng rồi chính em đó lại nói luôn: Sao thầy lại bảo em phát hiện, mà chính Nguyễn Du mới là người phát hiện. Lặng đi một chút đầy bất ngờ và thán phục, tôi tiếp tục hỏi: Vậy xung đột chính của đoạn trích là gì và em hãy phân tích những lời thoại của các nhân vật? Xung đột thì có em trả lời được ngay rất tường minh, chính xác, đó là: xung đột giữa giá trị phẩm chất cần được tôn trọng, bảo vệ với sự lố bịch, bỉ ổi, trơ tráo của bọn con buôn.

Đến lời thoại thì tôi thật bất ngờ trước những phát hiện của học sinh. Có thể đây là tình huống gây không ít lúng túng cho người dạy: Thưa thầy, lời thoại thì diễn ra giữa kẻ mua - bọn buôn người chỉ biết “cò kè bớt một thêm hai” với bà mối như một kẻ cò mồi. Cả hai đều vì tiền…

Tôi say sưa thuyết giảng về bản chất trơ trẽn, lố bịch của bọn buôn người, sự khôn ngoan lọc lõi của bà mối. Từ đó, cao giọng mà nói về thái độ, tấm lòng Nguyễn Du. Học sinh chăm chú nghe. Bỗng một em xin phát biểu: Thưa thầy! Thưa cả lớp! Theo em, bài này không nên nói nhiều đến lời thoại cùng với những người phát ngôn mà nên phân tích nỗi đau nhân vật không lời thoại. Đó là đồng tiền. Còn nàng Kiều, nhân vật chính không nói câu nào. Kiều đã câm lặng từ đầu đến cuối. Nàng Kiều đã bị vật hóa; mà đã là hàng hóa thì vô tri, câm lặng. Nỗi đau của Kiều là chỗ đó. Ở đây, giá trị thực không được lên tiếng, mà kẻ lên tiếng lại là những người chà đạp lên giá trị ấy. Sự đồng cảm, sự chia sẻ và nỗi đau của Nguyễn Du cũng là ở chỗ đó.

Trước tình huống ấy, dĩ nhiên là giáo án của tôi đã bị “cháy” nhưng tôi cảm nhận rằng, bài giảng rất thành công. Con người Quảng Trị không chỉ biết gan lì chịu đựng, dũng cảm, hiên ngang trước quân thù mà còn rất tinh tế, nhạy cảm, biết rung động trước vẻ đẹp thẩm mỹ mà văn chương đưa lại… Có lẽ đây cũng là nét đẹp văn hóa làm ngời thêm bản chất thép của con người Vĩnh Linh anh hùng…

Sau giờ giảng, tôi bâng khuâng nghĩ mãi về bài dạy của mình… Suy nghĩ bỗng bị ngắt quãng khi tiếng đại bác bên bờ sông Thạch Hãn gầm vang, trút lửa lên đầu thù...

Đọc thêm

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...
CNN lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam ra thế giới

CNN lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt Nam ra thế giới

Video clip về hình ảnh du lịch Việt Nam được phát sóng trên kênh truyền hình và các nền tảng kỹ thuật số của CNN. Chỉ gói gọn trong 30 giây song video đã vẽ nên một bức tranh sống động và lôi cuốn về mảnh đất hình chữ "S" xinh đẹp, chạm đến trái tim của khán giả và du khách.
Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

Xem trận địa pháo hoa mừng ngày lễ trọng ở Hà Tĩnh

500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp đã sẵn sàng khai hỏa vào tối nay (27/12) tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) sau khi kết thúc Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Ngọn đuốc nhân văn của văn hóa nhân loại

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện lên như một ngọn đuốc sáng rọi, vượt lên cả thời gian và biên giới, điểm tô cho văn hóa nhân loại bằng sự nghiệp văn chương bất hủ và những di sản chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc.