Nhớ những bàn tay thơm…

Sáng sớm không thấy mặt trời, chỉ thấy một luồng se lạnh len vào căn phòng nhỏ. Mùa thu đang tần ngần bên ngoài bậu cửa.

Nhớ những bàn tay thơm… ảnh 1

Em lại cồn cào nhớ trời thu Hà Nội. Vội lục tìm chiếc đĩa cũ mèm của Hồng Nhung. Âm thanh vẫn còn rất chuẩn, giọng chị Bống trong veo, thanh khiết như nước hồ thu: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ… Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua…”. Và trong tiềm thức em chợt thức dậy mùi thơm cốm sữa. Hình ảnh những bàn tay mềm mại của chị hàng cốm thoăn thoắt đong cốm, trải lá sen và tuốt từng sợi rơm vàng óng gói buộc cũng theo nhau hiện về rõ rệt. Chẳng biết những bàn tay đồng ruộng năm ấy giờ có còn nhuốm hương sắc mùa thu?

Ảnh: kienthuc.com.vn

Không rõ từ bao giờ hương thơm của cốm xanh đã trở thành đặc sản của mùa thu Hà Nội, để bất kỳ ai từng đến và đi đều ghi tạc vào tâm khảm mình cái mùi thơm vấn vít lẫn hình ảnh vất vả mà thanh tao của những chị bán cốm rong ấy. Em nhớ mùa thu đầu tiên ở thủ đô, lần đầu tiên nghe tiếng rao “cốm Vòng ơ” mà bỡ ngỡ không biết họ bán thức gì. Dần dà khi mua cốm và bắt chuyện một chị hàng cốm ở làng Vòng (Dịch Vọng – Từ Liêm) mới biết nguồn gốc của sản phẩm. Chuyện rằng vào một mùa thu xa lắc, xa lơ, ở làng Vòng khi lúa mới bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ nhấn chìm các ruộng lúa. Người làng Vòng đành mò mẫm cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.

Kinh nghiệm làm cốm nhiều lên theo thời gian. Hạt cốm làm từ lúa nếp hoa vàng đang thời kỳ ngậm sữa ngày càng xanh, mỏng, dẻo, thơm... Người nông dân gặt lúa về, tuốt lấy hạt rồi đãi qua nước, chọn lấy những hạt mẩy, đổ vào chảo rang bằng gang đúc và giã rất công phu. Dường như chính công đoạn làm cốm ấy đã khiến những bàn tay nông dân làng Vòng trở nên mềm mại chứ không khô đanh, nứt nẻ như lẽ thường. Có lẽ hương nếp cốm lẫn hương sen đã thấm quyện vào từng đường chỉ, vòng vân trên những đôi bàn tay ấy để nó thơm thơm suốt bốn mùa.

Ảnh: nguoihanoi.com.vn

Mùa thu, khi heo may len lỏi phố phường và hoa sữa lên hương là cốm làng Vòng lại theo chân các mẹ, các chị vượt qua cổng làng, lên phố phường rồi trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An. Và đến nay thì trở thành nỗi nhớ của những người từng sống và đến thủ đô. Mỗi vụ cốm mùa thu kéo dài tới gần 3 tháng, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch trở đi .Cốm thành phẩm mang đi bán rong được gói thành hai lớp lá. Lớp trong là lá ráy xanh mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc thạch quý giá, lớp ngoài là lá sen ướp hương thơm thoang thoảng, thanh cao cho hạt cốm. Có thể ăn cốm với chuối chín trứng cuốc vàng hươm hay những quả hồng trứng to tròn đỏ mọng. Từ cốm, người ta có thể chế tác ra nhiều loại món ăn bao gồm: bánh cốm, chả cốm, kem cốm, chè cốm… nhưng thưởng thức vị cốm tươi là ngon nhất, bỏ một nhúm cốm vào miệng nghe mùi thơm tinh tế lan tỏa, vị dẻo thơm mang lại cảm giác khoáng đạt từ cánh đồng bao la và hồ sen bát ngát, sự mềm mại ở đầu lưỡi gợi nhớ quá trình lao động miệt mài của người nông dân để thương hơn những bàn tay lam lũ, nhọc nhằn …

Đã quá nhiều mùa thu kể từ ngày em chia xa Hà Nội nhưng năm nào em cũng cảm nhận được hương cốm dẻo thơm từ trong những cơn gió xa xôi thổi tới. Và trong bức tranh mùa thu Hà Nội của riêng em luôn có hình ảnh những bàn tay ruộng đồng dậy thơm hương cốm…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast