Những học giả Nga duyên nợ với Truyện Kiều

Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, bộ môn Tiếng Việt chính thức được đưa vào giảng dạy tại một số trường đại học lớn ở Liên Xô như: Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonoxov (MGU), Đại học Quan hệ Quốc tế (MGIMO), Viện Nghiên cứu Phương Đông... Đến nay thì một người Nga trẻ đã có thể dịch được Truyện Kiều sang tiếng Nga.

Trót vì “cầm đã bén dây”

Viện các nước Á - Phi IXAA thuộc MGU (Institute of Asian and African studies) ra đời năm 1956, là trung tâm nghiên cứu về ngôn ngữ, văn học, lịch sử, kinh tế của hàng chục nước châu Á và châu Phi, trong đó, khu vực Đông Nam Á được coi là trọng điểm nghiên cứu. Nơi đây đã từng đào tạo hàng loạt cán bộ khoa học, những chính khách, nhà Việt Nam học nổi tiếng như E.Kobelev, A.Xocolov, I.Mankhanova, A.Xiunhenbec...

Những học giả Nga duyên nợ với Truyện Kiều ảnh 1

Thành phố Matxcơva về đêm. (Ảnh: VnExpress)

Những tác giả và danh nhân Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung… được đưa vào giảng dạy tại IXAA. Ngoài các môn chính, sinh viên còn được học về phong tục, tập quán, nghi lễ; được học âm nhạc và hội họa của Việt Nam.

Giáo sư V. Remartruc, Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn các nước Đông Nam Á cho biết, ông là người vô cùng say mê tranh lụa Việt Nam. Ông có một bộ sưu tầm khá đầy đủ tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Ông còn lưu giữ nhiều bức thư trao đổi với nhà ngôn ngữ Nguyễn Phan Cảnh, con của họa sĩ tranh dân gian Việt Nam. Rất hiếm một người nước ngoài nào có thể đọc thuộc lòng nhiều câu, nhiều đoạn Truyện Kiều và dẫn những câu Kiều đúng lúc, đúng chỗ như Giáo sư V.Remartruc.

Nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn nhất trong giới nghiên cứu văn học Việt Nam là Giáo sư Niculin người từng làm việc tại Viện Phương Đông. Những khảo cứu của ông về văn học Việt Nam cổ cận đại được coi là những công trình có giá trị, được các học giả Việt Nam và Liên Xô đánh giá rất cao. Ông đã dành cho Truyện Kiều nhiều bài viết sâu sắc, mang tính chất giới thiệu một tinh hoa văn học Việt cho giới nghiên cứu văn học Liên Xô trước đây và tầng lớp trí thức Nga ngày nay. Những học giả như: Kobelev, Mankhanova, Nonna Xtankevits… rất say mê Truyện Kiều và trong các bài viết của họ luôn dành cho Truyện Kiều một sự trân trọng, quan tâm sâu sắc.

Việc nghiên cứu, giảng dạy Truyện Kiều ở Nga như là mối tơ duyên “cầm đã bén dây” từ bao năm trước.

“Đến bây giờ mới thấy đây”

Tuy có nhiều bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí Văn học Nga và được đưa vào giảng dạy ở bộ môn Tiếng Việt một số trường đại học, nhưng Truyện Kiều vẫn chưa được dịch ra tiếng Nga, mặc dù nó được chuyển tải ra 31 ngôn ngữ trên thế giới. Dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga là nỗi trăn trở, đau đáu của những học giả, dịch giả có tâm huyết, nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan nên nhiều năm qua, nó vẫn chỉ dừng lại ý tưởng.

Doanh nhân Hoàng Văn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty Zolotoi Drakon tại Nga, người con của quê hương Nguyễn Du đồng ý tài trợ cho việc dịch Truyện Kiều là một “cú hích” để khởi động công trình dịch thuật Truyện Kiều ra tiếng Nga. Theo ước tính sơ bộ, đến nay, đã có khoảng 40 tác phẩm văn học, nghệ thuật và các công trình khoa học khác được dịch ra tiếng Nga, nhưng nói đến Truyện Kiều, các dịch giả Việt Nam vẫn coi là bức tường thành không dễ chinh phục.

Những học giả Nga duyên nợ với Truyện Kiều ảnh 2

Nhà thơ Nga trẻ Vaxili Popov - người dịch Truyện Kiều ra tiếng Nga.

Đối với chúng tôi, việc dịch Truyện Kiều như là một sự thách thức bởi từ lúc tổ chức dịch đến ngày ra mắt chỉ vẻn vẹn một năm rưỡi, trong khi thời gian cần thiết phải ít nhất 3 năm! Hơn nữa, người dịch, nhóm hiệu đính ở tận hai phương trời, người thì ở Hà Nội, người thì Matxcơva, trao đổi, cập nhật chỉ bằng điện thoại và internet, cũng là một trở ngại.

Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là con người. Trong số 4 dịch giả chúng tôi chọn, nhà giáo Vũ Thế Khôi là người mà tôi và Tiến sĩ Xocolov “ ”(nhất trí!) ngay từ đầu, bởi ông là người có đầu óc mẫn tiệp, am hiểu Truyện Kiều, ngoài tiếng Nga thông thạo, còn sử dụng được tiếng Hán, tiếng Pháp để tham khảo. Theo tiến trình, bản dịch mộc của anh Vũ Thế Khôi sẽ chuyển qua tôi bằng email, tôi cùng dịch giả Đoàn Tử Huyến trao đổi, sau đó, tôi cùng Tiến sĩ Xocolov thống nhất hiệu đính trước khi dịch thành thơ.

Tiến sĩ A. Xocolov, người trước đây đã tham gia cùng chúng tôi dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra tiếng Nga, dạn dày kinh nghiệm và có mối quan hệ rất rộng trong giới văn chương Matxcơva, cùng với tôi suốt 3 tháng trời tìm một nhà thơ ưng ý để dịch ra thơ từ bản dịch nghĩa, nhưng vẫn “mòn con mắt phương trời đăm đăm”.

“Mà lòng đã chắc những ngày một hai”

Tôi và Tiến sĩ A.Xocolov đã đặt hàng nhiều nhà thơ Nga đáng kính bằng cách đưa chừng 50 câu bản dịch nhờ họ chuyển tải ra thơ Nga. Một số người hào hứng dịch, nhưng kết quả thì không như mong đợi; một số người khi được cho hay là cần phải dịch tới 3.254 câu trong vòng một năm thì không dám nhận lời. Lúc bấy giờ đã là tháng 5/2014, chỉ còn đúng 1 năm 1 tháng nữa bản dịch phải hoàn thành để kịp cho lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du cấp quốc gia. Tôi lo đến bạc mặt, vì nếu không tìm được một người dịch thơ thì công trình của chúng tôi giống như người khai thác quặng chưa tinh chế, không thể đưa vào sử dụng.

Số phận đã nở với tôi một nụ cười kín đáo, ấy là khi A. Xocolov tổ chức một cuộc gặp giữa tôi với một chàng trai lãng tử, đẹp như Exenhin! A. Xocolov giới thiệu một cách ngắn gọn: nhà thơ Vaxili Popov, sinh năm 1983, tại thành phố Irkut, hội viên Hội Nhà văn, Thư ký BCH Hội Nhà văn Nga, là tác giả của 5 tập thơ, nhận được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải “Tài năng trẻ Matxcơva”…

Thoạt đầu, như những nhà tổ chức cổ hủ, tôi thầm nghĩ, Vaxili Popov còn quá trẻ, liệu có đủ uy tín, kinh nghiệm, năng lực và quyết tâm để cùng chúng tôi hoàn thành công việc này không? Nhưng một con người khác trong tôi lại nói rằng, với tuổi của Vaxili Popov, A. Puskin đã trở thành một ngôi sao dẫn đầu trên văn đàn Nga thế kỷ XIX; Exenhin, Blok đã là những thi nhân danh tiếng của nền văn học Nga.

Tôi kể cho anh về Việt Nam, nói lên vai trò và ảnh hưởng to lớn của Truyện Kiều đối với văn học và cuộc sống xã hội Việt Nam, tóm tắt nội dung của Truyện Kiều… Mặc dù bận tối mắt vì công việc, vợ mới sinh con và phải tự tay chăm sóc, nhưng anh vẫn nhận lời.

Tôi gửi 100 câu dịch mộc (dịch nghĩa) đầu tiên cho Vaxili Popov dịch và hẹn gặp nhau sau 1 tháng tại Nhà hàng Việt Nam Nems tại phía Nam thành phố Matxcova. Đúng hẹn, anh mang đến cho tôi toàn bộ phần dịch. Cùng với A.Xocolov, chúng tôi ngầm khẳng định với nhau rằng, cụ Nguyễn Du đã phù hộ cho chúng tôi tìm được Vaxili Popov, người đồng hành với chúng tôi trên con đường đưa Truyện Kiều đến với nước Nga.

(Matxcơva, Liên bang Nga)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast