Nhớ rừng

Truyện ngắn

Bên này suối là những thanh gỗ, củi, những bao than chất đống bừa bộn, nằm ngổn ngang. Bên kia suối, những gốc cây to bị đốt từ hôm qua, vẫn còn bốc khói. Đã hơn năm, từ hôm Katơr Sor rời plây, giao rừng cho người bà con coi sóc, rừng thành hoang và bị phá bừa bãi. Nghe nói cả mấy chục hecta rừng nhà Katơr bị quy hoạch. Quy hoạch, nghĩa là thành của chung, nên mạnh ai nấy phá. Rừng của nhà Katơr, không của Nhà nước, chẳng của ai hết - Katơr tin như vôi quệt tường thế. Rừng nhà anh khi không lại đi quy hoạch, mới lạ chứ.

Hơn năm, coi mòi không thích hợp lắm với công việc bàn giấy ở thị xã, anh về lại plây. Lại lên rừng. Hòa bình mới qua năm năm, cả vùng rừng núi plây anh như bốc hơi từng cụm từng cụm. Chán thật. Anh phải làm lại, phải giữ lại mảnh rừng của ông bà cho con cháu. Vậy mà mấy ngày qua, dưới phố phao tin đồn “ông Katơr phá rừng”, không giận sao được.

Anh ngồi đó, trên khúc gỗ to dùng làm ghế, rít vài hơi thuốc dài, thở ra. Anh nghe ngán ngẩm. Anh quấn điếu thuốc thứ hai. Với sức khỏe loài trâu rừng, mới qua ba ngày mà Katơr đã xong được hai sào rẫy. Trước mùa mưa xuống, mươi mẫu rừng sẽ đâu vào đấy. Mươi mẫu là vừa, còn lại anh giao hẳn cho người anh em trong plây. Của cho không tiếc, mấy mảnh rừng bên cạnh mỗi tháng mỗi thưa ra.

Thôi thì mình hãy lo chuyện mình. Suốt ngày, Katơr chặt, đốt, ngồi rít thuốc lá, đợi cho ngọn lửa kia tàn. Tối, anh nhâm nhi rượu, nghe tiếng suối với tiếng muông thú...

Sáng sớm, mới phác chưa qua hai nồi cơm chín, Katơr nhìn thấy mấy tay mặc áo xanh băng suối đi lên.

- Chà chà, lại kiếm chuyện gì nữa đây... - Katơr ngưng tay rựa, lẩm bẩm.

Anh xuống chòi, thổi cho ngọn lửa cháy lên. Anh phủi phủi bình tích với mấy cái li, đặt chúng lên khúc gỗ khác to bản dùng làm bàn. Anh đẩy bốn khúc gỗ thấp hơn đặt quanh “bàn” dành cho mấy vị khách không mời mà đến. Bốn cái ghế cho bốn tên cả thảy. Lại cái thằng Tân con mẹ đĩ plây dưới...

- Khỏe không anh Katơr? - Tân lên tiếng.

Katơr không nói gì.

- Anh lên trụ ở đây có một mình à? - Nguời có vẻ lớn tuổi nhất hỏi.

- Thì còn ai vào đây nữa. - Katơr nói - Trà tao pha mới đây, uống đi.

Họ uống trà. Nguời thấp lùn làm hết li trà, đứng lên, đi về phía đống củi. Katơr nhìn theo, gườm gườm hắn.

- Thưa anh lên đây mấy ngày rồi? - Tân hỏi.

- Mầy không hỏi thẳng là tao phá rừng được mấy ngày rồi... - Katơr nói, sẵng giọng.

Tân nhìn sang chỗ khác.

- Tao nói cho mầy với các mầy biết, là không có ma nào rớ được cái gì ở đây đâu.

- Không gì mà... không có gì mà... anh nóng tính quá - Tân nói.

- Uống với tao chén rượu đi rồi muốn gì thì muốn luôn - Katơr nói.

- Tuấn lại đây làm chén rượu đi - Người có tuổi vẫy Tuấn.

Tuấn trở lại. Họ uống hết phần rượu của mình vừa rót ra chén. Không ai nói với ai câu nào.

- Dạ thưa anh, anh Trung đây sếp của con... - Tân nói.

Trung đưa tay ra định bắt tay Katơr, nhưng Katơr không động đậy gì, rụt lại.

- Tối hôm qua, xã có lên plây họp...

- Tao biết... tao biết... con vợ tao có nói cho biết - Katơr nói.

- Dạ, thế anh nghĩ sao ạ? - Tân hỏi.

Katơr vụt đứng dây, nói như quát vào mặt cả bốn người:

- Các mầy hả, hôm kia các mầy sai hai đứa du kích lên muốn đánh nhau với tao, hôm nay các mầy lên giọng đạo đức anh nghĩ sao anh nghĩ sao... tao nghĩ con c. nè - Katơr thở ra hồng hộc, mắt long lên dữ tợn - Tao không nghĩ sao cả, đất ông bà tao tao làm rẫy, như ông bà tao từ đời cụ nội tao...

- Bác bình tĩnh đi, nghe tôi trình bày này - Trung nói.

- Các mầy không nói tao cũng biết tỏng rồi... tao muốn biết các mầy muốn gì ở tao?

Minh họa: Bùi Anh Hùng

Minh họa: Bùi Anh Hùng

Chiều hôm trước chúng đã sai hai đứa vác súng lên nó nói ông Katơr phá rừng của nhà nước tôi nói đây là rừng nhà tao nó nói rừng là tài sản của toàn dân tôi nói tao không biết toàn dân là gì tao không biết nhà nước quy hoạch cái gì tao chỉ biết ông bà tao đã làm rẫy ở đây ama tao nói ông bà của ama tao cũng làm rẫy ở đây

Thằng mũi to giơ cây súng lên tôi bảo súng mầy không có đạn mầy đừng lừa tao nó lại giơ súng lên tôi vác rựa đuổi chúng chạy trối chết nó nói nhà nước sẽ bỏ tù ông rục xương tôi nói tao chém gẫy chân thằng nào lên đây nói đất này của nó

Hôm nay chúng đến bốn người không mang súng mà mang theo những tờ giấy

Trung giở tờ giấy ra.

- Bác xem qua bản đồ của Nhà nước đây...

Katơr nhìn vào tờ giấy vẽ loằng ngoằng chằng chịt nét bút xanh đỏ với tô chỗ đậm chỗ nhạt đủ thứ màu trông đến rối cả mắt. Trung lấy que củi chỉ chỏ:

- Đây là khu đất thuộc diện thổ cư Nhà nước quy hoạch dành cho dân ở. Bên kia suối chỗ tô màu đỏ đậm này là phần mở đường. Còn đây là khu đất của lâm trường cao su... .

Lúc này Katơr không nhìn vào tờ giấy nữa. Anh quấn điếu thuốc tưởng tượng, tay anh run run. Anh hớp một ngụm rượu.

- Mảnh đất bác đang đốt rừng này đã được Nhà nước quy hoạch trồng rừng rồi...

- Rừng mà trồng à? Các mầy hiểu các mầy đang nói gì không? Hử... hử... - Katơr lại muốn hét lên. Anh dằn lại.

- Nào, các mầy muốn gì nào? - Katơr hỏi.

- Nhà nước ta sẽ phân một mẫu đất cho bác bên đồi Trok cạnh plây ta... - Tân nói xen vào.

- Tao không muốn đất của ai cả. Tao chỉ làm rẫy trên đất của nhà tao thôi...

- Thưa bác, đất đai là sở hữu của toàn dân...

- Các mầy chớ hòng dọa tao... - Katơr nói, quay mặt đi, nhổ toẹt.

*

* *

Nhà tôi có năm anh em trai. Anh lớn theo Fulro chết bên Cam-bốt. Anh cả kéo thằng Tư với thằng Út đi theo cách mạng. Giấy báo gửi về bảo hi sinh cả. Biết thế, đành nghe thế chứ làm sao được. Người ta đi theo cách mạng giải phóng về sắm xe xây nhà, mình mất mạng không tìm thấy xác. Mek khóc hết nước mắt. Mỗi bữa cơm, ama dặn tôi mầy ráng sống biết mình biết ta, mek mầy chỉ còn có mình mầy là trai. Tôi đã cố gắng sống biết mình biết ta, như lời ama. Tôi theo vợ về nhà nó, mang theo lời ama mà sống. Vợ tôi đẻ được tám đứa, chết ba còn năm. Ama nói, được vậy là cũng nhờ Yang che chắn. So với người cùng plây, đời sống gia đình tôi tạm được. Tạm được phần tôi thôi, chứ mấy bạn nối khố tôi plây bên cạnh khổ hơn con chó. Chúng nó khổ, bán hết đất. Lên miệt trên “ken” làm rẫy, đất lại bị mang đi bán tiếp. Mấy đứa trốn đi Fulro. Chúng nó sang nhà rủ tôi mấy lần, tôi nói mấy mầy làm thế không được. Rồi có đứa qua được bên Mỹ, làm thuê và gửi đô-la về xây nhà, mua xe máy. Nhiều đứa về lại plây, cuộc sống khổ hơn trước. Tôi không thích sướng hay khổ như chúng bạn. Tôi muốn làm việc trên miếng đất ông bà tôi, đồng tiền làm ra từ mồ hôi của tôi. Ama bảo sống biết mình biết ta.

Tôi bỏ chúng ngồi đó, đi vào chòi bắc gùi lên vai, xuống suối, về thẳng nhà.

Tôi bảo con vợ tôi làm cơm cho tôi. Tôi cũng bảo nó kiếm gạo với bắp với muối cho tao lên rẫy cả tuần mới về. Lấy luôn cho thằng lớn nữa. Vợ tôi lâu nay nó không thích nói, mà ưa làm. Tôi bảo sao nó làm vậy. Hôm nay nghe giọng tôi sao ấy, nó mở to mắt ra và hỏi, ở gì lâu dữ? Tôi nói cố làm cho xong. Tôi bảo thằng lớn mang theo cái nỏ với ống tên.

Ở rẫy được hai ngày thì tôi thấy ama lên. Tôi suy bụng tôi ama lên là để nói giúp cho bọn thằng Tân. Bọn này hay đem biếu ama mấy gói vớ vẩn. Một lần tôi nhằn ama vụ đó, ama nói sống có người có ta là vậy. Hay là do vợ tôi đã nói gì đó, ama sợ tôi làm càn. Nhưng không phải. Sống biết người biết ta, tôi nhớ lời ama từ nhỏ. Ama lên rẫy, la tôi tại sao lại chặt phá mấy cây rừng. Tao bảo là không được chặt cây gỗ nào mà. Phá chà gai đốt đi để trồng bắp, khoai thôi. Gỗ thì dành lại. Còn để cho đời con cháu. Tôi kêu nói thế là ama đã nghe lời đồn thổi rồi. Đó là do bọn lâm tặc chặt trộm. Ama nói to, bọn lâm tặc là bọn nào, với lại cha con mầy làm gì trên này cho bọn nó chặt trộm gỗ rừng nhà mầy hả Katơr Sor. Hòa bình rồi...

- Đời ông mầy rừng nhà mình phải đến trăm cây Nhjay, ngàn cây Kapah, còn gỗ Kuh thì mọc như gỗ tạp ấy... bây giờ đến đời con cháu nó ra vậy đấy. - Ama nói, rồi đi quanh rừng rất lâu. Và ngồi một mình góc rẫy cũng rất lâu, mặt như lúc nghe báo tin anh cả chết. Không ăn trưa với cha con tôi, ama bỏ về.

Tôi giận lắm. Không phải tôi giận ama nghe bọn thằng Tân, mà tôi giận bọn lâm tặc. Hết bọn thằng Tân rồi đến bọn lâm tặc. Bọn thằng Tân lấy đất rừng cho bọn lâm tặc chặt cho kì hết cây gỗ rừng, để có cớ trình trên lên kế hoạch trồng rừng. Trong khi tôi làm rẫy để giữ rừng. Vậy mà mấy nó bảo rừng là của toàn dân. Chính bọn chúng bao che cho lâm tặc chặt gỗ rừng nhà mình. Tôi muốn nói cho ama biết chuyện đó, nhưng tôi nghĩ bụng ama đã già rồi. Ama không hiểu chính sách của Nhà nước. Bọn thằng Tân thì đi méc với ama tôi “phá rừng”, nghĩa là chính tay tôi chặt rừng nhà tôi. Là rừng ông bà tổ tiên của tôi.

Định bụng không nói với ama, nhưng tôi vẫn bảo thằng lớn chiều mầy làm một mình, tao đi xuống plây. Tôi nói với ama đừng tin thằng Tân. Nó tính lấy đất nhà mình đó.

- Nó không làm vậy đâu. Nó là người của Nhà nước mà - ama nói.

- Nó nói đất rừng nhà mình là của toàn dân.

- Nó không nói vậy đâu. Mầy vừa nói đó…

Tôi bỏ qua nhà tôi. Nhà tôi cách nhà mek ama đi hết nửa cây rựa. Về đến nhà thì tôi thấy thằng lớn mặt mũi tím bầm. Mek nó đang bóp dầu cho nó. Tôi hỏi nó ai đánh mầy, nó bảo, bọn lâm tặc. Nó bảo chúng vừa chặt hai cây Nhjay sau chòi. Mầy đi với tao, tôi nói. Tôi nắm ngay tay nó chạy một mạch qua nhà mek ama. Ama bảo lấy cây nỏ trên gác xuống cho tao. Tôi nói bắp tay ama nhão rồi. Ama đi vào bếp, đóng cửa lại. Mek nói, bắn vào cẳng nó thôi.

- Mầy có nhìn thấy gì đây không? - Tôi che mắt bên phải thằng lớn, hỏi.

- Cây nỏ và ống mũi tên - nó trả lời.

- Tao chỉ hỏi là mắt mầy còn nhìn thấy không?

- Thấy - nó nói.

Tôi bảo nó đi trước chỉ đường. Đi một đỗi, nó ra dấu cho tôi đứng lại.

- Bọn chúng! - Nó nói.

Có cả thằng nhóc đi với chú Tân. Tôi nghe tiếng gỗ xẻ. Và cả tiếng người. Tôi lắp mũi tên vào nỏ, bảo thằng lớn cầm ống tên lủi theo sát tôi. Tôi đếm chúng: ba tên cả thảy. Trời đã sẫm tối, tôi không nhận mặt chúng. Tôi hô lớn:

- Ngồi im, không tao bắn.

Chúng không nghe tôi, mà chạy tán loạn. Tôi bắn phát đầu trúng ngay bắp chân thằng cao lớn. Nó lê chân chạy tiếp, tính lủi vào lùm cây. Tôi bồi thêm phát nữa, nó mới chịu ngồi bệt xuống. Hai đứa còn lại bỏ nó, chạy biến sau ngả quẹo vào rừng. Tôi và thằng lớn khiêng nó xuống plây…

*

* *

Ama tôi ngồi tù đúng mười năm. Lẽ ra phải mười hai năm theo như bản án của tòa, nhưng do ông cải tạo tốt, nên nhân dịp Quốc khánh, ông được giảm hai năm.

Phải hơn tuần sau khi về plây, ama mới lên rẫy.

Anh lớn tôi ngay khi sự vụ xảy ra, không hiểu gì cả, trốn tịt không thấy về plây nữa. Ama bị án, ama bị tù, ama về cũng chẳng thấy tăm hơi anh đâu. Nghe nói anh lên tận Gia Lai lấy vợ trên ấy, giấu tung tích. Anh cứ nghĩ mình cũng bị tòng phạm gì gì đó. Khu rừng nhà tôi mười mẫu Nhà nước cho giữ lại một mẫu. Nhớ công cách mạng của ông tôi, nhà nước muốn đổi nguyên xi mười mẫu diện tích trên đất khác, nhưng ông không chịu. Ông nói, đất Nhà nước cần thì cứ lấy, còn mình trồng trọt gì gì cũng trên đất mình thôi, nhiêu cũng được. Không có ai làm, ông cho người bà con làm tạm. Giữa năm cuối Trung học, ông kêu tôi lại. Ông nói:

- Mầy nghỉ học về làm rẫy đi. Thằng Ploy anh rể mầy ham hát hò theo đoàn văn nghệ gì đó lên Đà Lạt cả tháng mới về. Mầy làm, đến khi theo vợ thì giao lại cho chị mầy…

Tôi về. Tôi học theo người Kinh trồng trà. Xung quanh toàn trà là trà.

Hôm ama lên rẫy cũng là hôm anh lớn về. Rất đột ngột. Bất ngờ vậy đó. Anh có mặt như thể hẹn trước với ama. Nhưng không phải. Anh đưa cho ama tờ báo cũ. Ama nói:

- Mầy đọc tao nghe.

Sáng nay, ngày… tháng… năm 1986, tòa án huyện Định Quán, tỉnh Lâm Đồng tuyên án ông Katơr Sor, dân tộc Kơho, 40 tuổi, trình độ học vấn lớp Ba: 12 năm tù giam, vì tội chống lại người thi hành công vụ và tội cố ý gây thương tích… Tình tiết giảm nhẹ, do gia đình có công với cách mạng…

Tin cho biết thêm, Katơr Phon, 15 tuổi, con trai ông Katơr Sor cùng có mặt tại hiện trường lúc xảy ra vụ án, hiện đang lẩn trốn…

- Chúng có kết án mầy đâu mà trốn - ama nói với anh lớn.

Anh không nói, mà đưa nguyên tờ báo cho ama. Trong lúc ama ngồi như tượng trên khúc gỗ ngày xưa, anh lớn dẫn tôi lên ngọn đồi cao nhất ở đầu rẫy. Anh không cao hơn tôi bao nhiêu, nhưng tôi có cảm giác anh thật cao lớn, vạm vỡ.

- Mầy mà làm rẫy cái gì - anh nói.

Ừa, đúng thế, Tôi không làm, mà thuê người ta làm. Làm thuê là người trong làng, thậm chí có cả người Chăm từ vùng xuôi lên.

- Mầy làm giống hệt người Kinh ấy - anh lại nói.

Mới đây thôi, cả vùng đất này là của nhà ta hết đó, anh nói. Ama kể đời ông có đến trăm mẫu. Nhưng đất rừng không phải như bây giờ đâu, không có rào trồng gì cả. Cứ làm mảnh này xong vài vụ rồi bỏ sang mảnh khác, xoay vòng thế. Cách mạng về, đời cha chỉ giữ mươi mẫu, còn lại thì hiến. Rừng với cây gỗ thì miễn nói. Đi trong rừng có khi không nhìn thấy đâu mặt trời. Người cách nhau chục bước phải hú mới biết nhau mà tìm. Ngày xưa ông kể có cả đàn voi trăm con xuống rẫy phá bắp. Bây giờ còn lèo tèo chục con trốn xuống Đồng Nai rồi. Nhưng mầy tin tao đi, sẽ không còn lâu đâu, chúng ngủm hết cho mà coi.

- Em đọc báo có biết chuyện đó… - tôi nói xen vào.

- Báo chí gì mậy - anh nói lớn - loài người ác lắm. Nhưng thôi đi, còn kia cạnh chòm cây cao đó là chỗ ama đã bắn tên lâm tặc - Anh chỉ xuống miệt dưới, cách khoảng hơn cây số - Phải công nhận ông già ghê thiệt, hai phát trúng phóc cả hai. Nhắm vào giò nó thôi, bà dặn. Tổ cha nó, tên lâm tặc thì được chở vào nhà thương chữa chạy, còn ama thì vào nằm tù. Hỏi có đáng giận không…

- Ama đang khóc kìa - tôi nói khi chúng tôi trở lại chòi.

- Ama nhớ rừng - Anh nói - chắc sắp theo ông bà rồi. Xưa ông nội cũng lên chỗ đó ngồi đúng kiểu đó. Về, thì ba ngày sau đi theo ông bà luôn.

Sài Gòn, 4-2013

KIỀU MAILY

Nguồn: vannghequandoi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast