Những đêm mất ngủ

Đã hơn hai giờ trôi qua kể từ khi tiếng kèn báo hiệu giờ ngủ vang lên, Biển vẫn cứ trằn trọc, hết nghiêng bên trái lại nghiêng bên phải. Anh cố nhắm mắt đếm thầm từ một đến một trăm, thậm chí một ngàn mà vẫn tỉnh như sáo. Chắc chắn không phải vì lạ chỗ hoặc nhớ nhà như hồi mới nhập ngũ. Hơn một năm rồi, Biển đã đi qua cửa tân binh khá vất vả, tiếp đó là sáu tháng quần quật trên thao trường với đủ kiểu kỹ chiến thuật để bây giờ làm chỉ huy cao nhất cấp... tiểu đội. Chỉ sau thời gian ngắn mà anh đã ở ba đơn vị khác nhau, ba vị trí khác nhau.

Quay sang thằng Trung nằm giường bên cạnh, thấy nó ngủ ngon lành mà thèm. Lính mới có khác. Hồi Biển mới nhập ngũ cũng vậy, cả ngày chạy đua với thời gian để thực hiện tốt các chế độ, người mệt mỏi nên hễ đặt lưng xuống là… mặc kệ ai muốn làm gì thì làm. Hơn một năm sống trong quân ngũ, đây là lần thứ hai anh cảm thấy khó ngủ vô cùng.

Minh họa: Lê Trí Dũng
Minh họa: Lê Trí Dũng

Biển vén mùng bước ra ngoài hành lang. Ánh trăng giữa tháng soi sáng cả khoảng sân của tiểu đoàn đầy hoa kiểng. Ngọn núi sau lưng nhà sở chỉ huy in lên trời những đường cong uốn lượn, nhấp nhô. “Đây là đơn vị có quang cảnh đẹp nhất trong toàn quân!”, nhiều thủ trưởng đã nói với anh như vậy và anh lặp lại với các chiến sĩ bằng giọng tự hào. Biển đi xuống sân vươn vai làm vài động tác thể dục. Gió thổi mơn man da thịt lành lạnh. Đêm vắng lặng. Anh nghe rõ tiếng sóng biển vỗ vào bờ đá, tràn lên bãi cát, không như ban ngày bị chìm lấp bởi một mớ âm thanh hỗn độn. Anh chợt thấy nhớ quê da diết. Ở đó cũng có tiếng sóng biển lúc xa lúc gần như thế này. Một làng chài có ngôi nhà nhỏ bé của anh lúc nào cũng man mác vị mặn của hơi biển, mùi tanh tanh của cá khô và sự ồn ào, tấp nập mỗi khi ghe về bến.

Má thường kể: “Hai bên nội ngoại con mấy đời đi biển nên tía má cũng theo nghề này luôn. Lúc tía má lấy nhau, vợ chồng mần dành dụm mấy năm cộng thêm tiền bên nội bên ngoại cho mới mua được chiếc ghe này. Hồi sanh con, tía má đặt tên con là Biển để sau này con thay tía ra khơi. Còn hai đứa em con tên Bình và Minh là mong muốn mỗi sáng về ghe đầy tôm cá, là một ngày mới có nhiều thuận lợi”. Không nhớ đã là thế hệ thứ mấy, anh và hai đứa em cùng những đứa trẻ làng chài làm bạn với biển từ khi lọt lòng, dần dần lớn lên và học hành nhờ những sản vật từ biển, cơ thể ngày càng vạm vỡ, rắn rỏi hơn cũng nhờ gió và nước biển. Biển đã nuôi nấng con người nhưng cũng cướp đi sự sống của con người.

Anh nhớ như in buổi chiều đưa tía ra biển, trời mưa lâm râm, gió thổi những con sóng lăn tăn, anh xin tía cho đi cùng nhưng tía xua tay: “Năm nay là năm cuối, con cứ ở nhà lo học”. Những đợt hè trước, anh thường ra biển với tía. Nhưng lần này… Cơn bão tưởng qua luôn nhưng nó vòng lại nhấn chìm ghe tàu ngư dân, tía và một số người bạn vĩnh viễn nằm ở đại dương. Khối tài sản lớn nhất của gia đình anh chắt chiu cũng tan tành. Ngôi nhà nhỏ của anh và cả làng chài chao nghiêng như bóng dáng của những người vợ liêu xiêu trên bãi biển tìm xác chồng. Người đàn ông trụ cột trong gia đình không còn, vai má càng oằn xuống, lưng càng còng thêm sau mỗi ngày ra bến mua cá tôm chạy chợ kiếm tiền nuôi ba con ăn học. Song, má không hề nói một lời trách phận hay than cực khổ. Đôi lúc, anh thấy má đứng trước bàn thờ tía thật lâu, nước mắt lặng lẽ chảy hoài.

Thương má, ba anh em Biển vừa đi học vừa tranh thủ ra bãi lượm lặt cá vụn thúi bán cho người ta nuôi heo, hoặc mò bắt cua còng đắp đổi qua ngày. Cúng cơm một trăm ngày mãn tang tía thì Biển được tin đậu tốt nghiệp cấp ba, nhưng rồi anh quyết định không thi đại học, vì anh nghĩ nếu có vô được giảng đường thì đâu có tiền để theo suốt những mấy năm trời. Với lại, thanh niên ở đây không cần trình độ mà chỉ cần thạo nghề đánh bắt, biết chẻ sóng khi biển động, nhìn trời mây đoán độ gió, xác định được luồng cá để tóm gọn cả đàn… Anh gạt bỏ ước mơ để hai đứa em có điều kiện đi tiếp, cho dù má không muốn. Anh nói: “Hồi còn sống tía nói con là con trai lớn, sau này gánh vác chuyện gia đình. Bây giờ nhà mình như vầy, con phải làm theo ý tía”. Anh thấy má thở dài, tiếng thở nặng nề nghe mặn chát.

Sau hai chuyến đi biển, anh tình nguyện nhập ngũ. Anh đã tính đi tính lại nát nước sau khi lên tận Huyện đội nhờ tư vấn mới chọn con đường này. Bởi trước mắt, gia đình sẽ giảm bớt một suất ăn, mặc; ngoài ra còn có thêm khoản phụ cấp mà nếu tiết kiệm cũng dư nửa triệu mỗi tháng. Hơn nữa, có thể đăng ký thi vào các học viện, nhà trường trong quân đội. Nếu đậu thì anh không phải bận tâm chuyện ăn - ở - đi lại, mọi thứ đều được đơn vị lo hết. Ra trường sẽ không phải chạy đôn chạy đáo lo lót tiền xin việc.

Dự tính đó hình thành trong anh ngày càng hiện hữu rõ ràng hơn, đến nỗi theo anh vào trong giấc ngủ chập chờn. Nhất là từ khi anh được cử đi học lớp tiểu đội trưởng thì ước mơ đó như cánh diều say gió, như ngọn lửa không còn âm ỉ mà bùng cháy trong anh. Anh yêu cái thao trường đầy nắng chang chang và gió bụi. Anh say mê các phương pháp đánh địch tiến công hoặc phòng ngự, lúc mở cửa hay trong công sự. Anh thích thú khi tưới những luống rau cải xanh rờn nhờ bàn tay chăm bón của người lính… Tất cả theo thời gian ngấm vào anh mỗi ngày một chút và trở nên quen thuộc như tiếng sóng biển vỗ nhịp ru anh từ thuở chào đời.

Mỗi lần nghe tiếng sóng biển dội về đâu đó là anh như thấy hình ảnh tía với màu da sạm đen, săn chắc lúc neo ghe vào bãi. Rồi cái dáng thấp đậm ấy xốc lưới lên vai, vừa đi thoăn thoắt trên bãi vừa kêu, giọng ồm ồm át cả tiếng sóng: “Má thằng Biển đâu, lấy thúng ra hốt cá đi. Đợt này mình trúng đậm nghen!”. Dứt lời là tía cười giòn tan làm rung rinh cả xóm chài. Anh lại thấy cái lưng lom khom của má nhẫn nại phơi trở cá khô dưới cái nắng rát rạt vì gió biển và mịt mù vì cát bay, nhưng nụ cười thì sáng lấp lánh như bọt biển dưới ánh bình minh. Thấy cả sự bồn chồn, âu lo của má lúc nghe tin bão từ xa mà ghe tía chưa cập bến. Và đôi mắt má ráo hoảnh từ khi tía vùi thân ngoài khơi xa lại rưng rưng tiễn anh rời làng chài lên đường nhập ngũ…

Biển cảm giác mũi mình cay cay. Anh quay bước vào phòng, leo lên giường định dỗ giấc ngủ nhưng thấy thằng Trung ngáy đều đều làm anh nhớ tới chuyện lúc tối trong chương trình “Sinh nhật đồng đội” do chi đoàn đại đội tổ chức. Trung ca bài “Happy birthday” bằng chất giọng khàn khàn như vịt đực cùng với cái dáng lênh khênh của nó nhảy nhót trật nhịp làm anh em cười nghiêng ngửa. Mà càng cười thì vỗ tay càng lớn làm nó phấn khích, phô diễn đủ mọi động tác hip-hop. Cái không khí sôi động ấy qua nhanh khi trung đội trưởng Tiến giới thiệu sơ lược về gia cảnh của Trung – chiến sĩ duy nhất được mừng sinh nhật trong tháng này. Trung là chiến sĩ mới nhập ngũ vào tiểu đội của Biển.

Năm nay Trung mười tám tuổi, da trắng bóc như trứng gà luộc, mặt sáng sủa lại có vẻ sành đời. Nó là con lớn, sau nó còn một thằng em cũng tánh đua đòi, ăn diện không khác nó lắm. Ba má nó thuộc hàng đại gia ở thị xã, có công ty xây dựng riêng. Nhờ vậy mà ngay từ nhỏ hai anh em nó được bao bọc trong lớp vỏ kinh tế khá cứng cáp, kiểu như “không sợ không có tiền mà chỉ sợ không biết cách xài”.

Có lần nó kể với Biển: “Nhà em mỗi người một chiếc xe, tùy theo sở thích mà lựa chọn. Ngay như chiếc VFR1200X Crosstourer của Nhật vừa xuất hiện ở Việt Nam là ba đặt mua cho em ngay. Đây là chiếc xe đầu tiên có mặt ở thị xã. Nghe đâu bây giờ nó ra dòng xe mới có cải tiến thêm chút đỉnh, giá chỉ khoảng mười tám ngàn đô thôi. Nếu em còn ở nhà thì em vớt nó liền”. “Vậy sao đi bộ đội?”. Trung trả lời cộc lốc: “Thi rớt đại học”. Những ngày mới vào đơn vị, Trung tỏ vẻ bất cần và ít tiếp xúc với anh em, trừ cán bộ. Mà nếu có thì nó cũng thể hiện ta đây là bề trên, còn xung quanh là kẻ dưới. Song, nó không đến nỗi quậy phá để trở thành cá biệt vì phải “giữ thể diện cho gia đình, nếu không là ba cắt lương”, nó nói vậy. Có điều, sau cái bận hành quân mang vác nặng nó được anh em trong tiểu đội thay nhau chia sẻ khẩu súng và ba lô thì nó bớt kênh kiệu hơn, thỉnh thoảng còn gợi chuyện với anh em.

Biển thường nói: “Tiểu đội của mình được chọn làm điểm của đại đội. Vì vậy, anh em phải đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như sinh hoạt. Hễ gặp khó khăn, vướng mắc gì anh em cứ nói với tôi, hoặc chúng ta cùng nhau bàn bạc, chắc chắn nhiều người góp ý sẽ có biện pháp thích hợp”.

Hồi Biển còn tân binh cũng được đơn vị tổ chức sinh nhật. Đêm đó anh đã thức trắng vì lần đầu tiên trong đời mới cảm nhận niềm xúc động và hạnh phúc ngọt ngào trào dâng khi được anh em chúc mừng. Anh không rành cái bài “Happy birthday” gì đó, chỉ biết nó là bài hát mừng sinh nhật. Nhưng trong cái làng chài nhỏ bé ở tận cùng đất nước quê anh chưa bao giờ người ta tổ chức mừng “ngày sinh tháng đẻ năm chào đời”. Chuyện cơm áo cứ cuốn mọi người “bán mặt cho biển bán lưng cho trời” nên đâu có thời gian nghĩ đến những thú vui xa vời ấy. Ngay cả ngày giỗ chạp ông bà, người ta cũng chỉ nấu mâm cơm cúng rồi tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Khi Biển cùng hai chiến sĩ khác đứng trước những ngọn nến lung linh chắp tay cầu nguyện, anh ước mong má luôn khỏe mạnh, hai đứa em được học hành đến nơi đến chốn, riêng anh thì luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Lúc chính trị viên phó đại đội lên phát biểu chúc mừng và tặng quà, những giọt nước mắt cứ rịn ra lăn tròn trên má Biển, dù anh đã cố kìm lòng. Là con trai xứ biển, ít khi anh khóc, trừ cái lần ba ra khơi vĩnh viễn không về.

Trung đứng giữa sân, trong vòng vây của đồng đội. Hình như nó đang xúc động nên cứ đưa micro lên, môi mấp máy không thành tiếng rồi lại hạ micro xuống. Đôi mắt nó chớp chớp nhìn xung quanh. Tiếng vỗ tay cổ vũ rộ lên càng làm nó bối rối. Mãi một lúc sau, nó ngập ngừng: “Thưa thủ trưởng, thưa các đồng chí!... Ngay từ nhỏ, mỗi năm, ba mẹ tôi đều tổ chức sinh nhật cho tôi… Ngoài bạn bè tôi còn có bạn bè của ba của mẹ. Họ đến đem theo rất nhiều quà, mà nhiều nhất là rượu. Rồi ăn uống tưng bừng, ca hát rình rang. Sau này lên học cấp ba thì tôi tự tổ chức sinh nhật ở nhà hàng, với rượu ngoại và hải sản. Bạn bè tới chúc mừng là những đứa phải “ăn hết mình, uống thả ga”. Sau đó thì ăn nhậu, nhảy múa…”. Trung dừng lại. Mọi người im lặng theo dõi nhất cử nhất động của nó và chờ đợi điều gì mới mẻ từ nó.

Biển thấy nó hôm nay khác hơn mọi khi, nhất là cách nói chuyện không cụt ngủn cụt nghỉu như thường ngày với anh em. Nó ngắm nghía mấy món quà trên tay do đồng đội tặng, Biển biết trong mấy gói giấy được gói cẩn thận ấy chỉ là cuốn sổ tay, dầu gội đầu. Giọng Trung nghèn nghẹn: “Các lần sinh nhật của tôi trước đây, thật hiếm có những tình cảm chân thành như thế này. Tôi sẽ quý trọng nó. Nhân đây, tôi xin cảm ơn thủ trưởng đơn vị và các đồng chí đã tổ chức sinh nhật cho tôi. Đặc biệt, tôi xin cảm ơn tiểu đội trưởng Phạm Văn Biển. Nhờ anh thường xuyên chia sẻ, động viên, khuyến khích để tôi có thể hòa nhập với anh em”. Cùng lúc đó, cả tiểu đội của Biển vừa vỗ tay vừa đứng dậy ùa ra khiêng anh nâng lên cao như tung hô một vị anh hùng!

Nghĩ đến đó tự dưng nước mắt Biển ứa ra. Thì ra phong cách tự tin, phương pháp quản lý vừa nghiêm khắc vừa ân cần của các anh đi trước truyền lại và được anh vận dụng đã có hiệu quả. Tâm lý của chiến sĩ mới vốn phức tạp, trong khi Biển chưa có kinh nghiệm ắt sẽ đối diện với không ít trắc trở, vậy mà mưa dầm thấm lâu, tình cảm của anh đã thay đổi dần suy nghĩ tiêu cực của Trung, níu kéo nó xích lại gần anh em hơn. Anh ngồi dậy nhìn qua cửa sổ thấy vầng trăng giữa tháng đã trôi về phía tây. Trời sắp sáng rồi. Anh nghe tiếng sóng biển lao xao vọng lại lẫn trong tiếng kèn báo thức.

*
* *

Lại một đêm nữa mất ngủ!

Hai ngày nay, tranh thủ thứ bảy và chủ nhật, đơn vị Biển đi giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ. Nghe nói năm nay lũ từ thượng nguồn đổ về sớm hơn mọi năm và dâng cao nhấn chìm đồng ruộng của bà con. Bốn giờ sáng, anh em đã thức dậy ăn vội chén cơm lót dạ rồi hành quân đến tối mịt mới về doanh trại. Cả ngày dầm mình trong nước cắt lúa, mấy chàng lính kiểng, chưa từng làm ruộng rẫy, đồng áng nên người cứ xon xót, ngứa ngáy, gãi tới đâu là nổi mẩn đỏ tươi, thịt da u nần tội nghiệp.

Quý một điều là chẳng ai than thở gì, ngược lại, các chiến sĩ còn tỏ ra phấn chấn, đùa giỡn như… đi chơi tết. Có lẽ, gần hai tháng sống trong khuôn phép, giờ ra ngoài tiếp xúc với dân, nhất là gặp những cô gái tuổi đôi mươi nên lính trẻ giống như chim sáo vừa lột lưỡi được sổ lồng. Biển cảm thấy mình sống lại ngày tháng tràn ngập niềm vui ấy, dù mới trải qua một năm thôi, dù tuổi đời và suy nghĩ chưa đến lúc dành cho sự chiêm nghiệm về cuộc sống, lắng đọng để soi rọi những gì đã qua để điều chỉnh. Nhưng ở vào vị trí của Biển – người anh của tiểu đội – thì trong mọi công việc, sinh hoạt đều cần phải có điểm dừng nhất định.

Hồi chiều, Biển qua quân y xin mấy chai dầu gió về cho anh em xoa bóp bớt ngứa. Cầm chai dầu, mắt thằng Hưng sáng lên: “May là có nó, nếu không tối nay em lên sân khấu chắc giống… thổ dân da đỏ”. Lên sân khấu làm gì? Biển định hỏi câu đó nhưng kịp dừng lại khi anh nhớ tối nay chi đoàn tổ chức “Sinh nhật chiến sĩ”. Rõ ràng, đâu phải chuyện gì những “cán bộ cơ sở” như Biển nhớ hết. Việc hướng dẫn ôn luyện, đôn dốc học tập, kèm cặp chiến sĩ yếu, duy trì kỷ luật, quản lý quân số, động viên tinh thần, tư tưởng anh em… đều dồn lên vai tiểu đội trưởng.

Đó là chưa kể những tiểu tiết nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày phải giải đáp cho các chiến sĩ mới. Ví như: “Anh Biển ơi, nội vụ em xếp hoài không vuông, em cắt giấy chêm được không?”, “Anh Biển cho em mang giày ngủ nghen, sợ tối báo động em mang không kịp?”, “Anh Biển cho em đổi qua giường khác đi, thằng Tùng ngáy lớn quá!”, “Anh Biển cho em lên nằm giường trên hén. Mỗi lần báo động thằng Tiến mắt nhắm mắt mở cứ nhảy lên đầu em”, rồi chuyện nhà bếp nấu không hợp khẩu vị làm nửa đêm phải ăn mì gói, chuyện nạnh hẹ nhau khi được phân công quét dọn nhà vệ sinh, vân vân và vân vân. Một anh Biển mà hai cũng anh Biển. Đúng là trăm dâu đổ đầu tằm. Đôi lúc Biển cảm thấy bực nhưng nghĩ họ có khác gì mình ngày xưa đâu!

Biển ngước nhìn ra sân. Hàng cây lộc vừng đang tắm dưới trăng suông, tán lá lay phất phơ trong gió. Có lẽ đã nửa đêm rồi. Biển đoán vậy khi thấy trăng giữa tháng lên đến đỉnh cây dầu cây sao. Anh em ngủ say hết, chỉ còn mình Biển thao thức dù cơ thể ê ẩm, rã rời. Hai ngày liền vật lộn với lũ, thiếu thời gian nghỉ ngơi nên mệt mỏi là điều khó tránh khỏi. Trong giờ giao ban chiều nay, trung úy Kiên, Chính trị viên phó đại đội, giải thích lý do tổ chức “Sinh nhật chiến sĩ” tối nay vì ngày mai sẽ bắt đầu kiểm tra ba tiếng nổ đối với tân binh. Một chương trình mang lại nhiều cảm xúc cho chiến sĩ mới trước giờ ra trận sẽ tăng thêm động lực, quyết tâm giành kết quả cao nhất. Trong tiểu đội của Biển, không có ai sinh tháng mười một. Buổi sinh nhật này dành cho thằng Nhã của tiểu đội 4 và thằng Đức ở tiểu đội 8. Cũng giống như lần trước, sân khấu là khoảng sân trước cửa ban chỉ huy đại đội. Một tấm phông màn xanh được căng lên, trên đó rải rác những cánh hoa và nốt nhạc cùng dòng chữ được lính ta cắt dán khéo léo hình cánh cung: “Chúc mừng Sinh nhật chiến sĩ”. Hai bên cánh gà đặt mấy chậu kiểng cao đến nửa thân người, gắn thêm chùm đèn cà na nhiều màu nhấp nháy. Một chiếc bánh kem ba tầng trên bàn để giữa sân.

Đêm nay thiếu úy Long, trung đội trưởng trung đội 3, đảm nhiệm dẫn chương trình. Sau một số bài hát tập thể để khuấy động không khí, giọng anh Long hài hước: “Trước tiên, xin giới thiệu chiến sĩ sinh ngày mười tám tháng mười một. Anh có số đo ba vòng như sau: Tám mươi lăm, chín mươi và tám mươi lăm. Sở thích: Yêu hoa sim, thích màu tím, hát nhạc dân ca hay nhưng lại thích nhảy hip-hop. Sở trường là… múa lửa. Sở đoản là… lắc vòng. Anh này không thích những người cao hơn mình, nhất là phụ nữ, vì anh chỉ cao một mét năm mươi tám, mỗi lần nói chuyện phải ngước lên sợ mỏi cổ. Anh thích làm bạn với các cô gái tóc dài, đặc biệt là ca hay như Thanh Kim Huệ. Phương châm sống của anh là: Ai yêu quý mình một thì mình yêu quý lại gấp đôi đối với… phụ nam, và gấp bốn lần đối với… phụ nữ. Đặc biệt, anh quan niệm: Đời rất vui khi ba người ăn mâm sáu/ Đời rất cáu khi sáu người ăn… mâm ba. Ha ha, có lẽ vì vậy nên anh này mang dáng vóc hình… ách rô. Nào, xin mời chiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã”. Cứ sau mỗi chữ nhấn nhá của anh Long, các chiến sĩ cười tít mắt, vỗ tay rào rào.

Nhã nhảy chân sáo lên sân khấu, cười toe toét. Thằng này có vẻ dạn dĩ so với Biển của một năm trước. Qua lời giới thiệu của anh Long, quê Nhã ở xã biên giới Phú Mỹ, bên dòng sông Vĩnh Tế. Nhà nó ngoài hai mươi công ruộng còn có thêm nhà máy chà gạo nên thừa sức lo chu đáo tương lai cho nó và một đứa em gái. Năm học lớp mười hai, nó đạt giải học sinh giỏi cấp huyện môn lý. Sau đó nó thi trượt đại học, đủ điểm vào cao đẳng nhưng chê “chưa xứng tầm”. Vậy là đăng ký nhập ngũ. Nó giải thích rất đơn giản: “Đi bộ đội là rèn luyện cho cứng cỏi một chút để mai này ra đời không thua ai!”. Biển không tán thành lý do đó. Anh nghĩ chắc nó còn điều gì chưa nói ra thôi chớ thời buổi này kiếm đâu ra nếp nghĩ nguyên lành như vậy. Chẳng biết có phải anh suy bụng ta ra bụng người không, nhưng rõ ràng và thực tế ở quê anh đã chứng minh, nếu ngoài lý do khác thì thanh niên nhập ngũ đều miễn cưỡng (?!). Chính vì thế nên nó không phải là nguyên nhân làm anh mất ngủ đêm nay.

Biển nằm ngửa ra, mắt mở trao tráo nhìn cái quạt trần đang quay chầm chậm. Lẫn trong tiếng sóng biển rì rào ngoài kia có tiếng gà gáy. Không biết mấy giờ rồi? Biển nhớ từng lời giới thiệu trầm ấm của anh Long: “Có một chiến sĩ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo bên kênh xáng Xà No. Cuộc sống đang hạnh phúc thì ba anh đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, để mình mẹ phải làm mướn nuôi anh ăn học hơn mười năm qua. Mỗi khi nhìn thấy “chú bộ đội”, anh lại mơ ước sau này sẽ được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh ấy. Học xong lớp mười hai, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ngay từ những ngày đầu, anh tỏ ra rất có ý thức trong việc chấp hành kỷ luật của quân đội và đơn vị, nêu cao tinh thần học tập và rèn luyện, nhờ vậy, anh đã hai lần được biểu dương trước đại đội. Xin mời chiến sĩ Nguyễn Văn Đức, sinh ngày hai mươi lăm tháng mười một”.

Tiếng vỗ tay vang lên theo từng bước đi e dè của Đức từ hàng ghế cuối cùng lên sân khấu. Dưới ánh sáng chuyển động từ những bóng đèn cà na, Biển nhìn thấy đôi mắt Đức rướm lệ. Hình như nó đang nhớ về ba và thương tưởng đến những tháng ngày vất vả của mẹ. Tâm tư lính ai cũng vậy thôi, cha mẹ và gia đình là những hình ảnh luôn thường trực trong tâm trí. Như Biển, đã không ít đêm nằm mơ gặp lại tía. Biển thấy mình theo tía đứng trên những con sóng vẫy tay, đôi mắt rạng rỡ niềm vui. Có lúc anh lại thấy mình nắm tay tía lặn ngụp chui qua con sóng cao vời vợi về phía tàu, nhưng càng bơi thì khoảng cách đến tàu càng xa. Anh nắm chặt tay tía nhưng bàn tay mềm nhũn rồi buông lơi, tía chìm dần xuống biển. Anh cố kêu gào trong tiếng gió mưa từng chặp. Khi giật mình tỉnh dậy mới biết đang nằm mơ. Anh cũng nhiều lần đang ngồi ăn cơm với đồng đội có đủ thịt cá, canh rau, cả trái cây tráng miệng mà xót xa nghĩ về dáng má tất tả gánh cá chạy chợ mỗi sáng; rồi cái dáng ấy lầm lũi, bước đi trĩu nặng đổ dài trên bãi biển dưới nắng chiều vàng vọt của ngày ế ẩm.

Đức đứng cạnh anh Long, hai bàn tay nó xoa xoa vào nhau, chờ đợi. Anh Long đang nghe điện thoại. Chiếc điện thoại đã chuyển sang chế độ loa. Cái micro áp sát để mọi người nghe rõ tiếng đổ chuông phía bên kia. “A lô, xin hỏi phải điện thoại nhà dì Tư bán tạp hóa không ạ?”. Một giọng phụ nữ đáp lại: “Đúng rồi. Ai đầu dây vậy?”. “Dạ, con là Long, ở chung với em Đức. Tối nay đơn vị tổ chức mừng sinh nhật cho Đức, tụi con nhờ điện thoại của dì để Đức nói chuyện với gia đình. Dạ, có dì Hai Thủy, mẹ của Đức ở đó không dì Tư?”. Giọng dì Tư sốt sắng: “Mèn ơi, thằng Long hồi chiều gọi điện cho dì đó hả? Có. Chị Hai đang ngồi đây nè. Chị đợi con lâu lắm rồi đó… Chị Hai, điện thoại của thằng Đức nè!”. Hồi sinh nhật Biển, đơn vị cũng gọi điện kết nối cho anh nói chuyện nhưng anh cứ ấp a ấp úng. Gọi cho ai bây giờ? Nhà không ai có điện thoại, mỗi lần có việc gì phải chạy lên ngã ba bờ đê cả cây số để gọi. Chắc má đã ngủ để sáng mai dậy sớm gánh cá ra chợ. Nghĩ vậy anh lắc đầu. Đến bây giờ anh cũng ít sử dụng nó. Mỗi tháng anh viết thư về cho má thăm hỏi tình hình gia đình như thế nào, công việc làm ăn ra sao, kèm theo thư là mấy trăm ngàn phụ cấp của anh gởi về giúp má giảm bớt gánh nặng lo cho hai em ăn học.

“Má hả? Con, Đức nè. Má khỏe không?”. “Ừ, má khỏe. Con nói đơn vị tổ chức cái gì cho con?”. “Dạ, tổ chức sinh nhật. Anh em nào sinh cùng một tháng thì gom lại tổ chức một lần. Vui lắm, má! À, cái sàn nước nhà mình đóng rong trơn lắm, má đi cẩn thận coi chừng té. Hay má kêu anh Tú qua sửa lại đi, mấy miếng ván con để dưới nhà bếp đó”. “Ừ, đúng rồi. Con sinh ngày hai mươi lăm tháng này, nhằm ngày hai mươi tháng mười ta… Mười chín năm rồi má chưa lần nào… làm sinh nhật cho con…

Các anh thương như vậy, con phải cố gắng, đừng phụ lòng các anh nghen… Mà Đức nè, má hỏi thiệt, tiền ở đâu con gởi cho má vậy?”. “Dạ… tiền phụ cấp của con”. “Sao con không để xài? Má còn sức còn đi mần được mà!”. “Dạ, ở đây đơn vị lo đầy đủ hết, không thiếu gì đâu má. Má cứ lấy tiền con gởi về mua thuốc trị bệnh đau khớp đi, rồi mua thịt cá ăn mới có sức khỏe chớ!”. Tất cả đều im lặng. Biển nghe rõ tiếng muỗi kêu ro ro xung quanh. Anh cảm giác môi mình mằn mặn. “A lô… Má đâu rồi?... Má nghe con nói không?”. Giọng dì Hai gấp gáp: “Ừ, má nghe. Chừng nào con xin được phép thì về thăm má… Ừ, vậy thôi nghen con”. Chắc bên kia chưa cúp máy nên nghe tiếng sụt sùi và cuộc trò chuyện của dì Hai: “Tư à, tắt máy đi”. “Sao chị không hỏi nó trên đó ăn ở, học tập cực hôn?”. “Nghe nó kể chị không kìm chế được. Chị sợ nó biết chị khóc rồi nó lại lo”.

Đức đưa điện thoại cho anh Long, môi nó cắn chặt, hai giọt nước mắt lăn trên má. Niềm xúc động của Đức đang chạm đến trái tim của mọi người, trong đó có Biển. Sao lời của dì Hai giống y chang lời của má. Lần đầu anh gởi tiền về má nhất định không lấy, kêu anh để dành xài, má còn sức là còn làm ra tiền. Anh năn nỉ riết má nhận, nhưng lại đưa cho con Bình cất, dặn không được sứt mẻ đồng nào, để mai mốt anh về kiếm thêm tiền mua ghe ra biển thăm tía… Không gian ngưng đọng rồi bỗng vỡ òa trong tiếng vỗ tay. Một cô gái mặc áo đoàn thanh niên của đơn vị kết nghĩa tiến thẳng lên sân khấu, không ngần ngại ôm cổ Đức và tặng một nụ hôn. Biển chợt nghĩ nụ hôn đó cũng tặng cho mình nên mỉm cười. Nhưng anh biết, ngay lúc này đây, nước mắt mình đang chảy xuống gối…

*
* *

Biển bước ra sân, ngó về phía đông thấy trời đâm mây ngang. Vậy là thức trắng đêm. Chẳng lẽ mỗi lần “Sinh nhật chiến sĩ” anh lại mất ngủ. Mỗi lần mất ngủ là có thêm một câu chuyện. Và anh sẽ kể những câu chuyện đó cho các chiến sĩ của anh nghe, hết đợt này đến đợt khác, vì nó như món quà chung nên không thể niêm giữ cho riêng mình. Biển hít thở một hơi thật sâu rồi bước vào phòng. Phía sau, tiếng kèn báo thức một ngày mới đuổi theo.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast